Hiện nay, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) gây ra đang diễn biến phức tạp. Đến 19h30 ngày 08/3/2020, cả nước có 30 người dương tính với virus Covid–19, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế và đời sống của các tầng lớp Nhân dân.
1. Một số trường hợp không khai báo y tế, trốn khỏi nơi cách ly làm ảnh hưởng xấu đến nỗ lực phòng, chống dịch, bệnh của các cơ quan chức năng. Ngày 07/02/2020, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 362/BTP-PBGDPL hướng dẫn tăng cường tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, trong đó đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo có liên quan nhằm ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, thực hiện quyết liệt các biện pháp do Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đề ra, trong đó chú trọng việc quán triệt, phổ biến, thực hiện, vận động cán bộ, nhân dân tự giác tuân thủ, chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh. Bộ Tư pháp cũng hướng dẫn nội dung PBGDPL phòng, chống dịch bệnh cần tập trung vào Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Luật Dược năm 2016 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về an toàn thực phẩm; kết hợp thông tin đầy đủ diễn biến tình hình dịch, khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh phù hợp với tình hình dịch; chỉ đạo việc tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không chính xác, gây hoang mang trong cộng đồng và các hành vi lợi dụng dịch do Covid-19 gây ra để trục lợi…
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục đăng toàn văn Công văn số 362/BTP-PBGDPL và thông tin về những biện pháp xử phạt hành chính, hình phạt áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm nói chung, Covid-19 nói riêng.
Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp, đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố chia sẻ, tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng như các thông tin chính thức về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên Trang thông tin của Bộ Y tế theo địa chỉ: https://ncov.ehealth.gov.vn
2. Hành vi làm lây lan dịch bệnh Covid-19 sẽ bị xử lý như thế nào?
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Bên cạnh nhiều người chủ động, ý thực tự cách ly để bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng thì có không ít người “trốn” cách ly, không khai báo y tế thậm chí làm lây lan dịch bệnh cho người khác. Vậy hành vi làm lây lan dịch bệnh Covid 19 sẽ bị xử lý như thế nào?
Thứ nhất, Điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nghiêm cấm các hành vi như:
- Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
- Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
- Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.
- Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
- Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.
- Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Thứ hai, việc cố ý lây lan, không khai báo kịp thời cũng như trốn tránh cách ly khiến làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho cộng đồng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt hành chính: Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, người nào thực hiện che giấu hiện trạng truyền nhiễm nhóm A của bản thân hoặc người khác sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 01 triệu đồng.
Thứ ba, ngoài bị xử phạt hành chính, nếu hành vi làm lây lan dịch bệnh cho người khác ở mức độ phải chịu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi đó sẽ bị phạt theo Điều 240 Bộ luật Hinh sự năm 2015. Cụ thể: Phạt tù từ 01- 05 năm hoặc bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng:
- Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người;
- Đưa ra hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm của động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
- Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. Trong đó, hành vi khác có thể là không tiêu hủy động vật, thực vật bị nhiễm bệnh, không tiến hành cách ly người bị nhiễm bệnh... khiến dịch bệnh dễ dàng bị lây lan... Phạt tù từ 05 - 10 năm:
- Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Làm chết người. Phạt tù từ 10 - 12 năm:
- Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
- Làm chết 02 người trở lên.
Như vậy, hành vi lây lan dịch bệnh cho người khác là một trong những hành vi rất nguy hiểm cho cộng đồng. Do đó, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật./.