Mấy suy nghĩ về công tác quy hoạch xây dựng đô thị - nông thôn Việt Nam hiện nay

Thứ năm, 16/11/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong những năm qua công tác thiết kế quy hoạch xây dựng đô thị nông thôn Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể: - Nhiều đề tài khoa học, nhiều chương trình nghiên cứu đã đề cập tới vấn đề chiến lược xây dựng và phát triển đô thị nông thôn trên phạm vi toàn quốc. Nhiều đồ án quy hoạch xây dựng vùng được triển khai như vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải miền Trung, vùng đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch xây dựng các vùng trọng điểm: vùng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, vùng Bắc Trung Bộ, vùng thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hoà - Vũng Tàu... nhiều vùng xung quanh các thành phố được nghiên cứu nhưu chùm đô thị Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... các tỉnh cũng đã tiến hành lập quy hoạch phân bỏ dân cư trong địa phận quản lý của mình.
- Các đề tài nghiên cứu, những vùng quy hoạch lãnh thổ của các tỉnh đã bước đầu giúp nhà nước và chính quyền các tỉnh định ra chiến lược phát triển xây dựng vùng theo quy hoạch làm tiền đề cho việc nghiên cứu quy hoạch chung các đô thị, lựa chọn xây dựng các công trình trọng điểm.
- Các đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch chi tiết đã được thực hiện ở hầu khắp các đô thị nông thôn trong cả nước. Các đồ án được duyệt là cơ sở pháp lý để chính quyền các cấp chỉ đạo xây dựng, nhờ vậy mà nhiều đô thị mới được hình thành nhanh chóng. Trong thập kỷ 90 đến nay nhiều đô thị được thay da đổi thịt hàng ngày đặc biệt là các tỉnh mới tác lập. Nhiều khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, khu kinh tế mở được xây dựng. Nhà ở cho dân được xây dựng hàng loạt, diện tích ở cho dân được nâng lên nhờ cơ chế thay đổi: dân tựu xây, nhà nước và dân cùng làm... nhiều nhà dân đã có bàn tay của kiến trúc sư, các công trình công cộng nhưu các công trình hành chính, chính trị cao cấp, các công trình văn hoá, thể dục thể thao, dịch vụ thương mại cũng được xây dựng với khối lượng lớn. Nhiều đô thị đã hình thành những trung tâm đẹp, nhiều nhà cao tầng mọc lên ở các đô thị mới. Các làng xóm đã được ngói hoá, đường sá được lát gạch hoặc đổ bê tông, điện và nước sạch đã đưa được về các bản làng, mạng lưới thông tin liên lạc phát triển, sóng phát thanh truyền hình được phủ khắp đất nước. Đình chùa, miếu mạo, nhà thờ được tôn tạo. Hệ thống giáo dục, y tế được xây dựng ở khắp các khu dân cư.
Thành tựu xây dựng lớn, giải quyết được những yêu cầu cấp bách của sản xuất, đời sống nhưng cũng bộc lộ nhiều yếu kém:
- Nhìn ra thế giới sau những trận cuồng phong về cách mạng khoa học kỹ thuật, về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đơn thuần theo công năng trong xây dựng. Môi trường sống ở đô thị đang đứng trước thảm hoạ mang tính toàn cầu: sinh thái bị huỷ hoại, môi trường bị ô nhiễm, thiên nhiên bị tàn phá...
- Kho tàng triết học, truyền thống văn hoá quý giá phong phú của nhiều dân tộc đang bị suy thoái nghiêm trọng với mọt tốc độ chưa từng thấy.
- Bùng nổ dân số, thiếu việc làm, liên kết dành thị trường quyết liệt, các luồng dân cư, tái định cư, tệ nạn mang tính toàn cầu, xáo trộn dân cư, xáo trộn tập quán lan toả rất nhanh.
Trong bối cảnh đó quy hoạch xây dựng Việt Nam cũng đang trong tình trạng:
- Các đô thị bị quốc tế hoá với nhiều trào lưu, nhiều xu hướng lẫn lộn, truyền thống và bản sắc văn hoá đang bị mai một.
