Nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch xây dựng đô thị trong thời kỳ công nghiệp hoá-hiện đại hoá ở nước ta

Thứ năm, 19/10/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đất nước ta đang vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ công cuộc phát triển nông nghiệp, phát triển công nghiệp đến khai thác than, dầu khí đến xây dựng các công trình thuỷ điện lớn... chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá ở Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực, tạo đà cho bước phát triển nhanh hơn.
Góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá, việc quy hoạch xây dựng các đô thị ở nước ta đóng vai trò quan trọng bởi vì trong hệ thống đô thị Việt Nam, đặc biệt là các đô thị trung tâm quốc gia, trung tâm vùng lãnh thổ, các đô thị ấy có ý nghĩa quan trọng và là hạt nhân, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng và của cả nước. Để có được bức tranh tổng thể về hình ảnh các đô thị Việt Nam tươi sáng, xứng với một quốc gia có chiều dày lịch sử, có nền văn hiến lâu đời thì công tác quy hoạch xây dựng đô thị là một khoa học mang tính tổng hợp ở trình độ cao cần phải được nghiên cứu, xem xét và đổi mới nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả đáp ứng nhu cầu cuộc sống của xã hội, của nhân dân được nhân dân đón nhận góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá nhằm xây dựng đẩt nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

1.Công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước là nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Chúng ta chủ trương phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại. Nước ta lúc đó, tuy GDP bình quân đầu người chưa cao, nhưng lực lượng sản xuất đạt trình độ tương đối hiện đại, công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong GDP và trong lao động xã hội, khoa học và công nghệ có khả năng nắm bắt và vận dụng được nhiều thành tựu mới nhất của thế giới.

2. Vai trò công tác quy hoạch xây dựng đô thị đối với sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước

Công tác quy hoạch xây dựng đô thị với sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước là công tác rất quan trọng trong đường lối và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Đảng. Đô thị có chức năng là hạt nhân là động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá-hiện đại hoá. Ở các nước phát triển đô thị đóng góp tỷ trọng kinh tế cho chính bản thân nó chỉ từ 30 - 35% còn lại nó đóng góp vào tỷ trọng kinh tế chung cho vùng, cho khu vực và cho cả nước.
Nhìn lại thời gian đổi mới, công tác quy hoạhc xây dnựg ở nứơc ta đã có nhiều đổi thay, đóng góp vào tiến trình xây dnựg đất nước một cách thiết thực, hiệu quả. Trong định hướng xây dựng hệ thống đô thị Việt nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, đã đề xuất những quan điểm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của cả nước, của từng vùng lãnh thổ và từng địa phương.
Trên cơ sở kinh tế-xã hội, điều kiện địa lý tự nhiên, điều kiện lịch sử-văn hoá của từng vùng để tổ chức hệ thống đô thị trên 10 vùng lãnh thổ bao gồm: vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng ĐBSCL, vùng miền Nam Trung bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Bắc Trung bộ, vùng Cao Bằng-Lạng Sơn, Bắc Giang-Bắc Ninh-Bắc Cạn và Thái Nguyên, vùng Lào Cai, yên Bái, Hà Giang-Tuyên Quang-Phú Thọ-Vĩnh Phúc và vùng Tây Nguyên. Phát triển đô thị ở nước ta hiện nay là một trong những vấn đề trọng tâm, quyết định sự đi lên của cả đất nước. Đất nước ta đang trong giai đoạn tập trung đẩy mạnh công nghiệp hoá-hiện đại hoá mà công nghiệp hoá lại gắn liền với quá trình đô thị hoá và để giải quyết vấn đề này thì điều quan trọng đầu tiên là tất cả các đô thị phải có quy hoạch không gian phát triển cho cả thời kỳ lâu dài hoặc là đến năm 2020. Cũng chính vì vậy, vấn đề đặt ra cho công tác quy hoạch xây dựng đô thị là phải có chiến lược Khung quốc gia về đô thị, phải xây dựng luật lệ để tạo cho các đô thị và khu dân cư thực hiện theo quy hoạch. Hơn nữa, việc thực hiện quá trình công tác kế hoạch hoá bắt đầu từ chiến lược quy hoạch, rồi cụ thể hoá bằng các kế hoạch 5 năm và hàng năm. Quy hoạch xây dựng đô thị phải căn cứ vào chiến lược, cụ thể hoá chiến lược kể cả trong lĩnh vực đầu tư phát triển, những dự án đầu tư lớn và các dự án hợp tác đầu tư với nước ngoài chỉ được xem xét khi dự án đó có phù hợp với quy hoạch dược duyệt. Công tác quy hoạch xây dựng đô thị bởi thế phải được nghiên cứu thường xuyên, các quy hoạch xây dựng phải được cập nhật, hiệu chỉnh chung phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn. Tiến trình CNH-HĐH ở Việt Nam càng nhanh thì công tác quy hoạch xây dnựg đô thị càng có vai trò rất quan trọng bởi lẽ công tác quy hoạch bao giờ cũng đi trước một bước nó hoạch định cho chiến lược phát triển không gian kinh tế của một địa phương, một vùng lãnh thổ và nó vẽ lên một bức tranh toàn cảnh cho một quốc gia. Bức tranh ấy là biểu tượng sức sống mãnh liệt của một dân tộc có bề dày truyền thống văn hoá lịch sử có ý chí của một dân tộc tự cường, một quốc gia có chủ quyền và độc lập.

