Quy hoạch không gian thành phố Hồ Chí Minh năm 2025 trong mối quan hệ với vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh

Thứ ba, 09/12/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh trùng với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm tám (08) tỉnh, thành phố với tổng diện tích tự nhiên 30.142 km2, trong đó thành phố Hồ chí Minh 2.095 km2, tỉnh Đồng Nai 5.894 km2, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 1.982 km2, Bình Dương 2.695 km2, Bình Phước 6.857 km2, Tây Ninh 4.029 km2, Long An 4.491 km2, Tiền Giang 2.366 km2. Bán kính ảnh hưởng Vùng đô thị thành phố Hồ chí Minh là 30 - 80 km.

Vùng thành phố Hồ chí Minh có những lợi thế có thể hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của Thành phố như: Vùng nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, châu Úc, có sân bay, cửa ngõ quốc tế và cảng nước sâu; Về điều kiện tự nhiên: Vùng ít bị bão lũ, có nền địa chất tốt, nguồn nước mặt, nước ngầm phong phú, dồi dào, có dầu khí, thuỷ sản, cây công nghiệp, vật liệu xây dựng, tài nguyên du lịch đa dạng (trung du, miền núi); và thế mạnh của Vùng là tính năng động, phát triển mạnh và nhanh nhất nước, duy trì mức tăng trưởng cao, đóng góp lớn GDP cho cả nước, đặc biệt có thế mạnh về công nghiệp và dịch vụ.

Quy hoạch xây dựng Vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 589/QĐ - TTg ngày 20 tháng 5 năm 2008. Một số nội dung nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố đã được gắn với quy hoạch Vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh, nhằm phát huy thế mạnh của Thành phố trong mối quan hệ phát triển Vùng, cụ thể như:

Về hướng phát triển

Thành phố phát triển thêm hướng phụ về phía Tây - Tây Nam, phát triển cả 4 hướng nhằm mở rộng mối quan hệ liên kết và hỗ trợ phát triển với các tỉnh xung quanh. Mở ra không gian phát triển đô thị theo hướng phối hợp, hoà nhập, không phụ thuộc ranh giới hành chánh giảm áp lực vào trung tâm nội thành cũ, tạo tiền đề cho việc hình thành các trung tâm khu vực, các trung tâm chuyên ngành (giáo dục, y tế kỹ thuật cao, văn hoá, giải trí, thể dục thể thao...) chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Về phát triển công nghiệp

Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng tập trung các khu công nghiệp lớn nhất của cả nước. Hiện tại, toàn Vùng có 65 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 17.000 ha (trong đó có 42 khu công nghiệp đang hoạt động), đến 2015 - 2020 sẽ hình thành khoảng 95 - 100 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 30.000 ha. Các tỉnh, thành trong Vùng thành phố Hồ Chí Minh cần liên kết để phát triển về công nghiệp theo định hướng quy hoạch công nghiệp chung của Vùng để phát huy thế mạnh của mỗi địa phương trong phối hợp cùng phát triển và bảo vệ môi trường. Đối với TP. HCM, ưu tiên phát triển loại hình công nghiệp sạch không gây ô nhiễm, có công nghệ và hàm lượng chất xám cao, giá trị gia tăng lớn.

Về không gian mở, cây xanh và du lịch giải trí

Cần tạo ra những mảng xanh lớn, những dải cây xanh rộng từ 1 - 3 km để tạo không gian mở cho Vùng. Lấy hệ thống các trục sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè tạo ra các trục cây xanh cảnh quan, vui chơi giải trí và du lịch, nghỉ dưỡng.

Về giao thông

Mạng lưới giao thông quy hoạch theo hướng phát triển nối liền các khu đô thị mới, các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, các công trình đầu mối giao thông liên Vùng, gắn kết các tỉnh trong Vùng thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ nhau phát triển đồng bộ, khai thác tốt thế mạnh kinh tế – xã hội tổng hợp của toàn Vùng. Với hệ thống mạng lưới: Đường hướng tâm đối ngoại (quốc lộ, tỉnh lộ và đường cao tốc); đường vành đai (vành đai 3, vành đai 4); hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; mạng lưới giao thông đường thuỷ, hệ thống cảng (đường sông, đường biển); hệ thống cảng hàng không (sân bay Tân Sơn Nhất, Long Thành).

Về chuẩn bị kỹ thuật nền đất xây dựng

Theo quy hoạch xây dựng Vùng thành phố Hồ Chí Minh, cao độ xây dựng khống chế đối với thành phố Hồ Chí Minh: Hxd > 2,05 m. Phương án quy hoạch chiều cao được xác định như sau: Khu đô thị cũ, nơi có mật độ xây dựng hiện hữu cao sẽ san lấp cục bộ, tôn nền tạo hướng thoát nước, kết hợp các biện pháp dùng đê bao, cống ngăn triều và hồ điều hoà để thoát nước mưa chống ngập úng; Khu đô thị mới phát triển sẽ tổ chức san nền đạt cao độ khống chế, xây dựng hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, cải tạo nạo vết kênh rạch để tăng khả năng thoát nước và bảo vệ cảnh quan môi trường.

