Nghiên cứu, đánh giá hàm lượng phóng xạ tự nhiên trong vật liệu xây dựng ở Việt Nam

Thứ ba, 20/03/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Giới thiệu Vấn đề nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của hàm lượng phóng xạ trong vật liệu xây dựng VLXD đến sức khoẻ con người và môi trường trong quá trình sử dụng được nhiều nước quan tâm từ lâu. Tại Việt Nam, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về vấn đề này, chưa có tiêu chuẩn quy định mức độ phóng xạ tự nhiên cho phép trong VLXD.
Nhưng chúng ta đã biết, các vật chất trong tự nhiên đều tồn tại các nguyên tố phóng xạ tự nhiên. Hoạt động của con người làm thay đổi sự phân bố phóng xạ trong tự nhiên, đồng thời cũng thay đổi sự hấp thụ của con người đối với phóng xạ tự nhiên. Do nguồn gốc địa chất, các loại VLXD do con người tạo ra đều có chứa các nguyên tố phóng xạ tự nhiên. Mức độ phóng xạ tự nhiên còn phụ thuộc vào sự tích hợp các vật liệu trong quá trình sản xuất, vì thế nồng độ các nguyên tố phóng xạ có thể gia tăng bởi quá trình sản xuất.

Ví dụ: Tro xỉ nhiệt điện, do quá trình đốt cháy mà nồng độ các chất phóng xạ Kali, Thori và Radi cao gấp 10 lần so viới khi chúng hiện diện tự nhiên trong than đá.

Các nguyên tố phóng xạ có khả năng phát ra các tia phóng xạ sau:

- Tia alpha: là các hạt mang điện tích dương, dễ dàng chặn lại bởi từ giấy hoặc da người. Nếu hấp thụ vào cơ thể qua đường hô hấp hay đường tiêu hoá, những chất phát ra tia alpha sẽ gây tác hại cho cơ thể.

- Tia beta: là các điện tử, sức xuyên thấu của nó mạnh hơn tia alpha, có thể chặn lại bằng tấm kính mỏng hay kim loại. Sẽ nguy hiểm nếu hấp thụ vào cơ thể những chất phát ra tia beta;

- Tia gama và tia X: Trong tự nhiên sóng như radio và tia sáng, nhưng là sóng điện từ có bước sóng ngắn. Sức xuyên thấu của nó rất lớn nên chỉ cho thể chặn lại bằng vật liệu có nguyên tử lượng lớn hơn như chì hoặc bê tông và nước.

Hoạt độ phóng xạ là khả năng phát ra tia phóng xạ của nguồn phóng xạ, đơn vị là Becquerel Bq. Hoạt độ phóng xạ 1Bq là khả năng của nguồn phóng xạ là 1 hạt nhân nguyên tử biến đổi trong 1 giây sau đó sinh ra 1 tia phóng xạ. Đơn vị biểu thị ảnh hưởng của tia phóng xạ đối với con người là Sievert Sv hay mSv 1Sv = 1000mSv, mức độ nhiễm xạ của cơ thể con người còn gọi là liều chiếu được đon bằng đơn vị mSv.

Khi nhận một lượng phóng xạ trong thời gian ngắn, cơ thể con người sẽ có những biểu hiện về sức khoẻ như sau:

Mức 0,2Sv: Không có biểu hiên bệnh lý, mức 0,5Sv giảm cầu lymph trong máu.

Mức 3Sv : làm rụng tóc;

Mức 5Sv: Tỷ lệ tử vong là 50%;

Mức 10Sv: tỷ lệ tử vong gần 100%.

Mỗi người và sinh vật trung bình trong 1 năm nhận khoảng 2,4Sv tia phóng xạ tự nhiên trong đó khoảng 0,38 Sv từ không gian như các ta vũ trụ, khoảng 0,46 mSv từ đất, khoảng 0,24 mSv từ cơ thể con người thông qua ăn uống, khoảng 1,3mSv từ khí Radon trong không khí nhưng vẫn sinh sống bình thường. Do cấu trúc địa chất ở mỗi nơi khác nhau, mức độ phóng xạ tự nhiên cũng khác nhau, mức độ phóng xạ tự nhiên cũng khác nhau tuỳ theo khu vực, có nơi ở Trung Quốc và Ấn Độ, giá trị này lên tới 10mSv/năm nhưng không thấy có biểu hiện bất thường ở người và sinh vật. Như vậy có thể hiểu rộng, nhiễm xạ ở mức độ lớn gấp 10 lần phóng xạ tự nhiên chưa chắc đã ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người và môi trường.

