Xây dựng nông thôn mới trên đất Nam Hồng

Thursday, 06/01/2023 14:13
Acronyms View with font size

Không chỉ là vùng đất cổ giàu giá trị văn hóa truyền thống, quê hương cách mạng anh hùng, xã Nam Hồng (huyện Đông Anh, Hà Nội) còn là địa phương điển hình của Thủ đô trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân từ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Cung đường bích họa trên địa bàn xã Nam Hồng, huyện Đông Anh - Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Dương, Chủ tịch UBND xã Nam Hồng cho biết Nam Hồng là xã Anh hùng, địa chỉ đỏ của cách mạng nước ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nơi đây vốn là vùng đất cổ nên rất giàu tài nguyên nhân văn với các di tích lịch sử văn hóa gồm 2 đình, 2 chùa, 2 đền và một di tích lịch sử văn hóa địa đạo kháng chiến Nam Hồng. Trong đó có 3 di tích lịch sử được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Thành phố và Khu Di tích lịch sử- văn hóa địa đạo Nam Hồng được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Với nền tảng cách mạng truyền thống, nhân dân và chính quyền xã Nam Hồng không ngừng tiếp nối các giá trị truyền thống, góp phần phát triển kinh tế, đặc biệt là trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. 

Để triển khai có hiệu quả các tiêu chí và nhóm chỉ tiêu trong bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy xã đã chủ động kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn. 

Thông qua việc triển khai phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"đã thu hút được sự vào cuộc tích cực đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong xã, sự hưởng ứng nhiệt tình cùng chung sức, đồng lòng của nhân dân và đã thu được nhiều kết quả tích cực. 

Năm 2014, xã Nam Hồng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tiếp đó, thực hiện bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đến nay xã Nam Hồng đã đủ tiêu chí về đích xã nông thôn mới nâng cao.

Trong hành trình hơn 10 năm thực hiện, diện mạo nông thôn của Nam Hồng ngày càng "thay da đổi thịt". Các cung đường liên thôn, liên xã đều đã được nhựa hóa hoặc đổ bê tông, đảm bảo sáng-xanh-sạch-đẹp và có các hạng mục cần thiết (biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh…) theo quy định.  Đường giao thông thôn xóm, đường điện, hệ thống chiếu sáng được đầu tư đồng bộ… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đi lại, phục vụ ngày càng tốt hơn cuộc sống của nhân dân. 

Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng cũng được nâng cấp, thuận lợi cho nhân dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập trên diện tích canh tác. Xã cũng chỉ đạo đưa các giống lúa mới năng suất cao và sản xuất đạt hiệu quả, năng suất lúa bình quân đạt 60,3 tạ/ha.

Bên cạnh đó, để thực hiện đề án sáng, xanh, sạch đẹp nhằm tạo cảnh quan môi trường làm việc thân thiện với môi trường, UBND xã phối hợp với các đoàn thể, các thôn triển khai đề án trồng hoa trên các tuyến đường, nhà văn hóa, nơi công cộng, trong khuôn viên UBND xã, các phòng làm việc, khu hành lang...

Hiện tại, 5/5 thôn trong xã đều có sân chơi thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi được lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tập luyện thể dục thể thao hằng ngày. 

Trong những ngày hội của làng, dịp Tết Nguyên đán hoặc một số ngày lễ lớn, các thôn, khu đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như: Tổ chức đêm văn nghệ quần chúng, tổ chức Tết Trung thu, tết thiếu nhi, tổ chức thi đấu giao lưu bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, dưỡng sinh... Những hoạt động này góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con trên địa bàn xã. Qua khảo sát điều tra thu nhập dân cư trên địa bàn xã, năm 2022 đạt 66,06 triệu đồng/năm và xã đã không còn hộ nghèo.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp của xã trong những năm gần đây nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đẩy nhanh ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá các khâu sản xuất nhằm tăng năng suất, giảm sức lao động, các chi phí đầu vào để tăng giá trị sản phẩm. 

Các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn xã đều đã ứng dụng công nghệ cao từng phần và cơ giới hoá. Điển hình như trong trồng trọt đã thay thế một số giống lúa có năng suất cao, chất lượng, có khả năng chống chịu cao, ít sâu bệnh vào canh tác thay thế những giống truyền thống. Xã cũng ứng dụng phương pháp sản xuất lúa cải tiến SRI, cấy lúa theo phương pháp hàng biên, sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh có nguồn gốc để bón cho cây trồng, sử dụng máy gặt lúa, máy làm đất, điều tiết nước...

