Trả lời kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh

Thứ ba, 22/09/2020 16:08
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh kèm theo văn bản số 288/BDN ngày 24/7/2020 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội.  với các nội dung kiến nghị như sau:

Câu số 7 và Câu số 16:

7. Đề nghị nghiên cứu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách ưu đãi thuế, đối với: Dự án nhà ở thương mại giá thấp được giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và Dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê (100% căn hộ dùng để cho thuê) được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, để thống nhất với điểm b, khoản 1, Điều 58 Luật Nhà ở và Khoản 2, Điều 9 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.

16. Đề nghị cơ chế chính sách hỗ trợ để phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp. Quy hoạch các khu vực đô thị để phát triển các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại giá thấp, hình thành các khu đô thị, khu dân cư có các loại nhà ở vừa túi tiền, nhưng có đầy đủ các hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, các tiện ích, dịch vụ, thân thiện môi trường. Trong đó, cho phép tỷ lệ căn hộ nhỏ cao hơn. Tích hợp và kết nối các hình thức giao thông đô thị (TOD), tạo thuận lợi cho cư dân đi lại, làm việc, sinh sống. Có chính sách được chậm nộp, hoặc được giảm tiền sử dụng đất tùy theo loại dự án nhà ở thương mại giá thấp, như được tạm hoãn chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong vòng đời của dự án nhà ở thương mại cho thuê giá thấp. Có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng còn 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10%. Riêng, đối với loại nhà ở xã hội chỉ để cho thuê và loại nhà ở thương mại chỉ để cho thuê giá thấp, thì được giảm đến 70% thuế suất. Có chính sách tín dụng ưu đãi đối với các dự án nhà ở thương mại giá thấp, và đối với người mua nhà, thuê mua nhà ở thương mại giá thấp, đặc biệt là người trẻ mua căn nhà đầu tiên và được thế chấp bằng chính căn nhà mua. Đề nghị xem xét áp dụng lãi suất cho vay thương mại thấp hơn khoảng 20-25% so với lãi suất thông thường. Có quy trình rút gọn về đầu tư và cấp Giấy phép xây dựng, để tạo điều kiện sớm triển khai thực hiện dự án nhà ở thương mại giá thấp.

Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

(1) Đối với kiến nghị về cơ chế chính sách hỗ trợ để phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp.

Ngày 29/5/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trong đó giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp, trình Chính phủ trong quý III năm 2020. Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

(2) Đối với kiến nghị về quy hoạch các khu vực đô thị để phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp, hình thành các khu đô thị, khu dân cư có các loại nhà ở vừa túi tiền, nhưng có đầy đủ các hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, các tiện ích, dịch vụ, thân thiện môi trường, trong đó cho phép tỷ lệ căn hộ nhỏ cao hơn:

Việc phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp, hình thành các khu đô thị, khu dân cư có các loại nhà ở vừa túi tiền,... được căn cứ trên cơ sở các quy hoạch đô thị (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết) được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với Chương trình phát triển nhà ở Thành phố đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Liên quan đến việc quy định tỷ lệ căn hộ nhỏ, ngày 31/12/2019 Bộ Xây dựng đã có Thông tư số 21/2019/TT-BXD ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư, trong đó quy định nhà chung cư phải thiết kế, xây dựng phù hợp kế hoạch, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; căn hộ chung cư phải có tối thiểu một phòng ở và một khu vệ sinh, diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ chung cư không nhỏ hơn 25m2; đối với dự án nhà ở thương mại, phải đảm bảo tỷ lệ căn hộ chung cư có diện tích nhỏ hơn 45m2 không vượt quá 25% tổng số căn hộ chung cư của dự án.

(3) Đối với kiến nghị về chính sách ưu đãi thuế đối với dự án nhà xã hội chỉ để cho thuê và dự án nhà ở thương mại giá thấp:

Luật Nhà ở 2014 (điểm b khoản 1 Điều 58) và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (khoản 2 Điều 9) đã có quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định của pháp luật về thuế; trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê thì được ưu đãi hơn so với trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, thuê mua (được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp).

