Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình gửi tới trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV

Thứ ba, 11/01/2022 16:58
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình gửi Thủ tướng Chính phủ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV do Ban Dân nguyện của Quốc hội chuyển đến theo văn bản số 418/BDN ngày 02/11/2021 với các nội dung kiến nghị:

Nội dung kiến nghị số 2 “Các quy định về hoạt động quy hoạch xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý theo quy hoạch được quy định trong Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị có bố cục và nội dung tương đồng. Qua thực tiễn áp dụng luật, cử tri đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét nên đưa các nội dung liên quan đến quy hoạch xây dưng tại 02 Luật này vào một Luật chung để việc quy định, áp dụng luật được thống nhất và dễ hiểu”

Bộ Xây dựng có ý kiến như sau: Để phục vụ công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật lĩnh vực quy hoạch đô thị, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 2378/BXD-QHKT ngày 24/6/2021 gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đề nghị rà soát, tổng kết đánh giá thi hành Luật Quy hoạch đô thị và nội dung quy hoạch xây dựng tại Luật Xây dựng, làm cơ sở để Bộ Xây dựng tổng hợp, xây dựng nội dung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Hiện nay, kế hoạch nghiên cứu, xây dựng dự án Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV – Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nội dung kiến nghị số 3 “Tại Mục 4, Điều 34, Luật Xây dựng năm 2014 quy định: UBND các cấp tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Theo quy định nêu trên, tất cả các quy hoạch chi tiết xây dựng (kể cả các quy hoạch chi tiết có quy mô nhỏ thực hiện theo đúng định hướng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu) phải báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định; việc này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, thời gian lập quy hoạch. Theo đó, cử tri đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét sửa đổi điều luật này theo hướng chỉ nên điều chỉnh, giới hạn phạm vi thực hiện đối với quy hoạch chung trở lên, quy hoạch có tính chất quan trọng, ảnh hưởng lớn, mang tính động lực”

Bộ Xây dựng có ý kiến như sau: Theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh có nhiệm vụ và quyền hạn quyết định quy hoạch xây dựng, do đó việc trình Hội đồng nhân dân cùng cấp trước khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết là cần thiết. Mặt khác những quy hoạch chi tiết mà cơ quan tổ chức lập quy hoạch (từ cấp huyện trở lên) thường là những đồ án có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương, còn đối với các quy hoạch chi tiết khác do cơ quan tổ chức lập quy hoạch là cấp xã hoặc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu vực được giao quản lý hoặc đầu tư không phải thông qua Hội đồng nhân dân. 

Bộ Xây dựng xin ghi nhận kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình để nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị trong thời gian tới.

Nội dung kiến nghị số 4 “Tại Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị quy định trách nhiệm tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch đô thị: Đối với trường hợp đồ án quy hoạch là Quy hoạch chung đô thị thuộc tỉnh, có phạm vi nghiên cứu, lập quy hoạch bao gồm cả địa giới hành chính của đô thị và vùng phụ cận của các địa phương cấp huyện lân cận nên có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của hai huyện trở lên (thuộc dạng quy hoạch chung liên huyện); tuy vậy chưa có quy định rõ trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch thuộc cơ quan nào? Và với đồ án quy hoạch này phải trình HĐND cấp tỉnh hay cấp huyện quyết định trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt? Từ bất cập trên, cử tri đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định này tại Luật Quy hoạch đô thị để các nội dung trên được rõ hơn; hoặc Chính phủ có hướng dẫn cụ thể.”

Bộ Xây dựng có ý kiến như sau: Theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị không có loại “quy hoạch chung liên huyện”. Theo kiến nghị của cử tri có thể được hiểu là quy hoạch chung đô thị mới (phạm vi bao gồm đô thị hiện hữu thuộc tỉnh và một số huyện lân cận). Do đó căn cứ Khoản 2 Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 thì UBND cấp tỉnh là cơ quan tổ chức lập đồ án quy hoạch nêu trên và trình Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi UBND tỉnh phê duyệt đồ án.

Nội dung kiến nghị số 5 “Theo quy định tại Điều 19 và Điều 44 Luật Quy hoạch đô thị thì việc tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực trong khu đô thị mới thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế một số đô thị mới được quy hoạch, trong đó bao gồm cả khu dân cư hiện hữu đã được đầu tư xây dựng và quản lý của các cấp chính quyền địa phương. Vì vậy, để phù hợp với thực tiễn, giảm áp lực về khối lượng công việc cho cơ quan cấp tỉnh, tăng tính chủ động cho chính quyền cấp huyện trong việc chỉnh trang các khu vực hiện hữu thuộc khu đô thị mới, cử tri đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, sửa đổi các quy định trên tại Luật Quy hoạch đô thị theo hướng phân cấp như sau: UBND cấp tỉnh được phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp huyện tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết một số khu vực trong khu đô thị mới”.

Bộ Xây dựng có ý kiến như sau: Đối với các khu vực hiện hữu trong đô thị mới được sự quản lý của chính quyền cấp đô thị, việc UBND cấp tỉnh xem xét, phân cấp, ủy quyền tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết trên cơ sở căn cứ Khoản 8 Điều 21 Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015.

Nội dung kiến nghị số 6 “Tại Điều 53 Luật Quy hoạch đô thị (văn bản hợp nhất) quy định về việc công bố công khai quy hoạch đô thị và tại Điều 42 của Luật Xây dựng quy định hình thức công bố công khai quy hoạch xây dựng; việc quy định hình thức công bố công khai tại 02 Luật như nêu trên là chưa thống nhất. Theo cử tri, đối với các đồ án Quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu thì việc thực hiện công bố công khai quy hoạch theo quy định tại các Điều 53 Luật Quy hoạch đô thị, Điều 42 của Luật Xây dựng là cơ bản hợp lý; tuy nhiên đối với đồ án quy hoạch chi tiết việc thực hiện đầy đủ các hình thức công bố công khai quy hoạch theo quy định tại Điều 53 Luật Quy hoạch đô thị là quá nhiều và phức tạp, gây tốn kém và lãng phí. Từ bất cập trên, cử tri đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội nghiên cứu điều chỉnh quy định về việc công bố công khai quy hoạch để đảm bảo sự thống nhất giữa 02 Luật nói trên và phù hợp với từng loại đồ án quy hoạch”

Bộ Xây dựng có ý kiến như sau: Quy định về các hình thức công bố công khai quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị nhằm mục đích thông tin rộng rãi đến tổ chức, cá nhân có liên quan chịu tác động của quy hoạch, tránh các khiếu kiện, đồng thời góp phần thực hiện quy hoạch theo đúng định hướng, mục đích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ Xây dựng xin ghi nhận kiến nghị của cử tri về vấn đề nêu trên và sẽ nghiên cứu, điều chỉnh trong quá trình dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV – Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 125/BXD-QHKT.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)