VLXD gây tác động phóng xạ đến môi trường bằng hai con đường. Thứ nhất, phát tia bức xạ gama, chủ yếu từ Radi 226 Ra-226, Thori 232 Th-232, Kali 40K-40 và các dẫn xuất của chúng đến toàn bộ cơ thể, trong một số trường hợp là bức xạ beta tới da. Thứ hai, phát ra khi Radon và các dẫn xuất phóng xạ của chúng ta sẽ tác động đến đường hô hấp của con người.

Radon là nguyên tố phóng xạ ở thể khí có những dẫn xuất có tính phóng xạ, những chất này đọng lại trên các hạt bụi mà cơ thể hít thở vào và bám chặt trong phổ. Ở nơi không khí quang đãng, Radon có nồng độ thấp sẽ vô hại đối với môi trường và sức khoẻ con người. Vấn đề khí Radon trở nên đặc biệt quan trọng khi có nồng độ cao và ở những nơi có sự lưu thông không khí không tốt.

Ví dụ: trong các toà nhà thông gió kém, khí Radon và các dẫn xuất được tích tụ dần dần thành lượng lớn trong cơ thể, gây nguy hiểm cho con người.

Như vậy có hai loại nguy hiểm cần phải được xem xét, đánh giá khi nghiên cứu ảnh hưởng của phóng xạ tự nhiên trong VLXD đến môi trường và sức khoẻ con người:

- Bức xạ gama: Được phát ra chủ yếu từ các nguyên tố phóng xạ tự nhiên Ra-226, Tho-232, K-40 và các dẫn xuất của chúng, đây là các nguyên tố phóng xạ có tuổi thọ lớn. Các nguyên tố này có khả năng phát xạ mạnh các hạt alpha, beta và các tia gama. Các hạt và tia này là nguồn phóng xạ chiếu ngoài, có khả năng phát tán ra môi trường xung quanh, gây nguy hiểm và độc hại đối với cơ thể người và động vật nếu bị chiếu vào.

- Khi Radon và dẫn xuất: Ngoài các nguồn phóng xạ chiếu ngoài, các nguyên tố phóng xạ còn có khả năng phát tán khí Radon 222 Rn-222 và các dẫn xuất của chúng ra môi trường không khí. Đồng vị phóng xạ này ở thể khí nên dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người và động vật thông qua đường hô hấp. Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ là các nguồn phóng xạ chiếu trong, mức độ nguy hiểm còn lớn nhiều so với các nguồn phóng xạ chiếu ngoài.

Khi cơ thể sống bị tác động của các nguồn phóng xạ chiếu ngoài và chiếu trong vượt quá giới hạn cho phép sẽ chịu hậu quả rất nghiêm trọng, chúng huỷ hoại tuỷ xương và hồng cầu, gây tổn hại hệ thống gen và biến dị di truyền.

2. Tiêu chuẩn phóng xạ trong vật liệu xây dựng

Cho đến những năm 90 thế kỷ 20, Uỷ ban Quốc tế về bảo vệ phóng xạ ICRP đã có các quy định về nguồn bức xạ nhân tạo. Bên cạnh đó sự gia tăng của các chất phóng xạ tự nhiên cũng là vấn đề cần được xem xét. Ví dụ: Như phóng xạ sinh ra từ các chuyến bay, khai thác mỏ hay sống trong các toà nhà. Vấn đề liều lượng bức xạ trong các toà nhà được quan tâm đặc biệt, vì rõ ràng việc sử dụng một số vật liệu có thể là nguyên nhân làm tăng đáng kể lượng bức xạ cho một số đông người, do các nguyên nhân như sử dụng phế thải công nghiệp làm phụ gia cho sản xuất VLXD để giảm giá thành, tiết kiệm tài nguyên hay sử dụng các vật liệu tái chế.

