Phân tích dòng luân chuyển tài chính trong quản lý phân bùn

Thứ năm, 19/10/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện trạng quản lý phân bùn bể phốt ở một số thành phố lớn nước ta đã và đang được cải thiện đáng kể trong vòng 5 – 10 năm qua nhờ một số dự án đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Việc sử dụng bể tự hoại trong các hộ gia đình phát triển rộng khắp trong cả nước nhờ thực hiện theo định hướng của Chính phủ. Cơ sở hạ tầng khá tốt so với các nước đang phát triển. Nhận thức vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như khả năng bị bít tắc của các hệ thông công thoát đã giúp làm gia tăng sự bằng lòng chi trả của người dân cho các dịch vụ hút phốt. Các kế hoạch thông hút bể tự hoại bể phốt thường xuyên được thiết lập và hiện trạng về quản lý phân bùn bể phốt nói chung đã và đang được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, quá trình liên quan đến xử lý bùn cần phải được chú trọng và việc tái sử dụng sản phẩm từ quá trình xử lý này cũng cần được đẩy mạnh và hỗ trợ, bởi vì cho đến nay, chỉ rất ít các chất dinh dưỡng từ phân bùn đã qua xử lý được sử dụng làm phân bón trong nông nghiệp cũng như trong các ao nuôi cá. Đây là một vấn đề trọng tâm trong quản lý phân bùn bể phốt ở Việt Nam.

I. ỨNG DỤNG MOFA – XÂY DỰNG CÁC GIẢI PHÁP VỚI CÁC BÊN CÓ LIÊN QUAN
Dựa trên khái niệm về Phân tích dòng luân chuyển vật chất MFA, MoFA giúp tóm lược các thông tin thiết yếu của một hệ thống thành sơ đồ tổng thể. Mặc dù vậy, mỗi quá trình trong hệ thống cần được phân tích một cách chi tiết, tỉ mỉ về các vấn đề liên quan đến tài chính, nhằm có tầm nhìn và hiểu biết toàn diện. Chỉ có thể dựa trên các thông tin này mới thiết lập nên một sơ đồ có giá trị về dòng luân chuyển tài chính. Một nghiên cứu toàn diện, tổng thể về MFA mở rộng cho cả hai khía cạnh về tài chính và kinh tế cũng được thực hiện bởi Kytzia và các cộng sự trong năm 2004; và đã đưa ra cách nhìn toàn cảnh về công cụ phân tích này Hình 1.


' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.5803.987' />

Hình1. Cách tiếp cận MoFa dựa trên các biện pháp khuyến khích.
' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.5803.988' />

Nếu việc phân tích các khía cạnh về tài chính được thực hiện, các dòng luân chuyển tài chính quan trọng sẽ được mô tả. Các thông tin sẽ tạo ra các giải pháp khác nhau về dòng tài chính trong quản lý phân bùn; nhờ đó ta so sánh giữa các giải pháp, nhằm đưa ra một cách tiếp cận hiệu quả hơn.
Một bước quan trọng liên quan tới việc tối ưu hoá trong quản lý là nhận được sự phản hồi từ các bên có liên quan. Họ không chỉ là những người đề ra quyết định mà còn là các hộ gia đình và công nhân làm việc trong hệ thống quản lý đó. Cần nhận những phản hồi về các giải pháp được xây dựng, đề xuất một giải pháp chung có thể thực hiện được giữa các bên. Cần có một cách thể hiện dễ dàng các kết quả thu được, đây chính là điểm rất mạnh của MOFA: toàn bộ hệ thống được thể hiện trên một sơ đồ giản đơn và các kết quả về phân tích tài chính sẽ thể hiện trên đó, nhưng chỉ là các số liệu quan trọng và cần thiết.

