Bình Dương phấn đấu đạt vị thế thủ phủ công nghiệp hàng đầu Việt Nam

Wednesday, 10/16/2024 15:13
Acronyms View with font size

Tỉnh Bình Dương phấn đấu đạt vị thế thủ phủ công nghiệp hàng đầu Việt Nam, sớm trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Tỉnh Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 465/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương.

Xây dựng Bình Dương theo xu thế là thành phố thông minh của thế giới, không còn hộ nghèo

Thông báo nêu: Bình Dương là tỉnh có vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh về địa kinh tế, kết cấu hạ tầng, đô thị và phát triển công nghiệp, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ giao thương với Thành phố Hồ Chí Minh, có các trục lộ giao thông huyết mạch của quốc gia; có nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển mạnh về công nghiệp và dịch vụ, địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, tài nguyên thiên nhiên phong phú, khí hậu ổn định, tập trung khu công nghiệp lớn, tỷ lệ lấp đầy cao, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho Vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Là vùng đất người dân có truyền thống anh hùng cách mạng, cần cù lao động, cầu thị, ham học hỏi, năng động, không ngừng đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên làm giàu cho quê hương, đất nước.

Những kết quả đạt được của Bình Dương tạo nên những ấn tượng và sự tự hào trong phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, xây dựng Bình Dương theo xu thế là thành phố thông minh của thế giới và không còn hộ nghèo. Những tháng đầu năm 2024, kinh tế tiếp tục đà tăng khá ở cả 3 khu vực. GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,19%, cao nhất trong vòng 5 năm qua. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 6,04% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12,7% ngân sách nhà nước, hơn 50,1 nghìn tỷ. Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn. Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đạt 41,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Thu hút FDI trong 8 tháng đạt trên 1,36 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ, xếp thứ 7/63. Bình Dương luôn duy trì vị thế trong nhóm 3 tỉnh thu hút FDI tốt nhất. Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Trong 8 tháng có gần 5,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, cao hơn nhiều số doanh nghiệp giải thể. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động triển khai hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội; đời sống nhân dân được quan tâm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh Bình Dương còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức như: Bình Dương chưa lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch COVID-19. GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 chỉ đạt 5,01%; 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,19%, thấp hơn bình quân chung cả nước (6,42%), xếp thứ 5/6 trong Vùng và thứ 34/63 cả nước. Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai một số công trình, dự án quan trọng quốc gia còn chậm. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần quan tâm để duy trì vị thế "điểm đến hàng đầu" của Bình Dương.

Qua những kết quả đã đạt được và những hạn chế còn tồn tại, Thủ tướng đã đưa ra một số bài học kinh nghiệm và các nhiệm vụ, giải pháp mà tỉnh Bình Dương cần thực hiện trong thời gian tới. 

6 bài học kinh nghiệm

Tăng cường đoàn kết, thống nhất; quán triệt, triển khai sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng vào điều kiện thực tiễn của địa phương. Phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh và cơ hội nổi trội; đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp thế hệ mới, các doanh nghiệp dân tộc, nhân rộng mô hình hiện đại kiểu mẫu về phát triển công nghiệp.

Nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, hóa giải những biến động đột xuất, bất ngờ, các vướng mắc, thách thức. Hội nhập mạnh mẽ, chú trọng vai trò liên kết Vùng, quốc gia, quốc tế chặt chẽ.

Phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, huy động hiệu quả mọi nguồn lực, không trông chờ, ỷ lại, vươn lên bằng sức mạnh nội sinh.

Công tác chỉ đạo điều hành phải có tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc trọng tâm, trọng điểm, đầu tư không dàn trải.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phân công nhiệm vụ, giao việc phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chủ động giải quyết công việc với tinh thần: đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có sản phẩm cụ thể, cân đong đo đếm được; làm việc nào dứt điểm việc đó; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Bình Dương vững bước phát triển với 3 tiên phong

Tiên phong kết nối nền kinh tế với Vùng, khu vực, quốc gia, quốc tế, nhất là kết nối giao thông xanh, số hóa với Campuchia, với Tây Nguyên qua Bình Phước, với Tây Nam Bộ qua Thành phố Hồ Chí Minh, với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, với Cảng Cái Mép - Thị Vải.

Tiên phong trong chủ động phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và kinh tế ban đêm, đặc biệt chú trọng số hóa và xanh hóa nền kinh tế.

Tiên phong trong chủ động, tích cực xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới, tập trung đổi mới sáng tạo, lập nghiệp, khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ 4.0, phát triển khu công nghiệp thế hệ mới theo hướng xanh, số, công nghệ cao, thông minh; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch; xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong Quy hoạch.

Thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, kiểm soát lạm phát; tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp, hướng tín dụng vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, có tiềm năng lớn và hạ tầng giao thông; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống: về đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm; về xuất khẩu, nghiên cứu và phát triển khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, hướng đến xuất khẩu và thu hút đầu tư; về tiêu dùng, xây dựng chương trình, kế hoạch kích cầu tiêu dùng trên địa bàn, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Cùng với đó là khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm; đẩy mạnh liên kết Vùng.

Bình Dương phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước

Tỉnh Bình Dương phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí.

Phát triển hệ sinh thái công nghiệp kiểu mới; thúc đẩy chuyển đổi các khu công nghiệp sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, công nghệ cao; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ.

Phát triển mạnh các ngành dịch vụ mũi nhọn, hỗ trợ công nghiệp

Đồng thời, Bình Dương phát triển mạnh các ngành dịch vụ mũi nhọn, hỗ trợ công nghiệp như: thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, logistics, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Phát triển nông nghiệp để bảo đảm lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống người dân, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái.

Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thông tin, viễn thông, hạ tầng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông kết nối Vùng, quốc gia, khu vực và quốc tế.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ cơ chế xin - cho; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong ngành, lĩnh vực tiềm năng, ưu tiên; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đồng thời có cơ chế, chính sách hiệu quả thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyển từ truyền đạt kiến thức sang giáo dục toàn diện. Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội theo các hình thức thuê và thuê mua, yếu tố quan trọng thu hút nhân lực, thu hút đầu tư.

Triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội. Chú trọng quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu. Quản lý môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống tốt đẹp, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu của tỉnh...

Từ những bài học kinh nghiệm, nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, Bình Dương cần tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, anh dũng, các kết quả nổi bật trên tất cả lĩnh vực trong những năm qua, tập trung phát triển bứt phá, đột phá, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn trong giai đoạn tới. Với vị trí, vai trò chiến lược là cực tăng trưởng của vùng động lực phía Nam, trong nhóm 3 địa phương có quy mô nền kinh tế lớn nhất cả nước, với đà phát triển những năm qua cùng khát vọng, quyết tâm của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh, mục tiêu thời gian tới tỉnh cần tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, không ngừng phát huy vị thế là thủ phủ công nghiệp hiện đại, phấn đấu đạt vị thế thủ phủ công nghiệp hàng đầu Việt Nam, có những sản phẩm mới thông minh hơn, hiện đại hơn, sớm trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)