Cải cách hành chính đi cùng tăng cường phân cấp, phân quyền

Monday, 08/22/2022 14:31
Acronyms View with font size

Để hiệu quả trong công tác cải cách hành chính, Hà Nội đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, uỷ quyền trên địa bàn; tiếp tục triển khai Đề án 06 của Chính phủ gắn với số hóa kết quả giải quyết TTHC… theo tinh thần tinh thần tôn trọng, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch Thành phố yêu cầu cải cách hành chính là tinh thần tôn trọng, phục vụ - Ảnh: VGP

Tiếp cận tư duy đổi mới, đột phá trong phân cấp, ủy quyền

Phát biểu tại hội nghị nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính TP. Hà Nội vừa diễn ra, Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh quan điểm, bản chất cải cách hành chính là thái độ của cán bộ, công chức chính quyền với người dân và doanh nghiệp, trên cơ sở thiết kế quy trình giải quyết công việc phù hợp.

Chủ tịch TP. Hà Nội yêu cầu lãnh đạo các đơn vị chuyển tải thông điệp tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để tạo nên sự khác biệt tốt về thái độ đối với người dân và doanh nghiệp trên tinh thần tôn trọng, phục vụ.

Để góp phần cải cách hành chính hiệu quả, Hà Nội đang trong quá trình xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền địa phương, theo hướng tăng cường phân cấp cho cấp huyện.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Hà Nội sẽ tiếp cận vấn đề với tư duy đổi mới, đột phá, xác định phân cấp, ủy quyền là nội dung quan trọng gắn với cải cách hành chính, nhằm giải quyết nhanh gọn các vấn đề, phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức, người dân trên địa bàn Thành phố.

Hà Nội là địa phương tiên phong về thực hiện phân cấp trong quản lý và có hệ thống văn bản quy phạm về phân cấp tương đối bao quát trong các ngành, lĩnh vực. Thành phố đang rà soát, bóc tách từng nhiệm vụ để tiếp tục phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện, cấp xã theo tinh thần giảm đầu mối. Cấp nào sát thực tế và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của người dân thì giao cho cấp đó thực hiện.

Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đang tham mưu triển khai Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào công tác ủy quyền, nhất là đối với những nhiệm vụ, thủ tục hành chính do các Sở, ngành đang thực hiện, trên tinh thần phân cấp, ủy quyền triệt để, phù hợp với việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi.

Chỉ đạo trong quá trình xây dựng Đề án, Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh về nguyên tắc phân cấp, ủy quyền cần phải làm từng bước, có thể thí điểm đối với một số lĩnh vực, một số địa bàn phù hợp, vừa bảo đảm tính ổn định, vừa tính đến yếu tố đổi mới, rõ trách nhiệm gắn với công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ.

Việc xây dựng quy định phân cấp, ủy quyền theo tinh thần phân cấp, ủy quyền triệt để theo quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn và cần phải được thực hiện quyết liệt theo phương châm "từ trên xuống" trên cơ sở đề xuất "từ dưới lên".

Bên cạnh xây dựng Đề án về phân cấp, ủy quyền, Hà Nội đang đẩy mạnh việc phân cấp đối với các cơ quan, đơn vị đủ điều kiện để thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương: Phân cấp, ủy quyền một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế xã hội; đất đai, xây dựng, công trình thủy lợi.

Trong đó, tăng cường phân cấp cho các quận đối với các lĩnh vực quản lý đường bộ, dịch vụ công ích đô thị (cây xanh, chiếu sáng, thoát nước) để khai thác, phát huy được các tiềm năng, thế mạnh của các quận.

Việc này nhằm bảo đảm tính nhanh chóng, kịp thời trong khâu tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tạo thuận lợi để Thành phố đổi mới theo hướng hiện đại hóa, đồng bộ hóa và tập trung quản lý khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Trước mắt, Thành phố tập trung đối với 05 lĩnh vực/nhiệm vụ: Quản lý đường bộ; đầu tư chợ; quản lý tượng đài, tranh hoành tráng; cấp điện chiếu sáng ngõ, ngách cho các quận; quản lý sau đầu tư đối với lĩnh vực di tích. Ngay trong năm 2022, thực hiện phân cấp để đồng bộ đầu tư và quản lý sau đầu tư lĩnh vực đường bộ và cây xanh.

Hồ sơ hành chính giải quyết đúng hạn đạt 99,78%

Trong 7 tháng năm 2022, theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, công tác cải cách hành chính của Thành phố đã được cải thiện và nâng cao, kết quả 7 tháng đầu năm đạt được nhiều kết quả tích cực, chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền Thành phố năm 2021 được duy trì và có sự chuyển biến.

Về cải cách thủ tục hành chính, Thành phố đã ban hành và triển khai Kế hoạch về xây dựng quy trình TTHC liên thông. Trên cơ sở đó, Thành phố đã phê duyệt Đề án "Liên thông TTHC: Đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước - Cấp phiếu lý lịch tư pháp’; Quy chế phối hợp thực hiện liên thông một số TTHC thuộc lĩnh vực Lao động, thương binh và xã hội; Quy chế phối hợp thực hiện liên thông các TTHC khi thực hiện TTHC lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Tư pháp và Thuế trên địa bàn.

Đến nay, 100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Hệ thống thông tin Một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của Thành phố đã thực hiện đồng bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin theo quy định. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ trong việc giải quyết TTHC, đảm bảo các quy định trong trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Kết quả giải quyết hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn trên toàn Thành phố 1.030.963 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,78% .

Đến nay, toàn Thành phố đã có 156/175 phường (đạt tỷ lệ 89,14%) thực hiện ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch đủ điều kiện tiêu chuẩn. Việc ủy quyền giúp giảm đầu mối, lược bỏ các bước xử lý nội bộ, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, hầu hết được trả kết quả ngay, được nhân dân ghi nhận đánh giá cao.

Bà Vũ Thu Hà cho biết, xây dựng và triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số được Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính. Cụ thể, ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và Kế hoạch năm 2022 triển khai nhiệm vụ Chính quyền số trong Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Hà Nội đã triển khai tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư theo yêu cầu, nhiệm vụ tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 16/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06). Đến nay, đã kết nối, duy trì, đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" và thực hiện làm giàu thông tin công dân trong CSDLQG về dân cư; khai thác thành công dữ liệu từ CSDLQG về dân cư trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến; phê duyệt 928 TTHC được lựa chọn tái cấu trúc, xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2022; chỉ đạo, triển khai và tích hợp hoàn thành đúng và trước thời hạn đối với 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 (đạt 84%).

Về giải pháp phát huy hiệu quả của cải cách hành chính trong năm 2022, Sở Nội vụ cho biết Thành phố tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, uỷ quyền trên địa bàn, tập trung vào công tác ủy quyền, nhất là đối với những nhiệm vụ, thủ tục hành chính do các Sở, ngành đang thực hiện, trên tinh thần phân cấp, ủy quyền triệt để, phù hợp với việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của Thành phố.

Tiếp tục triển khai Đề án 06 của Chính phủ gắn với số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội; tập trung hoàn thiện mô hình mẫu Bộ phận "một cửa" theo hướng điện tử thống nhất trên toàn Thành phố đảm bảo yêu cầu tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)