Một số đề xuất về chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển vùng Thủ đô Hà Nội

Thứ năm, 16/11/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bối cảnh chung của Vùng thành phố Hà Nội Theo quy luật chung về hình thành và phát triển các vùng thành phố lớn trên thế giới, vùng thành phố Hà Nội đang được hình thành và phát triển theo với trình độ của các ngành kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ và cơ sở hạ tầng kỹ thuật của vùng, hiện nay đã hình thành mối quan hệ hàng ngày giữa thành phố trung tâm thành phố hạt nhân và các khu vực xung quanh.
1. Phạm vi không gian vùng thành phố

Vùng Thủ đô được nghiên cứu trong phạm vi 11 tỉnh: thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Tây, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hải Dương, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hà Nam, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Phú Thọ, tỉnh Hoà Bình. Diện tích đất tự nhiên là 24.259km2, dân số năm 2004 là 16.140,4 người, mật độ dân số là 665,3người/km2. Nghiên cứu vùng Thủ đô Hà Nội đã xem xét đến trục phát triển về phía cảng Hải Phòng và cảng Cái Lân, đó là trục phát triển đô thị dọc theo các tuyến giao thông quan trọng quốc lộ 5, quốc lộ 18 và tuyến đường sắt tới cảng Hải Phòng và cảng Cái Lân. Trục đô thị này được phát triển dạng Megaloplis. Về không gian vùng Thủ đô xem xét trong phạm vi Hà Nội và 4 tỉnh liền kề cùng với 6 miền thuộc các tỉnh Hải Dương, Hà Nam, Hoà Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ với diện tích tự nhiên là 9.971,7km2 và dân số là 11.775,2 nghìn người, mật độ dân số là 1.180 người/km2 diện tích và dân số của không gian vùng Thủ đô này không tính diện tích đất đai và dân số của 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng.

2. Đặc điểm chính của vùng Thành phố Hà Nội

2.1 Thủ đô Hà Nội có vai trò rất quan trọng đối với quốc gia trên nhiều lĩnh vực
Nghị quyết số 15 QN/TW, ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001- 2010 đã xác định Thủ đô "là trái tim của cả nước, đầu não chính trị- hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế". Pháp lệnh Thủ đô của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định:"Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị- hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, là nơi đặt trụ sở của các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và là nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước"
- Vai trò trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, đó là vai trò độc tôn của cả nước, không một thành phố nào của nước ta có thể có được.
- Thành phố Hà Nội là trung tâm văn hoá, thể thao của cả nước, vai trò này cũng nổi trội được hình thành từ nhiều thế kỷ trong quá trình phát triển của Thăng Long- Đông Đô - Hà Nội.
- Là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm nghiên cứu khoa học lớn nhất nước ta. Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã được coi là cơ sở đào tạo cao cấp của quốc gia được thành lập năm 1076. Hà Nội là nơi tập trung các cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu của đất nước, nơi tập trung nhiều nhân tài thuộc nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn.
- Vùng thành phố Hà Nội là một trong hai trung tâm y tế lớn nhất nước ta, phục vụ khám chữa bệnh cho cả miền Bắc.
- Về kinh tế: thành phố Hà Nội có vai trò quan trọng về kinh tế của cả nước, nhưng đứng sau thành phố Hồ Chí Minh, các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại, du lịch dịch vụ, ngân hàng tài chính đều phát triển .

2.2 Vùng Thủ đô Hà Nội có nhiều lợi thế
- Có vị trí địa lý đặc biệt, ở vị trí địa lý trung tâm của miền Bắc, nằm ở trung tâm đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ liên hệ rất thuận lợi với các vùng miền của đất nước, nằm trên hai hành lang kinh tế Vân Nam-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Quảng Ninh và Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Quảng Ninh, Hải Phòng.
- Vùng thành phố Hà Nội có tài nguyên tương đối phong phú như tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hoá, các khu bảo tồn thiên nhiên.
- Vùng thành phố Hà Nội có tiềm năng về nguồn lực dồi dào về số lượng, đồng thời tỷ lệ dân số có chứng chỉ, văn bằng chuyên môn kỹ thuật là cao nhất nước.
- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế xã hội của vùng thành phố Hà Nội tương đối phát triển. Có thể tương đương với cơ sở hạ tầng của vùng thành phố Hồ Chí Minh.
- Vùng thành phố Hà Nội có lợi thế về giao lưu quốc tế, các quan hệ về kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ được phát triển với nhiều nước và khu vực. Thủ đô Hà Nội có trụ sở của trên 100 đại sứ quán các nước, đại diện của khu vực, nhiều đại diện các tổ chức quốc tế như UNDP, UNICEF, UNESCO, WHO, WB, ADB... có trụ sở tại Hà Nội. Điều này giúp cho phát triển giao lưu quốc tế có nhiều thuận lợi.