Đặc biệt, Nam Hồng có HTX Khải Hưng là mô hình nông nghiệp tiêu biểu áp dụng cơ giới hóa và có liên kết chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm. HTX Khải Hưng có diện tích 10 ha, hằng ngày cung cấp cho siêu thị Megamatch (Metro) từ 1-1,5 tấn rau, củ quả các loại. Các thành viên HTX có thu nhập rất ổn định. 

Một thí dụ khác là mô hình phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị (kinh tế, văn hoá, môi trường) mang lại giá trị cao tại mô hình sản xuất rau, củ, quả của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Mùi ở thôn Đoài. 

Hiện gia đình ông Mùi đang ứng dụng nhiều công nghệ cao trong sản xuất như nhà lưới 1.100 m2, sử dụng tưới nhỏ giọt được điều khiển qua điện thoại… Qua đó đã tạo ra được sản phẩm rau, củ, quả đảm bảo an toàn, năng suất và đạt chất lượng cao. Mô hình đã tạo công ăn việc làm cho 4 lao động với mức lương từ 6-7 triệu đồng/tháng.

Huyện Đông Anh sẽ là một trong những quận mới của Thủ đô - Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Nói về quê hương mình, bà Phương, người dân sống tại thôn Đoài cho biết nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới mà gia đình bà cũng như người dân trong thôn, xã được hưởng rất nhiều lợi ích thiết thực từ cơ sở hạ tầng của đường làng, ngõ xóm sạch đẹp đến các thành quả trong sản xuất nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, sân chơi... Bà con góp công, góp sức và đồng hành với chính quyền địa phương triển khai từ những ngày đầu vì biết rằng mục đích cuối cùng của nông thôn mới là để nâng cao đời sống cho chính chúng tôi- những người dân trong xã. 

Sau hơn 10 năm xây dựng, xã Nam Hồng đã đạt được kết quả tương xứng với công sức bỏ ra với việc hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và đang trong tiến trình trở thành phường. Đời sống của nhân dân xã Nam Hồng sẽ tiếp tục được nâng cao, phát triển theo hướng văn minh đô thị nhưng vẫn giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của mảnh đất cách mạng anh hùng.

Theo ông Nguyễn Tiến Dương-Chủ tịch UBND xã Nam Hồng, chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai kịp thời. Xã luôn xác định chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao là chương trình lớn, tổng thể, toàn diện nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân ở nông thôn. Do đó trong quá trình triển khai thực hiện xã đã chọn những giải pháp mang lại hiệu quả cao và phù hợp với đặc điểm của địa phương. 

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã đánh giá đúng thực trạng ở nông thôn, tìm ra tiềm năng lợi thế để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nông dân bằng việc xây dựng cánh đồng lúa năng xuất, chất lượng cao, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại, lợi thế của địa phương và thực hiện

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế do trình độ cán bộ từ xã tới thôn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc vận động tuyên truyền nhân dân xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tiềm năng của địa phương chưa được khai thác một cách tối ưu và hiệu quả. Sản xuất nông nghiệp hiệu quả chưa cao, liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản còn yếu kém, chưa tạo ra được thị trường tiêu thụ nông sản ổn định.

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được và khắc phục những bất cập, xã Nam Hồng xác định tiêu chí, nhiệm vụ cụ thể cần tập trung nâng cao chất lượng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của xã; nâng cao chất lượng và trình độ của đội ngũ cán bộ xã, nhất là đội ngũ làm công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao ngày càng chuyên nghiệp, để tạo động lực phát triển. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn sâu rộng về Bộ tiêu chí hợp nhất của xã Nam Hồng cho cán bộ từ xã đến thôn, nhân dân để hiểu, cùng tham gia thực hiện.

Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện, đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Lấy bộ tiêu chí xây dựng xã Nam Hồng thành phường làm nòng cốt để thực hiện, gắn với việc thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Hiện nay huyện Đông Anh đang hoàn thành các tiêu chí xã, thị trấn thành phường, đủ điều kiện được công nhận thành quận, thành phường. Đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Đông Anh đã đạt và cơ bản đạt 7/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao; có 12 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Như vậy, huyện đã đạt yêu cầu về số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình số 04 của Thành ủy đề ra.

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, lộ trình đến năm 2025 Thành phố sẽ có thêm 5 huyện trở thành quận. Do đó, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở các địa phương ven đô đã được Thành phố chỉ đạo tích hợp với xây dựng các tiêu chí trở thành phường, quận; xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)