Lồng ghép quy hoạch không gian ngầm trong quy hoạch đô thị

Thứ ba, 07/11/2023 16:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Tại Việt Nam, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng hiện nay đang đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước nhiều vấn đề khó giải quyết. Quỹ đất bề mặt tại các đô thị trong cả nước, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…ngày càng cạn kiệt, dẫn tới tình trạng xây dựng đô thị thiếu quy củ, giao thông tắc nghẽn, ngập úng, các khu vực chức năng đô thị, các khu sinh thái ngày càng bị thu hẹp… Một nguyên nhân quan trọng là do các cơ quan quản lý đô thị thường chỉ tập trung phát triển trên bề mặt mà chưa coi trọng khai thác, sử dụng và phát triển không gian ngầm đô thị. Công trình ngầm thường phát triển sau sự phát triển của các công trình trên mặt đất, đô thị càng hiện đại, không gian ngầm càng khai thác nhiều hơn và sâu hơn. Song cho đến nay sự phát triển không gian ngầm đô thị ở nước ta chưa đồng bộ, chưa có sự tham gia liên ngành. Thêm vào đó, kinh nghiệm trong quy hoạch, xây dựng và phát triển không gian ngầm, đô thị ngầm còn thiếu và hạn chế. Thực tế, các đô thị mới chỉ tập trung đầu tư, xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị. Không gian giao thông ngầm mới chỉ quan tâm tới một số công trình bãi đỗ xe ngầm, hầm giao thông qua nút, hầm cho người đi bộ. Còn các công trình công cộng ngầm, tàu điện ngầm… mới bước đầu hình thành tại các đô thị lớn, còn lại cơ bản chưa được đầu tư và khai thác sử dụng.

1. Đặt vấn đề

Các quy định pháp lý và kỹ thuật về không gian ngầm, công trình ngầm đã được các cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam xây dựng và ban hành, tuy nhiên vẫn còn thiếu, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch ngầm. Đặc biệt là còn ít coi trọng ý nghĩa của đô thị ngầm, không gian ngầm, công trình ngầm với công tác phòng thủ dân sự, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Hệ thống các văn bản quy định về công tác quy hoạch, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trong đó có những  nội dung liên quan đến công tác quy hoạch không gian ngầm đã được ban hành, cụ thể là: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14, Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Luật quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12, Luật Đất đai số 45/2013/QH13. Trong đó các nội dung có liên quan trực tiếp đến quy hoạch không gian ngầm chủ yếu nằm trong các quy định của Luật Xây dựng (với việc đề cập đến khái niệm công trình ngầm) và Luật Quy hoạch đô thị (với việc đề cập đến khái niệm không gian ngầm và việc gắn quy hoạch không gian ngầm vào trong quy hoạch đô thị), các đề xuất về sửa đổi Luật đất đai đang trình Quốc hội cũng đã có những đụng chạm đến vấn đề quản lý và khai thác sử dụng quỹ đất xây dựng không gian ngầm. Tuy nhiên, hầu hết các văn bản luật không đề cập sâu đến vấn đề không gian ngầm và quy hoạch không gian ngầm. Các nghị định hướng dẫn đi kèm như Nghị định 37/2010/NĐ-CP, Nghị định 44/2016/NĐ-CP và Nghị định 72/2019/NĐ-CP cũng chỉ mới đưa ra yêu cầu về việc xác định các khu vực dự kiến xây dựng công trình ngầm. Nghị định 39/2010/NĐ-CP là nghị định riêng được ban hành để phục vụ cho việc quản lý không gian xây dựng ngầm, trong đó đã xác định rõ nội hàm của công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý không gian xây dựng ngầm, xác định công trình ngầm đô thị là những công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm, các công trình đầu mối kỹ thuật ngầm và phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất, công trình đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật ngầm, hào và tuy nen kỹ thuật.

