Sáng tác kiến trúc đương đại cần hoàn chỉnh phương pháp

Thứ hai, 30/10/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
... Sáng tạo kiến trúc ngày nay cần rất nhiều tư duy khoa học chứ không phải là một sáng tác nghệ thuật thuần tuỳ. Đây là tinh thần của kiến trúc đương đại vì vậy kiến trúc sư phải luôn tìm hiểu cập nhật những kiến thức khoa học kỹ thuật mới, phối hợp với rất nhiều bộ môn kỹ thuật khác để sáng tạo được một công trình kiến trúc mới...
Trong những năm gần đây, nhiều công trình kiến trúc ở Việt Nam đã tổ chức những cuộc thi sáng tác Quốc tế nhưng những cuộc thi sáng tác này không được thông báo rộng rãi để phát động được đông đảo các kiến trúc sư Việt Nam do cách mời có lựa chọn và hạn chế của các chủ đầu tư. Kết quả các cuộc thi như trên thực sự còn rất nhiều vấn đề về khâu tổ chức và sự vô tư cuộc thi này phần thắng thường thuộc về các Kiến trúc sư nước ngoài, còn các phương án dự thi của Kiến trúc sư Việt Nam thường còn nhiều yếu kém mà có thể có một số nhận xét chính như sau:
- Cách tư duy sáng tạo còn quá đơn giản theo kiểu ngăn chia các phòng ốc theo công năng sử dụng, theo yêu cầu diện tích của nhiệm vụ thiết kế đã đề ra.
- Hầu như các phương án không được đặt vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ mới trong xây dựng, các giải pháp kỹ thuật xây dựng đều theo thói quen kết cấu dầm, sàn, cột bê tông đổ tại chỗ. Tác giả cố gắng tạo ra hình thức kiến trúc bằng đường nét, mảng khối, bằng vật liệu xây dựng như tường gạch, tường đá ốp, mảng kính bằng các màu sắc sao cho bắt mắt mà không xuất phát thực sự từ những sáng tạo về các giải pháp kết cấu xây dựng mới, về tổ chức không gian mới, cũng như ứng dụng những khoa học công nghệ mới cho sáng tạo kiến trúc.
- Nhiều công trình chiều theo thị hiếu của một số nhà lãnh đạo hoặc một số chủ đầu tư bằng những kiến trúc tân cổ điển, lai tạp hỗn hợp. Những trang trí gờ chỉ, đầu cột, với cách thể hiện bằng kỹ thuật máy tính tinh vi đã làm lu mờ đi những yếu kém trong sáng tác.

