Quảng Trị: Cần thiết triển khai đề án huy động nguồn lực hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo

Friday, 10/14/2022 14:43
Acronyms View with font size

Sáng ngày 13/10, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan liên quan để nghe báo cáo quy trình, nội dung, hồ sơ đề nghị xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh về Đề án “Huy động nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022-2026” (gọi tắt là đề án). 

Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: MĐ

Xác định nhà ở và sinh kế là nhu cầu cơ bản nhất của hộ nghèo, tính từ năm 2004 cho đến nay, thông qua nguồn kinh phí của Nhà nước và các nguồn hỗ trợ của xã hội, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng trên 22.000 nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng khó khăn khác; xây dựng và sửa chữa 12.835 nhà ở cho người có với cách mạng. Nhờ đó, nhà ở của hộ nghèo, hộ người có công đã được cải thiện, tạo điều kiện ổn định đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế gia đình và vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như: nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên bị bão, lũ lụt; xuất phát điểm thấp, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn… Vì vậy, trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một bộ phận người dân nói chung và họ nghèo nói riêng chưa có nhà ở, hoặc nhà ở không đảm bảo nhu càu tối thiểu của cuộc sống.

Rà soát hộ nghèo cuối năm 2021, toàn tỉnh có 4.111 hộ nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020; 5.913 hộ nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025….

Tổng hợp kết quả rà soát hộ gia đình chưa có nhà ở, hoặc nhà ở tạm bợ, hư hỏng mà không có khả năng tự xây dựng, toàn tỉnh có 3.152 hộ nghèo thiếu hụt về nhà ở. Là tỉnh còn khó khăn nên việc vận động nguồn lực xã hội để thực hiện đề án là rất thiết thực và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương hiện nay.

Mục đích là vận động nguồn lực để hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo chưa có nhà ở hoặc có nhà ở tạm bợ, xuống cấp nhằm đảm bảo cho các đối tượng có nhà ở an toàn, ổn định cuộc sống, thực hiện các chính sách an sinh xã hội; đảm bảo sau khi hỗ trợ các gia đình có nhà ở an toàn, góp phần cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Mục tiêu xây mới 3.152 nhà ở cho hộ nghèo, đến cuối năm 2026, toàn tỉnh cơ bản không còn hộ gia đình nghèo ở nhà tạm bợ.

Tại buổi làm việc, các thành viên Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đã có nhiều ý kiến góp ý đầy tâm huyết, trách nhiệm cao như: Cần nghiên cứu, đánh giá đúng về số hộ nghèo, nhà ở của hộ nghèo để có sự hỗ trợ phù hợp, đúng đối tượng; tính toán kỹ lưỡng nguồn ngân sách từ Nhà nước và xã hội hóa để triển khai hỗ trợ xây dựng; bố trí hỗ trợ xây dựng mới nhà ở cho đúng đối tượng nhằm trách việc bị lợi dụng chính sách để hưởng lợi…

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Việc triển khai đề án là rất cần thiết, tạo cơ sở pháp lý trong việc huy động, phân bổ ngân sách nhà nước, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nhà ở của hộ nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; tạo điều kiện phát triển nguồn lực con người và giảm tỉ lệ hộ nghèo về nhà ở; đảm bảo cho hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai.

Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề án trên cơ sở đảm bảo yêu cầu về tính hợp hiến, hợp pháp, tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đề án cần đánh giá đúng về thực trạng, nhu cầu xây mới nhà ở cho hộ nghèo, tránh bỏ sót đối tượng; đảm bảo công khai, dân chủ trong tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện đề án.

Tổ chức huy động các nguồn lực hợp pháp hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh, và tính toán đến khả năng cân đối, bố trí nguồn lực của tỉnh; đẩy mạnh việc xã hội hóa huy động nguồn lực để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cao nhằm đảm bảo cho hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Source: Báo Quảng Trị

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)