II. CÁC BIỆN PHÁP KHUYẾN KHÍCH - ẢNH HƯỞNG CỦA DÒNG TÀI CHÍNH
Ngày nay, những thách thức trong việc quản lý phân bùn bể phốt chủ yếu là nhằm cải thiện được hiện trạng đổ thải bừa bãi phân bùn chưa qua xử lý ở các khu vực đô thị, do khả năng gây nên các rủi ro về mặt sức khoẻ vì các mầm bệnh chứa trong phân và gây lãng phí nguồn tài nguyên làm phân bón. Cơ cấu về kinh tế chịu trách nhiệm và ảnh hưởng chính trong việc xả bỏ bừa bãi phân bùn chưa qua xử lý. Do vậy, 2 mục tiêu chính được tập trung, liên quan đến việc thay đổi dòng tài chính hiện tại là:
• Cần đảm bảo phân bùn được thu gom sẽ được đưa tới trạm xử lý, bằng các biện pháp khuyến khích, hoặc bằng các biện pháp xử phạt đối với các Công ty chịu trách nhiệm thu gom.
• Cần đảm bảo việc hút phốt được thực hiện một cách định kỳ, bằng các biện pháp khuyến khích đối với các hộ gia đình.
Nhằm để đạt được các mục đích trên, phân bùn cần được hiểu và xem xét như một nguồn tài nguyên đối với trạm xử lý, nhằm tạo ra các loại phân bón có giá trị cho đất.

III. KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU VỀ ỨNG DỤNG MOFA TẠI CÁC Tp. HẢI PHÒNG VÀ ĐÀ NẴNG
Cho tới nay, hiện chưa có một nghiên cứu toàn diện nào về MOFA được thực hiện tại Việt Nam. Nhóm nghiên cứu về Quản lý phân bùn bể phốt của CEETIA Trường đại học Xây dựng là nhóm đầu tiên ở Việt Nam, với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ SANDEC – EAWAGE Thuỵ Sỹ khởi xướng vào năm 2005, nhằm kiểm nghiệm công cụ phân tích trong việc quản lý phân bùn bể phốt tại TP. Đà Nẵng và được thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu viên trong Trường. Nghiên cứu này hiện đang được mở rộng một cách chi tiết hơn tại TP. Đà Nẵng và Hải Phòng. Do cả hai TP này đều được hưởng lợi từ các dự án đầu tư của nước ngoài và từ Ngân hàng Thế Giới trong mấy năm vừa qua, cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể và đang có những hứa hẹn về những thay đổi trong phương thức quản lý phân bùn bể phốt. Tuy nhiên, cả hai TP đều gặp khó khăn trong việc thiếu trạm xử lý vận hành.
Mục tiêu của nghiên cứu này là việc so sánh sự khác biệt về loại hình tổ chức thu gom phân bùn ở hai thành phố: Đối với Hải Phòng thì Công ty Thoát nước SADCo đảm đương nhiệm vụ này, còn đối với Đà Nẵng thì do Công ty Môi trường đô thị URENCO cùng với các nhà thầu tư nhân thực hiện.
Sơ đồ dòng luân chuyển tài chính trong quản lý phân bùn tại TP. Hải Phòng trong một năm điển hình từ 2001 – 2005 được thể hiện ở Hình 2.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những chi phí cụ thể cho tổng hoạt động của toàn bộ hệ thống quản lý phân bùn tại các bể tự hoại, trong đó đóng góp phí dịch vụ từ các hộ gia đình và phí thu từ các hoạt động thu hồi các chất có giá trị từ phân bùn quay trở lại phục vụ cho nông nghiệp là những nguồn tài chính quan trọng để hệ thống hoạt động được theo phương cách bền vững, và như vậy đây là các yếu tố đảm bảo tính tự chủ trong hoạt động quản lý phân bùn của đô thị.
Một hệ thống hoạt động theo phương thức như trên sẽ mang lại một số hiệu quả cụ thể sau:
Lợi ích cho người dân:
- Giảm thời gian lưu chứa, chảy tràn úng ngập nước thải chưa được xử lý
- Ngăn chặn mùi hôi từ các công trình vệ sinh tại chỗ, điều kiện vệ sinh của hộ gia
đình được cải thiện, do đó sức khoẻ của người dân được bảo vệ;
- Người dân ý thức được trách nhiệm cũng như lợi ích của mình trong việc góp phần bảo vệ môi trường;
Lợi ích của Cty Thoát nước Hải Phòng Và Cty Môi trường đô thị Đà Nẵng:
- Tạo công ăn việc làm thường xuyên và ổn định cho cán bộ công nhân viên trong Công ty đôi với Hải Phòng và tạo cơ hội để khối tư nhân có thể tham gia vào công tác thu gom vận chuyển phân bùn;
- Đơn giản hoá các thủ tục hành chính và tăng hiệu quả quản lý đưa đến việc doanh thu hàng năm tăng;
Lợi ích cho UBND thành phố
- Dần dần giảm tiền trợ cấp cho công tác quản lý phân bùn bể tự hoại
- Giảm mức độ ô nhiễm của chất thải trong cống, từ đó giảm chi phí xử lý nước thải
- Bảo vệ được nguồn nước ngầm và nước mặt, từ đó giảm được chi phí xử lý nước cấp
- Làm trong sạch môi trường và cảnh quan đô thị, thu hút được khách du lịch
- Giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống thoát nước cho toàn đô thị.
Các lợi ích gián tiếp:
- Sức khoẻ của người dân được bảo vệ, từ đó giảm chi phí cho y tế và kinh phí cho bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
- Năng suất lao động được nâng cao.
Hạn chế:
- Khả năng phục vụ không đủ cho nhu cầu của người dân, vẫn còn nhiều hộ dân muốn tham gia vào dự án nhưng không được vì nhiều lý do: chủ yếu là do hộ ở trong ngõ hẹp và sâu, không thể thông hút được.
- Việc xử lý phân bùn chưa được thực hiện triệt để, do vậy tận thu các chất dinh dưỡng từ quá trình xử lý chưa thực sự mang lại hiệu quả thiết thực;

