Chuyển đổi số và xây dựng kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh Quảng Nam

Tuesday, 10/11/2022 15:07
Acronyms View with font size

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nhấn mạnh: Hội thảo Chuyển đổi số và xây dựng kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh Quảng Nam tập trung thảo luận về kinh nghiệm, giải pháp triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Trên cơ sở đó sẽ xác định một số nội dung cụ thể cho chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam giai đoạn tiếp theo.

Chiều 10/10, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số và xây dựng kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Nam”.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND và các sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cùng đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học trên lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông; đại diện các nhà mạng, các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp hạ tầng CNTT và viễn thông…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: Chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, phải được triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở.

Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT, triển khai chính quyền điện tử, bước đầu đã hình thành được nền tảng phục vụ phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số các cấp, phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực phục vụ người dân, doanh nghiệp trên toàn địa bàn tỉnh.

Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, năm 2021, theo Kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Quảng Nam xếp vị thứ 25/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 3 khu vực miền Trung. Kết quả này đã phản ánh nỗ lực của tỉnh Quảng Nam về chuyển đổi số trong thời gian qua.

“Để việc chuyển đổi số tại tỉnh được đẩy nhanh, toàn diện hơn và lấy ý kiến các chuyên gia, các ngành, địa phương nhằm hoàn thiện Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Nam; vạch ra các nguyên tắc, hướng dẫn, căn cứ cho việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối liên thông trong việc triển khai đô thị thông minh tại các địa phương, tránh trùng lắp, lãng phí. Hội thảo lần này sẽ tập trung thảo luận về kinh nghiệm, giải pháp triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Trên cơ sở đó sẽ xác định một số nội dung cụ thể cho Chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam giai đoạn tiếp theo”- đồng chí Hồ Quang Bửu cho biết.

Để buổi hội thảo đạt hiệu quả, có chất lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các đại biểu tham dự tập trung quan tâm một số vấn đề cơ bản như: các giải pháp nhằm bổ sung nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới; hoàn thiện kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Nam phù hợp, đảm bảo tính khả thi và thống nhất để triển khai; giải pháp cụ thể để hoàn thiện kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Nam.

Viện trưởng Viện Chiến lược thông tin và truyền thông Nguyễn Thành Phúc phát biểu tại Hội thảo.

Trao đổi tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Chiến lược thông tin và truyền thông Nguyễn Thành Phúc đã nêu một số định hướng về chuyển đổi số và nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới. Theo Viện trưởng Nguyễn Thành Phúc, chuyển đổi số của Quảng Nam đến năm 2025 cần tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế ngành. Trong đó có 5 vấn đề cơ bản là: Tăng trưởng GDP và thay đổi cơ cấu kinh tế; tăng năng suất lao động; trong y tế, giáo dục, giao thông, môi trường, du lịch; hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; nâng cao thu nhập của nông dân.

Đối với những khó khăn, thách thức của Quảng Nam trong chuyển đổi số tới đây, Viện trưởng Viện Chiến lược thông tin và truyền thông Nguyễn Thành Phúc cho biết: Chuyển đổi số nếu làm không đúng có thể là gánh nặng. Ví dụ: xử lý văn bản điện tử song song với văn bản giấy làm cho khối lượng công việc tăng “gấp đôi”. Nếu tiến trình chuyển đổi số làm thêm gánh nặng thì chúng ta hãy tạm dừng lại để xem xét, vì chắc chắn đã có điều gì đó chưa đúng, cần điều chỉnh lại trước khi làm tiếp- Viện trưởng Viện Chiến lược thông tin và truyền thông Nguyễn Thành Phúc chia sẻ.

Cùng với những lưu ý trên, Viện trưởng Nguyễn Thành Phúc cảnh báo: Chuyển đổi số thất bại nếu không có sự vào cuộc đồng bộ của 3 “người” gồm: Người đặt bài toán, người phát triển giải pháp chuyển đổi số và người sử dụng để thực hiện chuyển đổi. Nhà lãnh đạo đặt ra yêu cầu chuyển đổi. Đơn vị chuyên trách về CNTT và doanh nghiệp CNTT phát triển giải pháp chuyển đổi số. Toàn bộ bộ máy của cơ quan, tổ chức cùng sử dụng.

Quang cảnh tại Hội thảo.

Viện trưởng Viện Chiến lược thông tin và truyền thông Nguyễn Thành Phúc kiến nghị: Thứ nhất, thế kỷ XXI là thế kỷ của 2 cuộc chuyển đổi quan trọng nhất là chuyển đổi xanh và chuyển đối số. Muốn “Xanh” thì phải “Số”. Bởi vậy mà chuyển đổi số là động lực chính của sự phát triển. Quảng Nam nên xem xét quan điểm “Chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh Quảng Nam”.

Thứ hai, dữ liệu đang trở thành nguồn tài nguyên mới, là yếu tố đầu vào mới của nền kinh tế. Do vậy phát triển tài nguyên dữ liệu cần là nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số.

Thứ 3, áp dụng các công nghệ số, hạ tầng vật lý trở nên “thông minh hơn” giúp quản lý, khai thác hiệu quả hơn. Đề nghị bổ sung nội dung chuyển đổi số hoặc “thông minh hoá” hạ tầng vật lý trong triển khai hạ tầng kỹ thuật (hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng cấp điện, hạ tầng cấp nước sinh hoạt, hạ tầng thuỷ lợi, các khu xử lý chất thải, phòng cháy chữa cháy…) và hạ tầng kinh tế (hạ tầng thương mại, du lịch, dịch vụ…).

Thứ 4, với mục tiêu tỷ trọng kinh tế số bằng hoặc cao hơn 30% GDP vào năm 2030 thì dòng chảy dữ liệu phải song hành với dòng chảy vật chất. Đề nghị tỉnh quy hoạch, triển khai hạ tầng giao thông, hạ tầng điện phải song hành, đồng bộ cùng hạ tầng viễn thông để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Ngoài ra, Hội thảo cũng nghe nhiều đại biểu trao đổi các nội dụng quan trọng liên quan đến chuyển đổi số và những vấn đề đặt ra với Quảng Nam; tình hình thực hiện chuyển đổi số ở các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thời gian qua..../.

Source: Dangcongsan.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)