Đô thị hóa với những tác động của công nghệ cao & toàn cầu hóa

Thứ hai, 07/05/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Quá trình đô thị hóa giờ đây không chỉ diễn ra bởi việc dịch cư nông thôn - đô thị, tâp trung dân cư, mở rộng thành phố... mà nó còn chịu tác động của văn minh công nghệ cao và qúa trình toàn cầu hóa. Điều đó khiến cho quá trình đô thị hóa có những diễn biến mới, mang nhiều yếu tố tích cực hơn, đặc biệt cho các khu vực kinh tế kém phát triển.

Quá trình đô thị hóa có lịch sử cùng với sự hình thành của đô thị, từ khoảng 6000năm trước Công nguyên. Mỗi một giai đoạn phát triển của nền văn minh, đô thị hóa lại có những đặc điểm mới, vừa mang tính quy luật chung vừa mang đặc thù riêng của mỗi nước.

Thực tế giai đoạn hiện nay, những tác động của công nghệ thông tin làm bùng nổ cuộc cách mạng công nghệ cao và những biến đổi tích cực của kinh tế thế giới với tác động của quá trình toàn cầu hóa đã tác động đến quá trình đô thị hóa với những diễn biến tích cực.

Bối cảnh đô thị hóa thời kỳ công nghệ cao thế giới sau năm 1980

Từ những năm 1980, thế giới bước vào giai đoạn công nghệ cao với sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Sự ra đời của máy tính cá nhân, Internet đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực kinh tế xã hội của thế giới trong đó có vấn đề đô thị hóa.

Điều đó đã dẫn đến những thay đổi cơ bản là:

+ Thay đổi cơ cấu sản xuất:

Các khu sản xuất tập trung lớn không còn chiếm ưu thế, sự phát triển sản xuất với công nghệ cao có thể phát triển phân tán. Người lao động thậm chí ngồi tại nhà vẫn có thể tham gia làm việc với các công ty. Liên kết mạng làm thay đổi toàn bộ phương thức quản lý và điều hành sản xuất. Công nghệ cao với các ngành công nghiệp không khói cho phép phân bố các khu vực hoạt động gần với khu dân cư, giảm bớt khoảng cách đi lại.

Từ đó, dẫn đến những thay đổi rất cơ bản về phân bố các khu vực sản xuất cũng như hình thức sản xuất. Chính vì tính liên kết mạng toàn cầu hoặc vùng mà việc xét đoán những ảnh hưởng của nó tới đô thị hóa không chỉ bó gọn trong những quan hệ về địa lý như trước đây.

+ Thay đổi các yếu tố xã hội:

Mức sống đô thị, thu nhập của lao động trong các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển ngay cả khu vực châu Á và Mỹ Latinh đã có những thay đổi đáng kể, chất lượng đời sống tăng. Việc đòi hỏi chất lượng cuộc sống cao đã tạo ra những hướng phát triển mới cho đô thị.

Kinh tế không còn là mục tiêu trên hết của cuộc sống. Môi trường xã hội, văn hóa tốt và môi trường thiên nhiên trong lành đã trở thành nhu cầu thiết yếu của dân cư. Lối sống công nghiệp với các sức ép về công việc, sự cạnh tranh khốc liệt bắt đầu bị phê phán ở phương Tây, lối sống coi trọng sự cân bằng của phương Đông, được xã hôi phương Tây học tập...

+ Các tác nhân văn hóa là rất sâu sắc:

Qua một giai đoạn phát triển khá dài, các nước đã có dịp tổng kết lại và nhận thấy rằng vai trò của văn hóa là hết sức quan trọng, tác động toàn diện tới sự phát triển chung của đất nước, về sự tiếp cận chậm trễ trong kinh tế và công nghệ để phát triển.

+ Tính ảnh hưởng toàn cầu của đô thị:

Thành phố phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ khắp mọi nơi thực phẩm, nhiên liệu, thép, gỗ.... Tác động tới môi trường của thành phố cũng mang tính toàn cầu. Thành phố trở thành một hệ thống có liên quan đến nhau trên hành tinh. Các thành phố hiện đại đều có tầm ảnh hưởng quốc tế. Nhiều thành phố mang tính toàn cầu được xếp hạng: London, Paris, Rottterdam, Frannkurt, Zurich, NewYork, Chicago, Los Angeles, Tokyo xếp hạng I. Các nước mới phát triển có Singapore, Rio de Janeiro, HongKong, BangKok, Seoul... Với vai trò là các trung tâm tài chính, ngân hàng, công nghiệp, giao thông. Đó là trung tâm sản xuất, trung tâm trí tuệ của tiến bộ nhân loại.

