Những tồn tại của kiến trúc Hà Nội - Giải pháp & kiến nghị

Thứ tư, 18/10/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thăng Long qua những bước thăng trầm của 1000 năm lịch sử - đã để lại cho chúng ta một Thủ đô Hà Nội với những dáng vẻ riêng của nó. Để có một hướng đi đúng đắn trong việc xây dựng lại Thủ đô ngày càng hoàn thiện - vừa hoà nhập với phong cách hiện đại của thế giới, vừa giữ lại những nét kiến trúc độc đáo của riêng mình - cần phải chọn các giải pháp cải tạo xây dựng thích hợp xuất phát từ thực trạng của Hà Nội hiện nay.
Để đảm bảo điều kiện sinh hoạt đời sống của con người trong tương lai, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo đảm khả năng phục vụ của cơ sở hạ tầng... cần xác định sức chứa cho phép với dân số thích hợp có tính đến tỷ lệ tăng dân số cho phép để tính toán quỹ đất, quỹ nhà cho dân cư nội thành, cũng như quỹ dành phục vụ cho các mục tiêu của thành phố. Từ đó tính toán lại vấn đề cải tạo và xây dựng mới bổ sung để đảm bảo mọi mặt hoạt động của thành phố. Trên cơ sở đó mà đi sâu nghiên cứu các giải pháp quy hoạch kiến trúc để hoàn thiện bộ mặt Hà Nội, bao gồm các vấn đề sau:
1- Kiên quyết bảo vệ cảnh quan vốn có như hồ Hoàn Kiếm với đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc và Tháp Rùa độc đáo. Tiếp tục trồng cây bao quanh hồ, giữ vững mặt nước xanh trong, chống lại có hiệu quả mọi thứ ônhiễm.
Chỉ được làm nhà 2, 3 tầng và tổng chiều cao không quá 15m, nghiêm khắc xử lý các kiến trúc đã xây dựng vừa qua làm phá vỡ cảnh quan truyền thống của hồ Hoàn Kiếm, dù có phải tốn kém và phải trả giá. Có như vậy mới bảo tồn một di sản quý báu tiêu biểu của Thăng Long - Đông Đô là niềm tự hào của người dân Hà Nội.
2- Cần có chính sách và biện pháp đặc biệt để bảo tồn khu phố cổ - 36 phố phường. Kiến quyết ngăn chặn và nghiêm cấm việc cơi nới và cải tạo nhà tuỳ tiện trong khu phố cổ. Cần điều tra lập lại hồ sơ từng ngôi nhà và chỉ được xây dựng cải tạo sửa chữa theo đúng bảng chỉ dẫn thiết kế của cơ quan bảo tồn. Đồng thời Nhà nước cần có chính sách dãn dân ở khu phố cổ để giảm bớt mật độ dân số quá cao, ảnh hưởng rất lớn đến vệ sinh đời sống của người dân. Cần có giải pháp thiết kế cải tạo cụ thể cho từng khu phố, từng đường phố và từng hộ gia đình cụ thể trong khu phố cổ. Đề xuất những biện pháp thiết thực cụ thể, kiên quyết mới bảo tồn được khu phố cổ - một di sản vô cùng quý báu không chỉ của Hà Nội, mà còn của cả nước và cả thế giới hiện đại, đang khao khát gìn giữ lại cho nhân loại các di sản của thời cổ xưa.
3- Tiến hành cải tạo và nâng cấp nhà biệt thự kiểu Pháp ở các khu phố cũ để vừa giữ lại dáng về kiến trúc vốn có của nó, vừa hiện đại hoá chất liệu xây dựng và tiện nghi bên trong nhà để đáp ứng cho yêu cầu sử dụng trong giai đoạn mới. Kiến quyết tháo dỡ các phần cơi nới để trả lại bộ mặt kiến trúc đích thực của nó. Đồng thời xoá bỏ các nhà phụ đã xây dựng nham nhở trong khuôn viên để khôi phục cảnh quan môi trường của từng ngôi nhà.
