ĐA VĂN HOÁ – MỘT TIẾN TRÌNH TẤT YẾU CỦA PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ

Thứ ba, 31/10/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngô Văn Lệ PGS.TS. Trường ĐH KHXH & NV - ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh Đô thị hoá là hiện tượng lịch sử xảy ra ở hầu khắp các tộc người, các quốc gia trên thế giới. Nhưng ở từng quốc gia, từng tộc người, quá trình đô thị hoá lại diễn ra hết sức khác nhau do tác động của các nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Đô thị hoá là thước đo trình độ và là tấm gương phản chiếu trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia, một khu vực. Khi chỉ số cư dân sinh sống trong các thành phố của một nước cao hơn cư dân sinh sống ở vùng nông thôn thì nền kinh tế của quốc gia, khu vực đó không thể ở trình độ kém phát triển. Tỷ lệ cư dân sinh sống ở thành thị thấp cũng có nghĩa là quốc gia đó, khu vực đó, nông nghiệp vẫn chiếm ưu thế. Mà một khi nền kinh tế nông nghiệp vẫn còn chiếm ưu thế thì không thể coi nền kinh tế quốc gia, khu vực đó ở trình độ phát triển. Những quốc gia, khu vực có cư dân nông nghiệp chiếm khoảng 70 - 80% dân số các nước đều được xem là những quốc gia kém phát triển.
Sự bùng nổ quá trình đô thị hoá trong những thập kỷ cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI đã làm nảy sinh một loạt vấn đề có liên quan đến sự phát triển bền vững của các đô thị. Sự quan ngại của các chính phủ, của các tổ chức xã hội về sự phát triển của đô thị không phải là vô cớ. Sự phát triển của các đô thị, đặc biệt là ở các nước chậm phát triển, đang đặt ra hàng loạt những vấn đề cần được tập trung nghiên cứu, giải quyết. Những nỗ lực không mệt mỏi của các chính phủ, các tổ chức xã hội đã làm giảm thiểu những vấn đề kinh tế xã hội phát sinh trong quá trình đô thị hoá. Tuy nhiên, đô thị hoá không chỉ là những vấn đề kinh tế xã hội mà còn có cả những vấn đề lớn khác nữa, trong số đó phải kể đến qui hoạch, kiến trúc, xây dựng.
Có một thực tế là do quá trình di dân diễn ra liên tục trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, nên hiện nay không có một đô thị lớn nào trên thế giới mà cư dân chỉ có duy nhất thành viên của một tộc người. Thông thường các đô thị là mái nhà chung đa tộc người. Họ sinh sống xen kẽ dẫn đến sự hình thành một xã hội đa văn hoá và nảy sinh hiện tượng giao lưu, thẩm thấu văn hoá giữa các tộc người. Quan sát các đô thị lớn trên thế giới, dù là ở châu Âu, Bắc Mỹ hay các nước lân cận, chúng ta dễ dàng nhận ra sự đa dạng văn hoá này.
Lịch sử hình thành Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận sự có mặt của nhiều nhóm người khác nhau. Có thể họ đến từ những miền đất xa xôi, nhưng đã chọn mảnh đất này làm quê hương. Sau hơn 300 năm, nhiều thế hệ đã đổ máu, mồ hôi, công sức để xây dựng thành phố. Trong số đó phải kể đến các tộc người tiêu biểu là Việt, Hoa, Chăm, Khmer. Những đặc điểm kinh tế và lịch sử này đã tạo nên một thành phố đậm sắc thái đa văn hoá. Mỗi tộc người có những nét văn hoá tiêu biểu được thể hiện ra ở văn hoá vật thể và phi vật thể như ăn mặc, âm nhạc, ẩm thực, kiến trúc, nhà ở, tín ngưỡng, tôn giáo. Hơn thế nữa, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất, năng động nhất của cả nước, cho nên nó trở thành khối nam châm khổng lồ thu hút lực lượng lao động khắp nơi trong cả nước. Trước năm 1975, cư dân ở nhiều vùng đã di chuyển về thành phố, làm cho dân số thành phố tăng đáng kể. