Phương pháp luận trong nghiên cứu và thiết kế đồ án Quy hoạch

Thứ tư, 25/10/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo cách hiểu thông thường, phương pháp là những cách thức, con đường, thủ đoạn được Chủ thể sử dụng để đạt được 1 mục đích nào đó. Theo nghĩa khoa học, phương pháp là hệ thống những nguyên tắc mà chủ thể phải thực hiện nhất quán trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn nhằm đạt được mục đích đã đề ra. Phương pháp luận là hệ thống, tổng hợp những kinh nghiệm thực tiến một công việc để giúp cho mọi người vận dụng, thực hành trong điều kiện cụ thể nhằm đạt được hiệu quả cao nhất về chất lượng và tiến bộ, tiết kiệm công sức và tiền của.
Trong ngành quy hoạch xây dựng, cho đến nay hình như vẫn chưa có một tài liệu mang tính hệ thống về phương pháp luận thiết kế đồ án quy hoạch. Ngay trong Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, một trong số ít các cơ sở đào tạo Kiến trúc sư quy hoạch, các kiến thức về khía cạnh này cũng ít ỏi và tản mạn trong các môn học khác nhau môn Cơ sở quy hoạch, môn Nguyên lý quy hoạch.... Đây là một trở ngại lớn đối với sinh viên trong quá trình học tập, làm sinh viên vất vả, tốn kém cả trí lực, thời gian và vật chất trong quá trình học các đồ án thiết kế quy hoạch mà chất lượng vẫn không cao. Sau khi nhận nhiệm vụ thiết kế, nhiều sinh viên vẫn không biết mình phải làm gì, làm thế nào cho đúng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên mà còn là một trở ngại, làm vất vả trong việc hướng dẫn đồ án của các giáo viên.
Để giúp các sinh viên quy hoạch phần nào chủ động được công việc của mình trong môn học đồ án quy hoạch, bài viết xin được đề cập một cách khái lược về 2 khía cạnh trong phương pháp luận thiết kế quy hoạch, đó là:
- Các nội dung và trình tự thực hiện trong thiết kế một đồ án quy hoạch
- Một số phương pháp sử dụng trong quá trình nghiên cứu - thiết kế đồ án.

A- Các nội dung và trình tự thực hiện trong thiết kế đồ án quy hoạch

Nói chung nội dung của một đồ án quy hoạch xây dựng từ đồ án quy hoạch vùng đến quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chi tiết một khu chức năng thường gồm 7 nội dung chính và xếp theo trình tự thực hiện như sau:
1. Đánh giá tổng hợp các đặc điểm tự nhiên và hiện trạng;
2. Luận chứng xác định các cơ sở của quy hoạch;
3. Giải pháp tổ chức không gian;
4. Giải pháp quy hoạch hệ thống công trình kỹ thuật hạ tầng;
5. Đánh giá tác động môi trường;
6. Giải pháp thực hiện phân đợt xây dựng, nguồn vốn và các chính sách xã hội
7. Quy định về quản lý xây dựng theo đồ án
Hiện nay, môn học đồ án quy hoạch trong chương trình đào tạo kiến trúc sư quy hoạch chủ yếu là các nội dung 1,2,3. Chí tiết của 3 nội dung này như sau:

1. Đánh giá tổng hợp các đặc điểm tự nhiên và hiện trạng:
- Đặc điểm tự nhiên: khí hậu, địa hình - địa chất - địa chất thủy văn, thuỷ văn, thực động vật, cảnh quan tự nhiên.
- Điều kiện hiện trạng: về kinh tế - xã hội, sử dụng đất, công trình kiến trúc - cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật.
- Đánh giá tổng hợp: các yếu tố thuận lợi, các yếu tố không thuận lợi

2. Luận chứng xác định các cơ sở của đồ án quy hoạch:
* Xác định tính chất, các chức năng của đối tượng quy hoạch
* Xác định quy mô:
- Đối với đồ án quy hoạch chung: quy mô dân số, đất đai toàn đô thị và từng loại đất
- Đối với đồ án quy hoạch chi tiết: quy mô dân cư hoặc đối tượng phục vụ khác, các loại và quy mô đất cho từng khu chức năng và công trình sẽ xây dựng.
* Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu: chỉ tiêu sử dụng đất, kiến trúc và công trình hạ tầng kỹ thuật