Trong nghị định đã dành hẳn một chương để quy định về công tác Quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị, là cơ sở cho việc triển khai công tác Quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên về các chỉ tiêu kỹ thuật thì mặc dù đã được hệ thống Quy chuẩn, Tiêu chuẩn đề cập nhưng chưa đầy đủ, chưa cụ thể. Quy chuẩn 01:2021/BXD về Quy hoạch xây dựng cũng đã được ban hành trong đó có nội dung về quy hoạch không gian ngầm. Tuy nhiên, chỉ đưa ra các nguyên tắc chung, các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu tập trung vào quy định đối với công trình đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật ngầm, hào và tuy nen kỹ thuật. Quy chuẩn 07:2016/BXD về các công trình hạ tầng kỹ thuật nói chung (trong đó có phần dây, cáp, đường ống đi ngầm), hệ thống tuy nen hào kỹ thuật, riêng đối với các công trình giao thông ngầm đô thị cũng đã có đề cập khá chung chung, các chỉ tiêu mới chỉ tập trung cho một số loại hình công trình đơn lẻ như hầm đường bộ, bãi đỗ xe ngầm…chưa hình thành được các chỉ tiêu quy hoạch. Tương tự như vậy là Quy chuẩn 08:2018/BXD về công trình tàu điện ngầm cũng chủ yếu tập trung quy định các chỉ tiêu cho các công trình, chưa đưa ra được hệ thống các chỉ tiêu hoàn chỉnh để phục vụ cho công tác quy hoạch…

Hiện nay, trong cả nước đã có 04 đô thị lập đồ án quy hoạch không gian ngầm, công trình ngầm đô thị: Hà Nội, Phan Rang - Tháp Chàm, Nhơn Trạch và Tây Ninh. Đối với các đô thị khác, nội dung quy hoạch không gian ngầm công trình ngầm được lồng ghép trong đồ án quy hoạch và là nội dung quy hoạch riêng lẻ của từng bộ môn như cấp nước, thoát nước, cấp điện, giao thông, thông tin liên lạc…và được tích hợp trong bản vẽ tổng hợp đường dây đường ống hạ tầng kỹ thuật với nội dung đơn giản là sắp xếp hệ thống đường dây, đường ống trên mặt cắt ngang đường. Riêng đối với quy hoạch chung thủ đô Hà Nội có một chương về quy hoạch xây dựng công trình ngầm nhưng không phù hợp với thực tế. Nội dung đồ án chỉ là định hướng phát triển hệ thống tuy nen, hào kỹ thuật mà không gắn liền với hệ thống không gian ngầm, công trình ngầm hiện trạng nên không thể sắp xếp, bố trí vào được. Phần không gian ngầm trong các khu đô thị mới được quy hoạch và phê duyệt trên cơ sở nhu cầu của từng đô thị mà chưa có chỉ tiêu hay quản lý cụ thể. Các không gian ngầm này chủ yếu là trung tâm thương mại và bãi đỗ xe phục vụ cho từng khu riêng lẻ mà chưa có sự kết nối liên thông trong toàn thành phố. Với xu thế phát triển, hoạt động xây dựng, cải tạo, phát triển đô thị ở Việt Nam phải luôn có sự kết hợp chặt chẽ giữa không gian đô thị ngầm và không gian ngầm đô thị trên mặt đất. Sử dụng khai thác không gian ngầm có hiệu quả, tiết kiệm đất đai, bố trí hợp lý các công trình ngầm góp phần thúc đẩy quá trình phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân và phục vụ phát triển kinh tế. Không gian ngầm là thành phần không thể thiếu trong không gian đô thị hiện đại. Công trình ngầm không chỉ giải quyết một số bức xúc về hạ tầng đô thị hiện tại mà cần được đánh giá tổng thể không gian đô thị trong tương lai để đô thị có thể phát triển bền vững.

