Khám phá miễn phí những công trình kiến trúc nổi tiếng trên ‘giao lộ di sản’

Tuesday, 10/22/2024 15:20
Acronyms View with font size

Nằm ngay ở trung tâm Hà Nội, nhiều di sản kiến trúc nổi tiếng như: Nhà hát Lớn, Nhà khách Chính phủ, Đại học Quốc gia Hà Nội… người ta vẫn đi qua hoặc chỉ dừng lại để 'check-in' mà không biết những công trình ấy lưu giữ nhiều bí ẩn thú vị.

Bức tranh tại giảng đường của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ảnh: BTC

Trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 sắp tới, du khách sẽ thoả sức khám phá những di sản này miễn phí khi các địa điểm này là nơi tổ chức các buổi trình diễn nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, toạ đàm…

Giảng đường như "thánh đường"

Giới trẻ thời nay mê mẩn những bức bích họa khủng và tuyệt đỉnh từ phương Tây, nhất là tác phẩm nghệ thuật của thời kỳ Phục Hưng. Ngạc nhiên chưa, giữa lòng Hà Nội, phố Lê Thánh Tông cũng có bức họa "khổng lồ" được vẽ theo kiểu châu Âu như thế. Phong cách thì Tây nhưng cái hồn lại đậm đà cái chất Việt Nam. Đây chính là tác phẩm nghệ thuật tại giảng đường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), vốn dĩ từng là Đại học Đông Dương, sau này là Đại học Tổng hợp.

Điểm nhấn của bức họa chính là cổng tam quan truyền thống, nằm dưới bóng râm của cây cổ thụ và hai bên là câu đối sâu sắc: "Nhân tài là nguyên khí quốc gia/Đại học là gốc của giáo hóa".

Không gian mở phía trước cổng tam quan như một sân khấu lịch sử, nơi họa sĩ tái hiện chân dung sinh động của những nhân vật Việt Nam một thế kỷ trước, trong bối cảnh đất nước còn chìm trong ách thuộc địa.

Bức họa khổng lồ có kích thước 11x7m, đặt ở trung tâm giảng đường. Kết hợp với kiến trúc với những cây cột, mái vòm khổng lồ, giảng đường gợi cảm giác như một thánh đường – nhưng đây là thánh đường của tri thức.

Không dừng lại ở đó, bức họa còn là sự kết hợp tinh tế giữa nét kiến trúc phương Tây và những họa tiết truyền thống của phương Đông, tạo nên một phong cách Đông Dương đặc sắc làm nên danh tiếng của mỹ thuật Việt trên trường quốc tế.

Những vết đạn gần 80 năm tuổi

Nếu khám phá công trình tòa nhà Bắc Bộ phủ, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi hàng rào sắt của tòa nhà có những "vết sẹo" lồi lõm. Ảnh: BTC

Một đặc trưng của Hà Nội là những con phố Pháp do người Pháp xây dựng. Những con phố Pháp điển hình ở khu vực quận Hoàn Kiếm được thiết kế ô bàn cờ, luôn có một sự hài hòa giữa các tòa nhà - vườn hoa - mặt nước. Trục đường Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông có những điểm nhấn về kiến trúc như: Ngân hàng Nhà nước - Bắc Bộ phủ - Nhà hát Lớn - Đại học Tổng hợp là một điển hình như thế. Đan xen những công trình kiến trúc là các vườn hoa: Diên Hồng, Cổ Tân, Tao Đàn...

Trên giao lộ trung tâm, nếu khám phá công trình tòa nhà Bắc Bộ phủ, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi hàng rào sắt của tòa nhà có những "vết sẹo" lồi lõm. Thậm chí, có cả những thanh sắt bị xuyên thủng, hay trên thanh sắt còn găm những mẩu kim loại. Những "vết sẹo" này có một lịch sử độc đáo, đầy bi tráng.

Người dân Việt Nam đều biết, Cách mạng Tháng Tám thành công tại Hà Nội vào ngày 19/8/1945. "Mốc son" đánh dấu sự thành công này là khi quân ta chiếm Phủ Thống sứ Bắc Kỳ - nơi chính là Nhà khách Chính phủ hiện nay. Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một thời gian sống, làm việc tại nơi này.

Khi toàn quốc kháng chiến nổ ra tháng 12/1946, Bắc Bộ phủ là một trong những nơi quân Pháp tập trung lực lượng mạnh nhất để chiếm lại. Hỏa lực quân Pháp vượt trội, không ngạc nhiên khi những vết sẹo trên hàng rào sắt chủ yếu hướng từ bên ngoài vào.