4- Đối với hệ thống nhà ở lắp ghép cao tầng hình thành trong một số khu vực thành phố sau chiến tranh Giảng Võ, Trung Tự, Kim Liên, Bách Khoa... qua thời gian sử dụng cơi nới đủ kiểu, đang xuống cấp nghiêm trọng để lại một bộ mặt kiến trúc nghèo nàn, lộn xộn, chắp vá, ảnh hưởng lớn đến cảnh quan thành phố. Đã đến lúc cần có biện pháp hữu hiệu cải tạo lại hệ thống nhà này từ bên ngoài và cả bên trong, để vừa nâng cao tiện nghi sử dụng, vừa nâng cao chất lượng bộ mặt kiến trúc tổng thể của các khu vực. Đồng thời nghiên cứu các biện pháp trồng cây xanh có tán cao để che khuất bớt các khu lắp ghép hiện có.
5- Đối với các nhà kiểu biệt thự nối liền nhau theo các chuỗi nhà hình ống mọc lên nhanh chóng ở nhiều khu vực trong thành phố - sản phẩm của cơ chế thị trường trong những năm 90. Cần phải có biện pháp uốn nắn, bổ sung về quy hoạch để bảo đảm môi trường sống và cảnh quan kiến trúc của thành phố, chấm dứt tình trạng xây dựng tự phát, tuỳ tiện, mạnh ai nấy làm, không còn một chỗ trống cho cây xanh, không bảo đảm khoảng cách thông thoáng giữa các ngôi nhà. Cần phát triển xây dựng nhà chung cư cao tầng. Còn nếu xây nhà biệt thự thì cần có sân vườn. Dù chung cư hay biệt thự đều phải có quy hoạch tổng thể được phê duyệt mới tiến hành xây dựng. Tuyệt đối không chấp nhận phương thức xây dựng riêng lẻ song lại sát kề nhau, tạo nên bộ mặt kiến trúc hỗn loạn không có một bóng cây xanh. Đặc biệt, cần quản lý đất thổ cư của dân bán cho người khác để xây dựng nhà cao tầng.
6- Đối với các tuyến phố cũ trong Hà Nội, người dân đang lần lượt tự cải tạo và nâng cao tầng nhà, cũng cần phải quan tâm quản lý để bảo đảm bộ mặt kiến trúc và cảnh quan chung của thành phố. Tuỳ mỗi đường phố - Tuỳ theo chiều rộng mặt đường về độ dài của nó mà khống chế chiều cao và quy cách kiến trúc của các điểm chủ đạo trong toàn tuyến. Để đến khi từng gia đình cải tạo và xây dựng xong thì tạo nên một tổng thể kiến trúc hài hoà, làm đẹp cho bộ mặt của Thủ đô. Nhất là khi giá đất mặt đường rất cao nên ai cũng đua nhau làm nhà cao tầng. Song, nếu cứ để cho tình trạng mạnh ai nấy làm, không đếm xỉa đến tổng thể chung mà thành phố lại buông lỏng quản lý, sẽ để lại hậu quả nặng nề không lường hết được, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay, ai có tiền muốn làm gì tuỳ ý.
7- Đối với cảnh quan kiến trúc quanh hồ Tây tương lai sẽ là Trung tâm của Thủ đô Hà Nội sau năm 2010, cũng phải bắt đầu quan tâm quản lý chặt chẽ ngay từ bây giờ, nếu không cứ theo cao trào mạnh ai nấy làm như hiện nay, chỉ 5 - 10 năm nữa bộ mặt kiến trúc hồ Tây cũng gánh chịu các hậu quả nặng nề. Cần phải nhanh chóng có quy hoạch tổng thể mới không gian kiến trúc quanh hồ Tây làm căn cứ để phê duyệt các thiết kế được xây dựng trong bất cứ vị trí nào quanh hồ. Với diện tích mặt nước rất rộng thì kiến trúc quanh hồ Tây thích hợp cho hệ thống nhà cao tầng. Do đó, trong khu nội thành chỉ cho phép xây dựng một số nhà cao tầng để tạo các điểm cao cần thiết cho các trục tổ hợp, còn phần lớn nhà cao tầng từ 10 tầng trở lên nên bố trí chung quanh hồ Tây là thích hợp nhất - cả về mặt tiện nghi sử dụng, cả về mặt tổ hợp tổng thể kiến trúc, tạo nên những nét độc đáo của kiến trúc Hà Nội vào thế kỷ XXI.
