Nhà ở liền kề tại các đô thị Việt Nam - tồn tại hay không tồn tại?

Thứ năm, 01/03/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong số loại hình nhà ở thì loại nhà liền kề là thông dụng nhất, chúng chiếm 70 - 80% quỹ nhà ở đô thị. Đây là loại nhà bám theo các trục đường giao thông có chiều sâu lớn hơn nhiều lần chiều rộng, thường chỉ tiếp xúc với môi trường qua mặt trước nhà và giếng trời. Loại nhà này còn được gọi là: nhà ống, nhà phố, nhà lô, nhà mật độ thấp, nhà dân gian mới. Hiện nay có nhiều ý kiến chỉ trích của nhiều nhà chuyên môn và quyết định của một số chính quyền thành phố cấm, hạn chế sự phát triển của nó. Nhưng có nên chấm dứt sự tồn tại của loại hình nhà ở này không hay chúng ta nên có cách nhìn nhận toàn diện hơn.
1. Đặt vấn đề

Đô thị Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội đã có lịch sử phát triển ngàn năm. Tuy nhiên đây là dạng đô thị mang tính phường hội tiểu thủ công và buôn bán nhỏ là chính. Dấu ấn của nó còn lại là khu phố cổ với những dãy nhà hình ống liền kề nhau vừa để ở vừa là cửa hàng kinh doanh. Cùng với nó là những tên gọi phố là Hàng như Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Khay... Vào thời Pháp thuộc mới hình thành các kiến trúc nhà ở kiểu biệt thự có khuôn viên rộng rãi cho những quan chức và nhà giàu. Sau giải phóng mới xuất hiện những khu nhà tập thể cho cán bộ nhân viên.
Trong những năm gần đây, thành phố phát triển theo nhịp độ chóng mặt, dân số trở nên đông đúc, nhu cầu nhà ở trở nên bức xúc. Tuy chưa giàu có nhưng mức sống của người dân trở nên khấm khá hơn, cuộc sống hoà bình ổn định tạo điều kiện cho người dân tính chuyện xây cho mình ngôi nhà để ở. Và như một xu thế tất yếu, những khu nhà ở liền kề nối nhau ra đời không những ở đô thị mà còn phát triển ra ngoại thành, dọc theo các trục đường giao thông và cả nông thôn nữa.
Trước tình trạng này, các nhà quy hoạch và kiến trúc có nhiều cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau, nhưng dường như nói chung là theo chiều hướng phê phán:
- Nhà xây tường riêng, móng riêng gây lãng phí về vật tư, nhân công và tạo ra mặt đứng lộn xộn Phạm Hùng Cường, 1995
- Kiến trúc phục cổ, nhái cổ phức tạp Nguyễn Bá Đang, 1999
- Nhà vươn theo quốc lộ là nguy cơ nan giải, cản trở giao thông, không an toàn cho người ở Nguyễn Thế Khải, 1995
- Mật độ xây dựng cao, thiếu cây xanh, cảnh quan môi trường kém Lưu Trọng Hải, 1995
- Không có khả năng thay đổi các kiểu kiến trúc đa dạng Nguyễn Khôi Nguyên, 1995
- Sống trong những ngôi nhà tù túng, bức bối Đào Khoa, 2004
Với cách nhìn nhận như vậy, nhiều nhà kiến trúc nước ta cho rằng nhà liền kề không phù hợp với một thành phố văn minh, hiện đại trong thời đại toàn cầu hoá. Và nhiều người nêu lên quan điểm cần tiếp cận với xu hướng hiện đại như các loại hình nhà cao tầng theo mẫu hình Singapore, Hong Kong. Đứng trước một tình trạng phát triển "lộn xộn" không quản lý được, cùng với sự chỉ trích của nhiều nhà chuyên môn, các nhà quản lý đô thị đưa ra giải pháp đơn giản nhất là dùng các chỉ thị, văn bản ra lệnh cấm. Chẳng hạn, Quyết điịnh 123/2001/QĐUB của UBND thành phố Hà Nội ngày 6/12/2001 trong đó có điều khoản không chia lô xây dựng nhà ống tức nhà liền kề. Chỉ thị số 05/2002/CT- UB của UBND TP. Hồ Chí Minh ngày 13/3/2002 "Từ nay chấm dứt việc thí điểm sử dụng đất để xây dựng nhà ở lẻ theo cách chủ quyền sử dụng đất tư quy hoạch phân lô giao đất lẻ...". Quy định của thành phố Đà Lạt cũng tương tự như vậy.
Qua báo cáo khoa học này tôi muốn chứng minh rằng nhà ở liền kề là một loại hình nhà ở tất yếu trong hoàn cảnh của các đô thị nước ta.