2. Nguyên tắc quy hoạch không gian ngầm và lồng ghép quy hoạch không gian ngầm trong quy hoạch đô thị

2.1. Các nguyên tắc chung trong quy hoạch không gian ngầm đô thị

(1) Quy hoạch không gian ngầm phải gắn với quy hoạch tổng thể phát triển đô thị và phù hợp với cấu trúc không gian đô thị. Cấu trúc không gian mỗi đô thị có những đặc điểm riêng. Quy hoạch không gian ngầm đòi hỏi phải nhận diện và dự báo được cấu trúc không gian dựa trên lịch sử phát triển, lịch sử quy hoạch đô thị và những yếu tố tác động khác. Mỗi đô thị thường có cấu trúc không gian phức tạp và thường biến đổi theo thời gian; quy hoạch không gian ngầm tuân thủ theo các quy hoạch liên quan và phù hợp với cấu trúc không gian sẽ góp phần phát triển đô thị bền vững.

(2) Quy hoạch không gian ngầm phải dựa trên cơ sở dự báo nhu cầu sử dụng đất. Khi xác định quy mô, cấp hạng công trình ngầm cần phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất của công trình ngầm đó và khả năng bố trí các loại hình chức năng đó trên mặt đất.

(3) Quy hoạch không gian ngầm phải tạo thành một hệ thống thống nhất, đồng bộ giữa công trình ngầm và công trình trên mặt đất và trên cao

(4) Quy hoạch không gian ngầm phải sử dụng cơ cấu quy hoạch, kiến trúc linh hoạt theo từng khu vực. Khác với việc quy hoạch không gian ngầm đô thị mới, việc quy hoạch không gian ngầm cho đô thị hiện hữu chỉ là xen cấy thêm cơ sở vật chất vào một thực thể đã có. Do đó, không thể áp dụng chung một cơ cấu quy hoạch, kiến trúc cứng nhắc mà cần có sự linh hoạt nhằm phát huy giá trị của từng vị trí khác nhau trong đô thị:

- Không gian ngầm cần được tổ chức phi tầng bậc với mục đích bổ sung các chức năng đang thiếu và đáp ứng nhu cầu mới tại mỗi địa điểm.

- Công trình ngầm cần có quy mô, công năng linh hoạt để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Cấu trúc không gian, hình thức kiến trúc và kết nối cần linh hoạt theo hoàn cảnh cụ thể của địa điểm trên cơ sở phù hợp với định hướng phát triển vùng.

- Khai thác tối đa lợi thế của không gian ngầm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của địa điểm về công năng, diện tích, hướng tiếp cận, kết nối… nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới bề mặt và góp phần tích cực vào việc bảo tồn, bảo vệ, nâng cấp môi trường cảnh quan và hỗ trợ hệ thống kỹ thuật môi trường của đô thị hiện hữu.

(5) Quy hoạch không gian ngầm thích ứng với hiện trạng đô thị và quỹ đất ngầm. Quy hoạch, xây dựng công trình ngầm phải được thiết kế trên cơ sở thích ứng với hoàn cảnh của từng khu vực cụ thể về nhu cầu, điều kiện xây dựng ngầm và cấu trúc thành phần của quy hoạch đô thị.

- Không thiết lập tràn lan không gian ngầm, công trình ngầm. Cần xác định không gian ngầm hình thành nhằm hỗ trợ hoạt động trên mặt đất hơn là hình thành những tổ hợp mới, làm trầm trọng tình hình quá tải khu vực hoặc rơi vào hoàn cảnh ngược lại, không có người sử dụng. Dù không gian ngầm trống dưới đất, nhưng chỉ quy hoạch công trình ngầm tại những nơi có nhu cầu thực sự nhằm khai thác tối đa quỹ đất ngầm.

- Để thiết lập một công trình ngầm tại vị trí nào đó, cần xét yếu tố cần và đủ: trước hết xác định chức năng của công trình ngầm trên cơ sở khảo sát các công trình còn thiếu trong vùng và lựa những loại hình ngầm thích hợp; tiếp theo là xác định hình thái không gian và khả năng của quỹ đất ngầm. Từ đó xác lập được quy mô, loại hình, cấp độ phục cụ của công trình ngầm.

