Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) đề ra nhiệm kỳ 2020-2025. Để đạt mục tiêu, địa phương đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, chủ động khắc phục khó khăn, xây dựng lộ trình cụ thể, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng năm.
Diện mạo nông thôn khởi sắc
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Tấn Phong cho biết: “Xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đòi hỏi sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân. Huyện luôn quan tâm tuyên truyền, vận động về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt, họp lệ... giúp người dân hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân”.
Có thế mạnh ở lĩnh vực nông nghiệp, huyện Châu Thành triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình sản xuất nông nghiệp, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; tích cực hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, đồng thời tăng sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản trên thị trường. Ngoài ra, địa phương còn chú trọng khai thác sản phẩm có tiềm năng và lợi thế ở địa phương, với những mô hình sản xuất - kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Song song đó, huyện huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại khu vực nông thôn. Đặc biệt, chỉ đạo cơ quan, đơn vị, UBND cấp xã thực hiện tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, “hoàn thành tiêu chí nào chắc tiêu chí đó”. Đồng thời, khơi dậy tính chủ động, sáng tạo trong nhân dân khi tham gia xây dựng NTM; thực hiện công trình an sinh xã hội bằng nhiều hình thức.
Công cuộc xây dựng NTM đã tác động tích cực đến đời sống người dân nông thôn, làm thay đổi dần diện mạo vùng quê. Các tuyến đường liên ấp, xã xuống cấp, lầy lội ngày nào giờ được bê-tông hóa, láng nhựa phẳng phiu… Châu Thành đã có cách làm sáng tạo, làm nên sự thay đổi nhanh chóng nơi đây. Các công trình cơ sở hạ tầng, đường làng đã được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống người dân cải thiện rõ rệt. Đến nay, huyện đạt 2/9 tiêu chí và 15/36 chỉ tiêu xây dựng “Huyện NTM”. Trong đó, 5/11 xã được công nhận đạt chuẩn “Xã NTM”, gồm: Vĩnh Thành, Vĩnh Nhuận, Cần Đăng, Bình Hòa và An Hòa; 2 xã đạt chuẩn “Xã NTM nâng cao”, gồm: Bình Hòa và Cần Đăng.
Để đạt mục tiêu trở thành “Huyện NTM” vào năm 2025, Châu Thành tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền và tổ chức đoàn thể. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả giải pháp hỗ trợ địa phương đạt chuẩn xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo lộ trình đề ra. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sức dân thực hiện công trình cầu, đường nông thôn; xây dựng đời sống văn hóa; giải quyết việc làm, giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất; đẩy mạnh đầu tư y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng; vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế… nhằm tạo sự chuyển biến mọi mặt ở khu vực nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đề nghị huyện Châu Thành tập trung duy trì nâng chất các tiêu chí đã đạt; tiếp tục rà soát thực hiện theo lộ trình xây dựng “Huyện NTM”. Trong đó, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân về nhiệm vụ xây dựng NTM; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và có sự phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng chỉ tiêu, tiêu chí. Đồng thời, phân bổ, định hướng sử dụng nguồn vốn hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế địa phương; rà soát, xây dựng kế hoạch tạo quỹ đất, ưu tiên các công trình cấp bách. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với sở, ban, ngành tháo gỡ khó khăn, đề ra giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể, sớm hoàn thành tiêu chí chưa đạt…