Đối tượng số một của nền kiến trúc

Thứ năm, 02/11/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Công cuộc hiện đại hoá thúc đẩy sự mở mang hệ thống đô thị, biến đổi chúng về cơ bản. Từ tính chất hành chính và thương mại, đô thị đang trở thành những trung tâm kinh tế - sản xuất - tiêu thụ - văn hoá và tiếp xúc, năng nổ đẩy kéo những vùng đất, cả quốc gia chuyển động mau lẹ về phía trước. Trên đà phát triển bùng nổ ấy, đô thị rũ bỏ những gì là cổ hủ, những gì là trì trệ, chấp nhận trước và đứng cả hai chân vào cơ chế thị trường với tư cách là động lực toàn năng, tạo lập những chuẩn mực mới về cuộc sống, khuôn đúc những cộng đồng dân cư kiểu mới. Sự vận động cuar đô thị chính là một trong những con đường, thẳng và ngắn nhất, để Việt Nam nhanh chóng đứng vào hàng ngũ cộng đồng quốc tế.
Công cuộc hiện đại hoá toàn phần kéo theo hiện đại hoá nền kiến trúc. Thực tiến xây dựng biến dổi về bản chất mối quan hệ mang tính cấu trúc giữa ngôi nhà - quần thể - đô thị. Hệ quả từ quá trình chuyển động hết sức thời đại này là: đô thị trở thành đối tượng số một của nền kiến trúc, đô thị và kiến trúc tiến tới một khái niệm đồng nhất. Vượt ra khỏi sự tiến triển theo quy luật dòng chảy tự nhiên, đô thị đang trở thành đối tượng của những ca mổ xẻ, hoặc được thiết kế lại từ đầu, đáp ứng được những nhu cầu ngày càng vô đáy và ngày càng đa dạng, dựa trên cơ sở những bài tính khôn ngoan và liên ngành, vừa là giải pháp, vừa là sự cân bằng vĩ mô.
Sự tiến triển là như vậy, vai trò và tác dụng là như vậy cho nên đô thị đang là mối quan tâm, là mối lo thuộc diện hàng đầu của toàn xã hội. Đô thị hoá vùng, đô thị hoá quốc gia và đô thị hoá toàn cầu là viễn cảnh không còn là viễn nữa. Tiến bộ, văn minh, hệ luỵ là đây!
Chúng ta, những người hoạch định chính sách và quản lý đô thị, những người thiết kế đô thị, đảm nhận những trách nhiệm đích thực nặng nề trước cộng đồng xã hội. Đồng bào mình sống hôm nay ra sao, con cháu mình mai này sống thế nào, phụ thuộc tất tật ở tầm mà ta nghĩ, ở cách mà ta làm, ở văn hoá mà ta ứng xử với một trong những địa hạt kiến tạo phức tạp nhất, tinh tế nhất và mang tính thời địa nhất - đó là đô thị. Cùng một lúc chúng ta phải là những nhà xã hội nghĩa là biết nghe, biết thấu hiểu và giải quyết thoả đáng những nhu cầu của cộng đồng, phải là những nhà kinh tế và kỹ thuật, phải là những nhà sắp xếp và tổ chức không gian sống, thiết kế cái đẹp cho hôm nay và để lại di sản cho mai sau.
Hội Kiến trúc sư là tổ chức được phân công đảm nhiệm vai trò tư vấn và phản biện xã hội, luôn luôn dành sự ưu tiên hàng đầu cho vấn đề đô thị. Góp sức cùng các cơ quan quản lý Nhà nước, cùng các tổ chức nghề nghiệp khác, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã thực hiện nhiều nghiên cứu liên quan đến đô thị, tổ chức có hệ thống hàng loạt các sinh hoạt khoa học về di sản đô thị, diện mạo đô thị, các cục diện phát triển đô thị theo vùng miền đặc trưng. Tuy đã nỗ lực và thu được kết quả ban đầu, đô thị đang tiếp tục đặt ra vô vàn những vấn đề mà cơ thể vật chất - xã hội - tinh thần này đòi hỏi chúng ta làm chủ cho được và giải quyết cho thoả đáng.