- Làng xóm đang bị đô thị hoá một cách cứng nhắc theo kiểu các đô thị lớn. Những làng đào Nhật Tân, hoa Ngọc Hà đang bị dần mất đi thay vào đó là những đô thị mới với nhà cao tầng, thấp tầng, đủ loại.
- Miền núi đang bị đồng bằng hoá: các đô thị miền núi đang đua nhau xây dựng bắt chước miền xuôi, đồi núi bị san bằng: Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên. Không những thế ở các đô thị này cũng đang có những dãy phố chia lô nhưu Hà Nội.
- Kiến trúc các dân tộc ít người đang bị Kinh hoá..
Việc này dẫn đến một kết quả: đơn điệu, buồn tẻ bởi đâu cũng giống đâu.
Cha ông ta đã bao đời khai phá và tạo dựng ra những cánh đồng phì nhiêu nuôi sống chúng ta. Vậy mà ngày nay hàng vạn ha ruộng đất của vùng đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long, Đông Nam bộ, duyên hải Miền Trung đang được mang ra xây dựng đô thị không chút thương tiếc.
Các thành phố đã có quy hoạch nhưng nhìn lại trên thực trạng các đô thị người ta vẫn có cảm giác các thành phố phát triển như tự phát, vô tổ chức.
Công nghiệp xây dựng rải rác, có thể bố trí khắp nơi trong thành phố xen lẫn giữa các khu chung cư chẳng kể độc hại ô nhiễm môi trường.
Giao thông: Hệ thống giao thông đối ngoại cắt ngang, cắt dọc thành phố gây nhiều ách tắc và tai nạn cho người dân.
Hệ thống kỹ thuật như các đường dây điện cao thế, ống dẫn dầu, đường dây thông tin liên lạc, đường ống cấp thoát nước.. cũng mạnh ai nấy làm, chia cắt thành phố tuỳ tiện gây tác hại khôn lường.
Dân cư: Các khu dân cư xây dựng lộn xộn, các đường phố, các cửa ô, trung tâm... có đường đôi, đường ba khang trang đẹp mắt nhưng kiến trúc hai bên thì không thể chấp nhận được. Từng công trình đơn lẻ cũng có những công trình đẹp nhưng cả đường phố nói riêng và thành phố nói chung chẳng đâu thể hiện được một ý đồ tổng thể nào.
Chúng ta xem thử các trục đường lớn mới mỏ của Hà Nội như đường Nguyễn Văn Cừ nối từ cầu Chương Dương đén cầu Chui, đường Trần Khát Chân từ ô Cầu Dền đi Lò Đúc, đường Nguyễn Trãi từ ngã tư Sở đi Hà Đông, đường Giải phóng từ công viên Thống Nhất đi Pháp Vân, đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Trần Duy Hưng... đâu đâu cũng thấy cảnh lộn xộn.
Ngoài các trục đường lớn, bóng dáng thành phố trên các mặt biển, mặt sông, mặt hồ đều có những cảnh lộn xộn tương tự.
Nhiều nhà cao tầng xây dựng mới thật đẹp nhưng nhìn tổng quát vẫn nhiều điều bất ổn gây nhiều tranh cãi. Nhiều cao ốc đã phá vỡ những không gian đẹp truyền thống, đè bẹp những kiến trúc có giá trị xung quanh. Một buổi bình minh hay hoàng hôn nào bên Hồ Tây hay Hồ Hoàn Kiếm ta thấy rõ rằng những nhà cao tầng lổn nhổn trên mặt đứng thành phố. Rõ ràng rằng vẫn mạnh ai nấy làm. Phải chăng đó là những nghiên cứu sơ lược, thiếu đồng bộ hay do quản lý xây dựng không theo quy hoạch.
Các thành phố, thị xã, thị trấn có xu hướng phát triển dài theo các trục quốc lộ, vừa ảnh hưởng tới tốc độ xe chạy trên đường vừa nguy hiểm đến tính mạng, tài sản cư dân và quốc lộ vừa được cải tuyến hoặc xây dựng mowislaij phải bàn cách di chuyển quốc lộ ra khỏi các đô thị. Cùng một quốc lộ mà ở một thị xã, thành phố trong mấy chục năm qua phải di chuyển tới mấy lần.
Trào lưu xây dựng nhà ở theo đường phố đưa chúng ta quay lại thời kỳ Tiền Tư bản. Các nhà dân hình ống cứ chạy dài theo các quốc lộ, theo các đường phố. Nhà nọ xen lẫn nhà kia: nhà cao nhà thấp, nhà rộng nhà hẹp, nhà mỏng nhà dầy đủ loại, đủ mọi thời đại không có một quy luật nào và phía sau các mặt tiền đường phố này là cả một không gian hỗn độn. Đường vào các khu quá nhỏ, ngoằn nghèo, không ánh sáng mặt trời, ô tô cứu thương, cứu hoả, xe rác, xe tang... đều không thể ra vào được.
Vậy, nguyên nhân gì đã làm cho bộ mặt Kiến trúc đô thị nước nhà như vậy?

