Trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ ba, 28/12/2021 16:45
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 8243/VPCP-QHĐP ngày 10/11/2021 của Văn phòng Chính phủ, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh với nội dung kiến nghị:

a) Kiến nghị trình Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật và các chính sách hỗ trợ có liên quan nhằm khuyến khích các doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn quan tâm đầu tư xây dựng các khu nhà trọ và phương tiện đưa đón công nhân.

b) Kiến nghị Chính phủ cần có quy hoạch khu nhà ở, khu lưu trú, ký túc xá tập trung cho công nhân. Hiện nay, phần lớn người lao động, công nhân thuê các nhà trọ tự phát xung quanh vị trí làm việc, số lượng công nhân được tiếp cận với nhà lưu trú do Nhà nước đầu tư còn khá thấp và mới chỉ tập trung vào các khu chế xuất, khu công nghiệp chưa mở rộng ra các khu vực có đông công nhân, người lao động sinh sống. Để giải quyết vấn đề này, các địa phương cần có quỹ đất dành cho việc xây dựng các khu lưu trú công nhân tập trung; có chính sách trợ giá nhà ở, nhà trọ và bình ổn giá nhà trọ cho công nhân.

Về nội dung trên, Bộ Xây dựng đã có công văn 5424/BXD-QLN trả lời như sau:

1. Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân là một trong những vấn đề quan trọng, thường xuyên được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo. Trong những năm qua, hệ thống pháp luật về nhà ở đã ngày càng được hoàn thiện (Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và được điều chỉnh, bổ sung một số điều tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021); nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, khó khăn về nhà ở, trong đó có công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp (cụ thể như: các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp...). Đồng thời, để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động khu công nghiệp, ngày 12/5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” (sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020), theo đó giao Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì thực hiện; các Bộ ngành, địa phương có trách nhiệm tham gia phối hợp; mục tiêu trong giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư thí điểm 01 thiết chế công đoàn; giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu triển khai 50 thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và từ năm 2026 trở đi, phấn đấu tất cả các KCN, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.

Với các chính sách đã ban hành, đến nay trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2 sàn. Trong đó, riêng đối với nhà ở công nhân đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000 m2 sàn.

2. Kết quả phát triển nhà ở xã hội mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở).

Vừa qua một số tồn tại, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội đã được giải quyết tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, còn một số nội dung cần được tháo gỡ như kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh phải được sửa đổi quy định tại Luật Nhà ở và các pháp luật có liên quan.

Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về việc sửa đổi Luật Nhà ở 2014 (Tờ trình số 26/TTr-BXD ngày 10/12/2021), trong đó đã có đề xuất các chính sách riêng đối với nhà công nhân khu công nghiệp, như chính sách ưu đãi khuyến khích, tiêu chuẩn thiết kế, trách nhiệm hỗ trợ nhà ở cho công nhân (nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp) của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động... Bộ Xây dựng, xin ghi nhận các kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Luật nhà ở và các chính sách khác phù hợp với thực tiễn nhằm thúc đẩy, phát triển nhà công nhân trong thời gian tới.

3. Trong thời gian tới, để có nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng đã kiến nghị bổ sung gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, góp phần đảm bảo “mục tiêu kép”: bảo đảm an sinh xã hội – nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân...); thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhà ở và bất động sản.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 5424/BXD-QLN.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)