Tính hai mặt của kiến trúc thời kỳ hội nhập

Thứ sáu, 27/10/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
... Trong thời buổi hội nhập, chúng ta không thể không biết cách sử dụng ngôn ngữ kiến trúc đương đại phương Tây, nhưng sử dụng như thế nào để ngay cả người dân bản địa cũng có thể hiểu được mới là quan trọng. Đó chính là hai mặt của đời sống hiện đại...
1. Chúng ta đang bước vào thời kỳ hội nhập toàn cầu không phải bằng tuyên ngôn mà bằng hành động, trong sự tiếp thu và tỉnh táo

Sự lệ thuộc hoàn toàn và cứng nhắc vào công năng để tạo nên những sản phẩm kiến trúc đơn điệu đã không còn ý nghĩa. Thực chất, chủ nghĩa công năng không bao giờ chết cả. Nó chỉ chuyển từ chủ nghĩa công năng thuần tuý sang chủ nghĩa công năng mở rộng, với những hình thức và kiểu cách biểu hiện mới.
Trong xu thế hội nhập, việc đầu tiên là cần phải hướng tới một nền kiến trúc mới mang tính thời đại. Sau nữa, cần phải hiểu rõ và tiêu hoá theo cách của mình những tuyên ngôn mạnh mẽ và hùng hồn của các thứ chủ nghĩa, trào lưu, phong cách quốc tế... Nó được biểu hiện trong những sáng tác cụ thể, trong một ngữ cảnh cụ thể, mà sự vận dụng đôi khi rất khiêm tốn.

2. Trong một nền kinh tế thị trường theo hướng mở và quốc tế hoá, kiến trúc một mặt đóng vai trò như một ngành kỹ thuật, cần phải rộng mở các khả năng ứng dụng công nghệ mới đem tới sự tiên tiến hoàn thiện, tối ưu hoá các quá trình vận hành cần thiết và loại bỏ những yếu tố rác không có ý nghĩa cho đời sống hiện đại. Về mặt này có thể thấy những ưu việt của thời kỳ hội nhập và trao đổi thông tin, công nghệ.
Ở một khía cạnh khác, kiến trúc lại biểu hiện như một sản phẩm văn hoá dân tộc. Yếu tố này đã được hình thành và làm giàu trong lịch sử phát triển của mỗi quốc gia. Nó gắn liền với các đặc trưng địa lý, khí hậu, phong cách, lối sống... riêng.
Văn hoá trong kiến trúc luôn tiềm ẩn và trở thành sức mạnh đối với mỗi dân tộc. Tại sao các quốc gia luôn quan tâm bảo tồn các di sản di tích, di sản kiến trúc đô thị? Bởi vì nó là chân dung bất biến trong sự chuyển hoá diện mạo đô thị, là cốt lõi để khẳng định sự độc đáo và khác biệt của nền văn hoá dân tộc mà nước nào cũng phải giữ gìn và phát huy. Về mặt này, trong nền kinh tế hội nhập nó luôn luôn bị thách thức.
Chúng ta đang có điều kiện để hội nhập và thực tế chúng ta đang khởi động để bước vào quỹ đạo chuyển động toàn cầu. Người ta lo ngại nhiều tới vòng quay mạnh mẽ của bánh xe kinh tế toàn cầu sẽ làm xa văng xa theo hướng ly tâm các yếu tố văn hoá khỏi cái trục truyền thống của mỗi dân tộc.
Ngôn ngữ là phương tiện truyền tải nội dung của một tác phẩm nghệ thuật tới người sử dụng. Thế giới muốn gần gũi và hiểu biết lẫn nhau tất phải dùng ngôn ngữ chung. Tuy nhiên ngay cả khi sử dụng ngôn ngữ chung thì người ta vẫn có thể phân biệt anh là ai thông qua âm sắc và cách diễn đạt ngôn ngữ. Kiến trúc cũng giống như vậy. Trong thời buổi hội nhập, chúng ta không thể không biết cách sử dụng ngôn ngữ kiến trúc đương đại phương Tây, nhưng sử dụng như thế nào để ngay cả người dân bản địa cũng có thể hiểu được mới là quan trọng. Đó chính là tính hai mặt của đời sống hiện đại.