Trong hệ thống đô thị ở nước ta, Vũng Tàu là một trong số ít thành phố có ngày sinh tháng đẻ, định hình sớm hơn cả với tư cách là địa điểm nghỉ mát với diện mạo kiến trúc tương ứng; đô thị hàm chứa những dấu vết sớm nhất về sự chuyển tiếp sang nên văn minh đô thị cận đại ở nước ta, với quỹ kiến trúc là của thế kỷ XX, cho dù nó chưa lớn về quy mô và chưa tân tiến hẳn về kiến trúc. Nét nổi trội khác của thành phố này là nó không đứng trong hàng ngũ các đô thị thuần hành chính thường thấy ở ta, do đó không bị chi phối nhiều bởi tính chất hàng tỉnh, sản sinh hội chứng khép kín trong mình, một căn bệnh khó bề khắc phục. Do đó là đô thị biển - nghỉ mát, có bản chất vùng - miền, nên Vũng Tàu luôn luôn là đô thị mở, sẵn sàng và tiếp thu nhanh mọi yếu tố đến từ các hướng. Thiết nghĩ, đó là một trong những sự giải thích vì sao Vũng Tàu đi tiên phong trong việc thiết lập hệ thống kỹ thuật hạ tầng khi điều kiện vốn liếng hạn hẹp một cách bế tắc trước đây, đột phá trong sự bàng chướng quy mô và nâng cao chất lượng đô thị, khẳng định vị trí tương xứng của mình trong hệ đô thị miền Đông Nam Bộ và trong từ trường thành phố Hồ Chí Minh.
Từ đó, việc nhìn nhận và đánh giá sự phát triển của Vũng Tàu về phương diện xây dựng đô thị, tìm hiểu và cân nhắc thêm những vấn đề của quy hoạch phát triển nó trong vòng 1-2 thập kỷ tới là điều hết sức lý thú, có lợi cho sự phát triển kiến trúc thành phố, đồng thời là nguồn tham khảo cho các đô thị khác trong cả nước.
1. Về sự nhìn nhận, chúng ta thực hiện tiếp cận liên ngành nhằm nhận biết đô thị Vũng Tàu trong sự vận động lịch sử của nó, xem xét nó từ các phương diện: tính chất đô thị, hình thái đô thị, diện mạo đô thị, văn hoá đô thị, tinh thần đô thị. Một sự tiếp cận như vậy sẽ giúp ta xác định cho đúng bản chất dô thị này, làm cơ sở để thực hiện những bước sau trong lộ trình xem xét.
2. Về sự đánh giá, chúng taphan tích hiện trạng của quỹ kiến trúc đo thị từ nhiều phương diện, trong đó ưu tiên đánh giá hiện trạng xây dựng các quy hoạch và các công cụ quản lý phát triển đô thị; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hình thái kiến trúc đo thị; chất lượng kiến trúc công trình; tổ chức không gian mềm và cảnh quan đô thị đặc trưng; chất lượng kiến trúc của các khu đô thị mới; chất lượng cuộc sống đô thị; yếu tố du lịch - nghỉ mát trong tạo lập diện mạo đô thị chuyên biệt; vai trò mà Vũng Tàu cần phải chiếm giữ trong hệ thống các đô thị thuộc từ trường thành phố Hồ Chí Minh, trong hệ thống các đô thị du lịch ven biển.
3. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Vũng Tàu đã kiện toàn 3 cơ sở pháp lý cơ bản cho sự phát triển, đó là: Quy hoạch điều chỉnh chung cho đến năm 2020, Quy hoạch điều chỉnh phát triển du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2010 hướng tới năm 2020, Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Vũng Tàu cùng nhiều văn bản khác.
4. Điều các nhà chức trách quan tâm mang tính vĩ mô và quyết định đó là sự cân bằng và giản thiểu mâu thuẫn giữa các động lực phát triển đô thị. Động lực này có thể trở thành lực cản cho động lực khác, thậm chí triệt tiêu động lực khác. Bài tính cho Vũng Tàu và các đô thị khác chính là sự lựa chọn và sắp xếp ưu tiên những động lực, sự cân bằng vĩ mô, sự định đoạt sáng suốt một hướng đi duy nhất hợp lý cho mình. Không thể dàn hàng ngang mà đi lên được. Chúng ta hãy hợp lực đóng góp trí tuệ cho tỉnh, thành phố trong lời giải bài tính nan giải này.

GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính
Nguồn tin: T/C Kiến trúc Hội Kiến trúc sư Việt Nam, số 137, tháng 9/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)