Nhiều nước trên thế giới đã ban hành tiêu chuẩn quy định giới hạn phóng xạ tự nhiên cho phép trong VLXD, nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và môi trường trong quá trình sử dụng. Nước ta chưa xây dựng và ban hành tiêu chuanả này, tuy nhiên, nhận thấy tầm quan trọng của tính phóng xạ trong VLXD, năm 2006, Bộ Xây dựng đã giao cho Viện VLXD biên soạn tiêu chuẩn hoạt tính phóng xạ tự nhiên trong VLXD.

Qua tìm hiểu không tìm thấy có một quy tắc chung nào được công nhận để đánh giá những rủi ra có liên quan tới tính phóng xạ tự nhiên của một loại VLXD. Tuỳ theo các tiêu chí sử dụng và các quy định liên quan mà chúng ta sẽ nhận thấy hoặc không nhận thấy ngưỡng báo động bị vượt qua.

Mức phóng xạ tự nhiên của VLXD được xác định thông qua nồng độ hoạt độ phóng xạ của Ra -226, Th-232, K-40 và tốc độ xả khí Radon. Để so sánh mức phóng xạ của các mẫu khác nhau, cần sử dụng một chỉ số chung phản ánh được các hoạt tính phóng xạ  tổng hợp của chúng. Phương pháp chung được áp dụng là tính tổng của cả 3 loại hoạt tính, mỗi hoạt tính được biểu thị bằng hệ số tương ứng với hằng số biểu thị tỷ lệ khả năng bị phát tán.

Một số tiêu chí sử dụng nhiều nhất trong thời gian gần đây để đánh giá hoạt tính phóng xạ tự nhiên của VLXD như dưới đây:

Năm 1982, Uỷ ban khoa học của Liên Hiệp quốc về ảnh hưởng của phóng xạ nguyên tử UNSCEAR đã đưa ra tiêu chí đánh giá tính phóng xạ của VLXD theo hoạt tính phóng xạ tương đương Radi, được tính theo công thức sau:

Ra eq = ARa + ATh x 1,43 + AK x 0,077.

Trong đó, Ra eq là hoạt tính phóng xạ tương đương của Radi, Bq/kg.  ARa, ATh, AK là hoạt độ phóng xạ của Ra, Th, K, tính bằng Bq/kg.

UNCEAR đã đưa ra giá trị chấp nhận được đối với hoạt tính phóng xạ tương đương của Radi Ra eq là 370Bq/kg, mức này tương đương với một liều chiếu phóng xạ trung bình mà con người nhận được là 1,5mSv/năm. Mức phóng xạ tương đương của mặt đất có giá trị trung bình là 89Bq/kg, do đặc tính địa chất của mỗi địa phương, giá trị thực tế có thể vượt xa giá trị trung bình nói trên.

- Năm 1999, Uỷ ban châu Âu đã đưa ra nguyên tắc bảo vệ đối với phóng xạ tự nhiên của VLXD. Theo đó hoạt tính phóng xạ được tính theo công thức sau:

I = ARa/300 + ATh/200 + AK/300.

Trong đó: I là hoạt tính phóng xạ tương đương ARa, ATh, AK là hoạt độ phóng xạ tự nhiên đối với VLXD theo kiến nghị của Uỷ ban châu Âu như bảng 1.

Bảng 1. Mức độ giới hạn phóng xạ trong VLXD của Uỷ ban Châu Âu

Phạm vi sử dụng

Liều lượng giới hạn

0,3 mSv/năm

1mSv/năm

Trong toàn khối Ví dụ: Bê tông...

 I   ≤ 0,5

I ≤  1

Ở bề mặt hoặc khi sử dụng hạn chế

Via dụ: tấm lợp, pano...

