Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu xem xét dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Friday, 09/23/2022 15:35
Acronyms View with font size

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần đầu được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật của UBTVQH diễn ra vào sáng 22/9.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần đầu được trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật - Ảnh: VGP/ĐH

Dự Luật hiện được xây dựng với bố cục gồm 16 chương với 240 điều quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của Việt Nam.

Đối tượng áp dụng của Luật là: Cơ quan Nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai. Người sử dụng đất. Các đối tượng khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất.

Cơ sở chính trị để hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai

Lý giải về sự cần thiết xây dung và ban hành Luật, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Thực tiễn, sau gần 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai đã tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế về quy hoạch sử dụng đất, chưa giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định; tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường; năng lực quản lý nhà nước, cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai chưa được hoàn thiện; thoái hóa, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, dẫn đến giảm độ màu mỡ, chức năng sản xuất của đất; nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, một số nghị quyết mới của Đảng, như Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế... đều đặt ra yêu cầu đổi mới chính sách pháp luật về đất đai. Đặc biệt, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao với 5 quan điểm, 3 mục tiêu, 6 nhóm giải pháp, 8 chính sách lớn trong hoàn thiện pháp luật về đất đai, đặt ra yêu cầu hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2023. Đây là cơ sở chính trị rất quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai.

Hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai

Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ mục đích xây dựng Luật là nhằm: Hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai.

Đồng thời, giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất. Tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... Đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh. Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai. Phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.

Quan điểm xây dựng Luật là thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai. Đảm bảo kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp Luật Đất đai; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn. Đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai với các pháp luật có liên quan; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực cả về diện tích, chất lượng, không gian sử dụng. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội các cấp và nhân dân…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai - Ảnh: VGP/ĐH

Những nội dung đổi mới cơ bản

Dự Luật hiện được bố cục gồm 16 chương, với 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 156 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.

Dự thảo Luật đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển

Các nội dung đổi mới cơ bản là: Làm rõ phạm vi quy định của Luật Đất đai với các luật khác có liên quan. Quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai và quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai. Đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo đảm thống nhất, đồng bộ, gắn kết thúc đẩy phát triển; quản lý chặt chẽ đất đai về số lượng, chất lượng. 

Tăng cường công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tiếp cận đất đai. Tiếp tục thực hiện công khai minh bạch trong thu hồi đất; giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Hoàn thiện các quy định để thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất; phát huy nguồn lực đất đai. Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Hồ sơ dự án Luật Đất đai cơ bản đáp ứng yêu cầu

Thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm đã được đề ra trong Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của UBTVQH về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 69 và Điều 70 dự thảo Luật, bảo đảm các nguyên tắc theo quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013: "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng".

Về tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị trong quá trình soạn thảo cần lưu ý, bảo đảm sự phù hợp, tương thích giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan, thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là đến năm 2023, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Đề nghị rà soát, đánh giá kỹ hơn về tính tương thích của dự thảo Luật với với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật và thể chế hóa đầy đủ, cụ thể hơn các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tài liệu dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4.

Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát bố cục của dự thảo Luật để bảo đảm tính logic, hệ thống của các quy định. Bên cạnh đó, qua rà soát sơ bộ cho thấy có khoảng hơn 80/240 điều có nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết. 

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các nội dung này để luật hóa tối đa các vấn đề có thể quy định ngay trong Luật.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)