Xu thế hội nhập là cơ hội tốt để rèn luyện kiến trúc sư

Thứ năm, 26/10/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
... Không cuộc cạnh tranh nào lại không mang lại hiệu quả tốt, nếu chúng ta không tự coi mình là những kẻ yếu hèn mà ngược lại, là những người đã đủ sức tham gia vào cuộc chơi, có thái độ sẵn sàng đón nhận mọi thử thách. Có như vậy, chúng ta mới lại vững bước trưởng thành, dù có thể sẽ phải vấp ngã và ngã đau...
Kiến trúc là một ngành nằm trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật nên rất cần được giao thoa, trao đổi với khu vực và thế giới. Xu thế hội nhập hiện nay đang dãn xoá đi những ranh giới về lãnh thổ giúp kiến trúc sư trên toàn thế giới có thêm nhiều cơ hội học hỏi nhau. Không chỉ kiến trúc sư mình đi học hỏi kiến trúc sư nước ngoài, mà cả nước ngoài cũng phải học hỏi ở ta. Điều đó thể hiện sự bình đẳng trong hành nghề của các kiến trúc sư trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn rằng trình độ của kiến trúc sư của ta còn hạn chế. Vì thế, xu thế hội nhập sẽ là cơ hội tốt để tăng cường học hỏi những thành tự của khoa học, công nghệ và trao đổi kinh nghiệm thiết kế với đồng nghiệp xung quanh, cùng hành nghề, cùng bàn luận về nghề nghiệp để từ đó các kiến trúc sư của ta sẽ dần tiến đến những bước dài hơn, dành được thêm nhiều thuận lợi trong hành nghề. Sáng tạo kiến trúc không phải chỉ dành cho những người giàu có, mà kho tàng snags tạo là vô tận, sẽ mở cho những ai thật sự say mê, và không ngừng học hỏi, rèn luyện kỹ năng. Kiến trúc sư càng đi thật nhiều, học thật nhiều thì vẽ mới càng hay. Đôi khi, chúng ta lo ngại rằng xu thế hội nhập sẽ khiến cạnh tranh càng lớn. Tuy nhiên, không cuộc thi nào, không cuộc cạnh tranh nào lại không mang lại hiệu quả tốt, nếu chúng ta không tự coi mình là những kẻ yếu kém mà ngược lại, là những người đã đủ sức sẵn sàng đón nhận mọi thử thách. Có như vậy, chúng ta mới vững bước trưởng thành, dù có thể vấp ngã và ngã đau.
Trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, nền công nghiệp điện tử, tin học với tính chất sản xuất hàng loạt khiến chúng ta càng cảm thấy quý hơn những gì gọi là nét riêng, là bản sắc đã tạo nên nền văn hoá phong phú của các dân tộc trên toàn thế giới. Chính vì thế, nếu chúng ta lao vào hội nhập mà không vật chất hoá được những nếp sống, những nét văn hoá truyền thống, cùng tư duy mới bằng những công trình kiến trúc mới thì cuộc sống này sẽ thật nhàm chán. Điều đó không chỉ làm mất đi bản sắc của dân tộc mình, mà còn làm nền văn hoá thế giới trở nên khô cạn và đồng điệu. Nếu chúng ta chỉ đi qua Bắc Kinh rồi đến Paris mà vẫn thấy những thành phố nhang nhác giống nhau thì đã đến lúc nền văn hoá phải rung lên hồi chuông tàn lụi! Vì thế, trách nhiệm của giới kiến trúc rất nặng nề, cần góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá ở mỗi dân tộc.
