Nghệ thuật kiến trúc từ một ngôi chùa cổ Nam Bộ

Thứ ba, 07/11/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cập nhật 04/11/2006 Chùa Vĩnh Tràng tọa lạc trên địa phận ấp Mỹ An , xã Mỹ Phong về hướng Đông Bắc thành phố Mỹ Tho, Tỉnh Tiền Giang. Chùa được xây vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Năm 1849, sau khi sửa chữa và xây dựng thành ngôi đại tự, chùa được đặt tên là Vĩnh Tràng. Năm 1984 Bộ Văn hoá công nhận ngôi chùa này là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Theo Ban Trị sự Phật giáo Tiền Giang, chùa Vĩnh Tràng có kiến trúc theo dạng chữ Quốc trong Hán tự, với 5 nếp nhà , 2 sân cảnh, 178 cột và bốn gian nối liền là tiền đường, chánh điện, nhà tổ, nhà hậu với tổng diện tích 1.400 m2. Toàn bộ công trình được xây bằng xi măng , nền tôn cao 1m, xung quanh có tường bao. phía trước tiền đường xây theo lối kiến trúc dung hòa Âu - á với những hàng cột mảnh vòm cong được trang trí bằng những văn hoa nhiều mầu sắc . Quanh chùa là những vườn hoa cảnh và hồ nước ngát hương sen dưới tàng cây cổ thụ rợp mát . Tất cả tạo nên sự hài hoà giữa thiên nhiên với không gian kiến trúc , khiến chùa thêm thâm nghiêm cổ kính.

Khác cấu trúc của chùa truyền thống , chùa Vĩnh Tràng không có cổng tam quan. Thay vào đó là hai cổng ra,vào xây theo dạng cổ lầu , trên tường cẩn mảnh sành, sứ, thủy tinh hình long , lân, quy, phụng, ngư, tiều, canh, mục và hình theo điển tích Phật giáo với mầu sắc óng ánh rất đẹp. Nóc chùa là năm mái nhô cao tượng trưng cho ngũ hành kim, mộc, thủy, hoả, thổ .Trong gian chính điện và nhà tổ có thiết kế thoạt trông như theo kiểu Trung Quốc nhưng vẫn giữ nét kiến trúc Việt Nam . Giữa hai gian nhà là khoảng sân nhỏ với hòn non bộ mang phong cách thiên nhiên thu nhỏ rất sinh động. Bước vào từng gian ta sẽ thấy mầu vàng óng ánh thếp trên các hình chạm và tượng Phật. Đáng chú ý là ngoài những hàng cột tròn lớn bằng gỗ quý, bố trí cân đối nơi chánh điện, trong chùa còn có những hoành phi, câu đối khắc chữ nổi thếp vàng từ năm 1851 nhưng đến nay vẫn còn đẹp.

Cũng tại chánh điện, hiện có 60 tượng quý được tạo tác từ chất liệu đồng , gỗ, đất nung vào cuối thế kỷ XIX đầu XX. Riêng ba tượng đồng Di đà cao 98cm, Quan Âm và Thế Chí cao 93cm. được tạo vào giữa thế kỷ XIX. Đặc biệt bộ tượng mười tám vị La hán do các nghệ nhân Nam Bộ tạc từ gỗ mít vào năm 1907 được xem là đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các hiện vật quý trong chùa phải kể đến còn lại là Đại Hồng Chung cao 1,2m nặng khoảng 150 kg đúc vào thàng 5/1854 trên khắc chữ Vĩnh Trường Tự và bảy bộ bao lam tuyệt đẹp cùng trên hai mươi bức tranh sơn thủy được phác họa từ năm 1904. Đây là những hình vẽ Mai, lan, cúc, trúc mang sắc thái dân gian với phong cách Việt Nam rất nên thơ.

Theo các chuyên viên văn hóa thì vẻ đẹp chùa Vĩnh Tràng tập trung ở nghệ thuật tạo hình và có thể xem chùa Vĩnh Tràng là bản tổng kết lịch sử mỹ thuật của đất Tiền Giang.

www.kts.org.vn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)