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, khi tiến trình đô thị hoá ở Thành phố Hồ Chí Minh được đẩy nhanh thì cũng là lúc quá trình di dân nông thôn - thành thị diễn ra mạnh mẽ. Sự tập trung dân cư đông đảo trong các đô thị đã đặt ra một loạt các vấn đề cần giải quyết ngay, trong đó có nhu cầu nhà ở. Trước đây, khi thành phố còn ở qui mô nhỏ, các cộng đồng dân cư có nét văn hoá tương đồng thường chung sống trên một địa bàn nhất định, nên có điều kiện bảo lưu những giá trị văn hoá truyền thống. Quan sát địa bàn cư trú tập trung của người Hoa, người Chăm, người Khmer ở Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta dễ dàng nhận ra những nét đặc trưng văn hoá được thể hiện rất rõ trong các hội quán, thánh thất kề cận bên nhau nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng của từng văn hoá tộc người. Nhưng trong bối cảnh toàn cầu hoá và đô thị hoá diễn ra với qui mô và tốc độ nhanh như hiện nay, việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của các cộng đồng, nhất là các cộng đồng nhỏ, rất phức tạp và khó khăn! Bởi vì, toàn cầu hoá là con dao hai lưỡi. Một mặt nó là cỗ xe có động cơ mạnh, làm gia tăng tốc độ phát triển kinh tế, tăng sức sống ở cả những nước giàu lẫn nước nghèo. Mặt khác, nó tiến công vào chủ quyền quốc gia làm xói mòn dần nền văn hoá và truyền thống địa phương, đe doạ sự ổn định kinh tế, xã hội. Đây không chỉ là thách thức riêng cho văn hoá học hay chính trị học mà còn cho cả qui hoạch, kiến trúc, xây dựng các thành phố mới cũng như sửa chữa những khu phố cổ. Khi đến các thành phố có truyền thống tôn giáo, truyền thống dân tộc của nước ngoài, chúng ta có thể nhận ra nét đặc trưng văn hoá, đặc trưng kiến trúc rất riêng của họ. Dù thời gian có trôi đi, nhưng những nét đặc trưng trong các công trình kiến trúc đó vẫn tồn tại như là những biểu trưng văn hoá.
Nhìn lại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như những thành phố khác của nước ta, dường như không có một phong cách riêng mà các nhà dân tộc học gọi là hồn đô thị, còn các nhà văn hoá gọi là bản sắc. Người ta nhận thấy sự trộn lẫn một cách thô thiển giữa nhiều phong cách của kiến trúc Pháp, Trung Hoa, Mỹ, Ấn Độ ngay trên một đoạn đường phố ngắn chừng 100 mét với những hình dáng kỳ dị của nhà hộp, nhà chóp, nhà củ hành, nhà tháp. Sở dĩ có tình hình đó là do sự bung ra tự phát vượt quá sự kiểm sóat của các cơ quan chức năng. Mặt khác, công tác quản lý nhà đất bị buông lỏng, đặc biệt là thị trường bất động sản luôn sôi động góp phần làm cho công tác quy hoạch kiến trúc đô thị thêm khó khăn phức tạp.
Trong điều kiện hiện nay, không thể không tính đến những yếu tố tác động mạnh đến công tác qui hoạch, kiến trúc, xây dựng như giao lưu mở cửa, toàn cầu hoá, truyền thông đa phương tiện, đầu tư nước ngoài trọn gói. Trong bối cảnh đó thì việc giữ nguyên mẫu những phong cách kiến trúc xưa của các tộc người trong các đô thị hiện đại là một bài toán nan giải. Cuộc sống ở các đô thị một mặt đòi hỏi phải tiện nghi, hiện đại, mặt khác phải giữ được những nét đặc trưng trong phong cách kiến trúc của các dân tộc bản địa. Đây là một công việc hết sức phức tạp mà một tổ chức hay một cá nhân không thể làm được. Muốn quy hoạch đô thị vừa đáp ứng tính hiện đại, vừa đáp ứng nhu cầu của người lao động về nhà ở thì phải huy động sức mạnh của toàn xã hội và đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền thành phố.
