Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau gửi tới Quốc hội trước Kỳ họp thứ 11

Thứ hai, 24/05/2021 17:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 11 do Ban Dân nguyện chuyển đến theo  công văn số 92/BDN ngày 06/4/2021 với nội dung kiến nghị: Đối với Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ  và Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ: Cử tri kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét có cơ chế, chính sách thực hiện giai đoạn tiếp theo; tăng mức hỗ trợ cho các đối tượng được thụ hưởng, vì đặc thù của địa phương vùng sâu, vùng xa, biến đổi khí hậu, chi phí cao; tăng mức cho vay từ 25 triệu đồng lên 50 triệu đồng đối với hỗ trợ nhà ở hộ nghèo”.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 1841/BXD-QLN trả lời như sau:

I. Đối với Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ

1. Cơ sở để xác định mức hỗ trợ của các chính sách nhà ở nói chung cũng như Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở (sau đây gọi tắt là Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg) nói riêng được căn cứ vào điều kiện khả năng ngân sách của đất nước trong từng giai đoạn. Theo tính toán tại thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg thì mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho người có công với cách mạng để xây mới (40 triệu đồng/hộ) hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở (20 triệu đồng/hộ) là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; mức kinh phí hỗ trợ này cao hơn mức kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cho các hộ gia đình theo chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tại khu vực nông thôn (theo quy định của Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 thì mỗi hộ gia đình được vay 25 triệu đồng với lãi suất 3%/năm trong 15 năm và có 05 năm ân hạn).

Theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg thì ngoài việc được hỗ trợ với mức kinh phí từ ngân sách nhà nước nêu trên thì còn được huy động từ nhiều nguồn khác để thực hiện như: hỗ trợ từ ngân sách địa phương, cộng đồng, dòng họ, hộ gia đình tham gia đóng góp (bằng nhân công, tiền, vật liệu...) và hộ gia đình người có công với cách mạng tự tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà ở. Đồng thời, theo Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg thì Sở Xây dựng các địa phương có trách nhiệm thiết kế tối thiểu 03 mẫu nhà ở điển hình, kèm theo dự toán kinh phí đầu tư xây dựng, dự trù vật liệu chủ yếu, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương để các hộ gia đình áp dụng cho phù hợp với điều kiện kinh tế của từng hộ.

Trong điều kiện kinh tế của đất nước còn khó khăn như hiện nay, cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội thì sau khi hoàn thành hỗ trợ, nhà ở của các hộ gia đình người có công đều cơ bản đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn "3 cứng" (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), chất lượng và diện tích theo quy định tại Thông tư số 09/2013/TT-BXD.

Hiện nay, việc thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg đã kết thúc, việc hỗ trợ đạt kết quả như sau:

Theo số liệu Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm tra tính đến ngày 31/5/2017 có tổng số 393.707 hộ (gồm 184.695 hộ xây mới và 209.012 hộ sửa chữa) thuộc diện được hỗ trợ nhà ở. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân (không còn nhu cầu hỗ trợ, không đúng đối tượng, điều kiện, đã chuyển đi nơi khác…), các địa phương đã loại khỏi Đề án đã thẩm tra khoảng 42.900 hộ nên số liệu thực tế của cả nước chỉ còn khoảng 350.800 hộ thuộc diện được hỗ trợ.

Theo báo cáo của các địa phương, tính từ đầu chương trình đến thời điểm kết thúc thực hiện chính sách (ngày 31/12/2019), cả nước đã hoàn thành hỗ trợ cho 338.250 hộ đạt tỷ lệ 96,42% so với số liệu thực tế.

Bộ Xây dựng đang tổng hợp báo cáo tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách của các địa phương trên cả nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Ngày 09/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2021). Theo đó, Pháp lệnh giao Bộ Xây dựng có trách nhiệm căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, hiện trạng nhà ở của người có công với cách mạng để nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách mới về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngày 06/4/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 2408/VPCP-KGVX về việc triển khai thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó có quy định về hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp với cơ quan chủ trì, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và hiện trạng nhà ở của người có công với cách mạng để nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách về hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

II. Đối với Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015

Theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg) thì hộ gia đình thuộc diện đối tượng theo quy định của Quyết định này có nhu cầu vay vốn, được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở; lãi suất vay 3%/năm; thời hạn vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm; thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay. Bên cạnh mức cho vay ưu đãi nêu trên thì còn có sự tham gia đóng góp của gia đình, dòng họ và cộng đồng để các hộ gia đình có thể xây dựng một ngôi nhà có diện tích tối thiểu 24m2, tuổi thọ trên 10 năm, có giá thành xây dựng khoảng 40 triệu đồng.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân cải thiện nhà ở, ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, vươn lên thoát nghèo, Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg cũng quy định Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương chủ động cân đối, bố trí một phần ngân sách cũng như kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tham gia để giúp đỡ các hộ nghèo xây dựng nhà ở, nêu cao tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ngoài ra, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đang tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tích cực vận động tạo thêm nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở.

Chương trình hỗ trợ này được thực hiện đến hết năm 2020 và đã hỗ trợ được 117.624/236.477 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở đạt tiêu chuẩn “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), đạt tỷ lệ khoảng 50%. Kết quả đạt được còn thấp chủ yếu là do mức vay 25 triệu đồng được quy định từ năm 2015 đến nay đã không đủ để người dân làm nhà. Đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa có địa hình phức tạp, khó khăn do chi phí nhân công, vận chuyển vật liệu cao... dẫn đến giá thành xây dựng nhà ở tăng cao từ 2 đến 3 lần so với mức được vay. Chương trình cũng không còn khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Trung ương nên không hấp dẫn được người dân tham gia như giai đoạn 1 (theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ).

Mặc dù còn một số hạn chế, nhưng nhìn chung, kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cũng như làm thay đổi diện mạo nông thôn. Chính sách này đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của đa số các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo.

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 750/VPCP-CN ngày 29/01/2021 thông báo ý kiến chỉ đạo củaPhó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong đó giao:“Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, trên cơ sở đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ để phù hợp với thực tế triển khai thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ” và văn bản số 2170/VPCP-CN ngày 30/3/2021, trong đó giao: “Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp  các bộ và địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách cho các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trong giai đoạn 2021-2025 phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước”.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, hiện nay Bộ Xây dựng đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách mới cho Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng  nhà ở giai đoạn 2021-2025 theo hướng nâng mức cho vay và có hỗ trợ trực tiếp một phần từ ngân sách Trung ương để tăng tính hấp dẫn, khả thi cho các chương trình, giúp các hộ nghèo có chỗ ở an toàn, ổn định, nhất là đối với các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1841/BXD-QLN.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)