Trung tâm Phục vụ hành chính công: Hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp

Monday, 12/09/2024 14:10
Acronyms View with font size

Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Một trong những nhiệm vụ Trung tâm đang triển khai là hoàn thiện tổ chức, bộ máy; ưu tiên các giải pháp đột phá đầu tư phát triển công nghệ.

Trung tâm Phục vụ hành chính công nghiên cứu thí điểm tiếp nhận TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành từ ngày 1/2/2025. Ảnh: VGP/Minh Anh

Thành lập trung tâm chuyên giải đáp phản ánh, kiến nghị trên các nền tảng số

Ngày 5/12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa ký ban hành Quyết định số 6289/QĐ-UBND về quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Hỗ trợ và Chăm sóc khách hàng thuộc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội.

Trung tâm này sẽ có chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ, xử lý, giải đáp các phản ánh, kiến nghị trên các nền tảng số; tư vấn, cung cấp thông tin, khảo sát, đánh giá sự hài lòng của tổ chức và cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, trên môi trường số hoặc trực tiếp tại các chi nhánh, các điểm tiếp nhận.

Trung tâm Hỗ trợ và Chăm sóc khách hàng có tên tiếng Anh là: Customer Care and Support Center (CCSC); trụ sở tại số 197 phố Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

Trước đó, thực hiện Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ giao "UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh triển khai xây dựng Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công" là cơ quan hành chính (ngang sở) thuộc UBND tỉnh/thành phố, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công; quyết định điều động, bổ nhiệm cán bộ tại Trung tâm. Quyết định được ban hành sau gần 4 tháng tích cực triển khai xây dựng đề án và sau khi HĐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết thông qua.

Quyết định đã đưa Hà Nội trở thành địa phương đi đầu trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi Hà Nội có thêm 1 đơn vị hành chính mới cấp sở theo chỉ đạo của trung ương. Đây là một đơn vị chưa từng có tiền lệ, là "đơn vị hành chính đặc biệt", giúp UBND thành phố giám sát toàn bộ các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời mang lại sự phối hợp tốt hơn giữa các sở, ngành và quận, huyện, thị xã. "Sẽ có nhiều khó khăn, thách thức nhưng đây là cơ hội để xây dựng một tổ chức, quy chế, văn hóa làm việc mới", Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nói.

Theo Quyết định số 63/2024/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội là cơ quan hành chính thuộc UBND thành phố (cơ quan ngang sở) thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố quản lý nhà nước về: Kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông".

Bên cạnh đó, là đầu mối tổ chức cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận, số hóa, phối hợp giải quyết, giải quyết (đối với một số thủ tục hành chính được ủy quyền), trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tham mưu, tổ chức triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố.

Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chấp hành sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND thành phố; chịu sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Chủ tịch UBND thành phố; đồng thời, chấp hành sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Văn phòng Chính phủ. Trung tâm có 4 phòng, bao gồm: Phòng Hành chính - Quản trị; Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính; Phòng Kiểm tra - Giám sát; Phòng Tái cấu trúc và Tổ chức bộ phận một cửa.

Các đơn vị sự nghiệp thuộc Trung tâm bao gồm: Trung tâm Quản trị hệ thống và Phát triển ứng dụng; Trung tâm Hỗ trợ và Chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, Trung tâm còn có các chi nhánh trung tâm phục vụ hành chính công tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/10/2024.

Bứt phát trong kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình bộ phận "một cửa" truyền thống như: Thiếu tính độc lập; chưa có cơ quan chuyên trách cấp thành phố với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và công cụ để điều phối, giám sát, kiểm soát việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính công khai, minh bạch; chưa chủ động tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong khi chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến "tỷ lệ thấp, còn hình thức"…

Trung tâm sẽ bảo đảm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tăng sức hút cho Hà Nội và khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư; làm tăng niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào chính quyền, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào các hoạt động kinh tế - xã hội của Thủ đô...

Việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công nhằm kế thừa, phát huy những kết quả, ưu điểm của việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại 677 bộ phận "một cửa" trên toàn thành phố bảo đảm tinh gọn, thông suốt, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo hướng "phi tập trung ở cấp thành phố", lấy "cấp huyện làm trung tâm", hướng về cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát huy tối đa phương án phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính. 

Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của mô hình bộ phận "một cửa" truyền thống, tháo gỡ các điểm nghẽn và giải quyết tình trạng ách tắc trong giải quyết thủ tục hành chính (đặc biệt ở một lĩnh vực như: đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng,…) có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh, chỉ số phát triển của thành phố.

Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan, nếu chia ra 4 giai đoạn, gồm: "Khởi động, Tăng tốc, Bứt phá, Về đích" thì công tác kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" của thành phố Hà Nội được ví đang ở giai đoạn thứ ba. Việc triển khai thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội sẽ kế thừa, phát huy được những ưu điểm của việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính được triển khai thông qua việc tổ chức hoạt động của bộ phận "một cửa" các cấp trên địa bàn thành phố. 

Ông Ngô Hải Phan cũng cho rằng, trong các giai đoạn thí điểm hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố, cần chú trọng đào tạo, tập huấn cho cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất bài bản, xây dựng trụ sở hiện đại, điều kiện kỹ thuật bảo đảm. Đặc biệt cần mạnh dạn cắt giảm những thủ tục hành chính không cần thiết vì mục tiêu cải cách hành chính hướng tới là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết, Trung tâm đang tập trung hoàn thiện tổ chức, bộ máy; ưu tiên các giải pháp đột phá đầu tư phát triển công nghệ, sử dụng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học. 

Trung tâm sẽ nỗ lực nghiên cứu thí điểm thực hiện việc tiếp nhận thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành từ ngày 1/2/2025.

Trung tâm cũng dự kiến thành lập 30 chi nhánh - là đơn vị trực thuộc, được thành lập trên cơ sở kế thừa, chuyển giao cơ sở vật chất, sắp xếp lại bộ phận "một cửa" thuộc UBND cấp huyện; trực tiếp giải quyết đối với một số thủ tục hành chính đang được ủy quyền cho công chức cấp xã. Mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính đạt tối thiểu 95%, trong đó 100% hồ sơ thủ tục hành chính được công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, giải quyết để tổ chức, cá nhân có thể theo dõi, giám sát, đánh giá.

Theo ông Cù Ngọc Trang, từ ngày 1/7/2025, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố sẽ thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính, tiếp nhận thủ tục hành chính "phi địa giới hành chính" và là đầu mối duy nhất cung cấp dịch vụ công trên toàn địa bàn thành phố; toàn bộ 30/30 chi nhánh tiếp nhận thủ tục hành chính 3 cấp… Đặc biệt, Trung tâm sẽ hướng tới chủ yếu giao dịch trực tuyến, hình thành một Trung tâm Phục vụ hành chính công trên không gian mạng.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)