Hình trạng và sự phát triển của vật liệu thuỷ tinh và gốm sứ xây dựng

Thứ hai, 23/10/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, các sản phẩm thuỷ tinh xây dựng ngày càng được sử dụng rộng rãi. Nhu cầu về gạch gốm, sứ xây dựng ở thị trường trong nước vẫn đang phát triển song ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng và sự đa dạng về mẫu mã của sản phẩm...
I. Thuỷ tinh xây dựng

1. Hiện trạng sản xuất
Hiện nay nước ta có 8 cơ sở sản xuất kính xây dựng với tổng công suất là 88,2 triệu m2/năm, và phân theo vùng lãnh thổ như sau:
- Miền Bắc: 6 cơ sở với công suất 63,2 triệu m2/năm chiếm 71,65% tổng công suất
- Miền Nam: 2 cơ sở với công suất 25 triệu m2/năm chiếm 28,35%
Về công nghệ hiện nay nước ta đang tồn tại 3 loại công nghệ sản xuất kính xây dựng gồm:
- Phương pháp kéo đứng: Đây là một phương pháp công nghệ lạc hậu trên thế giới, đến nay nước ta có 2 dây chuyền duy nhất sản xuất theo phương pháp này là của Công ty Kính Đáp Cầu công suất 4,6 triệu m2/năm.
- Phương pháp kéo ngang: Phương pháp này có ưu điểm so với phương pháp kéo đứng song cũng là một công nghệ lạc hậu. Hiện đang có 6 dây chuyền sản xuất theo phương pháp này ở các địa phương Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng công suất là 35,6 triệu m2/năm.
- Phương pháp kính nổi Float: Đây là phương pháp công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, ở Việt Nam có 2 nhà máy sản xuất kính tấm theo phương pháp kính nổi là Công ty liên doanh kính nổi VFG Bắc Ninh công suất 28 triệu m2/năm và công ty kính nổi Bình Dương công suất 20 triệu m2/năm chiếm 54,5% tổng sản lượng.
Về chất lượng: Sản phẩm kính được sản xuất bằng phương pháp kéo đứng và kéo ngang nhìn chung ở các cơ sở đều đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Chất lượng kính nổi VFG Bắc Ninh và Bình Dương đạt tiêu chuẩn JIS của Nhật Bản.
Ngoài các dây chuyền kính tấm hiện nay các doanh nghiệp đã đầu tư nhiều dây chuyền gia công sau kính như kính gương tráng bạc, gương tráng nhôm, kính dán, kính tôi an toàn, kính mài trang trí và chậu rửa mặt bằng thuỷ tinh cao cấp... Sản phẩm sau kính do được sản xuất trên các dây chuyền tiên tiến nên đều đạt chất lượng tương đương với sản phẩm kính của các nước trên thế giới và khu vực. Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, các sản phẩm thuỷ tinh xây dựng ngày càng được sử dụng rộng rãi. Thuỷ tinh xây dựng Việt Nam hiện nay đã đáp ứng phần lớn nhu cầu xây dựng trong nước và đã xuất khẩu ra thị trường thế giới, năm 2004 xuất khẩu kính xây dựng đạt 9,68 triệu USD.

2. Hướng phát triển
Hướng phát triển thuỷ tinh xây dựng Việt Nam nhằm thoả mãn nhu cầu xây dựng trong nước và tham gia thị trường thế giới trong giai đoạn tới như sau:
- Về công nghệ: Loại bỏ công nghệ lạc hậu trong sản xuất kính xây dựng, trước mắt là loại bỏ dây chuyền kéo đứng. Các dây chuyền kính chuẩn bị đầu tư chỉ lựa chọn công nghệ Float nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của kính sản xuất trong nước.
- Về sản phẩm: Tiếp tục đầu tư để đa dạng hoá các sản phẩm sau kính như: kính an toàn dán 2 hoặc nhiều lớp, kính hấp thụ nhiệt, kính hoa văn và các sản phẩm thuỷ tinh xây dựng khác như: gạch block thuỷ tinh, chậu rửa thuỷ tinh, nghiên cứu phát triển các loại vật liệu trang trí từ kính mầu in lưới, kính tự rửa... kính siêu dày > 20 mm và kính siêu mỏng <1 mm.