Để có thể bảo tồn văn hoá truyền thống trong qui hoạch, kiến trúc, xây dựng thể hiện được bản sắc văn hoá của các dân tộc, với tư cách là một nhà dân tộc học, tôi có một số đề xuất sau đây:
1. Nên trùng tu, bảo tồn những khu phố mang đậm phong cách kiến trúc của các tộc người, chẳng hạn như cộng đồng người Việt Bắc bộ, Việt Trung bộ và Việt Nam bộ, người Hoa, người Chăm, người Khmer. Ngoài việc xây dựng những chính sách thích hợp thì việc đảm bảo tài chính là rất quan trọng. Những cộng đồng mang đậm dấu ấn văn hoá kiến trúc truyền thống này sẽ trở thành đểm du lịch thu hút khách tham quan trong và ngoài nước.
2. Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, nhà chuyên môn và người dân trong quá trình thiết kế xây dựng, làm sao kết hợp được giữa truyền thống với hiện đại. Người dân do hiểu những giá trị văn hoá truyền thống trong phong cách kiến trúc của tộc người, sẽ giúp cho các nhà chuyên môn kiến trúc sư qui hoạch, kiến trúc sư thiết kế, kỹ sư xây dựng thể hiện được những nét đặc trưng văn hoá đó trong các công trình kiến trúc và xây dựng cụ thể.
3. Phải có sự cân nhắc khi kết hợp giữa phong cách kiến trúc truyền thống và phong cách kiến trúc hiện đại để tránh sự chắp vá đầu Ngô mình Sở, khiến cho công trình kệch cỡm không theo một phong cách nào.
Việc giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống bản địa trong qui hoạch, kiến trúc và xây dựng ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh trong tiến trình toàn cầu hoá, trong xu thế hội nhập và mở cửa, trong bối cảnh đa văn hoá là một điều rất khó khăn, nhưng không phải là không thể làm được. Nhiều thành phố ở châu Á như Kyoto Nhật Bản, Vũ Hán Trung Quốc, Yogyakarta Indonesia đã làm được. Sự nghiệp này chỉ thành công một khi chúng ta có ý thức rõ ràng về nó và có sự phối hợp hết sức hài hoà giữa các cơ quan chức năng, nhà chuyên môn và người dân. Một kinh nghiệm cho thấy nếu mỗi người dân tự ý thức được việc giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống ngay khi xây, sửa ngôi nhà riêng của mình, cho dù chỉ là giữ lại một hòn đá lát đường có tuổi hàng trăm năm, hay phục chế một kiểu tường rào truyền thống sẽ góp một phần vào sự nghiệp giữ gìn những nét văn hoá truyền thống trong phong cách kiến trúc xây dựng của tộc người mình, chính điều đó sẽ làm giảm bớt những kiến trúc lai căng, vô hồn.


SUMMARY:
MULTI-CULTURE- A INDISPENSABLE CHARACTERISTIC
OF URBAN DEVELOPMENT

Assoc. Prof. Dr. Ngo Van Le

In globalization process, the large cities of Asian countries have tendency to transfer from domestic multi-culture to international multi-culture. A similar situation is happening in the big cities of Vietnam such as Hanoi and Ho Chi Minh City.
Saigon - Ho Chi Minh City is gathering a lot of ethnic groups who are from many different areas of countries such as Viet, Hoa Chinese, Khmer, Cham, Indian, ect. Each ethnic group contributed cultural face of this city. So that preservation and promotion culture of each ethnic group in urbanization is necessary requirement. This is very important in urban planning, architecture and community.


www.hcmussh.edu.vn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)