Nghiệm thu đề tài biên soạn TCVN “Đất xây dựng - Phân loại”

Thứ tư, 09/10/2019 16:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 9/10/2019, Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng tổ chức cuộc họp nghiệm thu Đề tài biên soạn tiêu chuẩn TCVN “Đất xây dựng - phân loại”, do Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Viện IBST) thực hiện. Chủ tịch Hội đồng, Vụ trưởng Vụ KHCN và môi trường (Bộ Xây dựng), PGS.TS Vũ Ngọc Anh - chủ trì cuộc họp.

Toàn cảnh cuộc họp

Trình bày tóm tắt Báo cáo thuyết minh đề tài, ThS. Nguyễn Thị Thanh Thủy - Chủ nhiệm đề tài cho biết, hiện nay Việt Nam có 2 TCVN về phân loại đất, gồm: TCVN 5747:1993: Đất xây dựng - Phân loại và TCVN 8219:2009: Đất xây dựng - Công trình thủy lợi - Phân loại (Tiêu chuẩn này áp dụng riêng cho ngành Thủy lợi). Trong đó, TCVN 5747:1993 được biên soạn trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn ASTM, đến nay đã xuất hiện một số bất cập khi quy định về cỡ hạt để phân loại không còn phù hợp với các thí nghiệm thành phần hạt; tiêu chuẩn này thực hiện phân loại theo biểu đồ Casagrander, theo quan hệ bản đồ giữa giới hạn chảy về chỉ số dẻo, giới hạn chảy được xác định theo phương pháp Casagrander. Trong khi đó, các tiêu chuẩn thiết kế nền nhà và móng cọc ở nước ta hiện nay đang áp dụng theo hệ thống tiêu chuẩn Nga nên các tên gọi và chỉ số liên quan đến phương pháp xác định giới hạn chảy là bằng thả chùy Vaxiliep. TCVN về phương pháp xác định giới hạn chảy cho các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp cũng đang sử dụng phương pháp thả chùy Vaxiliep. Như vậy, trên thực tế, TCVN 5747:1993 không còn áp dụng và cũng không phù hợp với hệ thống TCVN hiện nay. Vì vậy, việc biên soạn một tiêu chuẩn mới thay thế tiêu chuẩn này là đặc biệt cần thiết.

Dự thảo TCVN “Đất xây dựng - Phân loại” được xây dựng trên cơ sở biên dịch tiêu chuẩn của Nga là Gost 25100-2011, có sự tham khảo TCVN 5747:1993; tiêu chuẩn ISO 14688:Part 1 - Nhận dạng và mô tả đất; tiêu chuẩn ISO 14688:Part 2 - Nguyên tắc phân loại; tiêu chuẩn ISO 14689 - Nhận dạng và phân loại đá và tham khảo một số tiêu chuẩn, tài liệu trong nước và quốc tế có liên quan. Nội dung dự thảo tiêu chuẩn bao gồm các phần: Phạm vi áp dụng; tài liệu viện dẫn; thuật ngữ và định nghĩa; các nguyên tắc chung của phân loại đất xây dựng; các đơn vị và nguyên tắc phân loại; các nhóm hạt đất; nhận dạng và gọi tên đất xây dựng; phân loại đất xây dựng; các phụ lục và bảng biểu, hình vẽ minh họa.

Tại cuộc họp, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng đã đóng góp ý kiến cho nhóm tác giả để hoàn thiện báo cáo, kiến nghị đổi tên tiêu chuẩn thành “Đất đá xây dựng - Phân loại” cho phù hợp với nội dung dự thảo tiêu chuẩn và phù hợp thực tế; rà soát, sử dụng chính xác và thống nhất các thuật ngữ chuyên ngành; xem lại một số bảng biểu, hình vẽ đảm bảo chính xác, hợp lý hơn đồng thời chỉnh sửa, biên tập một số lỗi đánh máy.

Kết luận cuộc họp, PGS. TS Vũ Ngọc Anh đánh giá nhóm nghiên cứu đã đầu tư nhiều thời gian, công sức thực hiện và hoàn thành đề tài theo nhiệm vụ được giao, phương pháp thực hiện có tính khoa học, hợp lý, có sự tham khảo từ nhiều tiêu chuẩn, tài liệu khác nhau. Báo cáo thuyết minh tổng kết đề tài và dự thảo tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng, song phải chú ý sử dụng đồng nhất các tên gọi, thuật ngữ chuyên ngành.

PGS. TS Vũ Ngọc Anh tổng hợp các ý kiến đóng góp của các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng, đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện Báo cáo thuyết minh và dự thảo TCVN “Đất xây dựng - Phân loại”, sớm trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.

Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu đề tài biên soạn TCVN “Đất xây dựng - Phân loại”, với kết quả đạt loại Khá.


Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)