3. Sáng tạo đồng nghĩa với các Mới
Tiếp cận cái mới một cách tích cực, mạnh dạn và cầu thị, không phải chỉ dành cho Kiến trúc sư mà đặc biệt còn dành cho cả các nhà lãnh đạo ở các địa phương, những người không phải là tác giả nhưng lại là người quyết định cho những lựa chọn của mình đối với các công trình đô thị.
Thực tế cho thấy, sáng tác kiến trúc trong nước đã có những chuyển biến đáng kể về mặt chất lượng. Có những kiến trúc sư trẻ đã hội nhập được với nền kiến trúc đương đại châu Âu. Họ đã làm việc một cách bình đẳng với các kiến trúc sư nước ngoài, và điểm mạnh của họ là đã không phải chịu sức ép của một rào cản tâm lý và một bộ khung của thời bao cấp, đã từng là gánh nặng ức chế trong sáng tác của kiến trúc sư đứng tuổi. Ngoại ngữ và kỹ năng tin học là những công cụ tích cực để lớp trẻ có được sự hội nhập và lưu thông trong nghề nghiệp mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên sáng tác không phải là công việc của một anh thợ cày, trong đó sự cần cù và công cụ tốt quyết định thành công. Đối với sáng tác của Kiến trúc sư công cụ không có ý nghĩa ở giai đoạn tư duy ban đầu. Nó làm cản trở tư duy trừu tượng và sáng tạo hình tượng kiến trúc độc đáo. Sử dụng công cụ quá sớm trong hoạt động sáng tạo sẽ làm khô cứng và đóng khuôn các ý tưởng và hình tượng kiến trúc. Chính vì vậy mà các kiến trúc sư bậc thầy vẫn tạo những sơ phác ban đầu bằng nét bút chì và vẽ bằng tay. Kiến trúc sư trẻ có thể học rất nhanh ở nước ngoài hoặc qua làm việc với kiến trúc sư nước ngoài những phương pháp và công nghệ thiết kế, nhưng sự cảm nhận, xúc cảm và sợi dây nối với văn hoá truyền thống thì phải học từ chính dân tộc mình một cách từ từ qua thời gian tích cóp để hiểu, chia sẻ và cảm nhận. Các kiến trúc sư có tuổi và từng trải có thể san sẻ cho các bạn trẻ những cảm xúc đó.

4. Hình thức kiến trúc rất có ý nghĩa trong thời kỳ hội nhập
Hình thức không phải là một thứ virus bệnh dịch trong một cơ thể kiến trúc. Nó không chỉ là sự phản ánh trung thực nội dung mà còn tôn vinh nội dung, là sự biểu hiện nội dung một cách đa dạng phong phú và thông minh nhất. Kiến trúc nào cũng phải có hình thức, nhất là trong thời kỳ hội nhập. Chúng ta cũng thừa biết rằng, trong một nền kinh tế thị trường, kiến trúc không chỉ mang sứ mạng là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một sản phẩm hàng hoá bậc cao. Mẫu mã của nó - theo quy luật chung - có thể bị thay đổi theo thị hiếu người tiêu dùng, nhưng nó buộc phải chấp nhận sự tồn tại trong thời gian không phải là ngắn. Chicago Mỹ là thành phố đầu tiên của những ngôi nhà chọc trời. Khi những toà nhà cao ốc ở Chicago được khích lệ trong một nền kinh tế công nghiệp hoá và một xã hội hoá của những cạnh tranh, thì hình thức của nó đã được xây dựng trên một hệ trục toạ độ với một trục là công năng và một trục là kỹ thuật kết cấu.
Khi sự duy lý và chuẩn mực của hình thức Chicago đã tạo nên sự đơn điệu và nhàm chán thì cũng là lúc trường phái New York bắt đầu xuất hiện. Nó được biểu hiện bởi xu hướng muốn tạo nên sự khác biệt, chống lại sự trùng lặp của hình thức xuất phát từ xử lý công năng kết cấu. Và các kiến trúc sư đã tìm thấy một sự khác biệt ở phần chóp của ngôi nhà, và xem chúng như một cái mũ duyên dáng vươn lên bầu trời xanh, khoảng không còn lại để có thể phô trương sự đa dạng của hình thức.

5. Phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập
Ngày nay, phát triển bền vững được đặt ra như một tiêu chí quan trọng trong chiến lược phát triển kiến trúc đô thị. Chưa bao giờ việc khai thác thiên nhiên và đầu tư xã hội lại được cảnh báo một cách gay gắt đến như vậy, trước nguy cơ xâm lấn của chủ nghĩa thực dụng, những chính sách khai thác quỹ thiên nhiên và đô thị một cách tuỳ tiện và thiếu cái nhìn tổng thể cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Chúng ta đang trở thành nạn nhân của chính mình. Các khoảng trống của đô thị đang bị lấp đầy bởi các dự án đầu tư. Các doanh nghiệp lớn đang được chính quyền ưu đãi với vị trí đẹp và khu đất lớn. Lẽ tất nhiên họ sẽ tận dụng với hiệu quả cao nhất sự ưu việt của vị trí và hình thái của khu đất. Hậu quả là khối tích và chiều cao công trình chắc chắn phải được đẩy lên tới mức có thể. Trong khung cảnh đó, người sáng tác kiến trúc một mặt có điều kiện để cải thiện một diện mạo kiến trúc với các công cụ thể hiện đa dạng. Mặt khác họ lại cần phải hoá giải cái khó của sự chiếm lĩnh không gian một cách tham lam thành sự hìa hoà và mực thước trong chuyển hoá với kiến trúc và cảnh quan bao quanh.
Tiêu chí phát triển bền vững dưới góc nhìn không gian chính là sự kết nối trong tổng thể; dưới góc nhìn về thời gian chính là sự tiếp nối. Như vậy nhiệm vụ của kiến trúc trong thời đại mới là phải đặt đối tượng kiến trúc trong hệ thống quy chiếu không - thời gian. Ngôn ngữ kiến trúc mới, sự độc đáo và đa dạng là hàng trang của kiến trúc đương đại, nhưng mục đích của nó lại là sự cân bằng.
Và đó chính là tính hai mặt của kiến trúc thời kỳ hội nhập.

PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi
Nguồn tin: T/C Kiến trúc Việt Nam, số 7/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)