2.3 Những khó khăn thách thức hiện nay đối với các tỉnh trong Vùng thành phố Hà Nội trong quá trình phát triển
- Trình độ phát triển kinh tế là thấp, một số tỉnh kém phát triển thể hiện ở GDP bình quân đầu người của các tỉnh từ 3,6 triệu /người/năm tỉnh Hoà Bình đến 5- 6 triệu /người/năm các tỉnh khác. Riêng thành phố Hà Nội thu nhập bình quân đầu người là 18,2 triệu đồng/năm niêm giám thống kê năm 2004
Cơ cấu kinh tế của 3 lĩnh vực: nông lâm nghiệp 24-32%, công nghiệp và xây dựng 20-40% riêng tỉnh Vĩnh Phúc là 50%. Dịch vụ từ 27-36%. Toàn vùng thành phố Hà Nội 11 tỉnh tỷ lệ lao động ngành nông lâm, thuỷ sản là 56,68%, công nghiệp và xây dựng là 19,53%, ngành dịch vụ là 23,77%. Tỷ lệ đô thị hoá ở toàn vùng 11tỉnh là rất thấp bằng 23% thấp hơn tỷ lệ đô thị hóa trung bình của cả nước 26%.
Đặc điểm của vùng là tình trạng dư thừa lao động nông thôn với tỷ lệ ước tính là 505. Nói cách khác, lượng nhân lực nông lâm nghiệp hiện cao gấp 2 lần mức cần thiết và tình trạng đó gây ảnh hưởng không tốt cho năng suất nông nghiệp cũng như cho sự phát triển năng động của toàn vùng.

2.4 Trình độ phát triển của các tỉnh trong vùng có sự chênh lệch khá lớn, thể hiện ở các mặt sau đây
- GDP bình quân toàn đầu người năm 2004 của Hà Nội là 18.2 triệu/năm gấp 5 lần GDP bình quân của Hải Dương 4,44 triệu/năm, gấp 6 lần GDP của Hoà Bình 3,56 triệu/năm.
- Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài của từng tỉnh/ thành phố chênh lệch nhau khá xa. Tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép từ 1998- 2004 của Hà Nội là 9965,1 triệu USD có 687 dự án, tỉnh Hoà Bình chỉ có 57,9 triệu USD, có 14 dự án. Vốn đầu tư trực tiếp vào các tỉnh Hà Nam, Bắc Giang, Hoà Bình là quá ít.
- Năng lực cạnh tranh của chính quyền cấp tỉnh để thu hút thành phần kinh tế tư nhân đầu tư phát triển các tỉnh cũng chênh lệch nhau nhiều. Theo kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu thuộc Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam VCCI và dự án nâng cấp cạnh tranh Việt Nam VNCI công bố năm 2003 thì; nhóm CPI thấp nhất là các tỉnh Hà Tây 38,81, Hải Dương 45,79, thuộc tỉnh có chỉ số CPI thấp nhất. Hai tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ninh được xếp vào nhóm các tỉnh có CPI cao nhất; Hà Nội và Hưng Yên thuộc nhóm có CPI khá cao CPI là chỉ số nhằm đánh giá và xếp hạng các tỉnh, thành về môi trường làm ăn của khu vực tư nhân. Kết quả nghiên cứu của các cơ quan trên công bố ngày 1/6/2006, chỉ số CPI của các tỉnh thuộc vùng thành phố Hà Nội lại bị giảm sút: thành phố Hà Nội tụt 14 bậc, Hà Tây vẫn ở bậc cuối cùng.

2.5 Sự liên kết và hợp tác giữa các tỉnh/thành phố trong vùng Thủ đô còn nhiều hạn chế
Nghị quyết số 15 NQ/TW, ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001-2010 đã chỉ rõ "thành phố chưa chủ động hợp tác với các địa phương, trực tiếp là các tỉnh lân cận. Một số địa phương, trước hết là các tỉnh lân cận Hà Nội chưa chủ động phối hợp với Hà Nội xây dựng và thực hiện chương trình hợp tác phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội có hiệu quả". Đối với Hà Nội "kinh tế tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của Thủ đô. Vai trò trung tâm kinh tế của cả nước chưa nổi bật, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh thấp". Mấy năm gần đây, lãnh đạo Đảng bộ và chính quyền Hà Nội và các tỉnh xung quanh đã đẩy mạnh hơn hợp tác phát triển kinh tế giữa Hà Nội và các tỉnh "sự hợp tác của vùng, giữa các tỉnh với Hà Nội đã đạt được kết quả tích cực, đáng khích lệ, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của các tỉnh và thành phố trong vùng. Tuy nhiên, đó mới là kết quả bước đầu, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của vùng". Đó là kết luận của Hội nghị sơ kết 2 năm hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc.
Trong việc lập quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội, quy hoạch mạng lưới đô thị và các điểm dân cư, cơ sở hạ tầng của các tỉnh, quy hoạch chung các đô thị, các tỉnh không có sự phối hợp nên đã làm nảy sinh một số vướng mắc, trở ngại đối với phát triển và phân bổ các khu công nghiệp, phát ảiển du lịch. Bố trí các đô thị và các điểm dân cư bám sát các quốc lộ, lấn chiếm các khoảng không gian mở giữa Hà Nội và các địa phương lân cận.