3. Phương hướng quy hoạch xây dựng đô thị thời kỳ 2000-2020

3.1 Quan điểm của công tác quy hoạch
Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường có nhiều thành phần kinh tế với sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, đô thị ở nước ta đã và sẽ páht triển rất nhanh chóng do đó công tác quy hoạch xây dựng đô thị càng trở nên quan trọng, cấp bách trong thời gian tới, công tác quy hoạch phải thực hiện theo các quan điểm sau đây:
- Quy hoạch đô thị phải phù hợp với Chiến lược phát triển đô thị quốc gia thời kỳ 1996-2020 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
- Phải bảo đảm thiết thực phục vụ kịp thời cho nhu cầu phát triển sản xuất, nhu cầu cuộc sống xã hội vận động theo cơ chế thị trường.
- Phải đáp ứng phát triển hài hoà giữa nhu cầu cấp bách trước mắt của phát triển sản xuất và xã hội đồng thời phải đảm bảo tính phát triển bền vững và trường tồn của đô thị.
- Phải làm cơ sở tạo ra các nguồn lực, thu hút được các nguồn vốn trong và ngoài nước, của mọi thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng phát triển đô thị.

3.2. Hiện trạng và công tác quy hoạch xây dựng phát triển đô thị Việt Nam
Công cuộc "đổi mới" trong những năm qua đã đưa nước ta về cơ bản thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội để bước vào thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Dân số Việt Nam hiện nay hơn 80 triệu người. Dự kiến tăng trưởng dân số và đô thị hoá ở Việt Nam đến năm 2020 chiếm tỷ lệ 45% trong đó số dân cả nước khoảng 103 triệu người. Để có được tỷ lệ đô thị hoá như hiện nay và trong tương lai là do tác động của sự phát triển nền kinh tế thị trường và các chính sách mở cửa, chính sách mới về nhà, về đất và sự quan tâm của Nhà nước đối với công tác quy hoạch, đầu tư cải tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng... Các đô thị ở nước ta đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, tạo nên một khối lượng xây dựng bằng cả mấy chục năm trước đây, đáp ứng được sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước đồng thời trở thành nhân tố tích cực của quá trình phát triển này.
Các đô thị đã đảm nhiệm được vai trò là trung tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề mới, trung tâm phát triển và chuyển giao công nghệ trong vùng và cho các ngành; trung tâm giao lưu thương mại trong nưỡc và quốc tế, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế đối ngoại; trung tâm dịch vụ, phát triển văn hoá giáo dục, nâng cao dân trí và phát triển nguồn lực, giữ vai trò trong tăng thu ngân sách cho Nhà nước hàng năm và đi đầu trong việc bảo đảm an ninh quốc phòng. Rõ ràng chính sách mở cửa và những thành công trong sự nghiệp đổi mới trong những năm qua đã khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc tháo gỡ những ách tắc về cơ chế, giải phóng và thu hút nguồn lực tham gia vào xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp. Mặt khác, bối cảnh quốc tế đã có nhiều thay đổi trong cách mạng khoa học và công nghệ nhất là công nghệ xây dựng không ngừng phát triển với trình độ ngày càng cao, biến khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất, tạo động lực phát triển đô thị. Các vấn đề của thời đại như bảo vệ môi trường, bùng nổ dân số, an toàn lương thực thực phẩm và đô thị hoá đã trở thành vấn đề toàn cầu, đòi hỏi có sự hợp tác đa phương để xử lý.
Nhìn lại những năm qua, công tác quy hoạch phát triển đô thị ở nước ta rõ ràng đã có bước phát triển nhanh. Sự nghiệp CNH-HĐH đất nước đòi hỏi công tác quy hoạch, kinh tế, xã hội, quy hoạch xây dựng phải gắn bó và đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước. Từ chiến lược phát triển vùng, chiến lược phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật như mạng lưới giao thông quốc gia theo hướng Bắc-Nam suốt chiều dài đất nước. Ngoài việc nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A còn có thêm tuyến đường phái Tây đất nước đường Hồ Chí Minh. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đường Đông-Tây như: quốc lộ 18, quốc lộ 6, QL.7, QL. 8... Nâng cấp cải tạo các cảng biển: Cái Lân, Đình Vũ, Cửa lò, Tiên Sa... Xây dựng các cảng biển nước sâu: Nghi Sơn, Vũng áng, Chân Mây, Dung Quất... Việc hình thành các cảng biển nước sâu gắn liền với sự ra đời của các nhà máy lọc dầu số 1, số 2, công suất 6,5 triệu tấn/năm, các khu công nghiệp hoá dầu, các khu luyện cán thép có công suất 1 đến 4 triệu tấn/năm, các nhà máy đóng tàu, sửa chữa tàu cỡ lớn từ 5000 đến 3 vạn tấn... Các khu dịch vụ hàng hải quốc tế, các khu cảng container... Các khu công nghiệp quan trọng này thu hút nhiều lao động có kỹ thuật cao, có tay nghề giỏi đòi hỏi phải hình thành những khu công nghiệp mới...