I     2

I ≤  6

- Tiêu chuẩn của Áo ONOMRM S 5200 “Radioactivity in building materials”, đưa ra các tiêu chí đánh giá liệu lượng phóng xạ của VLXD. Theo đó, liều lượng phóng xạ gama của Ra-226, Th-232, K -40 được sử dụng kết hợp đồng thời với việc xác định nồng độ khí Rn – 222 thoát ra khỏi vật liệu sau khi bị tác động của Ra-226 để đánh giá hoạt tính phóng xạ của VLXD. VLXD được cho phép sử dụng nếu nồng độ phóng xạ đo một năm trong phòng không vượt quá 2,5mSv/năm và bên ngoài phòng không vượt quá 3,4mSv/năm. Để đáp ứng được yêu cầu này và giảm thiểu các công việc thực nghiệm phải thực hiện trong thờui gian dài, tiêu chuẩn Áo đã đưa ra công thức tính toán và đánh giá liều lượng phóng xạ trong VLXD như dưới đây:

+ Phân bổ liệu lượng phóng xạ chiếu ngoài:

Liều lượng phóng xạ chiếu ngoài sẽ không vượt quá 2,5 mSv/năm nếu đáp ứng được yêu cầu theo công thức:

aK- 40        aRa – 226     aTh - 232

-----   + --------- + ---------     1       1

10000    1000         670

Trong đó: aK- 40, a Ra – 226, a Th – 232  là hoạt độ phóng xạ của Kali, Radi và Thori, Bq/kg

+ Phân bố liều lượng phóng xạ chiếu trong:

liều lượng phóng xạ chiếu trong sẽ không vượt quá 2,5mSv/năm nếu đáp ứng được yêu cầu theo công thức sau:

aRa -226

---------- x 0,0108. ε .ρ .d ≤  1       2

    70

Trong đó: aRa -226: là hoạt độ phóng xạ của Radi, tính theo Bq/kg

                 ε : là tốc độ x khí Radon yếu tố khuyếch tán

                 ρ: là tỷ trọng của vật liệu, kg/m3

                d : là chiều dày của kết cấu xây dựng, d = 0,3m giá trị quy ước

+ Tổng liều lượng phóng xạ của VLXD: Tác động phóng xạ của vật liệu là tổng hợp của nguồn phóng xạ chiếu ngoài và nguồn phóng xạ chiếu trong. Tổng liều lượng phóng xạ của VLXD sẽ không vượt quá mức hoạt tính phóng xạ tự nhiên 2,5mSv/năm nếu đáp ứng được yêu cầu theo công thức sau:

aK- 40        aRa – 226                                    aTh - 232

-----   + --------- x 1+ 0,15. ε .ρ .d + ---------     1          3

10000    1000                                         600

Hoạt tính phóng xạ của VLXD được coi là không gây nguy hại đến sức khỏe con người, môi trường và có thể sử dụng được trong các kết cấu xây dựng nếu đáp ứng được yêu cầu theo công thức 3.

- Tiêu chuẩn  Nga GOST 30108 “Building materials and elements. Determination  of spesitic activity of natural radioactive nuclei” quy định phương pháp xác định hoạt tính phóng xạ của VLXD và lĩnh vực sử dụng tuỳ theo mức độ phóng xạ của chúng.

Theo đó, hoạt tính phóng xạ của VLXD được tính theo công thức:

Aeff  = ARa  + 1,3 ATh + 0,085 AK

Trong đó: Aeff là hoạt độ phóng xạ của Radi, Thori, Kali, Bq/kg., Phạm vi sử dụng các loại VLXD được quy định trong bảng 2.

Bảng 2. Phân loại vật liệu theo mức hoạt tính phóng xạ

Hoạt tính phóng xạ, Bq/kg

Phân loại

vật liệu

Lĩnh vực sử dụng

Đến 370

I

Được sử dụng cho tất cả các lĩnh vực

Từ 370 đến 740

II

Xây dựng đường trong những bến đỗ, khu dân cư và công trình xây dựng công nghiệp

Từ 740 đến 2800

III

Làm đường giao thông ngoài khu dân cư

Lớn hơn 2800

IV

 Sử dụng vật liệu này phải được phép của chính quyền.

Như vậy, qua các phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá tác động hoạt tính phóng xạ của VLXD như trên cóthể thấy rằng, quy định của Ủy ban châu Âu tương đối chặt chẽ, theo đó, mức quy định hoạt tính phóng xạ của VLXD là không vượt quá  1mSv/năm, trong khi theo quy định của UNSCEAR và tiêu chuẩn Nga là không vượt quá 370Bq/kg 1,5 mSv/năm và tiêu chuẩn Áo là không vượt quá 2,5 mSv/năm.