8- Hiện nay, rải rác trên các góc phố chính của Thủ đô Hà Nội đã xuất hiện một số nhà cao tầng, chủ yếu do nước ngoài đầu tư làm khách sạn cao cấp hoặc văn phòng làm việc. Có thể đây là một yêu cầu cần thiết trong quy hoạch của thành phố, phần lớn là nhà thấp tầng, để tạo nên điểm nhấn kiến trúc, tôn thêm vẻ đẹp hiện đại của Thủ đô Hà Nội. Song, vấn đề quan trọng là cần xác định đúng vị trí và tầng cao ở từng địa điểm. Ở đây cần tránh việc lựa chọn địa điểm tuỳ tiện, nhát là phải chiều theo ý muốn của chủ đầu tư, mà coi nhẹ cảnh quan chung của thành phố. Kinh nghiệm của việc xây dựng khách sạn Hà Nội Vàng khu vực hồ Hoàn Kiếm đã nói lên đầy đủ điều đó. Ngoài vấn đề lớn nói trên, cũng cần phải quan tấm đến kiểu dáng và phong cách kiến trúc của các công trình loại này, vì các công trình rất cao, đi đâu trong thành phố cũng nhìn thấy, cho nên kiến trúc vừa phải hiện đại, song cũng phải có đường nét kiến trúc dân tộc, để cho công trình vừa có phong cách quốc tế, vừa có bản sắc Việt Nam, chứ không thể nào chấp nhận áp đặt một công trình kiến trúc lai căng, lạc lõng trên mảnh đất Thủ đô thanh lịch của chúng ta.
9- Cuối cùng là kiến trúc của trục đường chính toả ra từ Trung tâm Hà Nội đến các địa phương lân cận như Hà Nội - Hà Đông, Hà Nội - Sơn Tây, Hà Nội - Phúc Yên, Hà Nội - Gia Lâm - Trâu Quỳ, Hà Nội - Gia Lâm, Cầu Đuống - Bắc Ninh... Khách quốc tế và trong nước đến Hà Nội trước tiên phải đi qua các trục đường này, cho nên bộ mặt kiến trúc trên các tuyến này cũng phải được quan tâm quản lý đúng mức. Cùng với phong trào tự phát, người ta đã chia các lô đất xây dựng nhà, chủ yếu cũng theo phương thức các nhà hình ống nối liền nhau bám theo mặt đường. Và nếu tất cả các tuyến đường vào Hà Nội chỉ tồn tại một loại kiến trúc này thì sẽ không để lại cho du khách một ấn tượng nào hấp dẫn trước lúc vào Thủ đô Hà Nội từ các phía. Vì thế cần phải quan tâm đến quy hoạch kiến trúc xây dựng ở các tuyến đường này.
Đó là 9 vấn đề chủ yếu cần đặc biệt quan tâm trong việc cải tạo xây dựng và mở rộng Hà Nội. Đó cũng là 9 vấn đề cấp bách cần triển khai từ bây giờ, để đến năm 2010 khi kỳ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội - Thủ đô sẽ có diện mạo mới vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự thanh lịch, duyên dáng, hấp dẫn, trở thành niềm tự hào của tất cả chúng ta và con cháu mai sau.

PGS.TS. Hoàng Huy Thắng
Nguồn tin: T/C Kiến trúc Việt Nam, số 8/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)