2. Các nhược điểm của nhà ở liền kề phải chăng là bản chất?

Các nhược điểm chủ yếu mà nhà liền kề bị kêu ca trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như trên các tài liệu chuyên ngành có thể thống kê lại như sau:
- Tạo mặt đứng lộn xộn băm nát đô thị
- Không tiết kiệm quỹ đất, hạ tầng cơ sở và vật liệu xây dựng
- Điều kiện môi trường sống không đảm bảo

2.1 Nhà liền kề tạo mặt đứng lộn xộn?
Quả thật rất nhiều nơi nhà liền kề phát triển tự phát làm mất mỹ quan đô thị, mang tiếng xấu cho loại hình nhà này. Nhưng lộn xộn này hoàn toàn có thể khắc phục được bằng sự quản lý đô thị, của nhà thiết kế quy hoạch. Thiếu các chính sách quản lý, sự lộn xộn mất mỹ quan thành phố còn có cả ở tất cả các loại hình nhà ở khác.

2.2 Nhà liền kề không tiết kiệm?
Thật ra chúng ta chưa có nghiên cứu, điều tra thực tế để khẳng định rõ nhà liền kề trong điều kiện Việt Nam tiết kiệm hay không tiết kiệm so với các loại hình nhà ở khác. Còn theo các chuyên gia Nhật nghiên cứu khoa học kết hợp trường Đại học Xây dựng; nhà ở liền kề mật độ cao ở Việt Nam có hệ số sử dụng tương đương hệ số của nhà cao tầng ở Tokyo. Nhưng chúng ta có thể thấy rõ rằng nhà liền kề tiết kiệm về mọi mặt hơn nhà biệt thự. Nếu dựa trên tiêu chí kinh tế nhà biệt thự lại cần cấm hơn là nhà liền kề.

2.3 Điều kiện môi trường sống không đảm bảo?
Đa số ngôi nhà liền kề được xây dựng trước đây không có thiết kế nên dẫn đến môi trường sống không đảm bảo, thiếu ánh sáng, thông gió kém, nóng nực tù túng. Nhưng hiện nay các ngôi nhà liền kề, các kiến trúc sư có kinh nghiệm đều giải quyết được vấn đề đó. Như vậy, các nhược điểm chính được gắn cho nhà liền kề nêu trên thực sự là các ý kiến chưa nhìn nhận đúng nguyên nhân sâu xa của chúng. Sau đây ta xét nhà liền kề trên quan điểm tổng quan hơn., theo quan điểm "phát triển bền vững".

3. Nhà ở phát triển bền vững trong một thế giới phát triển bền vững

"Thế kỷ 20 được nhìn nhận như một thế ký tráng lệ, phát triển chưa từng thấy nhưng cũng được coi như là thế kỷ của thiên tai và hỗn loạn không thể so sánh được" Hiến chương Bắc Kinh năm 1999
Trong thế kỷ 20, đô thị phát triển với sức mạnh vũ bão cả về dân số và diện tích kỹ thuật. Vật liệu mới đã giúp đỡ nhân loại xây dựng được các đô thị, các siêu đô thị, những toà nhà hùng vĩ chưa từng có trước đây. Nhưng cũng chưa khi nào con người phải đối mặt vói các thảm hoạ môi trường lớn như thế kỷ này: rừng rậm bị phá, sông ngòi ô nhiễm, lỗ thủng tầng ô zon, sự biến mất của nhiều loại động và thực vật. Cũng chưa khi nào các nền văn hoá địa phương, các di sản thiên nhiên và di sản văn hoá bị đe doạ như thời kỳ này. Đây cũng là thời kỳ sự phát triển mới phá huỷ cấu trúc cũ, đất nông nghiệp bị mất, có sự bần cùng hoá của một số tầng lớp người, hố phân chia giàu nghèo ngày càng phát triển. Bên cạnh những khu đô thị tráng lệ là những khu nhà ổ chuột, sự liên kết trong cộng đồng con người bị phá huỷ. Những đô thị khổng lồ nhưng vô hồn, không phải là môi trường sống cho con người. Nhận thức được mặt trái của việc phát triển đô thị thế kỷ 20 theo các lý thuyết đô thị cũ, các nhà đô thị học, các nhà quy hoạch, các lý thuyết gia... đã đưa ra một hướng phát triển đô thị mới "Phát triển đô thị bền vững".
Các nhà lý thuyết đô thị mới đã tuyên ngôn đấu tranh cho môi trường thiên nhiên, sự đa dạng của các khu ở, ca tụng lịch sử, thiên nhiên, truyền thống địa phương, ủng hộ thói quen xây dựng truyền thống Hiến chương của Chủ nghĩa đô thị mới - New Urbanism. Nhà ở là một bộ phận cấu thành quan trọng của đô thị, do đó nhà ở cũng cần phát triển theo tiêu chí "Phát triển bền vững".