Về những vấn đề của các kiến trúc sư sáng tạo kiến trúc

Sáng tạo kiến trúc ngày nay cần rất nhiều tư duy khoa học chứ không phải là một sáng tác nghệ thuật thuần tuỳ. Đây là tinh thần của kiến trúc đương đại vì vậy kiến trúc sư phải luôn tìm hiểu cập nhật những kiến thức khoa học kỹ thuật mới, phối hợp với rất nhiều bộ môn kỹ thuật khác để sáng tạo được một công trình kiến trúc mới. Nhiều kiến trúc sư Việt Nam còn chưa chú trọng tư duy khoa học để có một cách đặt vấn đề đúng đắn và đầy đủ trước khi sáng tạo kiến trúc. Vì vậy, đồ án thường cổ điển, thiếu sáng tạo mới, không có cá tính trong tác phẩm. Đất nước chúng ta cũng còn thiếu những cơ quan nghiên cứu khoa học về kiến trúc thực sự và sâu sắc và những vấn đề có liên quan đến khí hậu nhiệt đới, năng lượng tự nhiên, khí động học trong quy hoạch và kiến trúc. Còn thiếu sự gắn kết giữa kiến trúc với các bộ môn kỹ thuật khác để phục vụ cho sáng tạo kiến trúc mới. Tình bạn, đồng tác giả tung hứng nhau giữa kiến trúc sư và các ngành kỹ thuật khác còn quá ít, mà mới chỉ cộng tác với nhau trên nghĩa vụ.
Những năm vừa qua, các kiến trúc sư ra nghề, chủ yếu là học các kỹ năng trình diễn kiến trúc bằng máy tính, bằng các phần mềm chuyên dùng cho diễn hoạ kiến trúc, nhưng sáng tạo kiến trúc mang tính bản chất có tư duy sâu sắc thì thật là hiếm hoi! Tự hỏi rồi đến lúc nào đó kiến trúc sư sẽ trở thành người thợ vẽ cho ý kiến của các chủ đầu tư hoặc sự áp đặt chủ quan của một số nhà lãnh đạo chính trị chứ không phải là những người sáng tạo, những người làm tư vấn để họ trông cậy.
Qua những thực tế trên đây có lẽ chúng ta cũng cần nhắc lại với nhau về đạo đức hành nghề, bản lĩnh nghề nghiệp, có ý thức sáng tạo và những quan điểm đúng đắn trong sáng tác kiến trúc mà có lẽ do yếu tố chủ quan, thiếu bản lĩnh, chạy theo lợi ích trước mắt; do yếu tố khách quan Cơ chế thị trường ở Việt Nam, với những chính sách chưa hợp lý trong quản lý có liên quan đến sáng tạo kiến trúc.
Đạo đức bản lĩnh nghề nghiệp, ý thức sáng tạo gần như không có gì thay đổi lớn, nó xuyên suốt trong mọi lúc, mọi nơi trong hoàn cảnh xã hội, chính trị. Tuy nhiên, Hội Kiến trúc sư và các trường đào tạo kiến trúc cần luôn có hình thức tuyên truyền nhắc nhở để nêu cao tinh thần: Đói cũng vẫn sạch, rách cũng vẫn thơm.
Về những quan niệm đúng đắn, giải quyết được hết những yếu tố tác động đến sáng tạo kiến trúc cũng cần phải nhắc lại những vấn đề cơ bản nhất mà kiến trúc ngày nay không thể coi nhẹ:
- Yếu tố về điều kiện địa lý, hoàn cảnh tự nhiên, mặt tốt của nó cần được tận dụng và được hưởng thụ, những mặt xấu cần có giải pháp khắc phục nhưng được khắc phục bằng chính sự phát huy những yếu tố tốt của tự nhiên nhiều hơn việc khắc phục cưỡng bức bằng các máy móc, thiết bị nhân tạo chúng ta đều biết ánh sáng điện và máy điều hoà không khí là những tác nhân gây bệnh tật. Tận dụng tối đa những mặt tích cực của thiên nhiên là một trong những giải pháp tối ưu của sáng tạo kiến trúc.
- Yếu tố về đặc điểm, đặc thù của địa phương như khả năng về vật liệu tại chỗ, kinh nghiệm kỹ thuật truyền thống, thói quen phong tục tập quán, truyền thống văn hoá riêng của dân tộc của địa phương được khai thác phat huy, làm cho công trình có cá tính, có ngôn ngữ riêng cần được coi trọng.
- Tính tiện nghi và công năng với sự mềm dẻo cho trước mắt và lâu dài, chuẩn bị cho một sự thay đổi quan niệm, đổi mới về công nghệ, đổi mới cách quản lý, khai thác cần được đặt ra để làm cho công trình có giá trị sử dụng lâu dài, ít bị lạc hậu. Đây là một yếu tố quan trọng cần được đưa vào tiêu chí cho chất lượng của kiến trúc hiện đại.
- Ứng dụng những kỹ thuật mới về khoa học kỹ thuật, đề xuất những sáng tạo mới về công nghệ, về quản lý khai thác như ứng dụng những kết quả nghiên cứu về vật lý kiến trúc, về khí động học, phương pháp mô hình, mô phỏng; Những giải pháp mới về vật liệu xây dựng, phương pháp xây dựng, những kỹ thuật mới về tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm về vật tư, tiết kiệm vận hành kiểm soát; kỹ thuật về sử dụng năng lượng sạch đang được các quốc gia đưa vào chính sách chiến lược về bảo vệ môi trường của mình. Yếu tố này nói lên rất nhiều tính thời đại của kiến trúc, nõ sẽ tạo ra cho kiến trúc ngày nay có ngôn ngữ khác với kiến trúc của các thế kỷ trước.
- Một yếu tố thứ 5, một chút cho riêng mình, một chút mình cảm thấy tự hào về một sáng tạo của mình, đó là tìm ra cách thể hiện ngôn ngữ của riêng mình, góp phần vào việc làm đa dạng, phong phú cho nền kiến trúc của Việt Nam chúng ta.
Nghiên cứu đủ 5 yếu tố trên để đưa vào cách đặt vấn đề cho một sáng tác kiến trúc trước khi kiến trúc sư chúng ta bắt tay vào phác thảo những ý tứ đầu tiên là một việc làm rất đúng đắn mang tính khoa học khách quan, mang tính nghệ thuật vị nhân sinh. Những quan niệm đúng đắn này tự nó đã cho ta bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp của kiến trúc sư. Nếu ta giải quyết tốt được những vấn đề trên, sáng tác của chúng ta sẽ làm mờ nhạt những ý kiến áp đặt của một số người thiếu hiểu biết và chắc chắn thuyết phục được nhiều người trong xã hội ủng hộ chúng ta.

