Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của tường chèn tới hệ kết cấu khung bê tông cốt thép chịu động đất được thiết kế theo quan niệm hiện đại”

Thứ tư, 09/12/2020 14:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 8/12/2020, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng tổ chức cuộc họp đánh giá, nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của tường chèn tới hệ kết cấu khung bê tông cốt thép chịu động đất được thiết kế theo quan niệm hiện đại”, do nhóm nghiên cứu Đại học Xây dựng Miền Trung thực hiện. TS. Lê Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường chủ trì cuộc họp.

Toàn cảnh cuộc họp

Báo cáo với Hội đồng, TS. Phan Văn Huệ - chủ nhiệm đề tài nêu rõ: Hệ kết cấu khung bê tông cốt thép (BTCT) được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Ở các hệ kết cấu này thường có các tường chèn bằng các loại vật liệu khác nhau. Quan sát hiện trường sau khi có động đất cho thấy tường chèn có ảnh hưởng lớn tới phản ứng của hệ khung bao quanh.

Hiện nay, các tiêu chuẩn thiết kế kháng chấn của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có TCVN 9386:2012 của Việt Nam đều thừa nhận ảnh hưởng quan trọng của các tường chèn tới ứng xử tổng thể và cục bộ của hệ kết cấu khung; song việc xét tới ảnh hưởng này trong thiết kế còn mâu thuẫn, thiếu rõ ràng, chưa đầy đủ, thể hiện những bất cập còn tồn tại trong nghiên cứu hệ kết cấu khung chèn. Vì vậy, đề tài có ý nghĩa khoa học - thực tiễn cao, phù hợp với xu thế nghiên cứu hiện nay. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ đóng góp vào thiết kế kháng chấn cho các công trình khung BTCT chịu động đất, khắc phục những hạn chế trong các tiêu chuẩn thiết kế kháng chấn hiện nay, cải thiện độ an toàn của kết cấu, trong bối cảnh nhu cầu xây dựng các nhà khung vẫn rất lớn, trong khi đó tác động từ động đất rất khó lường.

Theo TS. Phan Văn Huệ: mục tiêu của đề tài nhằm nghiên cứu thiết lập mô hình ứng xử phi tuyến của các tường chèn trong khung và sử dụng mô hình này để xác định ứng xử của hệ khung chèn dưới tác động động đất; làm rõ ảnh hưởng của tường chèn tới cơ cấu phá hoại khung BTCT, thiết lập được điều kiện kiểm soát cơ cấu phá hoại khung và đề xuất phương pháp thiết kế khung BTCT có xét tới tương tác với tường chèn; đề xuất phương pháp xác định trực tiếp lực tương tác khung - tường chèn và phương pháp thiết kế cột khung BTCT chịu cắt có xét tới lực tương tác này, từ đó thiết lập quy trình thiết kế kết cấu khung BTCT chịu động đất có xét tới tương tác với tường chèn.

Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp nghiên cứu lý thuyết kết hợp phân tích mô phỏng số, đồng thời sử dụng các kết quả nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm đã được công bố của các tác giả trong và ngoài nước để xác định và kiểm chứng các kết quả nghiên cứu thu được.

Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng đánh giá cao tính cấp thiết của đề tài, sự nghiêm túc, đầu tư nhiều thời gian công sức để thực hiện của nhóm nghiên cứu. Đề tài đã bao quát đầy đủ các nội dung liên quan đến ảnh hưởng của tường chèn đối với hệ khung BTCT, truyền tải lượng kiến thức khoa học rất lớn trong lĩnh vực thiết kế kháng chấn. Nhóm nghiên cứu  cũng tổng quan tương đối đầy đủ các nghiên cứu trong nước và trên thế giới liên quan đến nội dung cần nghiên cứu, từ đó đề xuất được mô hình có tính chính xác cao, được kiểm nghiệm bằng số liệu thực nghiệm, đóng góp thiết thực cho việc tính toán và thiết kế kháng chấn nhà nhiều tầng sử dụng kết cấu khung chịu lực. Sản phẩm đề tài đầy đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng, báo cáo tổng kết đề tài có bố cục chặt chẽ, hợp lý.

Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đóng góp một số ý kiến để nhóm nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm của đề tài. Theo các thành viên Hội đồng, nội dung nghiên cứu khá phức tạp, liên quan đến nhiều yếu tố cần phải được xem xét một cách phù hợp trong quá trình thiết kế kết cấu, và cần được tiếp tục nghiên cứu phát triển.

Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu đề tài của trường Đại học Xây dựng Miền Trung, với kết quả đạt loại Khá.

Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)