Về đội ngũ những người làm quy hoạch

Lực lượng làm quy hoạch ngày càng đông. Ngoài các Viện quy hoạch của Trung ương còn có các cơ quan tưu vấn quy hoạch xây dựng địa phương; các xi nghiệp, trung tâm, công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn, văn phòng tư vấn kiến trúc quy hoạch tư nhân. Như vậy lực lượng nghiên cứu, quy hoạch đô thị... đã có hàng vạn người. Họ được đào tạo từ các trường đại học trong và ngoài nước. Nhiều người có tây nghề cao với tuổi nghề 30 - 40 năm, nhiều người có bằng trên Đại học.
Ngoài những người được đào tạo chính thống làm quy hoạch, say sưa với nghề nghiệp còn có một bộ phận không nhỏ ở các ngành nghề khác khi được đưa vào các vị trí lãnh đạo then chốt ở các cấp chính quyền cùng say sưa với công tác quy hoạch. Nhiều người đưa ra được những ý tưởng hay, biết phát huy động viên các nhà quy hoạch sáng tạo ra những đồ án quy hoạch nên bị say sưa với những điều không tưởng hoặc sa vào những điều trái với những kiến thức thông thường nhất trong lĩnh vực quy hoạch.
Số chuyên gia và các tổ chức tư vấn nước ngoài vào tham gia các đồ án quy hoạch ở nước ta ngày một đông. Cũng có nhiều người, nhiều tổ chức tưu vấn có trình độ cao nhưng cũng không ít cá nhân và tổ chức tưu vấn ít am hiểu lĩnh vực quy hoạch nhưng do tư tưởng sính ngoại nên một số ông bà chủ vẫn thuê tư vấn để dễ thông qua các cấp chính quyền.

Về chất lượng

Bên cạnh những đồ án được nghiên cứu nghiêm túc đạt kết quả tốt cũng còn không ít những đồ án chất lượng còn quá kém đặc biệt là những đồ án mà các nhà quy hoạch phải minh hoạ cho những ý nghĩ không chuẩn xác của các nhà lãnh đạo hoặc những đồ án phải làm cấp tốc để chạy vốn xây dựng hàng năm.
Do công tác dư áo quá kém và ít cơ sở khoa học một số kiến trúc sư bốc đồng vạch ra những đồ án có quy mô khá lớn so với hiện tại cốt vừa lòng các quan chức, các ông bà chủ... dẫn đến việc xây dựng tốn kém và các quy hoạch treo.
Một số đồ án nhìn thiển cận chỉ cần cho quyền lợi trước mắt, cốt sao được việc của họ cũng dẫn đến những tác hại thật khó lòng sửa chữa.
Lại có những đồ án nghiên cứu quá sơ lược không sử dụng được.
Các đồ án quy hoạch chỉ nặng về chia đất mà bỏ đi những giá trị nhân văn khiến các đồ án xây dựng lên trở thành vô hồn. Nhiều đô thị chưa tìm ra đặc trưng của mình.
Hiện nay vẫn còn nhiều tác phẩm xấu được phê duyệt và mang xây dựng, nhiều tác phẩm tốt bị bỏ đi. Nhiều kiến trúc sư nhỏ được giao thông công trình lớn. Nhiều kiến trúc sư lớn lại không có việc hoặc chỉ được giao những công trình nhỏ. Các kiến trúc sư nhỏ nhận được việc lớn không làm được lại thuê các kiến trúc sư lớn. Do cuộc sống và nhiều sức ép khác nhau một số kiến trúc sư phải chiều theo những sở thích không đúng đắn của các ông bà chủ.

