Phong trào xây dựng nông thôn mới ở Bình Dương đang diễn ra rất mạnh mẽ và đã đạt được những kết quả quan trọng. Chương trình OCOP hướng đến mỗi xã sẽ tạo ra ít nhất một hay nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, đồng thời góp phần xây dựng NTM trong tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững.
Chuyển đổi vật nuôi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện đời sống người dân nông thôn. Trong ảnh: Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kín ở xã An Điền, TX.Bến Cát.
Tại tỉnh Bình Dương, theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, có ít nhất 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 100% huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; hoàn thành xây dựng thí điểm “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng và nhân rộng đối với các xã còn lại, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020; hoàn thành việc thực hiện thí điểm Đề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện đối với huyện Bàu Bàng và nhân rộng đối với các địa bàn còn lại, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương phong trào xây dựng NTM ở địa phương đang diễn ra rất mạnh mẽ và đã đạt được những kết quả quan trọng. Chương trình OCOP (là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) hướng đến mỗi xã sẽ tạo ra ít nhất một hay nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, đồng thời góp phần xây dựng NTM trong tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững.
Đồng chí Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, đánh giá: “Hạ tầng kinh tế - xã hội đã cơ bản đồng bộ, an sinh xã hội, an toàn trật tự xã hội được bảo đảm; chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn ngày càng vững mạnh… đây là tiền đề vững chắc cho xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong giai đoạn 2021- 2025”. Với yêu cầu đặt ra trong thực hiện các tiêu chí NTM ngày càng cao, đồng chí Mai Hùng Dũng yêu cầu các địa phương cần lưu ý, quan tâm xây dựng và tổ chức phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, tăng chất lượng sản phẩm. Đây là yếu tố then chốt giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Được biết, đến cuối năm 2019, 100% xã trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM, sớm hơn 1 năm so kế hoạch và được Trung ương đánh giá cao. Hiện nay, tỉnh có 29/41 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 huyện, 2 thị xã đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM và thị xã hoàn thành nhiệm vụ NTM. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng trưởng không ngừng, năm 2021 đạt 71 triệu đồng/năm (cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước là 41,76 triệu đồng/năm).