Sửa chữa định kỳ các thiết bị công nghệ nhà máy xi măng

Thứ tư, 28/02/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Có nhiều quan điểm trong lĩnh vực sửa chữa các thiết bị công nghệ nhà máy xi măng. Sau đây chúng tôi xin trình bày những phần cơ bản nhất của sửa chữa định kỳ các thiết bị công nghệ nhà máy xi măng. Hệ thống sửa chữa định kỳ các thiết bị nhà máy xi măng bao gồm toàn bộ các biện pháp tổ chức - kỹ thuật về bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị, được chỉ đạo theo kế hoạch từ sớm và theo một trình tự xác định, để ngăn ngừa sự hư hỏng thiết bị dẫn đến việc phải loại trừ thiết bị ra khỏi hệ thống vận hành.

Hệ thống sửa chữa định kỳ nhằm mục đích đạt hệ số sử dụng cao của các thiết bị theo năng suất thiết kế, bằng cách:

- Thường xuyên bảo dưỡng thiết bị, ngăn ngừa sự cố;

- Bằng các viện pháp tổ chức và thực hiện sửa chữa.

Hệ thống sửa chữa định kỳ bao gồm những nội dung chính sau đây:

1. Tổ chức công tác sửa chữa

Để làm tốt việc tổ chức công tác sửa chữa cần nắm vững các vấn đề sau đây:

Trước hết phải có tài liệu kỹ thuật, bao gồm: Nhóm các bản vẽ lắp đặt, nhóm các bản vẽ gia công tại chỗ, nhóm các tài liệu vận hành và có thể có các bản vẽ chi tiết cùng với tài liệu quản lý số hiệu hạng mục công trình, khối lượng, vốn đầu tư.... Các tài liệu đó được quản lý theo một hệ thống nhất định.

Thứ hai là chức năng, nhiệm vụ của các phân xưởng, đơn vị sửa chữa và các đơn vị quản lý chuyên ngành kỹ thuật.

Thứ ba là những quy định về giao thiết bị vào sửa chữa và nhận thiết bị sau sửa chữa.

Thứ tư là bảo đảm vật tư, phụ tùng và thiết bị sửa chữa, dụng cụ sửa chữa.

Thứ năm là lập kế hoạch, kiểm tra việc sửa chữa; kinh phí sửa chữa và tài liệu kỹ thuật - tài chính; đội ngũ cán bộ thực hiện sửa chữa định kỳ.

2. Xác lập kế hoạch định kỳ sửa chữa; thời gian dùng để sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị và khối lượng công sửa chữa

Kế hoạch định kỳ sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị và kế hoạch sản lượng. Thông thường khi nhà máy sản xuất đạt100% công suất thiết kế thì chu kỳ sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị cũng ổn định. Kế hoạch định kỳ sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị được thể hiện bằng lịch sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị, lấy lò nung làm trọng tâm. Thí dụ cho lò của nhà máy có công suất 1,2 ÷ 1,4 triệu tấn xi măng/năm:

BD -1 – BD – 1 – BD -1 – T-8-

BD -1 – BD – 1 – BD -1 – T-15-

BD -1 – BD – 1 – BD -1 – T-8.

Chu trình sửa chữa và bảo dưỡng lò trên đây có nghĩa là: Tháng 1, tháng 2, tháng 3 mỗi tháng bảo dưỡng thiết bị lò 1 lần, mỗi lần 1 ngày; tháng 4 tiến hành sửa chữa nhỏ 8 ngày; tháng thứ 8 tiến hành sửa chữa lớn 15 ngày và tháng 12 tiến hành sửa chữa nhỏ 8 ngày.

Ở đây cũng cần nói thêm là trong sửa chữa định kỳ các thiết bị nhà máy xi măng không có khái niệm sửa chữa thường xuyên. Trừ dạng sửa chữa lớn, còn sửa chữa nhỏ và bảo dưỡng kỹ thuật gọi chung là sửa chữa thường kỳ.

Khối lượng công sửa chữa thường tính bằng đơn vị người - giờ, định mức là thợ bậc 5 của thang lương 7 bậc. Ví dụ, để sửa chữa lớn lò cần 30.000đ/người - giờ

3. Lập nội dung sửa chữa và bảo dưỡng kỹ thuật

Ở dạng sửa chữa nhỏ thì ngoài nội dung sửa chữa nhỏ còn bao gồm cả nội dung bảo dưỡng kỹ thuật. Ở dạng sửa chữa lớn bao gồm cả nội dung sửa chữa nhỏ làm cả phần việc sửa chữa nhỏ.

4. Xác định định mức tiêu hao vật tư và phụ tùng thay thế

Cần phải có một lượng phụ tùng dự phòng tối thiểu hợp lý. Đây là bài toán khó khăn mà mục đích là có sẵn phụ tùng để sử dụng khi sửa chữa định kỳ cũng như khắc phục sự cố, đồng thời không để phụ tùng tồn đọng quá lâu trong điều kiện hạch toán sửa chữa.

5. Vạch ra và thực hiện công nghệ sửa chữa, cơ giới hoá việc sửa chữa

6. Tổ chức thống kê và phân tích các sự cố và hỏng hóc thiết bị, vạch ra các biện pháp ngăn ngừa

7. Tổ chức bôi trơn

Trên đây là ý nghĩa, mục đích và nội dung sửa chữa định kỳ. Kế hoạch sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị là cơ sở để lập kế hoạch chế tạo và mua sắm phụ tùng thay thế; kế hoạch vật tư; kế hoạch tiền lương sửa chữa; kế hoạch mua sắm thiết bị và dụng cụ đồ nghề sửa chữa; kế hoạch mua sắm dầu mỡ bôi trơn...

Công tác sửa chữa định kỳ là công việc quan trọng phức tạp. Các nhà máy thường chọn những người có tâm huyết, hiểu biết rộng phụ trách lĩnh vực này. Tại các phòng cơ khí, năng lượng của mỗi nhà máy, ngoài lãnh đạo phòng thì kỹ sư phụ trách sửa chữa định kỳ, kỹ sư vật tư phụ tùng, kỹ sư phụ trách dầu mỡ bôi trơn có vị trí quan trọng, tạo nên diện mạo đầy đủ của một phòng quản lý kỹ thuật.

 

Tống Văn Ngọc

Nguồn: Thông tin KHKT Xi măng, số 4/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)