Một thực tế diễn ra ở nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Đức, Singapore là sự đầu tư ra nước ngoài rất lớn, thường tập trung ở các nước chậm phát triển - nơi nguồn nhân lực nhân công rẻ, thuế đất cùng những chi trả về môi trường, hạ tầng thấp hơn ở nước họ. Sự đầu tư này tạo ra nguồn việc ở các nước và cũng đóng góp vào việc dịch cư, tăng tốc đô thị hóa ở các nước đó. Tuy nhiên, nguồn lợi chính vẫn là các nhà tư bản đầu tư được hưởng, vì vậy cũng không hẳn tốc độ đô thị hóa nhanh đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế của nước đó một cách thực chất.

Đầu tư nước ngoài tạo ra một số bất lợi cho chính nước đó. Ví dụ như tại Đức, nhiều người dân cho rằng việc đầu tư ra nước ngoài làm giảm đi nguồn việc, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp trong nước cao.

+ Vấn đề dịch cư quốc tế:

Vấn đề dịch cư cũng không chỉ bó gọn nông thôn - đô thị trong một nước. Sự dịch cư quốc tế do xuất khẩu lao động đã trở nên phổ biến. Các nước như Anh, Đức, Pháp đã có luồng nhập cư lớn do nhu cầu cần lao động. Một số nước đang phát triển cũng có nhu cầu nhập khẩu lao động như Malaisia, Indonesia... Từ năm 1980 - 1990 khoảng 20% dân số của Mexicocity là nhập cư từ các nước khác như Argentina, Brasil, Cuba, Tây Ban Nha. Khoảng 40% dân thành phố là dân nhập cư từ vùng nông thôn hoặc từ nước ngoài.

Lao động nước ngoài dịch cư tuy không mang theo gia đình như dịch cư nông thôn - đô thị thông thường, nhưng những ảnh hưởng khác về mặt xã hội như văn hóa, lối sống cũng tác động nhất định đến đời sống của đô thị nói chung, ví dụ như cộng đồng người Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức, người Angeri tại Pháp. Tại Luân đôn, từ 1995 đến nay số dân nhập cư có tới 67% là dân của các nước có thu nhập cao như Đức, Pháp, họ là một trong những nhân tố thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của thành phố.

+ Các khu vực kinh tế mở:

Các khu vực kinh tế mở hoặc có những quy chế đặc biệt tạo nên hiện tượng đô thị hóa mang tính đặc thù. Khu vực kinh tế mở châu thổ sông Ngọc - Trung Quốc được hình thành từ năm 1979. Trong những vùng này tính chất nhập cư rất đa dạng. Có dịch cư từ nông thôn - đô thị, đô thị - đô thị, đô thị - vùng, quốc tế - vùng. Từ 1980 tới 1986, tốc độ tăng dân cư lên tới 188%.

+ Hiện tượng dịch cư tạm thời floating population là rất phổ biến... Có nơi số dân dịch cư tạm thời cao gấp 2,6 lần dân cư cố định như ở thành phố Baoan Trung Quốc, chiếm 33,4% dân số địa phương, trong đó chiếm khoảng 37,5% là lao động công nghiệp và 15% trong lao động tri thức.

Các khái niệm đô thị hóa với những khía cạnh mới

Đến giai đoạn 1970, ở Mỹ và một số nước phát triển đã bắt đầu xuất hiện các hiện tượng đô thị hóa mới.

Hiện tượng “Phi đô thị hóa” the Counter Urbanisation:

Trong các nước phát triển như Anh, Mỹ tới đầu năm 1970 quá trình tập trung dân cư tại các đô thị lớn đã chững lại. Các đô thị lớn không phình ra vô tận và liên kết lại thành các chùm đô thị hay siêu đô thị ecumenopolises... như dự báo của các nhà nghiên cứu giai đoạn trước mà bắt đầu có hiện tượng giảm dân số tại các đô thị lớn.

