Sáng tạo trong quá trình hội nhập: Đòi hỏi và thách thức

Thứ tư, 18/10/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong giới kiến trúc thường gặp khó khăn khi nhận dạng sản phẩm sáng tác và phân định rạch ròi vai trò giữa tác phẩm thiết kế và công trình xây dựng. Vì rằng, tác phẩm là phần sáng tạo của kiến trúc sư nằm ở ý tưởng, ở tư duy nghệ thuật, ở bố cục sắp đặt khối hình và định đoạt màu sắc... cho công trình kiến trúc. Tất cả các việc làm đó lâu nay ta gọi chung là thiết kế.
Nhưng khi công trình xây dựng trong không gian, được định vị trong không gian cụ thể, là việc bỏ tiền của, đầu tư vật chất và thời gian vào việc tạo lập công trình đó. Mà tiền của đó đâu phải của kiến trúc sư. công việc xây dựng là việc đặt từng viên gạch cho công trình đâu phải do người vẽ ra nó. Vậy tác phẩm thiết kế và công trình xây dựng đã tự nó có độ độc lập tương đối rồi. Nhìn công trình đã xây dựng do mình thiết kế, kiến trúc sư cùng lúc có thể nói rằng: Của tôi mà cũng chẳng phải của tôi Vậy là của ai! thì tạm gọi là của chúng ta vậy. Trong sáng tác thì không có giới hạn - tức là tự do biểu đạt, tự do gửi gắm ý đồ. Nhưng khi công trình xây dựng thì phải trong khuôn khổ, phải đặt nó trong không gian và điều kiện cụ thể, do đó phải quản lý. Quản lý việc bố trí, sắp đặt và nghệ thuật tổ chức để bảo đảm sự hiện diện hợp lý của công trình trong không gian là một khái niệm mà lâu nay ta vẫn dùng gọi là quy hoạch xây dựng. Từ đây để nói rằng, công việc sáng tác kiến trúc mỗi thời có những đòi hỏi riêng mà không nhất thiết phải hợp nhất các yêu cầu đó.

1- Kiến trúc hiện diện

Kiến trúc hiện diện tại một đô thị là những đại lượng tổng hợp bao gồm nhiều thể loại kiến trúc liên quan đến con người, do con người làm nên, con người sáng tạo ra. Công trình kiến trúc hiện diện ở các đô thị là phép cộng thời gian tồn tại của nhiều thời kỳ khác nhau. Vì vậy, phải có cái nhìn rộng lượng và khách quan khi nhận định đỗi với kiến trúc hiện hữu tại mỗi đô thị hiện nay. Xuất phát từ đó, việc xem xét đánh giá hình ảnh kiến trúc đô thị nên chớ vội vàng gán ghép, càng không thể tuỳ tiện phê phán một cách ngẫu hứng được. Tất cả từ sự ra đời, tồn tại của mỗi công trình kiến trúc ở đô thị mà chúng ta thường thấy đều có cái lý của nó. Cái lý của mỗi thời kỳ, cái lý của mỗi điều kiện xây cất cụ thể. Cái lý để tự nó được tồn tại. Và cả cái lý buộc nó phải mất đi, phải được thay thế.

2- Kiến trúc đòi hỏi

Tức là nói tới cái phần phải có ở kiến trúc để công trình kiến trúc được định vị trên đất bằng vật chất và thời gian. Cũng là nhắc lại cái khuôn phép cần có khi đem công trình vào đặt ở không gian cụ thể, cái chuẩn mực bắt buộc ở tại mỗi khu đất, mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Bất luận người sáng tác ra kiến trúc đó có quốc tịch nào. Chính vì thế, cái mà ta lo lắng nhất được gọi là bản sắc, tính dân tộc có còn được bảo toàn hay không? Có khi lại là thừa! Vì rằng, muốn hay không kiến trúc đó phục vụ theo mục đích gì, quy mô bao nhiêu là do chính yêu cầu của chúng ta. Thì không có cái lý nào để nói đó là công trình của người khác được. Trừ phi công trình đó không được thiết kế theo đầu bài mà ta đặt hàng. Vậy nên, nội dung theo chức năng kiến trúc đòi hỏi đã đủ lý giải rằng kiến trúc đó vì ta - tức là kiến trúc đó của ta.
Điều này dù có nói thêm bao nhiêu cũng chẳng làm thay đổi được nhiều những dòng suy nghĩ về bản sắc - dân tộc khi trước mắt họ không thấy sự hiện diện của những công trình mà theo họ thì công trình phải giống hoặc na ná cái mà họ đã hoặc thường nhìn thấy ở đất nước này. Vậy, vấn đề ở đây là nhận thức. Mà nhận thức - điều ai cũng biết là không thể có ngay tức khắc, phải có thời gian, phải có quá trình đủ để nhận thức cái mới. Cho nên kiến trúc hiện diện ở tại mỗi đô thị chỉ là cái phông, cái nền cho sự phát triển của kiến trúc Việt Nam tương lai.