Phương pháp đánh giá theo UNSCEAR, Uỷ ban Châu Âu và tiêu chuẩn Nga mới chỉ đánh giá hoạt tính của nguồn phóng xạ chiếu ngoài, chưa xét đến hoạt tính của nguồn phóng xạ chiếu trong của khí Radon. Phương pháp nêu trong tiêu chuẩn Áo đã đánh giá đầy đủ các yếu tố gây phóng xạ trong VLXD.

3. Một số kết quả phân tích hoạt tính phóng xạ trong VLXD

Trong dự án “Nghiên cứu sử dụng xỉ hạt lò cao cho sản xuất xi măng tại Việt Nam”, Viện Vật liệu xây dựng đã tiến hành xác định hoạt độ phóng xạ của các nguyên tố Radi, Thori, Kali và tốc độ x khí Radon có trong mẫu xỉ hạt lò cao và tro bay. Các thí nghiệm được thực hiện tại Trung tâm Kỹ thuật an toàn bức xạ và môi trường, Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân. Hoạt độ phóng xạ của các mẫu được đo bằng quang phổ kế gama, kết quả phân tích được trình bày trong bảng 3.

Bảng 3. Hoạt độ phóng xạ và tốc độ x khí Radon của các mẫu vật liệu

TT

Loại mẫu

Hoạt độ phóng xạ Bq/kg

Tốc độ x khí Radon, %

K-40

Ra -226

Th-232

1

Xi TISCO

97,4

315,8

74,2

1,6

2

Xi NSC

89,4

127,2

53,0

1,0

3

Xi ABC

94,0

120,0

57,3

1,8

4

Xi JFE

98,4

137,4

54,2

1,2

5

Xi SMI

112,0

137,0

57,6

1,3

6

Xi KBS

97,0

120,1

53,0

1,5

7

Tro bay Phả Lại

1040,0

96,2

112,0

0,9

Ghi chú: - Mẫu xỉ TISCO là xỉ hạt lò cao của công ty gang thép Thái Nguyên.

- Các mẫu xỉ NSC, ABC, JFE, SMI, KBS là xỉ hạt lò cao của Nhật Bản. Trên cơ sở kết quả hoạt độ phóng xạ xác định được, đã tính toán hoạt tính phóng xạ của các mẫu vật liệu theo các tiêu chí đánh giá trình bày ở trên. Kết quả được trình bày trong bảng 4.

Từ kết quả xác định hoạt tính phóng xạ của các mẫu vật liệu theo các tiêu chí nêu trên thấy rằng, giá trị tính toán theo tiêu chuẩn của Nga và UNSCEAR là gần tương đương nhau, theo Uỷ ban Châu Âu cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn Áo. Điều này khẳng định, công thức tính toán giới hạn quy định mức hoạt tính phóng xạ trong VLXD của Uỷ ban Châu Âu chặt chẽ hơn so với các tiêu chuẩn còn lại.

Bảng 4. Hoạt tính phóng xạ của các mẫu vật liệu

Loại vật liệu

Hoạt độ phóng xạ Bq/kg

Tiêu chuẩn đánh giá – Mức quy định

K-40

Ra-226

Th-232

Tiêu chuẩn Áo công thức 3

I ≤ 1

Tiêu chuẩn Nga Aeff

max370Bq/kg

UNSCEAR Ra eq max 370 Bq/kg

Uỷ ban Châu Âu

I ≤ 1

Xi TISCO

97,4

315,8

74,2

1,12

420,54

429,41

1,46

Xi NSC

89,4

127,2

53,0

0,39

203,70

209,87

0,72

Xi ABC

94,0

120,0

57,3

0,52

202,48

209,18

0,72

Xi JFE

98,4

137,4

54,2

0,45

216,22

222,48

0,76

Xi SMI

112,0

137,0

57,6

0,48

221,40

227,99

0,78

Xi KBS

97,0

120,1

53,0

0,45

197,25

203,36

0,70

Tro bay Phả Lại

1040,0

96,2

112,0

0,47

330,20

336,44

1,23

Trong các mẫu thí nghiệm, chỉ có mẫu xỉ TISCO là có hoạt tính phóng xạ cao hơn giới hạn cho phép, mẫu tro bay Phả Lại không đạt theo quy định của Uỷ ban châu Âu, các mẫu còn lại đều thấp hơn mức tiêu chuẩn quy định.

