Bất động sản miền Tây hưởng lợi từ hạ tầng đồng bộ

Wednesday, 05/31/2023 14:10
Acronyms View with font size

Hệ thống cơ sở hạ tầng tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang hoàn thiện với nhiều dự án giao thông trọng điểm được triển khai đầu tư, đây là yếu tố quan trọng thu hút tiềm năng tăng trưởng bất động sản (BĐS) khu vực này và sẽ trở thành lựa chọn yêu thích của nhà đầu tư vào thị trường BĐS.

Cú hích

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, tại địa phương nào có quy hoạch hạ tầng, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển, có hướng mở trong quy hoạch, thị trường BĐS địa phương do sẽ phát triển mạnh.

Các tỉnh Tây Nam Bộ hiện là một trong 7 vùng kinh tế lớn, có diện tích hơn 4 triệu ha, dân số hơn 19 triệu người, nhưng thời gian qua, khu vực này vẫn được đánh giá là “vùng trũng" của cả nước, giao thông phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Mặc dù những năm gần đây, nhiều công trình trọng điểm đã được đầu tư như: Hệ thống đường bộ, đường thủy, hàng hải, hàng không và hàng loạt cầu vượt sông lớn như Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Vàm Cống, Cao Lãnh, Đầm Cùng, Năm Căn... đã tạo ra mạng lưới giao thông tốt hơn... nhưng hạ tầng tổng thể vẫn ở mức trung bình, chưa đáp ứng yêu cầu.

Cầu Mỹ Thuận 2 nối 2 tỉnh Tiền Giang - Vĩnh Long hoàn thành trong năm 2023.

Theo thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam, tính đến năm 2020, khu vực Tây Nam Bộ mới chỉ có 45 km đường cao tốc, chiếm khoảng 3% chiều dài cao tốc cả nước. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ có 91 km đường bộ cao tốc trên tổng số 1.239 km của cả nước, chiếm 7%.

Theo kế hoạch, đến năm 2030, khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 760 km đường cao tốc, đến năm 2050 là 1.180 km đường cao tốc. Trong vòng 4 năm tới, khu vực này sẽ có thêm cầu Rạch Miễu 2, Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, cầu Đình Khao qua sông Cổ Chiên và cầu Đại Ngãi nối đôi bờ sông Hậu... với tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng.

Đến nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành và đưa vào khai thác theo quy mô giai đoạn I (4 làn xe) tổng chiều dài 171 km cao tốc như: Bến Lức - Trung Lương (40 km), Trung Lương - Mỹ Thuận (51 km), Cao Lãnh - Lộ Tẻ (29 km) và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (51 km)...

Những công trình hạ tầng trên ngoài tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội, kết nối các loại hình giao thông trong khu vực, còn góp tạo “cú hích” cho thị trường BĐS các tỉnh Tây Nam Bộ phát triển.

Thời gian qua, thị trường BĐS khu vực miền Tây phát triển tương đối ổn định, ít xảy ra tình trạng sốt ảo, mặt bằng giá thấp, còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai. Trong khi đó, giá BĐS tại TP Hồ Chí Minh và khu Đông thành phố, trong đó có Bình Dương, Đồng Nai… đã quá cao, quỹ đất gần như đã được lấp đầy. Khi khoảng cách giao thông được kết nối, xu hướng thị trường BĐS dịch chuyển tới các thị trường mới lân cận - các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có quy hoạch bài bản, với đầy đủ cơ sở hạ tầng tiện ích hiện đại, phát triển tương xứng với tiềm năng là tất yếu. 

Bên cạnh đó, với tầm nhìn quy hoạch và hạ tầng giao thông ngày càng được chú trọng đầu tư, thu hút lượng lớn đầu tư về kinh doanh, dịch vụ từ trong và ngoài nước, tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với sự tăng trưởng của du lịch thu hút lượng lớn dân cư cơ học, mật độ dân cư ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu về nhà ở ngày càng lớn.

Trong đó, đáng chú ý là Cần Thơ, giá đất hiện nay chưa bằng một nửa so với các TP Hải Phòng, Đà Nẵng... với hàng loạt các dự án trọng điểm đang khẩn trương được xây dựng, kết hợp với với tuyến cao tốc trục dọc miền Tây đi qua TP Cần Thơ và các tuyến giao thông quan trọng của quốc gia, khu vực như: Quốc lộ 91, Quốc lộ 61C, Quốc lộ 1... tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, giúp việc vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa địa phương với các tỉnh lân cận được thuận lợi, nhanh chóng và an toàn.

Đặc biệt, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ khi hoàn thành, kết nối với tuyến TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, rút ngắn thời gian từ TP Hồ Chí Minh về Tây Nam Bộ chỉ còn 2 tiếng... Những lực đẩy này cũng sẽ là động lực phát triển thị trường BĐS khu vực.

Lực đẩy từ tốc độ đô thị hóa Cần Thơ

Cũng theo rà soát của Hiệp hội BĐS Việt Nam, trên địa bàn TP Cần Thơ hiện nay có khoảng 80 dự án khu dân cư, khu đô thị mới, nhà ở xã hội đã, đang và sắp triển khai; trong đó, có những dự án với diện tích trên dưới 100 ha được quy hoạch, đầu tư bài bản, hiện đại, nguồn cung khả năng được khơi thông... đang mở ra nhiều nguồn cung BĐS cho thị trường ngay từ cuối năm nay.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nhu cầu về nhà ở tiếp tục tăng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ổn định, tốc độ đô thị hoá của TP Cần Thơ cao trên 70% và chú trọng vào phát triển hạ tầng giao thông – xã hội trong thời gian qua cũng như sắp tới.

Thực tế, chỉ số giá BĐS có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ do độ phủ của các chính sách sắp ban hành của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, nhất là động thái tích cực từ việc giảm lãi suất của các ngân hàng cùng với niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư đang dần được khôi phục. Các sản phẩm nhà ở thật phù hợp với túi tiền sẽ được đông đảo nhà đầu tư đón nhận.

Trong đó, phân khúc căn hộ thương mại của thị trường trung tâm khu vực Tây Nam Bộ này có thể sẽ thu hút khách hàng khi giá đất nền, giá nhà phố đang gia tăng. Cùng với tốc độ đô thị hóa, hệ thống hạ tầng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng, thu nhập của người dân được cải thiện... đang cho thấy, quy hoạch hạ tầng và nơi nào có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển, có hướng mở trong quy hoạch, giá trị BĐS sẽ tăng mạnh.

Tuy nhiên, thời gian qua, giá BĐS tại một số địa phương tăng bất hợp lý, gấp nhiều lần so với giá trị đầu tư thực tế, vượt xa tốc độ tăng trưởng thu nhập của đại đa số người dân. Do đó, để thị trường BĐS Tây Nam Bộ phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, thông tin về quy hoạch, hạ tầng tại các địa phương trong khu vực cần được công khai, minh bạch, nhằm hạn chế việc thổi giá BĐS và hệ lụy giá nhà đất chưa đến tay người mua dân đã đẩy lên cao.

Source: TTXVN

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)