Hội thảo chuyên đề “Quy hoạch đô thị hướng tới phát triển đô thị bền vững”

Wednesday, 11/08/2023 17:07
Acronyms View with font size

Ngày 8/11/2023, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo chuyên đề “Quy hoạch đô thị hướng tới phát triển đô thị bền vững”. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023.


Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc Trần Thu Hằng phát biểu tại hội thảo

Tham dự hội thảo có các nhà quản lý, chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các doanh nghiệp. Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Trần Thu Hằng chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Trần Thu Hằng cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/11/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, thời gian qua, các địa phương trên toàn quốc tích cực triển khai, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực quy hoạch đô thị hướng đến sự phát triển hài hòa, bền vững.

Tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6%. Công tác quy hoạch và quản lý thực thi quy hoạch ngày càng được nâng cao. Hệ thống đô thị ngày càng trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đóng góp trên 70% GDP cả nước.

Tuy nhiên theo Vụ trưởng Trần Thu Hằng, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác quy hoạch cũng còn nhiều bất cập như chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn phát triển đô thị hiện nay, chưa phát huy tốt vai trò định hướng phát triển không gian đô thị, một số quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan tới quy hoạch chưa theo kịp xu hướng, nhu cầu và mô hình phát triển mới; việc quy hoạch chưa liên kết chặt chẽ tới quản lý phát triển đô thị; các vấn đề về biến đổi khí hậu, giảm nghèo, nhà ở cho người thu nhập thấp... chưa được tích hợp đúng mức trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị. Những tồn tại này đặt ra yêu cầu sớm hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách của nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch. Hội thảo hôm nay với sự tham dự của đông đảo nhà quản lý, chuyên gia quy hoạch trong và ngoài nước, cùng đại diện các doanh nghiệp, đơn vị tư vấn tập trung trao đổi, thảo luận về các giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Hậu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, thực tiễn thời gian qua cho thấy, công tác dự báo phát triển đô thị nhiều khi chưa chính xác, dân số đô thị thường vượt xa dân số dự báo, dẫn đến khó khăn về nhà ở và dịch vụ xã hội. Ngoài ra, sự mở rộng các khu vực kinh tế làm gia tăng gánh nặng cho hệ thống giao thông, cấp nước, cấp điện... dẫn đến quy hoạch tổng thể thường xuyên phải điều chỉnh. Do đó, để công tác quy hoạch đô thị hướng tới phát triển đô thị bền vững, cần đi sâu phân tích, đánh giá và tìm ra những giải pháp chủ yếu cho công tác lập quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; làm rõ sự phân cấp, phân quyền trong quản lý quy hoạch và phát triển đô thị tại các địa phương; nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển đô thị trên nền tảng công nghệ số và chuyển đổi số.

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu khách mời tích cực trao đổi các nội dung xoay quanh chủ đề hội thảo và đề xuất những giải pháp quy hoạch phát triển đô thị bền vững. Đề cập tới phương pháp quy hoạch tích hợp nhằm gia tăng hiệu quả công tác quy hoạch, ông Nguyễn Đỗ Dũng - Tổng giám đốc công ty EnCity khẳng định bản chất của quy hoạch xây dựng là quy hoạch tích hợp. Theo đó, mỗi công trình luôn có nhiều chức năng, thiên nhiên và con người không có ranh giới, còn đất đai và nguồn lực hạn chế. Vì vậy, để áp dụng phương pháp quy hoạch tích hợp cần thực hiện theo 3 bước: quy trình ra quyết định và xác định mục tiêu ưu tiên; thống nhất khung phân tích để tạo cơ sở tích hợp đa ngành; ứng dụng công nghệ để tạo kết quả khách quan.

Chia sẻ những kinh nghiệm về quy hoạch và phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam, ông Alexander Nash - chuyên gia phát triển đô thị của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, hiện nay ADB đang hỗ trợ nhiều thành phố ở Việt Nam xây dựng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh nguy cơ lũ lụt. Ngoài ra, để hạn chế phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, các giải pháp cần thiết còn là giảm sử dụng phương tiện cá nhân, tăng sử dụng phương tiện công cộng (trong quy hoạch giao thông), tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà...


Quang cảnh hội thảo

Kết luận hội thảo, Vụ trưởng Trần Thu Hằng cảm ơn các đại biểu đã tham dự và đóng góp nhiều ký kiến quý báu tại hội thảo. Với tinh thần cởi mở, cầu thị, Ban tổ chức ghi nhận tất cả những ý kiến đóng góp để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách hướng tới quy hoạch đô thị bền vững.

Vụ trưởng Trần Thu Hằng cho biết, Bộ Xây dựng đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị. Trong đó, quy hoạch đô thị được thống nhất giữa các cấp độ, đổi mới để đơn giản hóa thủ tục, tiếp cận đa ngành và có sự tham gia của các bên trong việc nhận diện, giải quyết các vấn đề nổi cộm của từng đô thị, từng khu vực. Việc xây dựng khung chính sách về quy hoạch đô thị được chỉnh sửa, cập nhật, bổ sung hoàn thiện theo hướng khuyến khích xây dựng bộ công cụ để quá trình lập quy hoạch có sự tham gia xuyên suốt, thực chất và hiệu quả của các bên  liên quan.

Trần Đình Hà

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)