Triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) năm 2022, UBND tỉnh Long An yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai đồng bộ, tập trung giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Long An xác định, năm 2022 tỉnh lấy CCHC là nhiệm vụ trọng tâm thực hiện (Ảnh minh họa: Tường Vy)
Báo cáo từ tỉnh Long An cho biết, năm 2022, tỉnh xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế để cải thiện và nâng cao điểm số xác định Chỉ số PAR INDEX trên tất cả các lĩnh vực theo Bộ Chỉ số do Bộ Nội vụ ban hành; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ CCHC tại địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch CCHC năm 2022 để tập trung lãnh đạo, điều hành.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã thực hiện hoàn thành 32/45 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 71,11% (14 nhiệm vụ hoàn thành 100%, 17 nhiệm vụ hoàn thành theo phân kỳ), các nhiệm vụ còn lại tiếp tục thực hiện theo tiến độ đề ra.
Đến nay, số lượng thủ tục được công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh là 1.778 TTHC; trong đó, cấp tỉnh là 1.432 TTHC, cấp huyện là 249 TTHC, cấp xã là 122 TTHC; TTHC của cơ quan hành chính nhà nước thuộc ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh được đưa vào Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND cấp xã.
Các sở, ngành, đơn vị và UBND huyện, thị xã, thành phố đã tập trung triển khai thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Long An; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó ưu tiên tích hợp các dịch vụ công thiết yếu theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Bên cạnh đó, tỉnh Long An xây dựng Kho cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh và Cổng dữ liệu mở của tỉnh (https://data.longan.gov.vn) khánh thành vào ngày 26/5/2022; thành lập Tổ công tác 55 và triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Đưa vào vận hành nền tảng số “Long An Số” và Hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị (Tổng đài 1022) là kênh tương tác giữa chính quyền với người dân; giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, sử dụng các nền tảng số (thanh toán trực tuyến; tiếp cận thương mại điện tử, mua hàng qua mạng, sử dụng các dịch vụ y tế, giáo dục,….) phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, khuyến khích cán bộ công chức viên chức, người dân cài đặt và sử dụng.
Đặc biệt, hiện Long An triển khai Kế hoạch thí điểm chuyển đổi số cấp xã cho 03 đơn vị cấp xã Dương Xuân Hội (huyện Châu Thành), thị Trấn Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc), Phường 4 (TP Tân An). Tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức rà soát chấn chỉnh những hạn chế trong sử dụng các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, bàn giao các sản phẩm phục vụ chuyển đổi số cấp xã.
Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 90 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 1.540 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đảm bảo duy trì cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4. Đã kết nối nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia - Paygov (kết nối với các Trung gian thanh toán ViettelPay, VNPTPay, Ngân Lượng, Payoo).
Người dân tỉnh Long An quét mã QR thực hiện thanh toán (Ảnh: Minh Đức)
Trong 6 tháng đầu năm 2022, có trên 80.904 hồ sơ nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (tăng 1,3 lần so với cùng kỳ), đạt 32,4% số hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết (đối với dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ). Triển khai kết nối 383 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng dịch vụ công quốc gia (gồm 90 dịch vụ mức độ 3 và 293 dịch vụ mức độ 4, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ), đồng thời tích hợp dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính các TTHC đất đai của hộ gia đình, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước, đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử có ký số cấp tỉnh và huyện đạt 99,82%.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bùi Nguyên Khởi, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, do đó, cần có sự tăng cường, nâng cao nhận thức người dân; từng bước chuyển từ chính quyền điện tử sang chính quyền số.
Trước mắt, việc cơ bản cần thực hiện là mỗi hộ dân cần có thêm địa chỉ số nhằm phục vụ lưu trữ, phát triển thương mại điện tử. Đối với việc ứng dụng kinh tế số, giúp nông dân tạo nhãn hiệu hàng hóa để đưa sản phẩm lên sàn giao dịch, truy xuất nguồn gốc; thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi số. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển hạ tầng xã hội số; hướng đến y tế, giáo dục thông minh; thanh toán không dùng tiền mặt…/.