Về những chính sách quản lý có liên quan đến kiến trúc

Giới kiến trúc sư và từng cá nhân kiến trúc sư không muốn nói nhiều về vấn đề này, nhưng một thực tế là có rất nhiều vấn đề chưa hợp lý của các chính sách quản lý hiện nay có liên quan đến sáng tạo kiến trúc. Cần phải xem xét tính khoa học, tính thông lệ của nghề kiến trúc sư trên thế giới. Về vấn đề này hình như chúng ta còn đang ở một làng quê hẻo lánh nào đó tách rời với cộng đồng thế giới.
Ở nhiều nước, Hội Kiến trúc sư, Hiệp hội Kiến trúc sư tư vấn được nhà nước của họ giao cho dự thảo những chính sách quản lý, hành nghề, quyền hạn, quyền lợi cũng như chính sách có liên quan đến nghề nghiệp, nghĩa vụ của các thành viên của họ để nhà nước ban hành những chính sách phù hợp và phát triển. Trong khi đó, ở Việt Nam các cơ quan quản lý Nhà nước lại làm những việc này trong khi họ chưa nắm được một cách chính xác đặc thù cuộc sống của các hội nghề nghiệp. Nhiều lần Quốc hội Việt Nam đã nói rằng luật pháp và chính sách không đi vào cuộc sống là như vậy. Thông tư hướng dẫn thi tuyển kiến trúc, Nghị định 16, Luật Xây dựng có nhiều vấn đề chưa thực tế với sáng tạo kiến trúc và với nghề tư vấn xây dựng thì lại có Luật Đấu thầu xây dựng mâu thuẫn với các Luật trên và Luật Bảo hộ quyền tác giả. Luật được nghiên cứu và ban hành mới chỉ đối phó với những tiêu cực, tham nhũng hiện nay trong xây dựng chứ Luật chưa thực sự nghĩ đến sự phát triển của các ngành tư vấn xây dựng. Có nhiều người đặt ra câu hỏi là Luật Xây dựng đã thực sự ngăn ngừa từ gốc rễ tiêu cực chưa, hay mới chỉ ngăn ngừa ở cái ngọn? Bắt đầu từ khâu chủ trương đầu tư đã tiêu cực, nên những giai đoạn sau cũng lấy lệ từ đó, cũng phải rút ruột để bù đắp vào những chi phí trước đó cộng với Lợi ích của những người ở giai đoạn sau và như vậy nó sẽ tạo ra một hệ thống tiêu cực.
Giai đoạn lập dự án, thiết kế và những người tham gia giai đoạn này có liên quan đến tiêu cực cũng chỉ là cái ngọn, là sự bị lôi kéo vào cuộc hoặc vì miếng cơm manh áo mà vào cuộc. Giá chi phí tư vấn ở Việt Nam là quá thấp so với khu vực và thế giới, lại còn chi phí cho tham nhũng nữa thì còn gì cho sáng tạo, còn gì phẩm giá của kiến trúc sư.
Thực ra tiêu cực ở cái ngọn như thế này ở giai đoạn nghề nghiệp của các kiến trúc sư, các kỹ sư tư vấn là hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng chính các điều lệ hoạt động, quy chế đạo đức hành nghề của các Hội nghề nghiệp. Đã đến lúc Nhà nước nên giao quyền quản lý nghề nghiệp cho Hội Kiến trúc sư, Hiệp hội tư vấn cũng như các Hiệp hội khác. Nhà nước cũng giao cho họ dự thảo những vấn đề về chính sách quản lý có liên quan để Nhà nước xem xét ban hành, để sát với thực tế cuộc sống hơn, để nêu cao tính tự quản lý của các Hiệp hội hơn là cái gì Nhà nước cũng ôm lấy để làm.
Bước đường cách mạng Việt Nam trong giai đoạn tới muốn phát triển đất nước, muốn nâng cao vị thế của Việt Nam trên quốc tế bằng nền kinh tế, khoa học kỹ thuật bằng mức sống của người dân, chúng ta cần phải hội nhập.
Các kiến trúc sư, các kỹ sư tư vấn trong ngành Xây dựng phải nâng cao trình độ, nâng cao đạo đức nghề nghiệp để hội nhập. Các chính sách quản lý của Nhà nước đối với các ngành nghề tư vấn xây dựng cũng cần phải phù hợp để hội nhập. Không những vậy mà chính sách quản lý của Nhà nước còn ảnh hưởng trực tiếp nâng cao trình độ, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của các kiến trúc sư của các kỹ sư tư vấn để thực sự bước vào công cuộc hội nhập của đất nước.

KTS. Lương Anh Dũng
Nguồn tin: T/C Kiến trúc Việt Nam, số 7/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)