Chiến lược phát triển kinh tế thuộc các nước ASEAN đã tác động đến quá trình hình thành và phát triển hệ thống giao thông liên Á. Các cửa khẩu quốc tế đã được mở ra ở biên giới nước ta với các nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia như Tân Thanh, Lào Cai, Cầu Treo, Lao Bảo, Bờ Y-Ngọc Hồi, Xa Mát, Mộc Bài. Tại những cửa khẩu quốc tế quan trọng như Cầu Treo, Lao Bảo, Bờ Y, Mộc Bài đã xuất hiện những trung tâm thương mại, các điểm đô thị biên giới rất có ý nghĩa trong sự phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ quốc phòng vững mạnh.
Các khu công nghiệp tập trung với quy mô lớn được quy hoạch xây dựng theo các vùng trọng điểm và gắn liền với các tuyến trục quốc gia hướng ra biển lớn: khu công nghiệp dọc trục QL.18 Hà Nội-Sao Đỏ-Hạ Long, khu công nghiệp QL.5 Hà Nội-Hải Dương-Hải Phòng ở phía Bắc. Miền Trung được xây dựng theo từng cụm từ Chân Mây-Liên Chiểu đến Kỳ Hà-Dung Quất. Miền Nam chủ yếu tập trung dọc theo QL.1, QL.51 TP. HCM-Biên Hoà-Vũng Tàu mà nổi bật là khu công nghiệp Phú Mỹ với thành phố công nghiệp Mỹ Xuân và khu công nghiệp Sóng Thần-Bình Dương dọctheo QL.13.
Vùng Tây Nguyên với vị thế đặc biệt trong phát triển kinh tế quốc phòng được quy hoạch xây dựng với các đô thị dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh mà các đô thị lớn là Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuật, trong đó thành phố Buôn Ma Thuật là đô thị trung tâm của vùng. Việc xuất hiện và mở rộng các đô thị là trung tâm hành chính kinh tế do tách tỉnh cũng đã tạo đà cho sự phát triển và tăng trưởng, nâng cấp các đô thị này vượt nhanh hơn dự báo trong hệ thống đô thị quốc gia như: Phúc Yên , Bắc Cạn, Bắc Ninh, Phủ Lý, Hưng Yên, Quảng ngãi, Bình Phước...
Tuy nhiên, những tồn tại trong công tác quy hoạch còn nhiều: cơ sở kinh tế-kỹ thuật hoặc động lực phát triển các đô thị còn yếu kém, tình trạng phân bố dân cư và sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích xây dựng đô thị đang là nguy cơ lớn cho vấn đề an toàn lương thực, còn sự cách biệt lớn giữa đô thị và nông thôn vấn đề di dân từ nông thôn ra đô thị, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém và công tác quản lý đô thị chưa làm chủ được tình hình phát triển đô thị. Mặt khác, quy hoạch đô thị mang tính đa ngành ở trình độ cao nhưng quan hệ trong nghiên cứu thiếu trình tự và đồng bộ, hơn nữa nhiều quy hoạch còn mang tính duy ý chí, chạy theo yêu cầu tư vấn, hoặc làm theo ý của chủ lãnh thổ... Bởi vậy, đã hạn chế tính nghiên cứu sáng tạo, tính khả thi, nhiều quy hoạch chưa đi vào cuộc sống, quy hoạch một đằng làm một nẻo... Công tác xây dựng theo quy hoạch còn thiếu trình tư, thiếu đồng bộ còn chắp vá nhất là cơ sở hạ tầng đô thị, việc quản lý các tuyến phố chưa tốt gây ra tình trạng xây dựng phố xá nham nhở, bộ mặt đô thị manh mún và mất mỹ quan.
Khi phân tích những tồn tại trong công tác quy hoạch cũng như phát triển đô thị nước ta trong những năm qua cho thấy: vấn đề mấu chốt để giải quyết tồn tại là việc xây dựng được một hệ thống thiết chế vững chắc và một cơ chế dựa vào pháp luật cho công tác quy hoạch và phát triển đô thị, đủ điều kiện để áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn quy hoạch và phát triển đô thị ở nước ta. Đây là vấn đề mới và rất phức tạp không dễ gì hoạch định đầy đủ trong điều kiện công tác quy hoạch và phát triển đô thị ở nước ta trong thời kỳ vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tuy nhiên cũng đã nổi lên một số vấn đề cần được khẩn trương nghiên cứu, soạn lập đưa vào ứng dụng trong thực tiễn nhằm góp phần khai thông cho công tác quy hoạch và xây dựng phát triển đô thị.

