Hà Nội xác định yếu tố con người là tiên quyết trong cải cách thủ tục hành chính

Tuesday, 09/27/2022 14:49
Acronyms View with font size

Xác định yếu tố con người là tiên quyết trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), quyết định sự thành công của mọi cuộc cải cách, do vậy, TP. Hà Nội xác định tập trung thay đổi "từ nhận thức đến hành động" ở 2 nhóm đối tượng: Công chức thực hiện giải quyết TTHC và công dân thực hiện TTHC.

Tổ cơ động hỗ trợ công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại nhà (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) - Ảnh: VGP

Không chỉ dừng ở phân cấp, ủy quyền mà sẽ đẩy mạnh giao quyền

Theo UBND TP. Hà Nội, thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Hà Nội đã tích cực chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Đó còn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của chủ đề công tác năm 2022 "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển" với mục tiêu hoàn thành 22 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, GRDP tăng khoảng 7 - 7,5%...

Đây là những chỉ tiêu đòi hỏi sự hành động, sáng tạo để bứt phá, lấy lại đà tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân… trên tinh thần hành động, đổi mới, sáng tạo và tư duy phát triển.

Năm 2021, chỉ số SIPAS về tiếp cận dịch vụ, chỉ số hài lòng về công chức giải quyết TTHC của Hà Nội tăng 4,9% (xếp thứ 30/63 tỉnh, thành; Chỉ số PAR INDEX: Điểm của Thành phố đạt 88,54% điểm, mặc dù giảm 2 bậc nhưng điểm tổng thể tăng 2.47 điểm so với năm 2020 (86,07 điểm), nằm trong top 10 tỉnh thành phố có điểm chỉ số cao và cao hơn so với giá trị trung bình của cả nước là 2,17% (giá trị trung bình của cả nước đạt 86,37%).

Trong đó, lĩnh vực cải cách TTHC, Thành phố được 13.49/13.50 điểm (đạt 99,91%), cao nhất từ trước đến nay và xếp thứ 2/11 các tỉnh đồng bằng sông Hồng, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố và cao hơn với trung bình cả nước 4,76%.

Thành phố tiếp tục được Trung ương đánh giá cao và đạt điểm tối đa ở hầu hết các tiêu chí, tiêu chí thành phần. Kết quả giải quyết hồ sơ TTHC cho tỷ lệ đúng và trước hẹn rất cao, toàn thành Thành phố đạt 99,8%, trong đó cấp huyện có tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đạt kết quả cao nhất, đạt 99,86%, cấp xã đạt 99,82% và thấp nhất là cấp Thành phố đạt 99.46%. So sánh với năm 2020, tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ ở cả 3 cấp của Thành phố đạt 4.94/5 điểm (đạt 98,8%).

So với năm 2020, năm 2021, thành phố Hà Nội có kết quả Chỉ số SIPAS tăng 3 bậc (từ vị trí 33 lên 30) và PAR Index tụt 2 bậc (từ thứ 8 xuống thứ 10), Kết quả này chưa làm Thành phố hài lòng với vị thế và điều kiện mà Thành phố đang có. Nguyên nhân có thể thấy được một phần do Thành phố Hà Nội là địa bàn đông dân cư, số lượng đơn vị hành chính của cấp huyện nhiều, số lượng thủ tục hành chính phải giải quyết hàng năm lớn hơn rất nhiều so với các địa phương khác đồng thời yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng phục vụ trong việc giải quyết thủ tục hành chính cũng cao hơn.

Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả thực thi các nhiệm vụ; không chỉ dừng ở phân cấp, ủy quyền mà sẽ đẩy mạnh giao quyền nhằm phát huy tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các quận, huyện, thị xã nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung đột phá trong lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số... 

Nhiều giải pháp, sáng kiến nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp Thành phố tập trung một số sáng kiến, giải pháp. Trong đó, tập trung vào các sáng kiến và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Giải pháp thứ nhất được nêu là xác định yếu tố con người là yếu tố tiên quyết, quyết định sự thành công của mọi cuộc cải cách. Do vậy, Thành phố xác định tập trung thay đổi "từ nhận thức đến hành động" ở 2 nhóm đối tượng: công chức thực hiện giải quyết TTHC và công dân thực hiện TTHC.