IV. KẾT LUẬN
Trên thế giới hiện chỉ có một vài nghiên cứu về MoFA được thực hiện bởi SANDEC và các đối tác thuộc trường đại học ETH, Zurich, Thuỵ Sỹ, do vậy kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực này hiện còn rất hạn chế ở Việt Nam.
Các kết quả từ nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả 2 TP.Hải Phòng và Đà Nẵng đều cần phải vận hành các trang thiết bị xử lý phân bùn, đây là yếu tố hết sức cần thiết nhằm thiết lập một phương thức quản lý phù hợp và tối ưu hoá giá trị của các cơ sở hạ tầng khá tốt vốn có tại hai TP này.
Việc thực hiện phân tích thường rất khó khăn ở mọi nơi, các số liệu thực thường rất khó khăn để có được, do khó xác định được các dòng nguồn tài chính không chính thức, do vậy cần có những đánh giá và ước tính chuẩn xác về các số liệu thu được này.
Một điểm quan trọng nữa là vấn đề đổ thải phân bùn: Việc mô tả hệ thống hiện tại, các số liệu tài chính về chi phí nhân công, chi phí thiết bị vận chuyển, xử lý… để tiến tới xoá bỏ việc đổ thải trái phép cần phải được nghiên cứu và có những giải pháp chính sách phù hợp. Trong thực tế, điều này không phải dễ, nếu không có sự nhận thức đúng đắn về mức độ nguy hại của xả đổ không hợp lý phân bùn tới chất lượng môi trường sống và sức khoẻ cộng đồng, do vậy việc nâng cao nhận thức cho cả các cấp ra quyết định và các công nhân thực hiện công việc đổ xả phải được thực hiện trước khi các công nghệ thu gom và xử lý phân bùn được áp dụng đồng bộ ở các đô thị nước ta.


Nguồn: TC Xây dựng số 9/2006

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)