3- Khoảng nhỏ lạm bàn

Về hội nhập cũng có lúc ta quan niệm rằng:
* Không tự coi mình là kém mà phải ngược lại. Cách nghĩ đầy tự tin và thật đáng yêu, nhưng đối với năng lực sáng tạo kiến trúc sự thất sẽ làm cho ta mãi mãi chỉ biết mình mà chẳng biết đến ai. Và không thể bằng ai được. Nếu nói mình mạnh tức là mình đang yếu đi. Hơn nữa, trong lĩnh vực kiến trúc Việt Nam hiện nay, đặc biệt là công tác sáng tác hiện thời nếu ta đang tiếp tục cố gắng nhìn lại và phấn đấu cho bằng lớp cha anh, cho bằng thế hệ kiến trúc sư đi trước, thì làm sao dám mơ tới có ngày con hơn cha!.
* Còn như cái việc đem trào lưu kiến trúc thế giớiđể nói Việt Nam tụt hậu 30, 50 thậm chí 100 năm để mà làm gì? Lối so sánh này giống như việc bảo các nước khác không có được trào lưu xây dựng Nhà nước và nhân dân cùng làm ở Việt Nam trước đây vậy!.
* Nếu ta nghĩ tới việc phải quy định chặt chẽ chế độ tư vấn nước ngoài tức là ta đang nói tới việc hội nhập nhưng lại đóng cửa, không cho ai vào. Điều quan trọng chính là các kiến trúc sư của ta phải tự hoàn thiện để bằng chị, bằng em. Nếu nói hội nhập là tạo ra sân chơi cho mọi giới nghề nghiệp, trong đó có giới kiến trúc thì không có nghĩa chơi một mình một sân.
* Trong mấy năm gần đây, các cuộc thi tuyển phương án kiến trúc và ý tưởng quy hoạch xây dựng trên cả nước phần nhiều các giải thưởng cao thuộc về tư vấn nước ngoài. Các cuộc chọn Bằng sáng tạo kiến trúc và Giải thưởng đồ án xuất sắc, nếu không còn tác dụng khuyến khích, động viên người sáng tác thì cũng có nghĩa là ước vọng về nghề nghiệp đang hướng tới cái cao hơn, xa hơn, chứ nhất định không thể coi đây là sự suy thoái từ bên trong hay suy thoái tinh thần được.
* Làm việc theo nhóm; hợp tác lẫn nhau; quy hoạch xây dựng vùng; hoạt động theo Quy chế vùng; hợp tác khu vực; hợp tác quốc tế là phương pháp có nhiều ưu điểm đã được minh chứng. Để phát huy lợi thế, san sẻ khó khăn, đồng thời giải quyết những bài toán lớn mang tính thời đại trên phạm vi toàn cầu là ước muốn của cả thế giới. Đây là giải pháp khoa học, là xu hướng vận động tất yếu của nhân loại. Vậy chúng ta phải sẵn sàng đón nhận xu hướng toàn cầu hoá trong sự hồ hởi và khôn ngoan, chứ nhất định không coi đây là thời kỳ đầy lo âu với hiện tượng toàn cầu hoá.
* Trong thực tiễn và lịch sử đã chứng minh nhiều thời kỳ văn hoá, nghệ thuật và kiến trúc của chúng ta có chịu ảnh hưởng và tác động bởi văn hoá, nghệ thuật và kiến trúc của ngoại bang. Nhưng việc áp đặt về văn hoá, thay thế văn hoá không dễ. Vì thế ta vẫn là ta về mọi nhẽ. Những yếu tố bản chất Việt Nam đã không mất đi như: lối sống, cách ăn, cách mặc và cả cách ở. Cách ở - phương cách bố trí để dùng không mất đi, thì phần bản địa của kiến trúc của chúng ta mãi mãi còn. Tuy nhiên, không thể một mình một chợ trong xu thế toàn cầu hoá. Chọn cho mình một cách dung dị, không hoà tan mà vẫn hoà nhập, đó là con đường thứ ba: Hội nhập. Mà hội nhập ở đây là chủ dộng, tích cực hội nhập. Biến cái của người thành cái của ta. Học cái cách của bạn để làm chủ mình. Như vậy, cũng không nên quá chắc chắn rằng: Trong xu hướng thế giới hoà nhập - hoà tan, chúng ta không có con đường thứ ba.