4. Biện pháp chủ yếu nâng cao hiệu quả của công tác quy hoạch xây dựng đô thị

4.1 Công tác quy hoạch xây dựng đô thị phải từ cuộc sống, gắn bó với cuộc sống và phục vụ cuộc sống ngày càng tốt hơn
- Quy hoạch phải đáp ứng đòi hỏi phát triển ngày càng cao của xã hội về mọi mặt, bảo đảm các điều kiện ở, làm việc, mua bán, học tập, vui chơi giải trí hàng ngày của người dân được thuận tiện, thích hợp với lối sống, truyền thống, nếp sống văn minh của các dân tộc và từng vùng miền, đồng thời phải tiếp thu tinh hoa của nhân loại.
- Bộ mặt kiến trúc tại các đô thị phải được chăm lo phát triển, trên cơ sở giữ gìn, bảo vệ các di sản văn hoá có giá trị của dân tộc, hình thành các trung tâm và đường phố chính khang trang, hiện đại.
- Quy hoạch đô thị phải đảm bảo tính xây dựng đồng bộ, xây dựng nhà ở đồng thời xây dựng phát triển hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đô thị như hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
- Quy hoạch đô thị phải đảm bảo tính phát triển bền vững của đô thị, khắc phục sự đe doạ của thiên tai như lũ ống, sạt lở... đảm bảo môi trường đô thị trong sạch lành mạnh.