3. Tầm nhìn vùng Thủ đô Hà Nội

Tầm nhìn của Thủ đô sau 20 năm là một thành phố thịnh vượng giàu bản sắc văn hoá, thành phố văn minh hiện đại có môi trường sống thích hợp và có sức cạnh tranh cao, xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hoá, khoa học và công nghệ của cả nước, một thành phố có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Dân số thành phố Hà Nội năm 2020 khoảng 4,5-5 triệu người, dân số toàn vùng Thủ đô khoảng 14,5-15 triệu người, trong đó khoảng 60% dân số đô thị. Trên địa bàn vùng Thủ đô kinh tế được phát triển nhanh và vững chắc, cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng phát triển dịch vụ-công nghiệp và xây dựng-nông nghiệp, hình thành rõ nét nền kinh tế tri thức. Đô thị được cải tạo và xây dựng đồng bộ, hiện đại với hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng được những yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá và đời sống dân cư. Khai thác và sử dụng tốt cảnh quan thiên nhiên, di tích văn hoá lịch sử phong phú của toàn vùng tạo được môi trường sống tốt cho dân cư trong vùng và khách du lịch, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Nâng cao sức cạnh tranmh của Vùng Thủ đô Hà Nội để đuổikịp và vượt lên so với các vùng Thủ đô và vùng thành phố lớn khu vực châu Á.

4. Những rào cản chính đối với việc phát triển vùng Thủ đô

Những rào cản chính đối với việc phát triển vùng Thủ đô hiện nay cũng là những rào cản chính với việc phát triển chung của đất nước, đồng thời còn có các rào cản riêng đối với đặc thù các tỉnh trong vùng Thủ đô
- Các yếu tố cơ chế bao cấp cũ mà điển hình là trục tam giác; xin cho-độc quyền doanh nghiệp Nhà nước-bảo hộ Nhà nước vãn chi phối quá trình phân phối nguồn nhân lực trong khu vực kinh tế chủ đạo Nhà nước-kinh tế quốc doanh làm cho việc phân phối và sử dụng nguồn nhân lực kém hiệu quả
- Phát triển các thể chế thị trường không đồng bộ, không theo logic hệ thống, vẫn còn đo nhiều trên lợi ích cục bộ của DNNN chứ chưa thực sự hướng tới việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho DNNN, DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài.
- Việc hoạch định chiến lược, chính sách còn chậm và không đồng bộ có sự chồng chép và hay thay đổi, điển hình là các nghị định hướng dẫn thi hành luật thường chậm được ban hành, các địa phương không có hướng dẫn cụ thể áp dụng. Phương pháp quy hoạch vẫn duy trì phương pháp cũ, chất lượng thấp, không đáp ứng được sự biến động của thị trường. Không có quy hoạch đồng bộ, hợp nhất và thiên về quy hoạch riêng rẽ từng ngành và không phối hợp với nhau.
- Năng lực công nghệ và khả năng sáng tạo công nghệ ở nước ta nói chung và vùng Thủ đô nói riêng còn rất thấp. Thủ đô là nơi tập trung các viện nghiên cứu khoa học, các trường đại học nhưng chưa phát huy hai thác được để áp dụng vào sản xuất, các DN chưa kết nói với các cơ sở nghiên cứu khoa học. Đó là rào cản rất lớn đối với năng lực cạnh tranh quốc gia và vùng Hà Nội, cũng như việc nâng cao chất lượng tăng trưởng của Vùng Thủ đô trong thời gian tới.
- Sức ép về dân số tiếp tục tăng, thiếu việc làm vẫn là bức xúc. Việc di chuyển dân cư nông thôn vào thành phố Hà Nội với tốc độ cao đã vượt quá khả năng phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố, không đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về nhà ở, đi lại, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường. Việc dư thừa lao động ở nông thôn trong vùng là rất lớn, theo tính toán của các chuyên gia vùng Hà Nội mỗi năm cần tạo ra 200.000 chỗ làm việc mới giải quyết được nhu cầu việc làm.
- Chính sách đất đai và chính sách đền bù giải phóng mặt bằng chưa được đồng bộ đã làm trở ngại lớn cho việc giải phóng mặt bằng, dẫn đến làm chậm tiến độ xây dựng của nhiều công trình và chưa giải quyết tốt việc chuyển nghề cho những người nông dân bị lấy đất nông nghiệp.

