Thứ năm, ngày 15/06/2006 00:00
Đô thị hoá cần gắn chặt với giải quyết việc làm tại chỗ
Ngày 7/6/2006. Cập nhật lúc 10h 13' Đô thị hóa là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta nhằm góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới. Quá trình đô thị hoá đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất khu vực nông thôn phát triển, làm thay đổi cơ cấu lao động và việc làm của lao động ở nông thôn. Một vấn đề lớn và cấp bách hiện nay là làm thế nào để lao động nông thôn thích ứng được với quá trình đô thị hoá.
Đô thị xuất hiện đặt ra nhu cầu cung cấp lao động cho các nhà máy, các ngành dịch vụ mới và tạo cơ hội lớn giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động nông thôn. Với sự phát triển của đô thị, nhiều loại hình dịch vụ cũng xuất hiện như nhu cầu về may mặc, sản phẩm nông sản phục vụ cho đời sống hàng ngày của công nhân... Tất cả những yếu tố đó sẽ mở ra nhiều cơ hội tạo thêm việc làm cho người nông dân.

Tuy nhiên, lao động trong các nhà máy, về cơ bản cần phải là lao động có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nếu trình độ của người lao động tại chỗ không đáp ứng được yêu cầu thì khả năng tìm kiếm công ăn việc làm của họ rất khó khăn. Trong thực tiễn, đô thị hoá là một trong những biện pháp cơ bản để chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thu hút lao động dư thừa, một biện pháp thúc đẩy quá trình phân công lao động xã hội nói chung và phân công lao động trong nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Nhưng hiện nay, tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của lao động nông nghiệp có xu hướng tăng lên. Sức ép về giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp vốn đã căng thẳng, nay lại càng căng thẳng hơn.

Đô thị hóa đã biến nhiều vùng nông thôn thành đô thị, làm giảm diện tích đất canh tác trong nông nghiệp. Trong xu thế phát triển của nền kinh tế, các cơ sở hạ tầng ngày càng được phát triển như đường giao thông, bến cảng, trung tâm thương mại,... cũng góp phần không nhỏ làm giảm đất canh tác của nông dân.

Khi tiến hành đô thị hóa, người dân mất đất được đền bù một khoản tiền khá lớn. Khoản tiền đền bù này đã giúp cho nhiều gia đình nông dân thực hiện việc đầu tư, đổi mới ngành nghề, tạo công ăn việc làm mới để nâng cao thu nhập, ổn định, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, cũng không ít gia đình nông dân rơi vào tình trạng trước đây nghèo khó, nay nhờ đô thị hóa được một khoản tiền lớn, và thế là họ tìm mọi cách thỏa mãn những ao ước lâu nay bị dồn nén. Không dùng tiền vào việc tìm kiếm việc làm, hay đầu tư phát triển một ngành nghề gì đó, họ dùng tiền đền bù để xây nhà, mua sắm tiện nghi đắt tiền phục vụ cho sinh hoạt gia đình và bản thân. Đáng buồn hơn một số hộ, nhất là lớp trẻ lại vung tiền vào những tệ nạn xã hội như lô đề, nghiện hút để đến khi tỉnh lại tay trắng lại hoàn trắng tay. Đây là một thực tế đau lòng đang diễn ra ở các làng quê, các khu đô thị mới của nước ta, dẫn đến tình trạng tái nghèo ở những gia đình như vậy.

Nguyên nhân cơ bản nhất dẫn tới hiện tượng nông dân thiếu việc làm ở các vùng đô thị hoá đó là do chưa được đào tạo mang tính chuyên sâu, trình độ của người lao động nhìn chung còn thấp, chưa có tác phong công nghiệp. Sự hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, các ngành như thông tin về khoa học - công nghệ, về thị trường tiêu thụ nông, sản phẩm... cho người lao động nông nghiệp chưa nhiều, hiệu quả thấp. Lợi thế so sánh của địa phương chưa được khai thác tốt, năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thấp làm cho khả năng tạo việc làm mới của người lao động nông nghiệp giảm... Mặt khác, quá trình đô thị hóa, đầu tư trực tiếp nước ngoài ở nước ta diễn ra không đều giữa các địa phương, hiệu quả của việc đầu tư không cao đầu tư dàn trải, thời gian xây dựng dự án kéo dài, tình trạng lãng phí, tham nhũng khá phổ biến,... cũng đang là những rào cản làm ảnh hưởng tới vấn đề giải quyết việc làm cho lao động xã hội nói chung, lao động nông nghiệp nói riêng.

Đại hội lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: Ưu tiên dành vốn đầu tư của Nhà nước và huy động vốn xã hội để giải quyết việc làm, giảm tỉ lệ thất nghiệp. Khuyến khích người lao động tự tạo việc làm, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các ngành nghề sử dụng nhiều lao động. Chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân, nhất là những nơi đất nông nghiệp bị chuyển đổi do đô thị hoá và công nghiệp hoá.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, cần khẩn trương có nhiều giải pháp đồng bộ đẩy mạnh việc đào tạo, đào tạo lại, không ngừng nâng cao tay nghề cho người lao động, nâng cao kiến thức về nền kinh tế thị trường, về liên kết kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời lựa chọn hướng kinh doanh, tổ chức lao động khoa học, hợp lý, khai thác một cách có hiệu quả các nguồn lực, tạo ra được các sản phù hợp với thị trường, có sức cạnh tranh cao, sản xuất được duy trì, mở rộng, tạo điều kiện cho người lao động có nhiều việc làm, ổn định và nâng cao đời sống xã hội.

Giải quyết tốt mối quan hệ giữa đô thị hoá và việc làm cho người lao động nông thôn trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá vừa là vấn đề lâu dài, có ý nghĩa chiến lược góp phần quan trọng vào sự phát triển nhanh, bền vững của nước ta.

Đặng Hiếu

Nguồn tin : www.cpv.org.vn