Phát triển Tuy An (Phú Yên) thành đô thị biển-di sản-sinh thái

Monday, 08/12/2024 15:41
Acronyms View with font size

Huyện Tuy An là địa danh có từ năm 1611, khi Phú Yên được hình thành trong tiến trình mở mang bờ cõi về phương nam của triều Nguyễn. Vùng đất này được xem là miền di sản của tỉnh Phú Yên với 9 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng quốc gia; trong đó gành Đá Đĩa là di tích quốc gia đặc biệt với cảnh quan thiên nhiên, địa chất kỳ thú, độc đáo ở Việt Nam.

Thị trấn Chí Thạnh, trung tâm hành chính huyện Tuy An-Phú Yên. (Ảnh DƯƠNG THANH XUÂN)

Nhằm phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc sắc, đưa vùng đất này phát triển mạnh mẽ, hiện đại, ngày 18/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên ban hành Nghị quyết về lãnh đạo xây dựng và phát triển huyện Tuy An thành thị xã vào năm 2025.

Đổi thay trên quê hương “địa chỉ đỏ”

Tuy An là huyện bán sơn địa, nằm ven biển của tỉnh Phú Yên, có tuyến Quốc lộ 1 và đường sắt bắc-nam đi qua, thuận lợi để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, kinh tế biển,... Nét đặc sắc trong di sản văn hóa ở Tuy An còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, trong đó, tiêu biểu là bộ kèn đá và đàn đá Tuy An có niên đại cách ngày nay hơn 2.500 năm.

Di tích lịch sử thành An Thổ, nơi sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú tại xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Trong 9 di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh cấp quốc gia tại đây, có di tích khảo cổ thành An Thổ trước thuộc phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên (nay thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Chính tại nơi đây, ngày 1/5/1904, đã chứng kiến sự chào đời một người con ưu tú của Đảng ta, đó là đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Phan Văn Ba, Bí thư Đảng ủy xã An Dân cho biết, Đảng bộ và nhân dân xã luôn tự hào là nơi sinh đồng chí Trần Phú. “Tinh thần bất diệt của lời hiệu triệu: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của đồng chí Trần Phú luôn thôi thúc cán bộ và nhân dân xã chúng tôi hôm nay và mãi về sau quyết tâm phấn đấu xây dựng An Dân ngày càng giàu mạnh, cùng xây dựng huyện trở thành thị xã theo chủ trương chung của tỉnh”, đồng chí Phan Văn Ba nói.

Với quyết tâm đó, bức tranh kinh tế-xã hội của xã An Dân những năm qua chuyển biến khá rõ nét. Xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2018. Toàn xã đã huy động hàng chục tỷ đồng tập trung thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nổi bật là thực hiện tốt tiêu chí về giao thông, thủy lợi. Trong đó đã đổ bê-tông 6,6 km đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện; cứng hóa 8,5 km đường trục thôn và đường liên thôn. Về thủy lợi, xã có 2 đập thủy lợi chủ động tưới tiêu cho hơn 307 ha; 100% kênh mương được kiên cố hóa. Đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã dự kiến đạt 50 triệu đồng/người (so với năm 2017 là 27 triệu đồng/người), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 63 hộ, chiếm 2,64% tổng số hộ trong xã,...

Di tích thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). (Ảnh: Dương Thanh Xuân)

Hướng đến đô thị biển-di sản-sinh thái

Theo đồng chí Ngô Đình Thiện, Bí thư Huyện ủy Tuy An, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Tuy An đã không ngừng phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết, nỗ lực khai thác và phát huy lợi thế sẵn có, gắn với thu hút các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và đạt nhiều thành tựu quan trọng.

“Hoạt động thương mại và dịch vụ của Tuy An từng bước khởi sắc, phát triển sôi động; các hoạt động kích cầu du lịch với nhiều hoạt động được huyện tổ chức nhằm giới thiệu nét văn hóa đặc sắc, góp phần khôi phục và phát triển du lịch. Tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn huyện tăng bình quân hằng năm là 16,8%, tăng bình quân cả nhiệm kỳ 2020-2025 dự kiến là 17,76%. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp; bộ mặt đô thị trung tâm thị trấn Chí Thạnh và vùng nông thôn có nhiều khởi sắc”, đồng chí Ngô Đình Thiện nhấn mạnh.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Tuy An thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn các xã. Đến cuối năm 2021, toàn bộ 14 xã trên địa bàn huyện được tỉnh Phú Yên công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Qua rà soát, đánh giá theo tiêu chí mới tại Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 38/2022/QĐ-UBND ngày 7/11/2022 của UBND tỉnh Phú Yên, tổng số tiêu chí xã nông thôn mới toàn huyện đạt 187 tiêu chí, bình quân đạt 13,4 tiêu chí/xã,…

Huyện Tuy An đã và đang tập trung huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ giai đoạn 2021-2025 khi nâng cấp huyện thành thị xã. Một số công trình, dự án đã được triển khai đầu tư xây dựng gồm: dự án kè chống sạt lở bờ hữu sông Hà Yến kết hợp phát triển hạ tầng đô thị đoạn từ cầu Ngân Sơn đến cầu đường sắt; dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn phía bắc cầu An Hải và tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên đoạn kết nối huyện Tuy An với thành phố Tuy Hòa (giai đoạn 1), tích hợp vào phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải trong Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050,...

Rạn san hô tại Di tích quốc gia Hòn Yến, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên (Ảnh: Dương Thanh Xuân)

Cũng theo đồng chí Ngô Đình Thiện, huyện Tuy An vừa triển khai hội nghị thông qua Đồ án quy hoạch chung đô thị Chí Thạnh và vùng phụ cận đến năm 2035. Theo quy hoạch, thị xã Tuy An sẽ có 15 đơn vị hành chính, gồm 9 phường nội thị và 6 xã ngoại thị. Các đơn vị hành chính dự kiến phát triển thành phường nội thị, với các tiêu chí đô thị loại IV gồm: thị trấn Chí Thạnh thành phường Chí Thạnh và các xã An Dân, An Thạch, An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Cư, An Hòa Hải, An Mỹ, An Chấn; các xã An Lĩnh, An Xuân, An Thọ, An Nghiệp, An Định, An Hiệp là khu vực ngoại thị của thị xã Tuy An.

Huyện Tuy An xác định 5 chiến lược phát triển đô thị: Kích hoạt các điểm cơ sở gồm ba cực động lực tổng hợp gắn với thị trấn Chí Thạnh; cực động lực dịch vụ phức hợp gắn với không gian chung quanh di tích thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan…

Tuy An sẽ xây dựng thị xã bám sát quy hoạch phát triển theo năm phân vùng: Vùng trung tâm tổng hợp, gồm thị trấn Chí Thạnh, một phần các xã An Thạch, An Cư; vùng di sản văn hóa, lịch sử, đầu mối dịch vụ cảng; vùng ven biển, di sản thắng cảnh tự nhiên; vùng thương mại, dịch vụ đầu mối cửa ngõ và vùng sinh thái nông lâm nghiệp, hình thành khu du lịch sinh thái cao nguyên An Xuân, gắn với di tích quốc gia địa đạo gò Thì Thùng, lễ hội đua ngựa truyền thống hằng năm của tỉnh,...

Source: Nhân dân điện tử

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)