Tuy nhiên thực tế hiện nay chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho thuê chưa được hưởng ưu đãi này do pháp luật về Thuế chưa có loại hình “dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê” và “dự án nhà ở thương mại giá thấp” mà chỉ có quy định thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở (điểm q khoản 2 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008) và thuế suất 10% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng quy định tại Điều 53 của Luật Nhà ở (điểm b khoản 2 Điều 13 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03/6/2008).

Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến nêu trên của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh để phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội và khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành trong thời gian tới.

Câu số 8: Đề nghị bãi bỏ quy định tại Khoản 2 Điều 33 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, để cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội được cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay ưu đãi, theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Điều 15 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.

Bộ Xây dựng xin trả lời như sau: Ngày 09/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020, trong đó Bộ Xây dựng được giao nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV năm 2020 theo trình tự thủ tục rút gọn.

Bộ Xây dựng xin ghi nhận kiến nghị nêu trên để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành trong thời gian tới.

Câu số 9: Đề nghị quy định khoản tiền đặt cọc thuê nhà ở xã hội bằng 1-3 tháng tiền thuê nhà, như thông lệ ngoài xã hội để giảm bớt gánh nặng cho người thuê nhà ở xã hội và sửa đổi, bổ sung khoản 6, Điều 21 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, như sau: “Người thuê nhà ở xã hội có trách nhiệm nộp trước cho bên cho thuê nhà một khoản tiền đặt cọc theo thỏa thuận của hai bên, nhưng tối đa không vượt quá 03 tháng, tối thiểu không thấp hơn 01 tháng tiền thuê nhà ở để đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ của người thuê nhà”.

Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến trên của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, để nghiên cứu, tiếp thu và đề xuất quy định nêu trên trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (dự kiến trình Chính phủ vào Quý IV/2020).

Câu số 10: Đề nghị quy định quyền của người mua, thuê mua nhà ở xã hội là được bán, chuyển nhượng nhà ở xã hội sau khi đã nhận nhà và cư ngụ trong thời hạn tối thiểu 05 năm.

Bộ Xây dựng xin trả lời như sau: Liên quan đến nội dung này, pháp luật về nhà ở (Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội) đã có các quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người mua, thuê mua nhà ở xã hội, cụ thể là:

(1) Tại khoản 4, khoản 5 Điều 62 Luật Nhà ở 2014 quy định: Bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở; trường hợp trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân; được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau thời hạn 05 năm, kể từ khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế.

(2)  Tại khoản 4 Điều 19 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP có quy định: Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua; chỉ được phép bán lại sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Trong thời hạn chưa đủ 05 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu bên mua hoặc thuê mua có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội thì chỉ được bán lại cho Nhà nước (trong trường hợp thuê mua nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư) hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội (trong trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách) hoặc bán lại cho đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở, với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Câu số 11: Đề nghị sử dụng quỹ đất công, thực hiện đấu giá các mặt bằng có vị trí đắc địa, để tạo vốn phát triển quỹ đất nhà ở xã hội; và phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam để thực hiện thiết chế nhà ở công đoàn cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp.

Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

(1) Về kiến nghị sử dụng quỹ đất công, thực hiện đấu giá các mặt bằng có vị trí đắc địa, để tạo vốn phát triển quỹ đất nhà ở xã hội:

Liên quan đến quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, pháp luật về nhà ở đã có quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành quỹ đất ở để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (khoản 5 Điều 13, Điều 15, khoản 2 Điều 16, khoản 3 Điều 54, khoản 1 và khoản 3 Điều 56 Luật Nhà ở; khoản 2 và 3 Điều 3, khoản 1, 2, 3, 4 Điều 5, Điều 6, khoản 2 Điều 30 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP).

Đồng thời, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ cũng có quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh, bổ sung quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị của địa phương; thu hồi quỹ đất thuộc các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới đã giao cho các chủ đầu tư, nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm so với tiến độ đã phê duyệt, quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới nhưng chưa sử dụng để giao cho các chủ đầu tư có nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (khoản 2 Điều 30).

Liên quan đến nội dung kiến nghị của cử tri về sử dụng quỹ đất công, thực hiện đấu giá các mặt bằng có vị trí đắc địa để tạo vốn phát triển quỹ đất nhà ở xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đất đai và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công do vậy, đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh liên hệ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính để được xem xét, trả lời theo đúng thẩm quyền.