- Công trình ngầm phải thích ứng trong kết nối với hạ tầng kỹ thuật khu vực; hình thức kiến trúc phần nổi, bố cục không gian phải có sự tương đồng với cảnh quan khu vực.

(6) Quy hoạch không gian ngầm hướng tới khai thác đa dạng, kết nối đa hướng. Trong điều kiện không thể hình thành mạng lưới ngầm liên tục, phát huy và duy trì mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau giữa giao thông và dịch vụ là 1 yếu tố có tính tương thích với các đô thị hiên hữu.

- Trên quan điểm nhìn nhận không gian ngầm được tạo lập nhằm bổ sung các chức năng khuyết thiếu trên mặt đất, cần lồng ghép nhiều công năng theo chiều sâu của môi trường lòng đất. Sử dụng giải pháp nén không gian, hình thành các tổ hợp không gian ngầm đa năng và đồng bộ. Các thành phần chức năng không độc lập, tách rời mà có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

- Tận dụng đặc tính linh hoạt của không gian ngầm để phân tán sự tập trung phương tiện gây ùn tắc trước công trình (ngầm và nổi) bằng cách tạo ra nhiều lối tiếp cận từ nhiều hướng. Tận dụng khả năng phân lớp không gian để tạo kết nối riêng dễ dàng cho mỗi chức năng tương ứng. Giao thông ngầm đóng vai trò liên kết chặt chẽ giữa không gian ngầm với không gian trên mặt đất, không gian trên cao.

(7) Quy hoạch, đầu tư, xây dựng và vận hành không gian ngầm phù hợp với tính chất đặc thù của các công trình ngầm và điều kiện cụ thể của các đô thị Việt Nam.

- Phải đánh giá tác động của công trình ngầm tới hoạt động của đô thị trong vùng cả trong quá trình xây dựng lẫn khai thác sau này. Mặt khác, cần tính đến việc sử dụng tối đa sức của không gian ngầm phục vụ cho nhu cầu hiện tại và có tính đến việc phát triển trong tương lai.

- Phát huy thế mạnh, khắc chế nhược điểm của đặc tính ngầm để thiết lập môi trường linh hoạt trong lòng đất phù hợp với tâm sinh lý của con người một cách an toàn, tiện nghi và hấp dẫn.

- Kế thừa các kinh nghiệm của thế giới để ứng dụng phù hợp với điều kiện của các đô thị Việt Nam. Đồng thời lựa chọn áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý các vấn đề kỹ thuật, trang thiết bị đặc thù.

2.2. Các yêu cầu về lồng ghép quy hoạch không gian ngầm trong quy hoạch đô thị

(1) Phân tích, đánh giá các yếu tố về điều kiện tự nhiên, hiện trạng và định hướng hạ tầng kỹ thuật, sử dụng đất và tổ chức không gian đô thị, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến không gian ngầm, công trình ngầm.

- Điều kiện tự nhiên: Phân tích, đánh giá hiện trạng và định hướng các công trình hạ tầng kỹ thuật để xác định khu vực có mật độ đường dây đường ống lớn, khu vực có nhu cầu sử dụng cao về các công trình hạ tầng kỹ thuật.

- Phân tích, đánh giá cấu trúc đô thị, cấu trúc mạng lưới và phân cấp đường hiện trạng và trong định hướng quy hoạch giao thông đô thị làm cơ sở lựa chọn loại hình giao thông ngầm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

- Sử dụng đất và tổ chức không gian đô thị: xác định khu vực trung tâm đô thị, khu vực phát triển và đang phát triển, khu vực tồn tại di sản, khu vực an ninh quốc phòng để phân các khu vực định hướng phát triển không gian ngầm; khu vực kết nối giữa phần ngầm với phần nổi (trên mặt đất và trên cao…)

- Đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong khu vực theo kịch bản được chấp nhận. Xác định các hiệu quả của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại khu vực gây ra đối với công trình ngầm đô thị. Dự báo các thay đổi bất thường về điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại khu vực nghiên cứu.

