Hà Nội: Năm 2006, tiếp tục huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển

Thứ tư, 04/01/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với 32,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16,34% so với trước, đầu tư nước ngoài FDI tăng gấp gần 7 lần với 1,84 tỷ USD, năm 2005 là năm Hà Nội gặt hái về huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển. Năm 2006, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu nâng tổng vốn đầu tư xã hội lên 38 nghìn tỷ đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, mục tiêu đó nằm trong tầm tay của Hà Nội vì tiềm năng, lợi thế của Thủ đô còn rất lớn nhưng chưa được khai thác triệt để... Nếu các thế mạnh này được phát huy tốt sẽ tạo động lực để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững hơn trong giai đoạn 2006-2010.
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, năm 2005, Hà Nội đã thu được những kết quả khả quan trong huy động tổng lực đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dấu ấn của thành công đó được xuất phát từ chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá để thu hút các nguồn vốn đầu tư trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, với một loạt các cơ chế, chính sách ưu đãi, mời gọi đầu tư, cải cách hành chính trong cấp phép đăng ký kinh doanh, thực hiện bình đẳng giữa các thành phần kinh tế...
Trong 2 năm gần đây, Hà Nội đã có 18 nghìn doanh nghiệp mới đăng ký hoạt động với tổng số vốn lên tới trên 43 nghìn tỷ đồng, riêng năm 2005, số doanh nghiệp đăng ký mới bằng 1,7 lần và số vốn gần gấp 2 lần so với năm 2003.
Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay, công tác xã hội hoá trên các lĩnh vực như giao thông công cộng, vệ sinh môi trường, nâng cấp, tu bổ các di tích lịch sử, công trình văn hoá, y tế... cũng có nhiều chuyển biến tốt, nhất là thành công trong phát hành trên 1000 tỷ đồng trái phiếu xây dựng Thủ đô năm 2005 để xây cầu Vĩnh Tuy. Thành phố đã đấu thầu 6 tuyến xe buýt 3 tuyến đã hoạt động ổn định, huy động vốn doanh nghiệp và dân doanh xây dựng 7 bến xe, điểm đỗ công cộng; đấu thầu xây mới và kinh doanh 5 bến, bãi xe tại các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Ðông Anh. Hiện đã xã hội hoá thu gom và vận chuyển một phần rác thải tại 5 quận Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ... nâng tỷ lệ xã hội hoá thu gom rác thải của thành phố lên 31%. Trong lĩnh vực đầu tư, nếu như năm 2003, Hà Nội chỉ đứng thứ 6 về đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, thì năm 2005, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước với tổng vốn FDI đăng ký mới lên tới 1,84 tỷ USD...
Năm 2006, dự kiến chi cho đầu tư phát triển 7.855 tỷ đồng, riêng chi cho xây dựng cơ bản là 7.696 tỷ đồng phần vốn bố trí cho 4 dự án lớn là cầu Vĩnh Tuy, quốc lộ 5 kéo dài, mở rộng đường Láng- Hoà Lạc và xây cầu Nhật Tân là 4.156 tỷ đồng, chưa kể vốn xây dựng cơ bản từ ngân sách thành phố cho các quận, huyện là 886 tỷ đồng, vốn cho giáo dục 500 tỷ đồng, vốn cho phát triển kinh tế - xã hội huyện Sóc Sơn 58 tỷ đồng và vốn nước ngoài cho thực hiện các dự án ODA là 419 tỷ đồng.
Như vậy, tổng vốn đầu tư xã hội của thành phố năm 2006, dự kiến cần khoảng 38,3 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 32,5 nghìn tỷ đồng, vốn nước ngoài 5,9 nghìn tỷ đồng; vốn đầu tư của các doanh nghiệp khoảng 20,8 nghìn tỷ đồng. Ðây là những con số đòi hỏi có sự nỗ lực, quyết tâm cao từ khâu chỉ đạo, điều hành đến tổ chức thực hiện.
Theo Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Vũ Văn Ninh, để tập trung các nguồn lực đầu tư cho phát triển có hiệu quả, năm 2006, thành phố quan tâm nhiều hơn đến việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng đơn giản hoá các thủ tục hành chính, tăng cường xử lý vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp mà trọng tâm là các lĩnh vực quản lý đầu tư, nhà đất; tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế, chính sách của thành phố, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá, trong đó tập trung vào những lĩnh vực như đấu thầu khai thác 11 tuyến xe buýt, khai thác các điểm đỗ, bến xe; nâng công suất các nhà máy nước Cáo Ðỉnh, Nam Dư, Gia Lâm, xây dựng nhà máy nước ngầm Thượng Cát; khai thác kinh doanh hệ thống mạng cấp nước khu vực tây nam thành phố, quận Hoàng Mai; đấu thầu xây dựng công viên động vật Mễ Trì, khu vui chơi giải trí huyện Sóc Sơn; một số hạng mục thuộc công viên Yên Sở và công viên Tuổi Trẻ; triển khai xây dựng một số bệnh viện dân lập và tư nhân...
Ngoài ra, thành phố cũng đẩy mạnh khai thác nguồn thu, chống thất thu phấn đấu đạt mức thu ngân sách 34,79 nghìn tỷ đồng; phát hành thêm trái phiếu xây dựng Thủ đô khoảng 1000 tỷ đồng, tập trung chỉ đạo thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất ở các quận, huyện, đấu thầu cho thuê nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; rà soát các mục tiêu phát triển, bảo đảm đầu tư đúng trọng tâm, hiệu quả, không dàn trải...

Nguồn tin: Theo Hanoinet, ngày 03/01/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)