Về cấp nước

Với dự báo như cầu dùng nước của Vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh khoảng 7 triệu m3/ngày, hiện nay đã cấp được 3,3 triệu m3/ngày. Theo quy hoạch Vùng sẽ xây dựng ba nhà máy cấp nước mới với nguồn nước: hồ Trị An (2 triệu đến 3 triệu m3/ngày), hồ Phước Hoà (800 ngàn m3/ngày), hồ Dầu Tiếng (1 triệu m3/ngày) để đáp ứng yêu cầu trên. Thành phố Hồ Chí Minh dự báo đến năm 2025 có nhu cầu dùng nước là 4,3 triệu m3/ngày (bằng 61% của Vùng). Theo quy hoạch tổng thể cấp nước được duyệt đến năm 2020, các dự án cấp nước chỉ có thể cấp được khoảng 3,2 triệu m3/ngày. Để đáp ứng nhu cầu đến năm 2025 và hạn chế sử dụng nước ngầm và nước mặt trên sông Sài Gòn, theo định hướng cấp nước Vùng, thành phố Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng.

Về cấp điện

Dự báo nhu cầu điện năng của Vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 tăng trưởng rất cao khoảng 100,85 tỷ KWh, tăng khoảng 5,3 lần hiện nay; nhu cầu điện năng thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 50% nhu cầu điện của toàn Vùng. Các nhà máy nhiệt điện và thuỷ điện thuộc Vùng thành phố Hồ Chí Minh không cung cấp đủ nhu cầu điện cho Vùng, cần xây dựng các nhà máy nhiệt điện và thuỷ điện kể cả điện nguyên tử thuộc khu vực miền Nam thông qua hệ thống truyền tải điện 500 KV để đáp ứng nhu cầu điện năng của Vùng tăng về số lượng và đòi hỏi cao sự ổn định (đáp ứng công nghiệp, công nghệ cao).

Về xử lý chất thải rắn và nghĩa trang

Đối với chất thải rắn: Trong Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, ngoài các khu xử lý chất thải rắn của thành phố như Phước Hiệp, Củ Chi và Đa Phước, Bình Chánh, đề xuất sử dụng hai khu chất thải rắn liên Vùng là Thủ Thừa - Long An: 1.760 ha (cho chất thải sinh hoạt và công nghiệp thông thường) và Giang Điền - Đồng Nai: 50 ha (cho chất thải công nghiệp nguy hại).


Còn đối với nghĩa trang: Ngoài các nghĩa trang Đa Phước, Củ Chi, đề xuất sử dụng nghĩa trang Bình Dương (đã có sự thoả thuận của tỉnh Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh có thể sử dụng 50% công suất của nghĩa trang dự kiến mới này) và nghĩa trang ở Nhơn Trạch, Đồng Nai để phục vụ khu vực phía Đông thành phố (Quy hoạch xây dựng Vùng dự kiến hai nghĩa trang liên vùng với quy mô mỗi nghĩa trang 500 ha ở Châu Thành - Tây Ninh và Tân Thành – Bà Rịa Vũng Tàu. Tuy nhiên cả hai nghĩa trang này khó có thể phục vụ cho TP. Hồ Chí Minh vì quá xa).

Về bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

Trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, ngoài các cự báo, khuyến cáo và đề xuất giải pháp thực hiện đối với vấn đề môi trường mang tính toàn cầu (hiện tượng nóng dần lên của trái đất, vấn đề khủng hoảng năng lượng) và với vấn đề môi trường nội tại thành phố (hiện tượng đảo nhiệt đô thị, lún sụt nền đất và vấn đề ngập úng đô thị), có đề xuất nghiên cứu thực hiện quản lý lưu vực sông, trong đó có việc lập kế hoạch trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn trên các vùng sông, hồ nhằm giảm tốc độ dòng chảy, chống xói lở trượt đất đá và giảm ngập úng cho vùng hạ lưu cũng như nghiên cứu thực hiện cơ chế liên kết vùng trong phát triển công nghiệp và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng diện rộng.

Trên các cơ sở này, điều chỉnh quy hoạch xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, xây dựng mô hình phát triển đô thị một thành phố thân thiện với môi trường “mô hình thành phố đa trung tâm thân thiện với môi trường” mang đặc trưng là thành phố gần gũi với môi trường tự nhiên, đẹp và phát triển bền vững, đủ hạ tầng môi trường, có điều kiện giảm tác động của quá trình phát triển lên điều kiện khí hậu, có hệ thống kiến trúc giúp tiết kiệm năng lương tiêu thụ trên cơ sở tận dụng năng lượng tự nhiên, hình thành cảnh quan đô thị mang đặc trưng riêng của khu vực Đông Nam Bộ.


(Nguồn: Tham luận của KS. Phạm Thị Thanh Hải - Phó viện trưởng Viện QHXD TP. HCM tại Hội thảo Khoa học “Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - Cơ hội và thách thức”, tháng 11/2008)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)