4.2 Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ quy hoạch xây dựng
Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của người tổ chức không gian đô thị, không gian ở cho mọi người dân, cán bộ là yếu tố quyết định tới chất lượng đồ án, do đó đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch plannner cần được đào tạo theo các xu hướng sau đây:
- Tính đồng bộ: đào tạo đủ các chuyên ngành quy hoạch đô thị cần như: KTS quy hoạch, kỹ sư kinh tế đô thị và các kỹ sư đô thị như: kỹ sư san nền, chuẩn bị kỹ thuật, kỹ sư cấp nước đô thị, kỹ sư cấp điện đô thị, kỹ sư thoát nước bẩn-vệ sinh môi trường.
- Tính toàn diện: đã là các nhà quy hoạch plannner, luật học đặc biệt có liên quan tới xây dựng đất đai và kinh tế học, tin học ứng dụng.
- Tính liên tục và kế thừa: trong thời điểm hiện nay nhiều Viện, Công ty tư vấn đang xảy ra tình trạng hụt hẫng về cán bộ, tình trạng rất thừa song cũng rất thiếu cán bộ có thể đảm nhiệm được chủ nhiệm, chủ trì các đồ án quan trọng như quy hoạch vùng, quy hoạch chung hoặc các đồ án quy hoạch chi tiết quan trọng, lực lượng cán bộ quá mỏng, thiếu đồng bộ. Sở dĩ có tình trạng này là do có thời kỳ đóng cửa không tuyển cán bộ.
- Tính hiệu quả: đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ phải lấy mục đích hiệu quả công việc là chính, tránh hình thức phiến diện, ngành nghề, không thực tế xa rời với nhu cầu đòi hỏi cấp bách của xã hội, của công việc hàng ngày.
- Công tác đào tạo phải gắn với thực tế, trường đại học cần cộng tác với các Viện trong công tac đào tạo, giáo trình đào tạo phải thường xuyên chỉnh lý phù hợp với từng giai đoạn.

4.3 Công tác quy hoạch xây dựng cần gắn với quá trình phát triển kinh tế của đất nước
Có sự tham gia của cộng đồng để công tác quy hoạch xây dựng luôn gắn được với quá trình phát triển của đất nước, công tác quy hoạch cần thực hiện theo các vấn đề sau:
- Cụ thể hoá các quan điểm, đường lối, chính sách chiến lược của Đảng và nhà nước, các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của các vùng lãnh thổ, vùng tỉnh và các thành phố.
- Quy hoạch xây dựng đô thị phải bảo đảm thiết thực, phục vụ kịp thời cho cuộc sống xã hội, cho sự phát triển của nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường và theo xu thế hội nhập khu vực và toàn cầu.
- Tạo cơ sở pháp lý, pháp luật để các địa phương quản lý đô thị.
- Là căn cứ để tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư, cải tạo và xây dựng đô thị, phát triển đô thị theo các chương trình và dự án có mục tiêu.
- Tạo cơ sở khoa học để xác lập các kế hoạch đầu tư xây dựng phát triển đô thị phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng giai đoạn.
Đồ án quy hoạch là sản phẩm mang tính xã hội và cộng đồng rất cao, để đồ án quy hoạch đi vào thực tế cuộc sống cần có sự tham gia của cộng dồng theo các khía cạnh sau đây:
- Giai đoạn lập quy hoạch cần có sự tham gia, góp ý của các tổ chức dân cư như Hội đồng nhân dân đối với đồ án quy hoạch chung.
- Các đồ án quy hoạch chi tiết có sự góp ý của đại diện dân cư trên phạm vi lãnh thổ quy hoạch như phường, quận...
- Đồ án quy hoạch hoàn thành cần tổ chức công khai cho dân biêt như: triển lãm, xuất bản thành ấn phẩm...
- Cần xã hội hoá công tác thực hiện quy hoạch bằng các biện pháp như: huy động tổngnlực các loại nguồn vốn trong xã hội: vốn trong nước, vốn ngân sách, vốn của các doanh nghiệp, vốn các tổ chức từ thiện, vốn phi Chính phủ, vốn đóng góp của dân... và xã hội hoá, công khai hoá công tác giải phóng mặt bằng phục vụ đầu tư xây dựng.

4.4 Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng đô thị
Mở rộng hợp tác quốc tế nhằm tạo điều kiện tiếp thu, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư và quản lý đô thị. Với xu thế hội nhập khu vực và toàn cầu hoá trong mọi lĩnh vực đặc biệt là kinh tế, khoa học kỹ thuật thì vấn đề giao lưu hội nhập công tac quy hoạch rất cần thiết theo các góc độ;
- Đào tạo nguồn nhân lực trong công tác quy hoạch: trao đổi chuyên gia, khảo sát, thực tập, nghiên cứu khoa học...
- Hợp tác để trang bị các thiết bị chuyên dùng cao cấp, kỹ thuật cao để phục vụ công tác thiết kế, quy hoạch
- Tổ chức các buổi toạ đàm, hội thảo trong lĩnh vực quy hoạch với chuyên gai có kinhnghiệm nước ngoài
- Hợp tác trong công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn thiết kế đặc biệt quy hoạch chi tiết, lập dự án trong các khu đô thị lớn, hiện đại.