Thực tế cho thấy từ những năm 1970 đã xuất hiện hiện tượng “Phi đô thị hóa” tại Mỹ. Các thành phố lớn trong vùng của Mỹ đã giảm số dân khoảng 1,8 triệu người trong giai đoạn từ tháng 3/1970 đến tháng 3/1974. Những lý do giải thích cho hiện tượng này là: Sự yêu thích những cái mới; Xu hướng gần gũi thiên nhiên; Xu hướng tự do di chuyển; chủ nghĩa cá nhân, tội phạm và sự tan chảy của những cộng đồng Berry - 1976 “Process: Urban America since 1970”.

Hiện tượng: “Đảo cực đô thị hóa” polaration reversal:

Đây là sự phát triển với xu hướng giảm sự tập trung vào đó là sự tập trung dân cư vào các thành phố nhỏ và trung bình. Các thành phố nhỏ kề cận đô thị lớn có sức hấp dẫn cao với những ưu thế về môi trường, giá cả đất đai, mức chi tiêu thấp, cuộc sống xã hội không phức tạp như trong thành phố lớn. Về mặt kinh tế, giá cả đất cao tại trung tâm, chi trả về môi trường tại các khu trung tâm cũng là một yếu tố tạo sự ly tâm trong đầu tư các khu vực sản xuất.

Hiện tượng đảo cực đô thị hóa diễn ra ở cả các nước phát triển và đô thị lớn của các nước đang phát triển.

Thành phố Dehli của Ấn Độ hiện có 15,3 triệu người cũng có những sự thay đổi. Trong giai đoạn 1941 - 1851 dân số tăng kỷ lục khoảng 7,5%/năm. Trong số dân tăng, dân nhập cư từ đô thị khác chiếm tới 40%. Tuy nhiên, giai đoạn 1980 tốc độ tăng đã chậm lại, từ năm 1981 - 1991 tốc độ tăng chỉ đạt hơn 2%. Đây cũng là kết quả của việc phát triển các đô thị vùng ven do Chính ohủ đưa ra từ những năm 60.

Khái niệm “Đô thị hóa khác biệt” Differential Urbanization:

Đây là một khái niệm mới nói về các hiện tượng đô thị hóa trong các đô thị hiện nay không chỉ là các dòng dịch cư chính: nông thôn - đô thị mà tồn tại nhiều dòng dịch cư địa lý khác nhau H.S. Geyer: Mở rộng các khái niệm lý thuyết về quan niệm của Đô thị hóa khác biệt.

Quá trình dịch cứ trong mối quan hệ giữa vùng trung tâm đô thị và ngoại ô của các đô thị lớn được quan tâm đặc biệt, được tổng kết diễn ra theo 4 bước:

+ Bước “đô thị hóa” khi dân cư đô thị phát triển ở vùng nông thôn xung quanh.

+ Bước “Ngoại ô hóa” khi vùng ven phát triển tới trung tâm.

+ Bước “Phi đô thị hóa” khi có sự giảm dân cư của vùng trung tâm vượt hơn sự tăng của vùng ngoại vi, kết quả là làm giảm dân cư của đô thị nói chung.

+ Bước “Đô thị hóa lại” khi vùng trung tâm tăng dân cư lại trong khi vùng ngoại vi tiếp tục giảm dân cư.

Các vòng dịch cư, tức là như chu trình dịch cư trong quá trình đô thị hóa cũng đã được nghiên cứu. Qua đó cũng nhận thấy sự khác biệt giữa các dòng dịch cư của các nước phát triển và đang phát triển với những tác động rất khác nhau của các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị, công nghệ văn hóa...

Đây là những phát hiện rất quan trọng trong công tác lý luận về đô thị hóa, nó cho thấy mỗi một mức độ phát triển kinh tế xã hội của loài người, quá trình đô thị hóa lại có những sắc thái riêng.

Vấn đề của ngoại ô, nhịp điệu cũ và thực tế mới: Qua nghiên cứu về vùng ngoại ô của Mỹ, L.S. Bourne cho rằng đang có một quy luật làm biến đổi vùng ngoại ô, đó là sự nhìn nhận ngoại ô như một cấu trúc hoàn chỉnh hơn chứ không coi như một phần phụ thuộc hoàn toàn vào vùng trung tâm của đô thị. Ông đưa ra khái niệm “không gian xã hội mới trong các vành đai đô thị”. Các số liệu khảo sát tại Mỹ cho thấy: Năm 1950 vùng trung tâm thành phố có 57% dân số, chiếm 70% lượng việc làm, đến năm 1990 dân số thành phố trung tâm chỉ chiếm 37% và 45% lượng việc làm, còn lại dân số ngoại ô chiếm tới 63% đến 55% lượng việc làm.