4. Phát triển nhà ở liền kề là sự phát triển bền vững

Nhà ở liền kề có nhiều đặc điểm đáp ứng được mục tiêu phát triển đô thị bền vững.

4.1 Phù hợp cho nhiều loại người sử dụng
"Cung cấp cho càng nhiều người càng nhiều sự lựa chọn nơi và cách sống mà họ muốn". Nguyên tắc của nhóm New Urbanism. Đa số người dân đô thị thích sống trong nhà ở liền kề, vì nhà ở liền kề:
- Dễ phù hợp với thu nhập của người mua: Người nhiều tiền mua mảnh đất to, ở vị trí thuận lợi giao thông, người ít tiền mua mảnh đất nhỏ. Kích thước vị trí đất để xây dựng một ngôi nhà liền kề rất đa dạng, nên giá cả cũng chênh lệch rất rộng. Do đó sự lựa chọn cho người mua cũng nhiều hơn so với nhà chung cư.
- Phù hợp với các giai đoạn phát triển kinh tế và số người trong gia đình: Nhiều người chỉ có một khoản tiền có hạn mà nhu cầu ở lại lớn. Nếu họ mua một căn hộ chung cư, thì sau này khi có tiền họ rất khó phát triển, cải tạo, mở rộng diện tích ở thêm. Nếu mua một mảnh đất và xây nhà cấp 4 tạm, thì khi có tiền gia đình có thể dỡ bỏ nhà cũ lúc đó đã hư hỏng để xây dựng mới một ngôi nhà đáp ứng được yêu cầu ở mới của họ. Trong trường hợp kinh tế còn khó khăn, họ sẽ làm từng tầng theo các giai đoạn phù hợp với khả năng kinh tế xây tầng 1, tầng 2 trước rồi xây tầng 3 và 4. Xây thô trước rồi hoàn thiện dần dần. Với kiểu xây dựng dần này, ngôi nhà lớn dần lên phù hợp với sự tăng trưởng kinh tế gia đình và số người lấy vợ, lấy chồng, sinh con mà chủ nhà không phải chuyển đi nơi ở khác.

4.2. Phù hợp với kinh tế vi mô
Nhà ở liền kề còn có thể gọi là nhà ở sinh lợi. Với tầng một gia đình có thể làm nơi sản xuất bên trong các mặt hàng thủ công và tiêu thụ ở phần bên ngoài sát đường giao thông. Hoặc đơn giản hơn họ mở các cửa hiệu nhỏ bán hàng. Việc bán hàng này không đòi hỏi nhiều vốn và phù hợp cả với người già và trẻ con, người tàn tật vì không đòi hỏi kỹ thuật cao và đi đâu xa ."Rất nhiều hoạt động trong cuộc sống hàng ngày cần xuất hiện trong khoảng cách đi bộ, để tạo sự độc lập cho những người không lái xe, đặc biệt cho người già trẻ em" Nguyên tắc 13 của nhóm New Urbanism.