* Cho rằng sự lộn xộn thiếu tính thống nhất về kiến trúc tại mỗi thành phố hiện nay là do không có thiết kế đô thị. Thực ra, thiết kế đô thị có mặt ngay từ ngày động thổ xây dựng đô thị. Vậy, thiết kế đô thị dễ có từ hàng nghìn năm nay. Thiết kế đô thị không phải là cái mới. Có điều cần phải nói vai trò của thiết kế đô thị còn là quản lý việc xây dựng đô thị như thế nào để có được một diện mạo đô thị như mong muốn. Nếu đã mất hơn 30 năm làm đô thị Việt Nam biến dạng đi, xấu đi, thì ít nhất cũng phải mất 1/3 thời gian đó để lấy lại sự ngăn nắp cần thiết. Thời gian đó chỉ đủ để loại bỏ cái tuỳ tiện, cái vô lối trong xây dựng mà thôi. Còn như việc làm đẹp, hài hoà, thống nhất, tạo dựng bản sắc riêng của mỗi đô thị có lẽ còn phải mất nhiều thời gian hơn thế. trong tình trạng thực tế về kiến trúc đô thị Việt Nam hiện nay nên chăng nhìn thiết kế đô thị theo cách gần hơn, sẽ thấy:
- Đô thị xây dựng mới thì thiết kế đô thị theo quy hoạch xây dựng cộng với chế độ quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại mỗi khu chức năng đô thị.
- Đối với đô thị hiện hữu cả nước có 718 đô thị hiện thời với muôn mặt đời thường và là tập hợp của các kiến trúc nhiều thời cộng lại thì thiết kế đô thị là cải tạo, chỉnh trang, là can thiệp có liều lượng cộng với quản lý theo Quy chế kiến trúc đô thị của một địa phương.
Như vậy, thiết kế đô thị trở nên dễ được chấp nhận hơn. Các địa phương, các nhà tư vấn dễ nhận thức và thực hành hơn so với những đề tài, những nghiên cứu tốn nhiều kinh phí, nhiều lý thuyết đóng gói và... cất đi.
Cũng chẳng nên đem ra các thuật ngữ, các định nghĩa dài dòng; thiết kế đô thị là gì mà chẳng vận dụng được vào thực tế, vào đâu cả!.
Cuộc sống đòi hỏi cái nó cần. Luật pháp hay khoa học, lý thuyết hay kinh nghiệm, suy cho cùng cũng nhắm tới cuộc sống và mục tiêu tối thường của nó là phục vụ cuộc sống. Kiến trúc là sáng tạo, nhưng sáng tạo của kiến trúc phải bắt nguồn từ chính những đòi hỏi của cuộc sống; từ đòi hỏi của mỗi dân tộc, mỗi đất nước, mỗi thời kỳ có khác nhau. Chính vì thế, kiến trúc làm nên bản sắc từ chính nó. Đó là một tồn tại khách quan mà chúng ta cứ lo là nó mất đi, cứ lo nó không hiển thị. Thực ra bản sắc kiến trúc có ngay trong mỗi công trình mỗi khi nó được đầu tư xây dựng, cho dù cả khi chúng ta đã và đang hội nhập.

TS.KTS. Lê Đình Tri
Nguồn tin: T/C Kiến trúc Việt Nam, số 8/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)