Bộ Xây dựng thẩm định Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045

Friday, 08/23/2024 16:47
Acronyms View with font size

Ngày 23/8/2024, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045. Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, hội, hiệp hội chuyên ngành, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng là thành viên Hội đồng; lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh. Được sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc Trần Thu Hằng chủ trì hội nghị.


Quang cảnh hội nghị

Báo cáo tóm tắt thuyết minh Đề án, đại diện đơn vị tư vấn (Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam) cho biết phạm vi, ranh giới lập quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thị trấn Bến Cầu, các xã: Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh thuộc huyện Bến Cầu và xã Phước Chỉ, Phước Bình thuộc thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.284ha, ranh giới lập quy hoạch như sau: phía Bắc và Đông giáp các xã Long Khánh, Long Giang, Long Chữ thuộc huyện Bến Cầu và một phần sông Vàm Cỏ Đông; Phía Nam giáp tỉnh Long An; phía Tây giáp tỉnh Svay Rieng, Campuchia.

Mục tiêu quy hoạch nhằm thúc đẩy phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trở thành vùng động lực mới, cực tăng trưởng phát triển kinh tế có tầm cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; là đầu mối giao thương quan trọng của vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữa Việt Nam với Campuchia và khu vực ASEAN; là trung tâm dịch vụ cửa khẩu, cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics; là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới đất liền tại vùng Đông Nam Bộ.

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được quy hoạch với tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với các chức năng công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ - du lịch và nông - lâm nghiệp gắn với các hoạt động đối ngoại của quốc gia, giao lưu kinh tế, văn hóa và quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam, Campuchia và khu vực ASEAN.

Đồ án dự báo đến năm 2030, quy mô dân số Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đạt khoảng 105.000 - 155.000 người; đến năm 2045 quy mô dân số đạt khoảng 310.000 người.

Cấu trúc không gian khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được định hướng theo mô hình hỗn hợp, cấu trúc 3 khu vực trung tâm, gồm: Đô thị mới Bến Cầu mang bản sắc khu vực biên giới Tây Nam, phát triển từ thị trấn hiện hữu, mở rộng chỉnh trang và đầu tư phát triển đô thị mới đạt tiêu chuẩn loại IV (đến năm 2030) và hướng đến loại II (năm 2045) đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đạt chất lượng cao; Khu trung tâm cửa khẩu Mộc Bài có chức năng thương mại, dịch vụ cửa khẩu, động lực chính để hình thành khu kinh tế với quy mô đất đai khoảng 236ha; các khu đô thị mới, khu công nghiệp, dịch vụ - du lịch thu hút đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp tại xã Phước Bình, Phước Chỉ, dự kiến thành lập phường Phước Bình, Phước Chỉ (sau năm 2030) thuộc thành phố Trảng Bàng.

Định hướng phát triển hạ tầng kinh tế của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài: phát triển công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics gắn với cửa khẩu quốc tế, cảng sông, đường cao tốc với khoảng 4.570ha đất xây dựng công nghiệp, trung tâm logistics; phát triển thương mại gắn với các cửa khẩu, xây dựng khu hợp tác kinh tế thúc đẩy dịch vụ thương mại quốc tế, các dịch vụ thương mại cao cấp hỗ trợ phát triển dịch vụ du lịch; phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ logistics gắn với các nút giao giao thông, đường cao tốc, hỗ trợ phát triển dịch vụ và tạo động lực phát triển đô thị; khai thác các vị trí có giá trị về văn hóa lịch sử, cảnh quan để hình thành điểm, tuyến, khu du lịch; phát triển đa dạng các cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch tập trung tại khu vực trung tâm Bến Cầu gắn với du lịch cửa khẩu, các khu du lịch sinh thái cao cấp dọc theo sông Vàm Cỏ Đông với diện tích khoảng 1.000ha.

Bên cạnh đó, Đồ án cũng đưa ra những định hướng phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài ở các lĩnh vực quy hoạch sử dụng đất; phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; các chương trình dự án ưu tiên đầu tư; tổ chức thực hiện.

Tại hội nghị, các chuyên gia thành viên Hội đồng đánh giá hồ sơ Đồ án đầy đủ, tuân thủ theo đúng quy định hiện hành, Báo cáo thuyết minh Đồ án bám sát nội dung Nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, UBND tỉnh Tây Ninh và đơn vị tư vấn cần phối hợp đánh giá đầy đủ hơn hiện trạng phát triển cũng như động lực phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài để làm cơ sở đề xuất các định hướng phát triển Khu kinh tế trong giai đoạn mới; quan tâm các nội dung cao độ nền, giao thông kết nối vùng; cần so sánh, đánh giá lợi thế của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với các Khu kinh tế lân cận; lưu ý các nội dung quy hoạch sử dụng đất, phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch; làm rõ nguyên tắc lựa chọn dự án ưu tiên đầu tư; bổ sung dự báo nhu cầu nhà ở tại các khu vực chức năng, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quốc phòng, an ninh trên địa bàn trong quá trình thực hiện quy hoạch.

Kết luận hội nghị, Vụ trưởng Trần Thu Hằng tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia thành viên Hội đồng, đồng thời bổ sung một số ý kiến và đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ; sớm hoàn thiện hồ sơ Đồ án để UBND tỉnh Tây Ninh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trần Đình Hà

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)