Trong các đề xuất của “Chủ nghĩa đô thị mới” các tác giả nhóm DPZ, cũng cho thấy sự cần thiết phải tái phát triển lại vùng ngoại ô để gắn kết hơn với đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống ở các khu dân cư ngoại ô bằng việc phát triển các hệ thống hạ tầng dịch vụ hoàn chỉnh.

Hiện tượng phi tập trung ở thành phố hạt nhân của “vùng trung tâm” Mexico thể hiện rõ trong giai đoạn từ 1970. Tỷ trọng GDP của thành phố hạt nhân MAMC giảm từ 32% năm 1970 xuống còn 26% năm 1993. Năm 1970, Liên hợp quốc dự báo dân số Mexico City sẽ tăng đến 25 triệu tới năm 2000. Tuy nhiên hiện nay dự báo của thành phố đến năm 2010 chỉ trong khoảng 20,46 - 20,47 triệu người.

Vậy, quá trình đô thị hoá đang có những biến đổi theo sự thay đổi của các bối cảnh lịch sử kinh tế xã hội. Giai đoạn hiện nay đô thị hoá không chỉ đơn thuần là quá trình dịch cư từ nông thôn ra thành thị và dịch cư nghề nghiệp mà còn bao hàm các quá trình dịch cư khác, đa chiều, đa cấp độ, với các mức độ khác theo từng hoàn cảnh của từng đô thị.

Đô thị hoá không chỉ diễn ra trong một vùng, một quốc gia mà ảnh hưởng của nó tới phạm vi toàn cầu. Chính vì vậy, hệ quả của quá trình đô thị hoá của một đô thị cũng có tác động trên một phạm vi rộng lớn. Các nhân tố và hệ quả của đô thị hoá ngày càng có tính hai chiều rõ nét và tất cả các hiện tượng, biểu hiện đi kèm với các biến đổi nghề nghiệp, quá trình dịch cư đều có thể gọi là nguyên nhân và cũng là hệ quả, đồng thời là các nhân tố của quá trình đô thị hoá.

Các nhân tố kinh tế vẫn giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo nên quá trình đô thị hoá, tuy nhiên các nhân tố khác như văn hoá, lịch sử, lối sống... ngày càng có những ảnh hưởng lớn tới đặc tính đô thị hoá của mỗi vùng.

Qua phân tích khái niệm đô thị hoá trong từng giai đoạn cũng cho thấy tính phức tạp của quá trình đô thị hoá, tính địa phương, địa điểm, bối cảnh của nó là rất rõ nét. Ngoài những quy luật chung, các quy luật đặc thù của đô thị hoá theo bối cảnh là rất khác biệt trong từng quốc gia, từng khu vực.

Ở Việt Nam giai đoạn vừa qua các vấn đề đô thị hoá chưa được quan tâm đúng mức. Những hiện tượng đô thị hoá vùng ven, các làng xã lọt vào đô thị, hiện tượng nhập cư tạm thời, mở rộng dân cư Hà Nội ra các vùng Hà Tây, Hoà Bình... đều có tính quy luật và có thể dự báo trước những tác động tích cực , tiêu cực đến đô thị. Tuy nhiên, ta còn thiếu những nghiên cứu khoa học làm cơ sở, dẫn đến nhiều chính sách mang tính bị động, nhiều vấn đề tiêu cực nảy sinh không được giải quyết triệt để từ bản chất nguyên nhân của nó.

Điều này cũng khẳng định lại sự cần thiết tìm ra những quy luật chung và những quy luật đặc thù cho quá trình đô thị hoá ở mỗi đô thị, mỗi vùng, mỗi quốc gia, để có thể vận dụng điều tiết quá trình đô thị hoá theo xu hướng phát triển bền vững.

TS. Phạm Hùng Cường
Nguồn tin: T/C Quy hoạch Xây dựng, số 26 2/2007

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)