4.3. Phù hợp với văn hoá Việt
- Ngôi nhà là niềm tự hào của người Việt: Nó khẳng định cái tôi, khẳng định địa vị xã hội của chủ nhà. Cá tính của chủ nhà được thể hiện rất rõ ở dáng vẻ kiến trúc. Mà mỗi người lại có một tính cách riêng nên yêu cầu trang trí kiến trúc mặt ngoài rất được quan tâm Với nhà chung cư việc đó là không thể làm được. Đồng thời yếu tố phong thuỷ là một đặc điểm rất quan trọng trong việc bố trí không gian và kiến trúc ngôi nhà như cách mở cửa, hướng đặt bàn thờ, vị trí bể nước, bể phốt, màu sơn. Đặc biệt theo phong thuỷ, mỗi chủ nhà theo giờ tháng, năm sinh lại có một cách sắp xếp và yêu cầu khác nhau. Các căn hộ chung cư được thiết kế theo mẫu và để thi công công nghiệp nên việc bố trí phong thuỷ không được tính đến.
- Tâm lý không thích di chuyển: Việc di chuyển chỗ ở của người Việt là việc làm bất đắc dĩ, không mấy ai muốn làm. Tâm lý người Việt là phải "an cư" mới "lạc nghiệp", phải "bán anh em xa mua láng giềng gần". Khi đến chỗ ở mới họ phải xây dựng lại quan hệ làng xóm, quan hệ láng giềng lại từ đầu, và là điều đặc biệt khó khăn với người già. Đồng thời người Việt có tình cảm quyến luyến với những nơi chốn họ đã ở, khi phải di chuyển là một sự mất mát về tình cảm. Nhà ở liền kề là loại nhà ở có thể cải tạo phát triển theo thời gian nên việc di chuyển được hạn chế nhiều so với nhà ở căn hộ.
- Người Việt có tính lo xa: câu thành ngữ "ăn chắc mặc bền" chỉ ra một phương châm xử thế quan trọng của người dân Việt Nam. Đa số người châu Âu thích ở tầng cao vì có tầm nhìn đẹp. Nhưng đa số người dân Việt Nam luôn mong muốn có một ngôi nhà tư và là nhà mặt đất. Trừ một vài khu chung cư cao tầng đặc biệt dành cho người giầu, tất cả các khu chung cư khác giá nhà đều giảm dần theo chiều cao tầng nhà.. Vì người Việt luôn đặt ra các câu hỏi như "Nếu thang máy hỏng thì sao?" "Nếu mất điện thang máy không chạy nữa thì sao"?... Cuối cùng để trả lời các câu hỏi đó, người Việt lựa chọn giải pháp nếu phải ở chung cư thì càng gần mặt đất càng tốt, còn tốt nhất là ở nhà mặt đất.

4.4 Phù hợp với kỹ thuật xây dựng địa phương
Nhà ở liền kề tại các đô thị chủ yếu do các đội thợ từ nông thôn lên xây dựng. Họ là những người nông dân tranh thủ thời gian nông nhàn lên thành phố kiếm thêm thu nhập. Công việc này tạo thuận lợi cho cả chủ và người làm, công xây dựng thấp, người nông dân tranh thủ được thời gian rỗi.

4.5 Phù hợp với khí hậu địa phương, tiết kiệm năng lượng
Do đặc điểm nhà nọ sát nhà kia, nhà liền kề chỉ bị nung nóng mặt trước và trên mái nên ảnh hưởng nhiệt được giảm bớt, đây là lợi điểm cho nhà ở khí hậu nhiệt đới. Hình dáng ống của căn nhà cũng tăng khả năng thông gió của nhà do đó có khả năng bớt được năng lượng cho việc làm mát.

4.6 Nhà ở liền kề đóng góp cho phong cách địa phương
Trải qua sự thử nghiệm của thế giới trong thời gian 30 năm, trào lưu kiến trúc theo phái hiện đại đã khiến cho phần lớn KTS cảm nhận được sự mất mát về ý nghĩa và cá tính của công trình kiến trúc. Do đó, nhiều nhà trí thức tâm huyết đã sớm bắt đầu tìm mở lối đi mới "kiến trúc hữu cơ" của Wright "kiến trúc nhân tính hoá" của Alavar Aa lto, chính là mẫu mực sớm nhất của sự nghiên cứu cá tính kiến trúc và môi trường kiến trúc đặc sắc, được đưa ra nhằm gợi ý cho sự phát triển kiến trúc về sau. Loại phong cách kiến trúc địa phương đã ngày càng được thế giới thừa nhận , nó thể hiện được ý nghĩa của kiến trúc môi trường, truyền thống văn hoá khu vực và đặc trưng cá tính hoá của vật chất văn minh. Nhà ở liền kề đóng góp vào sự phát triển thành phố bằng tính địa phương, truyền thống văn hoá khu vực và đặc trưng có tính hoá của người dân đô thị Việt Nam.