5. Đề xuất về chính sách và giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển Vùng Thủ đô

Để thực hiện các mục tiêu phát triển theo tầm nhìn của Vùng thủ đô trong điều kiện thực tế hiện nay, bối cảnh chung của Vùng thủ đô và những rào cản chính đối với phát triển Vùng Thủ đô được trình bày ở trên, cần thực hiện các chính sách và giải pháp sau đây:

5.1 Giải phóng và phát huy mạnh mẽ lực lượng sản xuất, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của Vùng Thủ đô VTĐ
Phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác và phát huy các lợi thế của toàn VTĐ, gắn kết sức mạnh của Hà Nội với ức mạnh hợp tác liên kết với các tỉnh và hợp tác quốc tế, đặc biệt là tiềm năng sức mạnh của các thành phần kinh tế: kinh tế quốc doanh, kinh tế tư nhân và kinh tế hợp tác xã. Xây dựng và phát triển khu vực doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân mạnh, đoàn kết có ý thức hợp tác gắn bó với nhau, có khát vọng làm giàu chính đáng, lâu dài, có bản lĩnh và kinh nghiệm thương trường, có lòng tự tôn và tự hào dân tộc, liên kết và tuân thủ các luật chơi trong nước và quốc tế.

5.2 Chuyển mạnh sang kinh tế thị trường, thực hiện các nguyên tắc của thị trường, hình thành đồng bộ và hoàn thiện các loại thị trường và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN phù hợp với đặc điểm của VTĐ
Giai đoạn phát triển mới của đất nước đòi hỏi phải hình thành nhanh và đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, thực hiện đầy đủ những nguyên tắc của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản...

5.3 Nâng cao chất lượng phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp
Phát triển các ngành, các lĩnh vực và sản phẩm có hàm lượng chất xám và công nghệ cao, chế biến sâu, có triển vọng thị trường trong nước và quốc tế, phù hợp lợi thế so sánh của VTĐ. Các ngành, lĩnh vực tạo nền tảng, có tính chất liên kết liên ngành và đáp ứng tính đồng bộ thị trường, từng bước hoàn thành và phát triển các lĩnh vực và thành phần cơ bản của kinh tế tri thức. Xây dựng Hà Nội thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao, tăng giá trị gia tăng dịch vụ 10,5-11,5%/năm. Phát triển các dịch vụ phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh hỗ trợ nông nghiệp và đối ngoại. Phát triển có chọn lọc các ngành hàng, nhóm sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường. Đối với nông nghiệp và nông thôn, hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái, mở rộng ứng dụng công nghệ hiện đại và sản xuất nông phẩm sạch

5.4 Vùng Thủ đô đi đầu trong việc chủ động và tích cực đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng kinh tế đối ngoại gắn với nâng cao khả năng khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế
Cải thiện môi trường đầu tư bằng các giải pháp thiết thực như chú trọng cải cách hành chính, cơ chế chính sách thông thoáng, đào tạo nguồn nhân lực có trình dộ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Tạo lập những điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài. Phấn đấu để vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 1/3 tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm 2006-2010. Mở rộng lĩnh vực, địa bàn và hình thức thu hút FDI và FPI, hướng vào những thị trường tiềm năng và các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả FDI.

5.5 Phát triển mạnh văn hoá, xã hội và bảo vệ môi trường

5.6 Đẩy mạnh việc liên kết hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô về phát triẻn kinh tế, cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, các nguồn lực và nâng cao sức cạnh tranh của toàn VTĐ. Hỗ trợ các tỉnh kém phát triển đang có nhiều khó khăn vươn lên đạt trình độ chung của VTĐ

5.7 Cần cải tiến nâng cao chất lượng quy hoạch vùng, tiến hành lập quy hoạch tổng thể, hợp nhất VTĐ, bao gồm quy hoạch kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường. Quy hoạch các ngành và quy hoạch các đô thị trong vùng phải đồng nhất với quy hoạch tổng thể để tránh tình trạng chồng chéo và mâu thuẫn. Các tỉnh, thành phố cần chủ động tham gia trực tiếp vào quy hoạch tổng thể VTĐ

5.8 Cần lập chương trình và các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho toàn vùng và xây dựng cơ chế thích hợp huy động các nguồn vốn để thực hiện các chương trình và các dự án đầu tư nêu trên

TS. Nguyễn Văn Than
Nguồn tin: Hội thảo khoa học "Khai thác những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, kinh tế-xã hội trong quá trình đô thị hoá và phát triển bền vững vùng Thủ đô Hà Nội, tháng 10/ 2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)