Tính pháp lý của các đồ án quy hoạch

Trong những năm gần đây, nhà nước đã có Luật Xây dựng, nghị định 08/2005/NĐ-CP ngày 24-01-2004 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng và thông tư số 15/2006/TT-BXD ngày 19 - 8 - 2006 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập, thẩm định quy hoạch xây dựng. Đó là những cơ sở pháp lý cho các đồ án quy hoạch. Nhưng trên thực tế sau khi các đồ án được duyệt thành phố lại tự nó phát triển. Nhiều nơi khi giải quyết địa điểm xây dựng đã quên hẳn mình đã có bản đồ án quy hoạch trong tay.
Thủ tục cấp phép xây dựng theo chỉ thị nhiều hơn theo kiểu quy hoạch được duyệt làm cho đồ án hết giá trị. Sau khi thiết kế quy hoạch xong lại mạnh ai nấy làm nên mặc dù quy trình quy hoạch xây dựng Vùng đến quy hoạch Chung, quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư xây dựng đến thiết kế kỹ thuật thi công vẫn không được thực hiện đồng bộ, bước sau phá vỡ những quy định của bước trước và thế là quy hoạch bị phá sản.
Một nguyên nhân nữa làm quy hoạch phá sản là nguồn vốn xây dựng bị phân tán và chúng ta đang theo quy trình chia rồi mới xây.
Hầu hết các công trình đặt ở trung tâm đô thị là nguồn vốn nhà nước như trụ sở các cơ quan hành chính, chính trị, các đoàn thể, các công trình văn hoá, thể dục thể thao, thương mại...
Nhưng nhiều năm nay, nguồn vốn này được chia cho từng cơ quan quản lý xây dựng, đất đai cũng phải chia theo. Vậy là mạnh ai nấy làm. Đáng lẽ mỗi đô thị đều có một trung tâm đẹp với những nhà công sở cao tầng hợp khối của nhiều cơ quan thì nay nhiều đô thị tái lập lại chỉ thấy những đường phố buồn tẻ, manh mún.
Mỗi sở, ban ngành chỉ có vài ba chục người cũng phải xây dựng riêng theo sở thích của các ông bà chủ gây lãng phí, tốn kém cả trong xây dựng lẫn khai thác quản lý. Và những lao tâm khổ tứ của các nhà quy hoạch phải đổ xuống sông xuống biển. Không những thế trên cùng một con đường người ta cũng chia ra cho bốn năm ông chủ: giao thông làm đường, điện lực làm điện. Công ty công viên cây xanh trồng cây, môi trường đô thị làm cống thoát nước, công ty cấp nước làm đường ống cấp nước, bưu điện làm điện thoại, truyền hình làm cáp truyền hình... mỗi đơn vị được ngành mình cấp kinh phí ở từng thời điểm khác nhau, thế là ngành này xây dựng xong ngành khác lại đào, bới và cứ thế đường phố lúc nào cũng ngổn ngang, bẩn thỉu.
Nhà dân cũng vậy: chia lô, bán đất xong ai muốn làm gì cũng được. Đã đến lúc phải thực hiện triệt để xây rồi mới chia, có như vậy mới mong có được những đô thị đẹp, những đường phố khang trang, bộ mặt kiến trúc nước nhà mới thay đổi được.

Về nội dung, phương pháp thiết kế quy hoạch xây dựng đô thị

Luật Xây dựng, các Nghị định 08/2005/NĐ-CP ngày 24-1-2006 và Thông tư số 15/2006/TT-BXD ngày 19/8/2006 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập thẩm định phê duyệt đề án quy hoạch xây dựng là một bước tiến quan trọng đưa công tác quy hoạch xây dựng vào nề nếp và được luật pháp đảm bảo.
Trong quá trình thực hiện những người làm quy hoạch nhận thấy cần bổ sung và làm rõ những vấn đề sau:

