Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Thứ năm, 10/08/2023 17:26
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắc do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023 với nội dung kiến nghị:  “Hiện nay mức tiền công, tiền lương, thu nhập của công nhân lao động còn thấp, trong điều kiện giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng cao, chi phí sinh hoạt, chăm sóc con cái khá lớn vì vậy công nhân lao động không có tích lũy để có thể mua đất làm nhà ở. Đề nghị xem xét có chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ bán trả góp hoặc cho công nhân lao động vay vốn ưu đãi lãi suất thấp để mua nhà ở để ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất.’’

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 3581/BXD-QLN trả lời như sau:

(1) Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho công nhân lao động. Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động đến nay đã tạo được hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội (cụ thể như: các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp...).

Tính đến tháng 3/2023, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 294 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn, với tổng diện tích khoảng 14.425.000 m2.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả như nêu trên nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội; vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi; cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp; thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài, ... một số tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ quy định pháp luật về nhà ở xã hội do các chế tài xử lý còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh.

Hiện nay, Chính phủ đang tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo ý kiến của các Đại biểu Quốc hội sau khi lấy ý kiến lần thứ 1 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV. Trong đó, đề xuất sửa đổi các chính sách liên quan đến: quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, bán; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội, ... nhằm khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhà ở xã hội nhằm giảm giá nhà ở xã hội ở mức vừa phải để công nhân lao động có thể tiếp cận mua nhà ở, ổn định cuộc sống.

(2) Về nguồn vốn hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội

Hiện nay có 03 chương trình tín dụng hỗ trợ người mua, thuê mua nhà ở xã hội:

- Hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, có lãi suất vay theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay là 4,8%; thời hạn vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm.

- Gói vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng.

- Ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP, trong đó đã có giải pháp về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được đưa ra với mục tiêu hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện mục tiêu của Đề án 01 triệu căn hộ; thực hiện trong giai đoạn 2023-2030 với đối tượng là chủ đầu tư (để đẩy mạnh nguồn cung), khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua NOXH (để hỗ trợ nguồn cầu) với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất bình quân của các ngân hàng thương mại.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, các Bộ, ngành, địa phương để đôn đốc, hướng dẫn triển khai các gói tín dụng nêu trên.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 3581/BXD-QLN.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)