Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2020

Thứ tư, 01/03/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 mở rộng cả hai hướng Nam và Bắc sông Hồng vừa được Chính phủ phê duyệt, trong đó có việc mở rộng liên kết với một số tỉnh phía Bắc...

Định hướng quy hoạch thủ đô Hà Nội đến năm 2020, cho thấy: Hướng phát triển về phía Nam sông Hồng, tại khu vực Nam Thăng Long và 5 phường quận Tây Hồ, đến năm 2020 diện tích đất xây dựng đô thị ở đây sẽ khoảng 3.280ha, đủ để tạo điều kiện liên kết với các dự án phát triển đô thị tỉnh Hà Tây. Các dự án trong khu vực gồm có: Khu Công nghiệp Nam Thăng Long; Ciputra - Tây Hồ Tây; các khu xây dựng tập trung, khu trung tâm mới Xuân La.
Khu vực quận Cầu Giấy và khu phát triển mới tới sông Nhuệ đến năm 2020, nhu cầu xây dựng đô thị khoảng 2.586ha. Các dự án trong khu vực này gồm có: Công viên Mễ Trì, Trung tâm thể dục thể thao Mỹ Đình, Khu đô thị mới Trung Yên, Yên Hoà và Saporof.
Khu vực quận Thanh Xuân và khu phát triển mới, đến năm 2020 diện tích đất đô thị khoảng 1.663ha. Các dự án trong khu vực là: Khu công nghiệp Pháp Vân - Cầu Bươu, Trung tâm dịch vụ Linh Đàm.
Khu vực phía Nam đường Minh Khai, nhu cầu đất xây dựng đô thị khoảng gần 2.000ha. Các dự án trong khu vực này bao gồm: Khu công nghiệp Minh Khai, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, công viên Yên Sở, khu dân cư Mai Động…
Còn hướng phát triển về phía Bắc sông Hồng theo quy hoạch nhằm tạo điều kiện cho việc mở rộng và liên kết với các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, là những tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Như vậy, tương lai khu đô thị Bắc sông Hồng sẽ trở thành một trung tâm Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ đồng bộ và hiện đại của thủ đô Hà Nội.
Khu đô thị Bắc sông Hồng được xây dựng theo 3 giai đoạn. Giai đoạn từ 2005 - 2010, tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm; từ 2010 đến 2015, mở rộng phát triển khu đô thị theo hướng sân bay Nội Bài và bám theo 3 trục khu vực Đông Bắc cầu Thăng Long - Nội Bài, tuyến đường 5 kéo dài, trục đường cầu Nhật Tân - quốc lộ 3; giai đạn 2015 - 2020, hoàn thiện cơ cấu không gian toàn bộ khu đô thị.
Tại khu vực phía Bắc cầu Thăng Long, đến năm 2020 đất xây dựng đô thị khoảng 3.850ha. Đây sẽ là khu đô thị mới phát triển tổng hợp nhiều chức năng: Khu công nghiệp tập trung, khu vui chơi giải trí, công viên cây xanh - khu thể dục thể thao, khu dân cư; Trung tâm Tài chính Quốc tế Phương Trạch. Các dự án khu vực, có sân gôn Daeha, Khu công nghiệp Sumitomo, Khu đô thị mới NorBridge. Khu Cổ loa sẽ xây dựng đô thị khoảng 3.246ha. Khu vực Đông Anh, đất xây dựng đô thị khoảng 1.430ha. Chỉ tiêu nhà ở bình quân là 18-20m2/người.
Các khu công nghiệp được khai thác theo 2 hướng với mục tiêu tạo khả năng phát triển kinh tế, liên kết với các khu vực lân cận; cải tạo lại các khu công nghiệp hiện có, sắp xếp cho phù hợp với quy hoạch thành phố. Xây dựng một số khu công nghiệp tập trung như: Khu công nghiệp Sài Đồng A và B, Khu công nghiệp Nam và Bắc Thăng Long, Đông Anh, Sóc Sơn. Cải tạo các khu Đức Giang, Cầu Bươu, Pháp Vân, Cầu Diễn. Dự kiến, đất dành cho công nghiệp khoảng 3.000ha.
Về hệ thống trung tâm công cộng, bao gồm các trung tâm hiện có và phát triển trung tâm mới, như: Trung tâm Thương mại - Tài chính Tây Hồ, Tây Nam Thăng Long, Phương Trạch, Vân Trì, Gia Lâm, Tây Nam Cổ Loa và Xuân Trạch.
Về hệ thống giao thông đường bộ, theo quy hoạch được duyệt, sẽ: Hoàn thành tuyến đường vành đai 3 từ ga Bắc sông Hồng qua cầu Thăng Long, qua Thanh Xuân, qua cầu Thanh Trì, qua sông Đuống tại Trạm Bơm Bốt Vàng, qua cầu Phù Đổng, nối với Yên Viên lên đường 18. Trong tương lai khi tuyến đường vành đai 3 trở thành đô thị sẽ phải mở rộng thêm tuyến đường vành đai 4 qua cầu Thượng Cát theo đường 70, qua ga Việt Hưng và nhập vào đường vành đai 3. Ngoài ra, sẽ xây dựng trục Bắc sông Hồng, ngã ba Cầu Chui - Cầu Đông Trù - Cổ Loa - Bắc Thăng Long. Ngoài 3 cầu hiện có là: Chương Dương, Thăng Long và Long Biên, để giao lưu giữa 2 đô thị bên bờ Bắc và Nam sông Hồng, lần lượt Hà Nội đã và sẽ xây dựng thêm 5 cầu mới, bao gồm: Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Tứ Liên, Thượng Cát.
Như vậy là mươi, mười lăm năm tới, sẽ có một Hà Nội mới tráng lệ hai bên bờ sông Hồng./.

Nguồn tin: Theo VOV, ngày 28/02/2006

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)