Nhiều chính sách quan trọng được Chính phủ ban hành trong tháng 5/2024

Friday, 06/28/2024 16:02
Acronyms View with font size

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 14 văn bản quy phạm pháp luật trong tháng 5 năm 2024.

Cụ thể, các văn bản quy phạm pháp luật được Chính phủ ban hành trong tháng 5/2024 gồm 14 Nghị định:

1. Nghị định số 46/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ;

2. Nghị định số 47/2024/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia;

3. Nghị định số 48/2024/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;

4. Nghị định số 49/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định về hoạt động thông tin cơ sở;

5. Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;

6. Nghị định số 51/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài;

7. Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt;

8. Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

9. Nghị định số 54/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước;

10. Nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

11. Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế;

12. Nghị định số 57/2024/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa;

13. Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp;

14. Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực phòng cháy chữa cháy

Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2024 được ban hành nhằm hoàn thiện các quy định phân cấp, đơn giản hóa đối với các thủ tục hành chính lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an.

Nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể quy định về phân cấp giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; phù hợp với việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công theo Đề án số 06; phù hợp cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.

Giải quyết các vấn đề bất cập liên quan đến mở và sử dụng tài khoản thanh toán

Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. 

Nghị định gồm 07 Chương và 38 Điều quy định về hoạt động TTKDTM, bao gồm: Mở và sử dụng tài khoản thanh toán; dịch vụ TTKDTM; dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT); tổ chức, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán.

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định mới về tiền điện tử, thanh toán quốc tế và các hành vi bị cấm. 

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung thêm một số quy định về các nội dung phong tỏa tài khoản thanh toán; xử lý sau khi chấm dứt phong tỏa; các trường hợp đóng tài khoản thanh toán; xử lý số dư khi đóng tài khoản thanh toán; mở, ủy quyền, sử dụng tài khoản trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý của các ngân hàng trong thực tiễn triển khai nhằm giải quyết các vấn đề bất cập liên quan đến mở và sử dụng tài khoản thanh toán.

Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm 8 Chương, 30 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. 

Nghị định này quy định chi tiết về tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam; trách nhiệm của cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh và trách nhiệm của UBND cấp xã và tổ chức quản lý chợ, trung tâm thương mại; việc kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù; tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế

Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế có hiệu lực từ ngày 2/7/2024.

Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP nhằm kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc trong thực tiễn, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, tiêu chuẩn, chế độ ưu đãi cho người làm công tác pháp chế đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác pháp chế, yêu cầu thực tiễn công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật trong tình hình mới, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác pháp chế. 

Quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa

Nghị định số 57/2024/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa gồm 06 Chương, 52 Điều quy định về quản lý hoạt động nạo vét liên quan đến kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.

Nghị định quy định cụ thể về phân công tổ chức thực hiện đối với công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng và luồng đường thủy nội địa quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước đảm bảo tính thống nhất của hệ thống VBQPPL; thống nhất phương thức thực hiện đối với cả hai lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa. Quy định các cơ quan, tổ chức có nhu cầu tự thực hiện nạo vét luồng hàng hải, đường thuỷ nội địa quốc gia bằng kinh phí của mình.

Nghị định cũng quy định về các khoản chi phí hợp lý của dự án như lãi suất vay huy động vốn, tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước khi thực hiện Dự án; trường hợp nạo vét khu nước trước bến cảng, luồng chuyên dùng có kết hợp thu hồi sản phẩm; trường hợp nhà đầu tư đề xuất bỏ kinh phí và tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhằm kêu gọi, huy động các nguồn lực trong công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Quy định cách tính giá trị sản phẩm tận thu: giá trị sản phẩm tận thu được xác định trên cơ sở khối lượng sản phẩm tận thu từ dự án và giá sản phẩm tận thu; giá sản phẩm tận thu là giá tính thuế tài nguyên tương ứng với từng loại sản phẩm tận thu do UBND cấp tỉnh nơi có dự án quy định.

Nâng cao thu nhập cho tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ và phát triển rừng

Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 7 năm 2024.

Nghị định cụ thể hóa các quy định tại Luật Lâm nghiệp giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; đồng thời điều chỉnh một số chính sách hiện hành, nhất là những bất cập phù hợp với thực tế và điều kiện kinh tế-xã hội; góp phần nâng cao thu nhập cho tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Nghị định cũng góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về lâm nghiệp; tạo cơ sở pháp lý thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 góp phần thực hiện hoàn thành Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII ổn định tỷ lệ che phủ 42 - 43% và Chỉ đạo của Chính phủ giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 20 tỷ vào năm 2020 và 25 tỷ vào năm 2030.

Đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành VBQPPL, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính kịp thời trong công tác xây dựng pháp luật

Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ.

Nghị định 59/2024/NĐ-CP gồm 03 Điều, nội dung tập trung vào 03 nhóm vấn đề chính sau:

(i) Nhóm quy định đơn giản hóa về yêu cầu, cách thức thực hiện để đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL

Cụ thể, Nghị định quy định cụ thể, rõ ràng, hợp lý hơn về yêu cầu đánh giá tác động của chính sách đối với hệ thống pháp luật, tác động của thủ tục hành chính; ghép tác động về kinh tế và tác động về xã hội thành tác động về kinh tế - xã hội, giúp đơn giản yêu cầu đánh giá tác động vì thực tế cho thấy tác động về kinh tế và xã hội thường gắn kết chặt chẽ và khó để đánh giá độc lập. 

Nghị định cũng đơn giản hóa phương pháp đánh giá tác động của chính sách, ưu tiên áp dụng phương pháp định lượng để đánh giá tác động của chính sách

Sửa đổi, bổ sung quy định lấy ý kiến đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo VBQPPL theo hướng quy định hợp lý hơn các đối tượng gửi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh và trao quyền chủ động cho cơ quan lập đề nghị trong việc xác định cơ quan, tổ chức cần lấy ý kiến đảm bảo huy động trí tuệ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

(ii) Nhóm quy định được sửa đổi, bổ sung để quy định rõ ràng hơn, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bộ, ngành, địa phương nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL.

(iii) Nhóm quy định được sửa đổi, bổ sung để nâng cao trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị, soạn thảo VBQPPL và các chủ thể có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)