4.7 Nhà ở liền kề đóng góp sự hấp dẫn của đường phố
Người Việt Nam khi tham quan Singapore thường choáng ngợp trước sự văn minh và hiện đại của thành phố này, trước các địa lộ các khối nhà cao tầng và các trung tâm thương mại khổng lồ. Khi trở về nước họ đều có tâm lý muốn xây dựng những khu đô thị cao tầng kiểu Singapore. Trong khi đó theo Thủ Tướng Lý Quang Diệu 1995. "Các sai lầm ở Singapore cũng có phần lỗi của chúng tôi. Ví dụ, trong quá trình vội vã tái thiết Singapore, chúng tôi đã phá dỡ rất nhiều ngôi nhà cũ xinh đẹp của Singapore. Sau đó chúng tôi mới nhận thấy rằng mình phá bỏ một phần di sản văn hoá rất có giá trị của mình và những thứ chúng tôi phá bỏ lại là những thứ mà du khách cho là vô cùng quyến rũ và độc nhất vô nhị ở Singapore". Vào những năm 1960 Nhà nước Singaporethu hồi những mảnh đất nhỏ sở hữu tư nhân nhập thành những mảnh rộng hơn để tiện cho việc phát triển quy mô lớn. Chương trình này đã ảnh hưởng đáng kể đến cảnh quan đô thị của Singapore. "Trước hết đó là sự thay đổi sâu sắc về quy mô, những cửa hiệu hai ba và ít tầng có thể bắt gặp ở mọi nơi nay đã nhường chỗ cho các khu liên hợp đa năng cao tầng, sự thay đổi đó diễn ra cả về tầm vóc và chiều cao. Toàn bộ những dãy cửa hàng với các đường phố và những con hẻm đằng sau lưng nay đã bị thay thế bởi sự khuyếch trương đơn điệu với quy mô lớn. Những gì trước đây là hệ thống không gian đô thị rộng lớn ngoài trời bao gồm một mạng lưới đường phố, thung lũng và con hẻm nay đã bị xoá mờ bởi các toà nhà hình khối tẻ nhạt". Chỉ tới khi tổ chức Lực lượng công tác Du lịch ra đời năm 1984 nhằm điều tra các nguyên nhân mới biết rằng, trong nỗ lực hiện đại hoá, Singapore đã "loại bỏ các yếu tố thần bí và duyên dáng mang phong cách phương Đông của mình thể hiện rõ nhất trong các toà nhà cổ, các hoạt động truyền thống và các hoạt động phó phường náo nhiệt như Pasar malam"

5. Nên ứng xử với nhà ở liền kề như thế nào?

Với những đặc thù và tính chất phù hợp với sự phát triển đô thị bền vững, cần có sự nhìn nhận khách quan và ứng xử với nhà ở liền kề:
- Phải coi sự phát triển này là một hiện thực khách quan, không thể dùng biện pháp hành chính để khống chế hoặc cấm đoán sự phát triển của nó
- Bên cạnh việc phát triển các loại hình nhà cao tầng, các khu chung cư hoặc đô thị mới cần phát triển song song các khu nhà ở liên kề để người dân có khả năng lựa chọn phù hợp với điều kiện và sở thích của mình, đồng thời tạo ra cảnh quan đa dạng, thậm chí độc đáo cho toàn cảnh đô thị nước ta.
- Để phát huy các loại hình nhà ở liền kề nên tăng cường vai trò của kiến trúc sư trong việc thiết kế và điều phối hài hoà trong tổng thể khu phố nói chung. Có thể tiến hành nghiên cứu, thiết kế điển hình cho loại nhà này để làm mẫu mực cho sự phát triển
- Cần tiến hành nghiên cứuu nhà ở liền kề một cách thấu đáo hơn, với cách nhìn khách quan, không áp đặt, từ đó mới đưa ra những giải pháp ứng xử phù hợp để hạn chế được những mặt hạn chế và tranh thủ phát huy được những thế mạnh của loại nhà này.

Tác giả: TS. KTS Nguyễn Mai Anh
Nguồn tin: Tuyển tập Báo cáo Hội nghị KHCN cán bộ trẻ Viện KHCN XD lần thứ 9 - tháng 8/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)