Về phân loại quy hoạch xây dựng Điều 12

- Ngoài quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn còn có quy hoạch các vùng kinh tế đặc thù: vương quốc gia, khu di tích, thẳng cảnh, bảo tồn thiên nhiên, khu sinh thái, khu kinh tế mở, khu công nghệ cao.
- Quy hoạch chi tiết cũng không chỉ giới hạn trong quy hoạch chi tiết đô thị mà các khu kinh tế đặc thù, nông thôn cũng cần quy hoạch chi tiết.
- Quy hoạch nông thôn không chỉ dừng ở điểm dân cư nông thôn mà nông thôn vẫn có quy hoạch chung xã, quy hoạch chi tiết khu trung tâm hay một khu vực dân cư mới hoặc cải tạo chỉnh trang.
- Nhiệm vụ quy hoạch vùng không chỉ tổ chức không gian cho các cơ sở công nghiệp là chủ đạo mà phải là các cơ sở kinh tế, kỹ thuật, văn hoá xã hội, giáo dục đào tạo mục b điều 15
- Nội dugn quy hoạch chung xây dựng đô thị không chỉ là xác định tổng mặt bằng xây dựng đất và quy chuẩn tiêu chuẩn đang thiếu vắng yếu tố xã hội, nhaâ văn là yếu tố cực kỳ quan trọng để tạo hồn cho một đô thị điều 20
Nên chăng trong thiết kế Quy hoạch xây dựng dô thị lại có mục thiết kế đô thị riêng điều 27 Luật Xây dựng. Xem ra nội dung này chính là thiết kế cảnh quan. Không những thế từ quy hoạch vùng đến quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng nói chugn và quy hoạch nông thôn cũng phải có thiết kế cảnh quan không thể áp thiết kế đô thị vào quy hoạch xây dựng nông thôn, các vùng di tích hay sinh thái được.
Không thể dùng bản dồ địa chính để làm quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn được điều 3 Nghị định 08/2005/NĐCP vì hiện nay bản đồ địa chính chỉ có sơ hoạ mặt bằng không có cao độ.
Nhìn tổng quát luật xây dựng và các nghị định hướng dẫn dưới luật nặng nề về việc phân chia sử dụng đất và hệ thống kỹ thuật yếu tố xã hội nhân văn được đề cập quá ít nên nhìn mình quy hoạch xây dựng mới bị khô cứng, vô hồn.
Lịch sử phát triển đô thị là vấn đề quan trọng để chúng ta đánh giá lại quá trình phát triển đô thị tìm ra cái được, cái chưa được, những vấn đề cần phat huy nhưng trong Luật và cá Nghị định đều không được đề cập.
Quy hoạch đô thị xây dựng hiện nay đang có sự tách rời cuộc sống và tổ chức xã hội thực tại. Người dân các đô thị đang sinh hoạt trong các đơn vị hành chính được nhà nước quy định: Tổ dân phố, phường, quận , thành phố hoặc người dân nông thôn cũng đang sinh hoạt trong xóm - xã - huyện. Mỗi cấp hành chính đều có nhu cầu về sinh hoạt cộng đồng như sinh hoạt văn hoá, thể dục thể thao, các yêu cầu về giáo dục, đào tạo, ý tế... và các cơ quan quản lý hành chính. Vậy mà trong Luật và các văn bản dưới Luật hướng dẫn không đề cập tới các sơ đồ cơ cấu tổ chức không gian cho vùng, cho đô thị hay nông thôn. Phải chăng đã đến lúc phải lập đơn vị ở là phường, xã thay cho tiểu khu ngày xưa.
Một vấn đề nữa trong các đồ án thiết kế quy hoạch xây dựng ít được đề cập đó là các vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo trong xã hội. Nhà thờ, chùa chiền là những công trình công cộng tập trung khá đông người và có sinh hoạt thường kỳ cuối tuần, ngày rằm, mồng một, lễ, tết và đặc biệt là những ngày lễ hội lớn không thể tách rời cuộc sống dân cư.
Những vấn đề tổ chức xã hội trên cũng phần nào tỏ rõ quy hoạch xây dựng chưa đáp ứng được ở cả phương diện văn bản pháp luật lẫn người thiết kế và trong các nhà trường đào tạo cũng ít quan tâm.
Đổi mới nội dung và phương pháp quy hoạch xây dựng là vấn đề lớn cần được bàn bạc nghiên cứu kỹ lưỡng từ văn bản pháp quy đến vấn đề đào tạo, thiết kế đến quản lý xây dựng.

KTS. Nguyễn Thế Khải
Nguồn tin: Hội thảo Khoa học Những vấn đề về nội dung & phương pháp quy hoạch đô thị tại Hải Dương, ngày 21/10/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)