3. Giải pháp tổ chức không gian và kỹ thuật hạ tầng:
* Xác định mục tiêu, quan điểm và nguyên tắc quy hoạch
* Giải pháp tổ chức không gian
- Đối với đồ án quy hoạch chung, gồm các nội dung sau: Chọn đất và hướng phát triển đô thị, lựa chọn các phương án cơ cấu quy hoạch. Định hướng phát triển không gian hệ thống các khu chức năng, các khu cải tạo, chuyển đổi, các khu bảo tồn tôn tạo hoặc bảo vệ.... Sơ đồ bố cục không gian kiến trúc - cảnh quan chính là nội dung thiết kế đô thị: các không gian, trục tuyến không gian trọng tâm, trọng điểm, các hình thức bố cục... và Quy hoạch sử dụng đất các chỉ tiêu về diện tích, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao tối đa/tối thiểu trên từng khu đất.
- Đối với đồ án quy hoạch chi tiết, gồm các nội dung sau: Điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất nếu cần, Nghiên cứu về tổ chức không gian kiến trúc - cảnh quan chính là nội dung thiết kế đô thị trong Luật Xây dựng và Nghị định 08/2005/CP: mặt bằng, các mặt đứng, mặt cắt và phối và phối cảnh, quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất bao gồm chỉ giới và chỉ tiêu sử dụng từng lô đất: diện tích, mật độ xây dựng, tầng cao trung bình, hệ số sử dụng đất.
Nội dung: Giải pháp quy hoạch hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chỉ yêu cầu nghiên cứu ở đồ án tổng hợp.
Những nội dung và trình tự thực hiện trong đồ án quy hoạch rất rõ trong nhiều tài liệu về quy hoạch xây dựng, đặc biệt là Nghị định 08/2005/NĐ -CP mà Chính phủ mới ban hành ngày 24/1/2005 nhưng nhiều sinh viên vẫn không nắm được chính xác các nội dung phải nghiên cứu - thiết kế cũng như cách thức thực hiện các nội dung đó như thế nào, ví dụ như:
- Phần đánh giá tổng hợp các đặc điểm tư nhiên - hiện trạng thường sơ lược, nhiều sinh viên không nêu hết các yếu tố cần đánh giá của tự nhiên và hiện trạng. Đa số không có phần đánh giá tổng hợp: các yếu tố đó tác động thuận lợi/khó khăn gì đến quy hoạch.
- Không thực hiện đầy đủ phần luận chứng xác định các cơ sở của quy hoạch, hoặc có làm do không hiểu vai trò của nội dung này nên rất tuỳ tiện và thiếu cơ sở cho bước đề xuất giải pháp. Đặc biệt là các đồ án quy hoạch chỉnh thể, nhiều đồ án không nêu được hệ thống các chức năng, khu chức năng, các công trình cần xây dựng tên, quy mô, các chỉ tiêu... Nhiều trường hợp ngay sau khi xong phần đánh giá tự nhiên - hiện trạng là tiến hành ngay nội dung tổ chức không gian cơ cấu quy hoạch và tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan... Sai sót này có lẽ có phần trách nhiệm của cả giáo viên đã không cương quyết yêu cầu sinh viên làm đúng, đủ nội dung của đồ án nagy bản nhiệm vụ thiết kế đồ án Q 5 hiện đang sử dụng cũng không nêu nội dung này nên các sinh viên cảm thấy không bắt buộc phải nghiên cứu.
- Các đề xuất về giải pháp tổ chức không gian thường đi thẳng vào các chi tiết của từng thành phần không gian mà không có bước nghiên cứu tổng thể: xác định ý tưởng, nguyên tắc, mô hình chung...

B. Một số phương pháp có thể sử dụng để thực hiện các nội dung của đồ án quy hoạch

Trong quá trình thực hiện một số đồ án sẽ phải vận dụng nhiều phương pháp khác nhau, bài viết xin lược qua một số phương pháp thông dụng mà sinh viên cần nắm được để vận dụng trong thiết kế đồ án quy hoạch.

1. Phương pháp thu thập tư liệu
Phương pháp này không chỉ phục vụ nội dung Đánh giá đặc điểm tự nhiên - hiện trạng mà phục vụ toàn bộ công tác nghiên cứu quy hoạch. Để thu thập tư liệu có hiệu quả, nên tiến hành theo 3 bước:
- Chuẩn bị: nghiên cứu kỹ nhiệm vụ thiết kế, xác định rõ đối tượng quy hoạch, các vấn đề cần phải giải quyết, từ đó xác định các loại tư liệu cần thu thập, các địa chỉ có thể thu thập và lập kế hoạch thực hiện về thời gian, phương tiện photo, chụp ảnh, coppy trên máy tính...
- Tiến hành thu thập: thực hiện theo kế hoạch, tránh để sót hoặc lạc sang lĩnh vực khác nếu gắp các tư liệu cần thiết cho học tập vẫn thu thập nhưng phải lưu riêng
- Phân loại và lưu trữ tư liệu thu thập được đảm bảo dễ quản lý tra cứu và có thể sử dụng lâu dài.