Công dân thực hiện TTHC là đối tượng Thành phố đặt mục tiêu "lấy sự hài lòng của người dân là thước đo cho mọi kết quả thực hiện" và để đạt được nội dung này việc đầu tiên đó là phải thay đổi cái nhìn của công dân về những phương pháp, cách làm mà Thành phố đã và đang thực hiện, xóa bỏ cái nhìn về cơ quan hành chính "hành là chính" mà thay vào đó là cái nhìn tích cực hơn "hành chính phục vụ", theo phương thức "dịch vụ".

Bộ phận Một cửa trên địa bàn Thành phố với mô hình "Bộ phận Một cửa hiện đại các cấp"; phương thức giao tiếp truyền thống giữa cơ quan hành chính nhà nước với công dân cũng được đổi mới với phương châm "trải nghiệm 1 lần, lan tỏa nhiều lần". Đây là cách thức tiếp nhận hiệu quả nhất và là kênh tuyên truyền tốt nhất đối với các biện pháp cải cách thủ tục hành chính đặc biệt trong việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Mở rộng kênh truyền thông qua các kênh mạng xã hội như: facebook, Zalo song hành cùng các kênh thông tin truyền thống.

Hà Nội hiện đang đẩy mạnh và lan tỏa các sáng kiến của chính quyền cơ sở các cấp như "Tổ cơ động hỗ trợ công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại nhà" (UBND phường Trúc Bạch, Ba Đình), mô hình "5 thủ tục hành chính không chờ" (UBND quận Hoàn Kiếm), mô hình "Ngày thứ 6 xanh" tại bộ phận "một cửa" UBND huyện Hoài Đức (với 4 thủ tục: Chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh; chuyển trường đối với học sinh trung học; chuyển trường đối với học sinh tiểu học; cấp giấy giới thiệu đi thăm viếng mộ liệt sĩ), công dân sẽ được trả kết quả trong 60 phút, thay vì phải chờ 2-10 ngày theo quy định.

Đối với công chức, đây là đối tượng nòng cốt quyết định hiệu quả các kết quả ứng dụng CNTT hoặc các giải pháp cải cách thủ tục hành chính; là cầu nối quan trọng giữa các cơ quan hành chính nhà nước với công dân.

Với đội ngũ công chức của Thành phố cơ bản đáp ứng các yêu cầu về vị trí việc làm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỷ luật và kỷ cương song để đẩy mạnh hơn nữa Thành phố đã xác định cần đổi mới và quyết liệt hơn nữa trong việc bố trí sắp xếp vị trí việc làm phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ; đặc biệt việc lựa chọn cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận Một cửa cần được ưu tiên, lựa chọn và quan tâm tới cả các yếu tố kỹ năng mềm như: Kỹ năng giao tiếp, ứng xử - kỹ năng xử lý tình huống….) đồng thời mạnh dạn đề xuất các hình thức khen thưởng hoặc các cơ chế khuyến khích, ưu tiên quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo...

Giải pháp thứ hai, tập trung rà soát, thực hiện việc phân cấp, ủy quyền trong việc giải quyết TTHC theo hướng "cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân thì giao cấp đó giải quyết".

Giải pháp thứ ba, tiếp tục bảo đảm nguyên tắc "Tiếp nhận - thẩm định - phê duyệt" các TTHC tại Bộ phận Một cửa các cấp đồng thời thí điểm đổi mới trong quy trình giải quyết TTHC liên thông giữa các cấp, ngành theo nguyên tắc 05 bước khép kín "Tiếp nhận - thẩm định - phê duyệt - đóng dấu - trả kết quả" trên cơ sở nền tảng của việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Giải pháp thứ tư là tập trung vào việc xây dựng và liên kết, chia sẻ các cơ sở dữ liệu đặc biệt với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành – là tiền đề cho việc thực hiện chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính, thay đổi cách thức trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính giữa chính quyền với công dân.

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)