5. Những vấn đề cấp bách trong công tác quy hoạch
Trong những năm qua vấn đề tồn tại lớn nhất là công tác quản lý, chỉ đạo, thực hiện quy hoạch, để công tác quy hoạch có tính khả thi cao và đi vào cuộc sống, sinh hoạt của xã hội cần tháo gỡ các mặt sau đây:
- Cần có dịp tổng kết nghiêm túc công tác quy hoạch trên phạm vi toàn quốc từ các nhà quy hoạch và quản lý quy hoạch, cho lãnh thổ và từ đó rút ra các kết luận cần thiết phục vụ cho công tác diều chỉnh quy hoạch và nội dung quy hoạch các loại đồ án quy hoạch xây dựng đô thị cho phù hợp với giai đoạn hiện nay.
- Cần xem xét điều chỉnh và ban hành tập quy phạm thiết kế quy hoạch vì tập quy phạm cũ biên soạn phần lớn dựa trên cơ sở dịch từ tài liệu của Liên Xô cũ đã quá lỗi thời tập quy chuẩn xây dựng phần quy hoạch còn quá sơ lược.
Ngoài các vấn đề cấp bách nêu trên, công tác quy hoạch trước mắt cũng cần chú ý nghiên cứu mô hình quy hoạch các đô thị lớn, các đô thị vừa và nhỏ, các đô thị mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng và xu hướng phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ở thế kỷ XXI.
- Có biện pháp hữu hiệu điều hoà sự phát triển quá tải các đô thị cực lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời tạo nguồn động lực tăng cường vai trò, chức năng của các đô thị vừa và nhỏ.
- Công tác quy hoạch đô thị phải chú ý ưu tiên phát triển các đô thị"cửa khẩu", các vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Trung, miền Nam.
- Xây dựng mô hình và chính sách hợp lý phát triển các đô thị mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
- Không phát triển các khu dân cư bám sát chạy dài theo các quốc lộ.
Giai đoạn đầu của nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam hiện nay đã cho thấy công tác quy hoạch xây dựng đô thị đang trở thành công tác rất quan trọng. Công tác quy hoạch luôn luôn phải đi trước một bước, nó có ý nghĩa quyết định cho các chủ trương đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đến các công trình kiến trúc công nghiệp, các công trình kiến trúc phục vụ công cộng nhất là nhà ở. Ngoài ra, còn có các dự án xây dựng phát triển các công viên, các khu du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái.
Nâng cao hiệu quả của công tác xây dựng cũng chính là nâng cao hiệu quả của các dự án xây dựng. Chất lượng dự án xây dựng chính là hiệu quả của từng công trình, hiệu quả này có tác động tích cực đến cuộc sống của toàn xã hội góp phần đẩy nhanh tốc độ và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước.
Công tác quy hoạch xây dựng càng ngày càng được tiêu chuẩn hoá bằng những quy chuẩn xây dựng cấp ngành; được áp dụng những kinh nghiệm có chọn lọc của các nước phát triển, được sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội nên cũng được đóng góp nhiều ý kiến tốt quy hoạch tham dự của đông đảo quần chúng nhân dân. Với những chủ trương và đường lối của Đảng, công tác quy hoạch xây dựng đô thị đã kết hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. trên cơ sở đó, phải triển khai đồng bộ công tác quy hoạch xây dựng từ khâu tài liệu, khảo sát đo đạc, đánh giá xem xét, lập nhiệm vụ thiết kế, thông qua các cấp các ngành. Phải nắm vững chương trình mục tiêu phát triển của đất nước. Vì sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá các phương án quy hoạch xây dựng phải có tính khái quát cao, có tầm nhìn chiến lược, phù hợp với chiến lược phát triển đô thị quốc gia và phải có tính khả thi. Nâng cao vai trò, vị trí và nâng cao hiệu quả của công tác quy hoạch đô thị chính là góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá ở nước ta trong giai đoạn hiện nay và cả trong tương lai.

Trần Ngọc Chính
Nguồn tin: Hội thảo khoa học Viện Quy hoạch đô thị-nông thôn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)