II. Vật liệu gốm xây dựng

1.Hiện trạng sản xuất
Gốm được sử dụng làm vật liệu xây dựng rất đa dạng bao gồm vật liệu xây, vật liệu lợp, vật liệu trang trí hoàn thiện... và mỗi loại lại có rất nhiều mẫu mã, hình dáng, kích thước khác nhau. Trong phần này chỉ giới hạn một số chủng loại sản phẩm như gạch gốm ceramic, gạch gốm granit và gạch gốm Cotto.
Hiện nay cả nước có 50 cơ sở đang sản xuất gạch gốm ceramic, granit và Cotto với tổng công suất thiết kế là 166,1 triệu m2/năm, trong đó gạch ceramic là 137 triệu m2/năm, gạch granit là 24,5 triệu m2/năm và gạch đất sét nung Cotto là 4,6 triệu m2/năm, các cở sở sản xuất do nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư và phân theo vùng lãnh thổ như sau:
- Miền Bắc: 23 cơ sở với công suất 76,2 triệu m2/năm chiếm 45,87% tổng công suất
- Miền Trung: 8 cơ sở với công suất 19 triệu m2/năm chiếm 11,44% tổng công suất
- Miền Nam:19 cơ sở với công suất 70,9 triệu m2/năm chiếm 42,69% tổng công suất
Về công nghệ: Sản phẩm gạch ceramic và granit nước ta đều được sản xuất bằng công nghệ nung nhanh bằng lò thanh lăn. Gạch ceramic được nung một lần hoặc hai lần, các loại gạch ốp tường trong nhà với chất lượng cao còn được sản xuất bằng công nghệ nung ba lần. Hầu hết các dây chuyền sản xuất gạch ceramic và gạch granit ở Việt Nam đều nhập thiết bị và công nghệ đồng bộ của Italia, CHLB Đức với các chỉ tiêu: tiêu tốn nhiên liệu, điện năng, chỉ tiêu môi trường, chất lượng sản phẩm đạt độ tiên tiến tương đương với các nước trong khu vực và thế giới.
Về chất lượng: Do được sản xuất trên các dây chuyền công nghệ tiên tiến nên về cơ bản gạch ceramic và granit sản xuất trong nước đạt được các tiêu chuẩn Việt Nam cho gạch ốp lát bán khô như TCVN 6414 : 1998, TCVN 7133 : 2002, TCVN 7134 : 2002 và TCVN 6883 : 2002 yêu cầu kỹ thuật đối với các nhóm sản phẩm có độ hút nước khác nhau như 3% = E; 3%< E = 6%; 6%Cotto là tên thương phẩm của loại gạch gốm mới được đầu tư tại Việt Nam từ năm 2002. Hiện nay cả nước mới có 3 cơ sở sản xuất loại sản phẩm này với công suất 4,6 triệu m2/năm. Sản phẩm của hai cơ sở sản xuất gạch Cotto ở Quảng Ninh và Bình Dương được sản xuất trên dây chuyền đồng bộ nhập từ Italia và được nung bằng lò thanh lăn. Sản phẩm của dây chuyền Norco được sản xuất bằng thiết bị của Australia và được nung bằng lò con thoi. Sản phẩm Cotto trong nước sản xuất rất đa dạng, kích thước lớn nhất đạt tới 500 x 500 mm và có chất lượng tương đương với các nước khu vực và thế giới.
Chỉ sau hơn 10 năm phát triển gạch gốm ceramic và granit, nước ta đã đứng vào danh sách 10 nước sản xuất lớn nhất thế giới về loại sản phẩm này. Sản phẩm gạch gốm đã đáp ứng được nhu cầu xây dựng trong nước và tham gia vào thị trường thế giới và khu vực. Năm 2004 xuất khẩu các sản phẩm gốm xây dựng của Việt Nam đạt 36,47 triệu USD.

2. Hướng phát triển
Hướng phát triển của gạch gốm ceramic và granit nước ta trong thời gian tới như sau:
Do đầu tư mạnh trong mấy năm gần đây nên đến nay năng lực sản xuất ceramic và granit đã phát triển vượt nhu cầu hiện nay năm 2004 số lượng tiêu thụ xấp xỉ 80% năng lực sản xuất. Hiện nay phần lớn sản phẩm sản xuất tại Việt Nam thực tế vẫn còn kém hấp dẫn so với sản phẩm nước ngoài về mẫu mã trang trí, chất lượng bề mặt. Vì vậy trong giai đoạn tới vấn đề chính đối với gạch gốm ceramic và granit là tiếp tục đầu tư chiều sâu về công nghệ cho các cơ sở sản xuất đã có để nâng cao chất lượng và tăng tính cạnh tranh sản phẩm.
- Để nâng cao chất lượng sản phẩm: Đối với gạch ceramic cần đẩy mạnh đầu tư cho công tác thiết kế mẫu mã, ứng dụng các công nghệ trang trí mới nhất như in rulo, in phun, tạo các men sần, men mờ độc đáo hơn. Đối với gạch granit cần phát triển các mẫu mã sản phẩm được ưa chuộng nhiều trên thế giới, sử dụng các công nghệ trang trí mới như nạp liệu đa ống, tạo hạt to, hoa văn giả cổ, sản xuất gạch granit trang trí, ốp tường ngoài công trình, ...
- Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ra thị trường khu vực và thế giới để cân đối cung - cầu và có điều kiện tái đầu tư chiều sâu về công nghệ sản xuất hàng chất lượng cao.
- Đẩy mạnh việc khai thác chế biến nguyên liệu, chế biến men, mầu trong nước để ngành công nghiệp gạch gốm ốp lát Việt Nam phát triển đồng bộ và chủ động hơn trong sản xuất.