2. Phương pháp điều tra thực địa
Phương pháp này chủ yếu phục vụ nội dung đánh giá tự nhiên - hiện trang đồng thời có thể sử dụng để kiểm chứng hiệu quả của giải pháp tổ chức không gian trong các nội dung sau. Khi nghiên cứu quy hoạch, trừ một số ít trường hợp đặc biệt, sinh viên cần đi thực địa để nắm vững các đặc điểm tự nhiên - hiện trạng trong thực tế không chỉ máy móc dựa vào bản đồ hiện trạng hoặc các tài liệu khác, đồng thời có cảm nhận về không gian thực để làm cơ sở cho tư duy đề xuất các giải pháp quy hoạch. Cũng tương tự như phương pháp thu thập tư liệu, trước khi đi thực địa cần có bước chuẩn bị. Việc tiến hành thực địa chỉ hiệu quả khi chúng ta nắm vững một số tư liệu cơ bản về đối tượng quy hoạch bản đồ hiện trạng, các tư liệu viết, phim ảnh liên quan, có một bản kế hoạch về các nội dung cần tìm hiểu, xác định các điểm, tuyến, khu vực cần thực địa kỹ, cần vẽ ghi hoặc chụp ảnh. Trong quá trình thực địa không chỉ quan sát, chụp ảnh và ghi chép nhận thức chủ quan mà cần chủ động hỏi những người có khả năng nắm vững thông tin tại địa phương. Khi thực địa bắt buộc phải có sổ ghi chép mô tả hiện trạng, phỏng vấn và nhận xét của bản thân, vẽ ghi hoặc sơ đồ các ảnh chụp, các điểm nhìn, các mốc và thành phần không gian quan trọng...

3. Các phương pháp xử lý các tư liệu thu thập được Kể cả tư liệu thực địa
Việc sử dụng các phương pháp này có tính chất quyết định đối với các nội dung 1 và 2 của đồ án. Các tư liệu thu được thường rời rạc, cần phân tích và tổng hợp theo các vấn đề, nội dung của đồ án quy hoạch. Để xử lý tư liệu thu được, sinh viên có thể sử dụng các phương pháp đã được trang bị khi học môn Triết học Mác - Lê Nin chương VIII, phần V Các phương pháp nhận thức khoa học, ví dụ như phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp quy nạp và diễn dịch, phương pháp lịch sử và logic, phương pháp từ trừu tượng đến cụ thể...
Để đánh giá tổng hợp các nhân tố liên quan đến bản chất của đối tượng được quy hoạch, các dự án quy hoạch hoặc đầu tư của nước ngoài thường sử dụng phương pháp phân tích SWOT. Đây là phương pháp nhằm xác định bản chất của đối tượng quy hoạch, cả bên trong và bên ngoài, cả khả năng tác động tích cực cũng nhưu tiêu cực, cụ thể:
- Hoàn cảnh bên trong của bản thân đối tượng quy hoạch bao gồm các đặc điểm về vị trí tự nhiên, hiện trạng. Trên cơ sở yêu cầu quy hoạch phát triển cần xác định được cả mặt mạnh và mặt yếu của từng yếu tố.
- Các hoàn cảnh bên ngoài có tác động ảnh hưởng đến đối tượng quy hoạch ví dụ như các chính sách kinh tế - xã hội của vùng, quốc gia, quốc tế, các quy định của đồ án quy hoạch xây dựng hoặc ngành cao cấp hơn... chia làm hai loại, các yếu tố mang tính hỗ trợ, thúc đẩy và các yếu tố mang tính đe doạ, cản trở.

4. Phương pháp sơ đồ và mô hình hoá
Phương pháp này được sử dụng trong xử lý tư liệu cũng như nghiên cứu các phương án hoặc diễn đạt các nội dung quy hoạch. Đây là phương pháp giúp thể hiện và thuyết minh một cách hiệu quả các nghiên cứu của đồ án về đặc điểm tự nhiên, hiện trạng, mô tả về cơ sở lý luận quy hoạch, xác định cấu trúc không gian chức năng các thành phần không gian chức năng, mối quan hệ tương tác... và mô hình bố cục không gian kiến trúc - cảnh quan.Có thể nói, tư duy sơ đồ và mô hình hoá là một đặc trưng của nghề kiến trúc nhưng rất tiếc nhiều sinh viên không chú ý hoàn thiện tư duy và kỹ năng này.
Ngoài những phương pháp trên, trong thiết kế quy hoạch còn có thể sử dụng các phương pháp khác như phương pháp chồng bản đồ, phương pháp lập bảng ma trận, phương pháp cho điểm có trọng số... trong việc đánh giá chất lượng không gian và so sánh, lựa chọn các phương án quy hoạch.
Trên đây chỉ là một số vấn đề về nội dung và phương pháp nghiên cứu đồ quy hoạch mà người viết muốn trao đổi và mong các sinh viên quy hoạch tự hệ thống, vận dụng trong khi học đồ án quy hoạch. Những phương pháp nêu trong bài viết chỉ là phần nhỏ trong số các vấn đề về phương pháp thể hiện đồ án, phương pháp trình bày nội dung nghiên cứu trong thuyết minh vào báo cáo...
Phương pháp luận thiết kế đồ án quy hoạch là một lĩnh vực rất rộng và đa ngành, vừa mang tính khoa học vừa thực nghiệm. Hy vọng có được sự tham gia của các đồng nghiệp để có thể tổng hợp thành một chuyên đề giúp ích cho việc học một đồ án quy hoạch của sinh viên.

TS. KTS Doãn Quốc Khoa
Nguồn tin: Bản tin HĐ KHCN & ĐT trường ĐH Kiến trúc HN, số 14, tháng 3/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)