(2) Phân vùng phát triển không gian ngầm, công trình ngầm đô thị trên mặt bằng

- Vùng khuyến khích phát triển không gian ngầm và xây dựng công trình ngầm đô thị: khu vực trung tâm đô thị; khu vực đô thị mới; khu vực dự báo có mức độ sử dụng công trình ngầm cao, quy mô phát triển đô thị lớn…

- Vùng hạn chế phát triển không gian ngầm và xây dựng công trình ngầm: khu vực có nền đất yếu; khu vực ngập úng; khu vực dân cư hiện hữu có hệ thống mặt cắt đường nhỏ hẹp (<12m); khu vực có độ dốc địa hình quá lớn; khu vực bảo vệ II của di sản văn hóa…

- Vùng cấm phát triển không gian ngầm và xây dựng công trình ngầm đô thị: khu vực bảo vệ I của di sản văn hóa; an ninh; khu vực liên quan đến quốc phòng, an ninh; khu vực thường xuyên xảy ra lũ lụt, khu vực chịu tác động lớn trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

(3) Phân vùng phát triển không gian ngầm, công trình ngầm đô thị theo độ sâu

Các công trình ngầm theo chức năng đều có một yêu cầu về độ sâu nhất định. Để đảm bảo các yêu cầu về an toàn, tiện nghi, môi trường cũng như tính tinh tế và nhu cầu quản lý, nhà nước cần có nội dung về phân vùng không gian ngầm theo độ sâu.

- Tầng thứ nhất dành để bố trí xây dựng công trình tuy nen ngầm nông, hào kỹ thuật, cống bể kỹ thuật, hầm đi bộ, BĐX ngầm nông, đường dây, đường ống ngầm; hầm ngầm nông của cao ốc, công trình công cộng ngầm; (cửa hàng, văn hóa, giải trí, trạm); công trình công nghiệp (không gian công nghiệp, sản xuất, lưu trữ); công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đầu mối (nhà máy xử lý nước thải, nhà máy điện, lưu trữ nhiên liệu, đường hầm đa năng).

- Tầng thứ hai dành để bố trí xây dựng công trình tuy nen kỹ thuật ngầm sâu, BĐX ngầm sâu, hầm ô tô, tàu điện ngầm nông; hầm ngầm sâu của cao ốc, công trình công cộng ngầm (cửa hàng, văn hóa, giải trí…); công trình công nghiệp (không gian công nghiệp, sản xuất, lưu trữ); công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đầu mối (nhà máy xử lý nước thải, nhà máy điện, lưu trữ nhiên liệu, đường hầm đa năng)

- Tầng thứ ba dành để bố trí xây dựng các tuyến tàu điện ngầm sâu và đường ô tô ngầm sâu; công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đầu mối (nhà máy xử lý nước thải, nhà máy điện, lưu trữ nhiên liệu, đường hầm đa năng)

- Tầng thứ tư là phần không gian hạn chế phát triển không gian ngầm, công trình ngầm (trừ các yêu cầu đặc biệt hoặc liên quan đến an ninh quốc phòng).

(4) Giải pháp quản lý không gian ngầm, công trình ngầm theo quy hoạch

- Tăng cường quản lý việc sử dụng không gian ngầm và xây dựng công trình ngầm nhằm đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả quỹ đất khu vực trung tâm đô thị, bảo vệ môi trường và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng

- Liên kết không gian ngầm, công trình ngầm tại các công trình công cộng, dịch vụ, nhà cao tầng, các nút giao thông chính, các khu vực nhà ga, tuyến vận tải công cộng, kết nối với bãi đỗ xe và hầm đi bộ ngầm để tạo thành một hệ thống không gian ngầm hoàn chỉnh, hình thành các tổ hợp công trình ngầm đa năng, bao gồm: trung tâm thương mại, nhà hàng, siêu thị, bãi đỗ xe, các công trình văn hóa, vui chơi, giải trí…phục vụ nhu cầu của người dân và du khách, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