III. Sứ vệ sinh

1. Hiện trạng sản xuất
Sứ vệ sinh nước ta phát triển mạnh từ sau 1990 đến nay cả nước đã có 22 cơ sở sản xuất, với tổng công suất thiết kế 7,5 triệu sản phẩm/năm và phân theo vùng lãnh thổ như sau:
- Miền Bắc: 15 cơ sở với công suất 5,15 triệu m2/năm chiếm 68,7% tổng công suất
- Miền Trung: 1 cơ sở với công suất 0,3 triệu m2/năm chiếm 4% tổng công suất
- Miền Nam: 6 cơ sở với công suất 2,05 triệu m2/năm chiếm 27,3% tổng công suất
Các cơ sở sản xuất gạch sứ vệ sinh Việt Nam do nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư và có quy mô công suất như sau:
- Loại có công suất khoảng 600 nghìn sản phẩm/năm gồm 6 cơ sở
- Loại có công suất từ 300 đến 600 nghìn sản phẩm/năm gồm 7 cơ sở
- Loại có công suất dưới 300 nghìn sản phẩm/năm gồm 9 cơ sở trong đó có 7 cơ sở ở KCN Tiền Hải -Thái Bình
Về công nghệ: Nhìn chung hầu hết các cơ sở sản xuất sứ vệ sinh ở Việt Nam đều có công nghệ hiện đại, thiết bị ở mức tiên tiến so với khu vực và thế giới như trong công đoạn khuấy đất sét trong gia công hồ đổ rót, sử dụng băng đổ rót áp lực với khuôn nhựa, sử dụng robot trong tháo dỡ sản phẩm và phun men, sấy môi trường, lò nung con thoi và tuy nen điều khiển tự động... Chỉ còn một số cơ sở tư nhân có quy mô nhỏ chưa có điều kiện đầu tư thiết bị và công nghệ tiên tiến.
Về chất lượng: Với những dây chuyền thiết bị và công nghệ sản xuất tiên tiến, hầu hết sản phẩm sứ vệ sinh sản xuất tại Việt Nam đã đạt các thông số của TCVN 6073 : 1995. Sản phẩm của các doanh nghiệp Nhà nước và các cơ sở liên doanh và đầu tư nước ngoài như Inax, Toto còn đạt tiêu chuẩn chất lượng BS của Anh, tiêu chuẩn chất lượng JIS của Nhật Bản.
Các cơ sở sứ vệ sinh hiện có tại Việt Nam đã cung cấp cho thị trường trong nước và thị trường nhiều nước trên thế giới những sản phẩm đa dạng về chất lượng, mẫu mã, kích thước và mầu sắc. Năm 2004 xuất khẩu sứ xây dựng của Việt Nam đạt 13,75 triệu USD. Nhu cầu về sứ xây dựng ở thị trường trong nước vẫn đang phát triển song ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng và sự đa dạng về mẫu mã của sản phẩm.

2. Hướng phát triển
Hướng phát triển của lĩnh vực sứ vệ sinh trong giai đoạn tới như sau:
Hiện nay điểm yếu của sản phẩm sứ vệ sinh sản xuất tại một số cơ sở trong nước có mẫu mã nghèo nàn, hình thức ngoại quan còn kém hấp dẫn so với các cơ sở liên doanh, cơ sở đầu tư 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam và các hãng nổi tiếng thế giới. Để khắc phục các nhược điểm của các sản phẩm, các doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo cán bộ, đầu tư phương tiện, thiết bị cần thiết cho việc thiết kế mẫu mã sản phẩm đồng thời phải phát triển theo xu hướng chung của thế giới như:
+ Xí bệt liền két nước
+ Tiết kiệm nước
+ Sứ vệ sinh có nhiều tính năng phục vụ người tiêu dùng.
+ Bề mặt sứ được phủ một lớp men siêu nhẵn ngăn không cho chất bẩn, vi khuẩn hay nấm mốc bám vào bề mặt.
Trên đây là những sản phẩm vật liệu xây dựng có quá trình phát triển công nghệ mạnh mẽ trong hơn một thập kỷ qua và có những đóng góp to lớn làm thay đổi hẳn diện mạo các công trình xây dựng của đất nước. Đồng thời những sản phẩn này cũng có tiềm năng lớn để tham gia thị trường chung của thế giới.

Nguồn tin: T/C Vật liệu xây dựng dân dụng, số 1/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)