Vật liệu xây dựng Việt Nam cơ hội chinh phục thị trường quốc tế

Thứ sáu, 13/10/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Việt Nam được đánh giá là nước có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng để phát triển vật liệu xây dựng VLXD. Hiện tốc độ tăng trưởng xuất khẩu VLXD của Việt Nam tương đối nhanh với tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm 2001 - 1005 là 279 triệu USD. Riêng năm 2005 đạt gần 104 triệu USD tăng 4,5 lần so với năm 2001. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu VLXD năm 2006 của các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ đạt 125 triệu USD tăng khoảng 25% so với năm 2005. Hiện sản phẩm VLXD được Bộ Thương mại nhận định là một trong những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới.
Từ những hướng đi

Theo số liệu, Việt Nam có khoảng 230 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu VLXD với 11 chủng loại sản phẩm. VLXD Việt Nam đã có mặt tại thị trường 100 nước trong khu vực và thế giới. Hiện Việt Nam đứng thứ 33 trong các nước xuất khẩu gạch ceramic và xếp thứ 22 về xuất khẩu sản phẩm sứ vệ sinh. Đặc biệt, một số chủng loại gạch ốp lát Việt Nam có tên trong danh sách 10 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới và giữ vị trí số 1 châu Á. Nhiều doanh nghiệp VLXD Việt Nam đã mở văn phòng đại diện tại một số quốc gia. Qua đó, không chỉ giới thiệu sản phẩm VLXD mà còn quảng bá hình ảnh Việt Nam tại các quốc gia này. Trong giai đoạn 2006 - 2010 Việt Nam sẽ đẩy mạnh khai thác tiềm năng xuất khẩu VLXD. Trong đó, mục tiêu là đạt tốc độ tăng trưởng 25% /năm với tỷ trọng xuất khẩu VLXD chiếm từ 25 - 30% sản lượng của từng nhóm sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2010 kim ngạch xuất khẩu VLXD của Việt Nam đạt trên 360 triệu USD.
Theo Hội VLXD Việt Nam, từ năm 2006 thị trường trọng điểm mà các doanh nghiệp VLXD Việt Nam nên hướng tới là Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Asean, đặc biệt là Lào, Campuchia và Myamar, Singapore; thị trường Australia, châu Âu, Nga, Ucraina và các nước Đông Âu; thị trường Mỹ, Canada và các nước châu Mỹ. Bên cạnh đó, các loại VLXD chiến lược, có lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn 2006 - 2010 cũng được xác định là nhóm gốm xây dựng với các sản phẩm gồm gạch ngói từ đất sét nung cao cấp; gạch cotto; gạch ốp lát trang trí mozaic ceramic, granite. Đây là nhóm có năng lực sản xuất lớn năm 2006, gạch ốp lát xuất khẩu dự kiến đạt kim ngạch 55 triệu USD. Nhóm sứ vệ sinh cũng có tiềm năng xuất khẩu lớn do lợi thế từ đầu tư công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại của các tập đoàn nổi tiếng như Toto, Inax... Nhóm thuỷ tinh xây dựng mặc dù mới tham gia vào thị trường xuất khẩu và giá trị xuất khẩu chưa lớn nhưng cũng được đánh giá là có triển vọng tốt. Năm 2006, nhóm sứ vệ sinh và thuỷ tinh xây dựng dự kiến sẽ đạt kim ngạch từ 15 - 20 triệu USD. Riêng nhóm đá xây dựng như đá cẩm thạch, đá vôi, đá granite, bazan, gabro, đá phiến sét có tiềm năng xuất khẩu rất lớn dự kiến đạt 30 triệu USD trong năm 2006. Hiện Bộ Xây dựng cũng đang hoàn thành chiến lược phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới như ống sợi thuỷ tinh, ống nước, tấm lợp... đây sẽ là hướng đi mới, mang lại nhiều lợi thế cho công tác xuất khẩu VLXD của Việt Nam.

Mở cửa vào những thị trường mới

Theo các chuyên gia của Vụ VLXD, thực tế gói đầu tư vào sản xuất VLXD ở Việt Nam vẫn cao hơn từ 15% đến 40% so với trung bình trên thế giới bởi nguồn vốn phải vay với lãi suất cao. Dẫn đến nâng giá thành sản phẩm làm giảm sức cạnh tranh của VLXD Việt Nam ngay trên thị trường trong nước và khi tham gia hội nhập kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải cạnh tranh quyết liệt với các cường quốc sản xuất và xuất khẩu VLXD cùng trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Inđônêxia, Malayxia về mẫu mã, chất lượng sản phẩm và giá bán đặc biệt là hàng giá rẻ của Trung Quốc. Hiện tỷ trọng xuất khẩu VLXD của Việt Nam cũng chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng trong nước và chiếm chưa đầy 1% thị phần xuất khẩu của thế giới. Các sản phẩm gạch ốp lát, tuy sản lượng của Việt Nam lớn hơn nhiều so với Thái Lan và Malayxia, song giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng 1/10 giá trị xuất khẩu của hai nước này và bằng 1/230 giá trị xuất khẩu của Trung Quốc. Do đó, để sản phẩm VLXD của Việt Nam có thể đứng trên thị trường quốc tế, tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển ổn định và bền vững, ngoài xác định thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định cụ thể mặt hàng xuất khẩu chiến lược để có sự đầu tư hợp lý trong công tác tiếp thị, marketing sản phẩm cũng như đầu tư về công nghệ. máy móc thiết bị phù hợp để sản xuất các loại VLXD dành cho xuất khẩu tránh xuất khẩu những mặt hàng dư thừa trong nước như một số doanh nghiệp đang làm. Đồng thời, doanh nghiệp cần có sự liên kết hợp tác cùng nhau trong xuất khẩu, nhằm trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin và đáp ứng nhu cầu khách hàng khi có đơn hàng lớn. Bên cạnh đầu tư khai thác thị trường trọng điểm, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đầu tư, khai thác những thị trường mới, đặc biệt là những thị trường khu vực có nhu cầu xây dựng tăng cao và yêu cầu về chất lượng, mẫu mã sản phẩm không quá khắt khe như châu Phi, Trung Đông và Nam Phi. Đây là điều kiện tốt để doanh nghiệp xuất khẩu VLXD Việt Nam mở cửa vào những thị trường mới giàu tiềm năng.

Trọng Hà
Nguồn tin: T/C Bất động sản - Nhà đất Việt Nam, số 33, tháng 10/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)