Số liệu thí nghiệm trên chỉ là tham khảo do số lượng mãu thí nghiệm còn ít, mẫu được lấy trong một thời điểm. Để đánh giá chính xác mức hoạt tính phóng xạ trong các mẫu VLXD cần được thực hiện với số lượng mẫu thí nghiệm nhiều hơn.

Năm 1999, Viện Khoa học Kỹ thuật hạt nhân đã tiến hành khảo sát hoạt động phóng xạ của một số loại VLXD ở địa bàn Hà Nội cho thấy, hàm lượng phóng xạ có trong VLXD ở Hà Nội là ở mức trung bình so với hàm lượng phóng xạ trong VLXD của các nước trên thế giới. Kết quả thí nghiệm như trong bảng 5.

                        Bảng 5. Hoạt độ phóng xạ của một số vật liệu ở Hà Nội

TT

Loại mẫu

Hoạt độ phóng xạ

K-40

Ra-226

Th-232

1

Cát đen

515 ± 23

24,4 ± 1,4

36,2 ± 1.0

2

Cát khuyến lương

483 ± 15

53,5 ± 3,7

46 ± 3.6

3

Cát vàng

651 ± 21

25,5 ± 0,9

32,3 ± 0.6

4

Cát vàng bãi Bùng Hà Bắc

357 ± 2

12,4 ± 2,5

20 ± 2,4

5

Xi măng Hải Phòng

73 ± 9

28,6 ± 2,5

32,3 ± 2.8

6

Xi măng Hoàng Thạch

196 ± 2

65,9 ± 3,7

27,8 ± 2.8

7

Xi măng X77

205 ± 2

69,6 ± 3,7

32,2 ± 2.8

8

Sỏi

389 ± 8

23,5 ± 5

23 ± 4

9

Đá

46 ± 21

25,5 ± 5

19 ± 4

10

Gạch xây

665 ± 0

84,0 ± 15

85 ± 4

11

Gạch lát

385 ± 5

39 ± 8

34 ± 4

12

Vữa trát tường

525 ± 5

44 ± 4

37 ± 4

13

Bột đá

< 10

12,4 ± 2,5

6,8 ± 2,4

14

Tro xỉ hồ chứa

626 ± 3

122 ± 9

100 ±

15

Tro bay

788 ± 7

164 ± 13

126± 1

4. Kết luận

Các vật chất trong tự nhiên nói chung và các loại VLXD nói riêng đều có chứa các nguyên tố phóng xạ tự nhiên. Các hoạt động của con người làm thay đổi sự phân bố phóng xạ trong tự nhiên, đồng thời cũng thay đổi sự hấp thụ của con người đối với phóng xạ tự nhiên. hàm lượng phóng xạ tự nhiên trong VLXD phụ thuộc vào nguồn địa chất của nguồn nguyên liệu sản xuất, công nghệ sản xuất. Tính phóng xạ tựu nhiên trong VLXD có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người và môi trường trong quá trình sử dụng nếu hàm lượng phóng xạ vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Kết quả nghiên cứu và khảo sát sơ bộ một số mẫu cho thấy, hoạt tính phóng xạ ở mức trung bình trong VLXD của Việt Nam nói chung ở mức trung bình so với thế giới và nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn phóng xạ của một số nước trên thế giới. Để đảm bảo về mặt an toàn bức xạ khi sử dụng VLXD, trước mắt cần xây dựng tiêu chuẩn quy định mức phóng xạ tự nhiên cho phép trong VLXD của Việt Nam. Ngoài ra, cần thực hiện dự án nghiên cứu, đánh giá toàn diện về mức độ hoạt tính phóng xạ tự nhiên có trong nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm VLXD trong phạm vi cả nước. Từ đó, giúp cơ quan quản lý Nhà nước, nhà sản xuất và nhà tiêu dùng có các biện pháp quản lý, sản xuất và sử dụng hợp lý, nhằm đảm bảo an toàn về mặt phóng xạ trong quá trình sử dụng.

TS. Lương Đức Long, Th.S. Nguyễn Văn Đoàn Viện VLXD
Nguồn tin: T/C VLXD đương đại, số 4/2006

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)