(2) Về kiến nghị phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam để thực hiện thiết chế công đoàn nhà ở công đoàn cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp:

Ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và giao cho Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì thực hiện, các Bộ ngành, địa phương có trách nhiệm tham gia phối hợp.

Theo Quyết định số 655/QĐ-TTg, Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao: chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; phê duyệt thiết kế mẫu, thiết kế điển hình về nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao của thiết chế công đoàn; nghiên cứu ban hành bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở cho công nhân; nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng vật liệu mới.

Ngày 20/6/2017, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 566/QĐ-BXD để phân công các đơn vị chuyên môn trực thuộc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao nêu trên.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (Ban quản lý dự án Thiết chế công đoàn) để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở công nhân phục vụ đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến nêu trên của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong quá trình sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Câu số 12: Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, theo hướng không cần thiết quy định lợi nhuận định mức dự án nhà ở xã hội, Nhà nước chỉ nên tập trung quản lý về quy hoạch, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án và kiểm soát, khống chế giá bán nhà ở xã hội của dự án.

Bộ Xây dựng xin trả lời như sau: Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì lợi nhuận định mức chỉ áp dụng khi xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng, theo đó lợi nhuận định mức nằm trong cơ cấu giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội và phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định (Điều 61 Luật Nhà ở năm 2014); mức lợi nhuận định mức thực hiện theo quy định của Chính phủ, cụ thể là : Lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án nhà ở xã hội không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư đối với giá bán, 15% đối với giá cho thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội (khoản 1, 2, 3 Điều 21 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội) và giá bán, giá thuê mua, giá cho thuê nhà ở xã hội phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án nhà ở thẩm định trước khi công bố.

Các quy định nêu trên cùng với các ưu đãi cho chủ đầu tư nhằm mục tiêu kiểm soát giá bán nhà ở xã hội không vượt quá khả năng chi trả của các đối tượng có thu nhập thấp, tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp được tiếp cận nhà ở; đồng thời, khuyến khích chủ đầu tư tham gia đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội (có khoản lợi nhuận nhất định).

Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến nêu trên của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở theo Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội trong thời gian tới.

Câu số 13: Đề nghị bãi bỏ quy định tại khoản 4, khoản 5 của Điều 62 Luật Nhà ở và khoản 4, khoản 5 của Điều 19 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, không quy định “bên bán căn hộ nhà chung cư phải nộp cho Nhà nước 50% giá trị tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó; trường hợp bán nhà ở xã hội thấp tầng liền kề phải nộp 100% tiền sử dụng đất, tính theo giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tại thời điểm bán nhà ở”, để cho bên bán nhà được hưởng đầy đủ chính sách phúc lợi nhà ở xã hội một lần trong đời. Trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an sinh xã hội, tránh việc trục lợi chính sách, thì có thể xem xét cho phép áp dụng chính sách không thu tiền sử dụng đất khi bán nhà ở xã hội đối với những trường hợp đã sử dụng nhà ở xã hội tối thiểu 10 năm kể từ ngày được nhận nhà và đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bộ Xây dựng xin ghi nhận kiến nghị nêu trên của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở trong thời gian tới.

Câu số 14 và Câu số 15:

14. Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 53 Luật Nhà ở theo hướng cho phép doanh nghiệp được đầu tư phát triển nhà ở xã hội dạng phòng trọ, nhà trọ để cho thuê, như sau: “3. Hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên diện tích đất ở hợp pháp của mình; Doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên diện tích đất ở hợp pháp của mình để cho thuê”.

15. Đề nghị Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2016/TT-BXD theo hướng cho phép doanh nghiệp được đầu tư phát triển nhà ở xã hội dạng phòng trọ, nhà trọ để cho thuê, để khuyến khích các hộ kinh doanh cho thuê chuyển thành doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng xin trả lời như sau: Việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (kể cả loại hình nhà ở xã hội để cho thuê) của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân (bằng nguồn vốn ngoài ngân sách) đã được quy định khá đầy đủ và cụ thể tại Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Thông tư số 20/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Thông tư số 21/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư.

Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến nêu trên của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét khi thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2016/TT-BXD theo thẩm quyền của Bộ Xây dựng trong thời gian tới.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 4611/BXD-QLN.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)