Trong điều kiện nước ta hiện nay, giới kiến trúc sẽ không thể tránh được những thua thiệt khi cùng tham gia hành nghề với các kiến trúc sư trên khắp thế giới do cò hạn chế về trình độ, ngoại ngữ và còn thiếu về kinh nghiệm... Nhưng nếu không xông vào việc để khắc phục những mặt yếu đó thì thua thiệt sẽ ngày càng nhiều, kéo dài ngày càng lâu. Như đã trở thành quy luật, những bước chân của lịch sử sẽ không bao giờ dừng lại, cũng như chờ đợi hay lùi bước trước một ai, mà những ai lùi bước hay chỉ biết kêu ca sẽ bị bỏ lại. Chính vì vậy, con đường duy nhất là hãy vững bước tiến. Hiện nay, một số kiến trúc sư của ta đã chủ động tham gia các cuộc thi sáng tác kiến trúc ở các nước bạn láng giềng, thành công chưa phải là nhiều, nhưng đã học hỏi thêm được rất nhiều kinh nghiệm trong thiết kế cũng như trong thi tuyển. Bên cạnh đó, khắp đất nước ta đang là những công trình lớn thu hút rất nhiều kiến trúc sư nước ngoài đến làm việc, đó là điều kiện rất thuận lợi để giới kiến trúc sư của ta cùng làm việc, suy nghĩ, bàn luận về những ý tưởng đối với bạn bè quốc tế, từ đó học tập thêm nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay, có một tình trạng là rất nhiều chủ đầu tư chỉ lựa chọn các tư vấn nước ngoài tham gia vào thiết kế công trình. Không thể trách họ dưới góc độ là mong muốn công trình mà mình đầu tư đạt chất lượng tốt nhất. Nhưng mặt khác, các chủ đầu tư này đang làm mất đi sự bình đẳng trong hành nghề của các kiến trúc sư trong nước, không tạo điều kiện thúc đẩy sáng tác kiến trúc nước nhà đang phát triển. Nên chăng, hãy tổ chức các cuộc thi với các tiêu chí bình đẳng, sòng phẳng và công khai để mọi đối tượng có thể tham gia? Và nên chăng, trong hai phương án có chất lượng tương đương nhau, hãy chọn phương án do kiến trúc sư của ta thiết kế, những mặt còn hạn chế sẽ có thể khắc phục bằng cách mời các chuyên gia tư vấn tham gia. Có như vậy, các công trình sẽ được thực hiện trên tinh thần do ta làm chủ, giới kiến trúc sư cũng dần tự thực hiện được các công trình, phức tạp, đòi hỏi nhiều kỹ thuật, công nghệ cao. Đặc biệt trong lĩnh vực Quy hoạch đô thị, một đồ án tốt, phù hợp với xu hướng phát triển đô thị sẽ cần những người thật sự hiểu về lịch sử, văn hoá, địa hình của địa phương đó thực hiện. Nên sẽ rất tốt nếu đồ án quy hoạch do chính các kiến trúc sư của ta đảm nhiệm. Đương nhiên, để khắc phục những mặt yếu về kinh nghiệm, kỹ thuật thì chúng ta sẽ mời những chuyên gia nước ngoài tư vấn thêm về kỹ thuật thiết kế, công tác triển khai quy hoạch. Đây là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để công tác quy hoạch có những bước tiến về chất lượng và đi vào cuộc sống. Đây cũng là mô hình mà Trung Quốc đã thực hiện rất hiệu quả. Còn ở Việt Nam, đang rất cần các thể chế của Nhà nước để có thể áp dụng được mô hình này.
Trong thời gian tới, Hội Kiến trúc sư Việt Nam sẽ chủ động tiếp cận với bạn bè khu vực trên tinh thần làm chủ. Tích cực hoạt động để đòi hỏi một thị trường bình đẳng cho các kiến trúc sư Việt Nam. Hội sẽ không tham gia những Hội đồng chỉ mời người nước ngoài làm tư vấn thiết kế, bởi đó là hành động cực đoan, khiến các kiến trúc sư Việt Nam bị mất quyền bình đẳng ngay trên đất nước của mình. Đồng thời Hội cũng đòi hỏi sự công bằng về chi phí thiết kế giữa kiến trúc sư trong nước và nước ngoài khi yêu cầu công việc như nhau trong một cuộc thi kiến trúc. Bên cạnh đó, Hội sẽ tổ chức đúc rút kinh nghiệm về những vấn đề còn non yếu, để từ đó, nhìn nhận đúng hơn về miìn và có phương hướng khắc phục.
Rõ ràng, hội nhập là một xu thế tất yếu, là thời cơ rất lớn, nhưng song hành với nó là những mặt trái của hội nhập mà rất nhiều chuyên gia trên thế giới đã bàn luận. Đó là những vấn đề chúng ta cần quan tâm tìm hiểu để khắc phục hạn chế cùng như điều chỉnh chính bản thân chúng ta.

KTS. Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
Nguồn tin: T/C Kiến trúc Việt Nam, số 7/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)