Kho tàng bí mật… không ẩn giấu

Nhà hát Lớn là một trong những biểu tượng của Hà Nội-nơi đây vốn là một đầm lầy. Ảnh: BTC

Nhà hát Lớn là một trong những biểu tượng của Hà Nội mà ai cũng biết. Nhưng điều không phải ai cũng biết nơi đây vốn là một đầm lầy. Phải khi tiếp cận gần, thì người ta mới biết những câu chuyện thú vị. Để xây dựng được toà nhà khổng lồ này, những người thợ xưa đã phải đóng tới 35 nghìn chiếc cọc tre. Nhiều nguyên vật liệu khi xây dựng phải nhập khẩu từ Pháp sang.

Bước vào bên trong Nhà hát Lớn, du khách có cơ hội ngắm nhìn nội thất hoàng gia, lộng lẫy tựa những cung điện kiểu Pháp. Phía sau Nhà hát, ngôi nhà của những giai thoại lịch sử – Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, năm xưa là Viện Viễn Đông Bác Cổ, nơi những nét kiến trúc phương Đông được cộng hưởng mạnh mẽ, với những người không am tường kiến trúc, người ta cũng có cảm giác thân quen ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Người Hà Nội, mặc dù không quên những ngày tháng oanh liệt, khi pháo binh Pháp vang dội chiếm lấy thành phố, nhưng cũng không ngần ngại ôm vào lòng những di tích lịch sử mang lại lợi ích cho cuộc sống như Nhà hát Lớn, nâng niu như báu vật văn hóa, chứng minh cho bản lĩnh và tinh thần vươn lên không ngừng của người dân Thủ đô.

Sáng tạo trên nền di sản kiến trúc

Hằng ngày, người ta vẫn đi qua, hoặc chỉ dừng lại để check-in những di sản kiến trúc Pháp cổ. Nhưng sẽ rất "lãng phí", nếu chỉ ngang qua dịp tháng 11 này. Khi hàng loạt công trình kiến trúc Pháp mở cửa đón cộng đồng, trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 mang tên "Giao lộ sáng tạo".

Điểm cuối của "trục sáng tạo" là Đại học Quốc gia Hà Nội (Đại học Tổng hợp cũ), nơi tổ hợp triển lãm "Cảm thức Đông Dương" làm sống dậy không gian nghệ thuật và kiến trúc xưa cũ, qua lăng kính của hiện đại. Ảnh: BTC

Nếu tính theo trục bắc-nam, Cung Thiếu nhi Hà Nội là điểm khởi đầu. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa-sáng tạo dày đặc nhất. Mỗi người, dù những sở thích khác nhau về nghệ thuật đều tìm thấy điều mình yêu thích trong không gian này, khi tại đây vừa có các cuộc triển lãm-workshop-tọa đàm về nghệ thuật thị giác như: triển lãm Chèo Méo giới thiệu tác phẩm của trẻ tự kỷ, sân chơi mẫu tự Điềm Phùng Thị, cuộc thi vẽ tranh trên sân; vừa có những buổi trình chiếu-tọa đàm về điện ảnh như: Tọa đàm Culi không bao giờ khóc - buổi tọa đàm nói về thành phố như một nhân vật điện ảnh; Tọa đàm Xây dựng hình ảnh Hà Nội trong điện ảnh qua các thời kỳ…

Trong khi đó, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một show diễn về thời trang của các đơn vị nghiên cứu, phục hồi các loại cổ phục và thực hành âm nhạc.

Nhà hát Lớn, ngoài những show âm nhạc, thời trang sẽ có một Lễ diễu hành tôn vinh, quảng bá 7 lĩnh vực sáng tạo bao gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, phim ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thống và âm nhạc.

Điểm cuối của "trục sáng tạo" này là Đại học Quốc gia Hà Nội (Đại học Tổng hợp cũ). Tại đây, Ban Tổ chức sẽ trưng bày cụm các tác phẩm nghệ thuật tương tác độc đáo, gợi mở những cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương, trong cảm quan đa dạng của những kiến trúc sư, họa sĩ và nghệ sĩ hiện tại.

Công chúng có thể khám phá những di sản này thông qua các hoạt động của Lễ hội Sáng tạo Hà Nội 2024; đặc biệt, còn có cơ hội khám phá sâu hơn khi Ban Tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024 thiết kế một tour khám phá tinh hoa di sản kiến trúc.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)