- Quản lý và khai thác không gian ngầm theo hướng quy hoạch tích hợp: dọc các trục giao thông khai thác thương mại dịch vụ, các khu vực dự kiến xây dựng các công trình công cộng ngầm, công trình đầu mối kỹ thuật, định hướng loại móng công trình, độ sâu và khoảng không gian đảm bảo việc kết nối với hạ tầng giao thông công cộng ngầm sẽ được xây dựng; qua đó, giảm áp lực vận tải trên mặt đất, tạo nên không gian đô thị thống nhất hài hòa, liên kết chặt chẽ giữa tầng cao, tầng mặt đất và tầng ngầm, đồng  bộ, hiện đại, tiện nghi…

- Các tuyến đường phố mới xây dựng hoặc cải tạo, mở rộng khu vực trung tâm cần đầu tư xây dựng các công trình cống, hộp kỹ thuật hoặc hào, tuy nen kỹ thuật để bố trí, lắp đặt các đường dây và đường ống kỹ thuật theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các đô thị cũ, đô thị cải tạo, phải có kế hoạch đầu tư xây dựng cống, hộp kỹ thuật hoặc hào, tuy nen kỹ thuật để từng bước hạ ngầm đường dây, cáp nổi theo quy định.

- Khuyến khích quy hoạch không gian ngầm tại các khu vực nhà ga tuyến vận tải công cộng các công trình cao tầng, trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng lớn (có tầng hầm) nhằm hình thành các tổ hợp công trình ngầm đa năng, bao gồm: trung tâm thương mại, nhà hàng, siêu thị, bãi đỗ xe, các công trình văn hóa, vui chơi, giải trí… góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị nhưng vẫn đảm bảo hạn chế ảnh hưởng đến cảnh quan lịch sử văn hóa của khu vực trung tâm.

3. Thay lời kết

Sự phát triển của công trình ngầm và nhu cầu khai thác không gian ngầm đô thị là tất yếu và cần phải được chuẩn bị, trước hết là thông qua công tác quy hoạch đô thị. Chính vì vậy cần bổ sung các nội dung yêu cầu đối với quy hoạch không gian ngầm, công trình ngầm đô thị vào hệ thống văn bản pháp quy, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng. Trước hết đó phải là yêu cầu tích hợp quy hoạch không gian ngầm trong đồ án quy hoạch đô thị với các nội dung chính gồm:

- Yêu cầu phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, thực trạng và định hướng phát triển đô thị, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng để phục vụ công tác quy hoạch không gian ngầm, công trình ngầm đô thị.

- Yêu cầu xác định phân vùng quản lý không gian ngầm đô thị trên mặt bằng và theo độ sâu dưới mặt đất.

- Các tiêu chí, chỉ tiêu về sử dụng đất không gian ngầm công cộng; công trình giao thông ngầm và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đi ngầm; các yêu cầu về kiến trúc cảnh quan, môi trường không gian ngầm công cộng đô thị; Các yêu cầu về kết nối không gian ngầm và không gian trên mặt đất và không gian trên cao.

Tiếp theo đó là phải gắn công tác quy hoạch đô thị với việc quản lý đô thị theo quy hoạch đô thị được duyệt, trong đó bao gồm nội dung quy hoạch không gian ngầm, công trình ngần đã được tích hợp để đảm bảo tăng cường sử dụng không gian ngầm, công trình ngầm, sự liên kết giữa không gian ngầm với các không gian của đô thị (trên mặt đất, trên cao), hình thành được hệ thống không gian đô thị, sự liên kết, khoảng cách an toàn giữa các công trình ngầm đô thị, góp phần giảm tải cho không gian trên mặt đất, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị, đảm bảo an toàn, môi trường cho không gian ngầm và không gian trên mặt đất và các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

 

TS.Vũ Tuấn Vinh - Phòng Quản lý KHKT - VIUP

(Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 124+125/2023)

Nguồn: Trung tâm Thông tin

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)