Thủ tướng nhấn mạnh các trọng tâm chỉ đạo, điều hành và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong tình hình mới

Thursday, 08/04/2022 14:17
Acronyms View with font size

Kết luận nội dung thảo luận về kinh tế-xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ các trọng tâm chỉ đạo, điều hành và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong tình hình mới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ.

Thủ tướng phát biểu kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 3/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 được kết nối trực tuyến tới các địa phương.

Trong buổi sáng, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Các báo cáo và ý kiến phát biểu tại phiên họp thống nhất đánh giá, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ và tác động lớn đến trong nước, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, ủng hộ của Quốc hội, sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, ứng phó, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, quyết liệt xử lý các công việc tồn đọng, kéo dài, nhất là các dự án yếu kém.

Thủ tướng biểu dương những nỗ lực và kết quả của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua. Đơn cử, Bộ Giao thông vận tải có những điểm sáng về giải ngân đầu tư công, cũng là Bộ có số vốn đầu tư công lớn nhất; quyết liệt triển khai thu phí không dừng; thúc đẩy phát triển đường sắt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đà phục hồi mạnh mẽ trên các lĩnh vực

Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tháng 7 và 7 tháng tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều ngành kinh tế phục hồi và phát triển mạnh, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, củng cố và tăng cường niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới chủ yếu do các biến thể mới song trong nước, dịch bệnh cơ bản vẫn được kiểm soát tốt trên toàn quốc.

Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước, bình quân 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ, cơ bản ổn định so với cùng kỳ từ năm 2018 đến nay; thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất, tỉ giá duy trì hợp lý; tín dụng tăng 9,42% so với cuối năm 2021 và tăng 16,6% so với cùng kỳ; các cân đối lớn được bảo đảm (thu-chi; xuất-nhập khẩu; cung-cầu lao động, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm). Thu ngân sách nhà nước ước đạt 77,5% dự toán, tăng 18,1%. 

Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, đã phục hồi, mở rộng sản xuất. Chỉ số IIP tháng 7 tăng 1,6% so tháng trước, tăng 11,2% so với cùng kỳ và 7 tháng tăng 8,8% (trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%); 61/63 tỉnh, thành phố có chỉ số công nghiệp 7 tháng tăng. Như vậy, IIP tăng ở mức cao trong 6 tháng liên tiếp. Chỉ số PMI sản xuất các ngành công nghiệp tháng 7 đạt 51,2 điểm (đánh dấu tháng thứ 10 liên tiếp đạt trên 50 điểm kể từ tháng 10/2021).

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định. Lĩnh vực thủy sản tăng trưởng tích cực, sản lượng 7 tháng tăng 2,4%. 

Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành: Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ 7 tháng tăng 16%, đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng (so với cùng kỳ các năm 2018, 2019 tăng lần lượt 15%, 27,6%). Khách quốc tế 7 tháng đạt gần 1 triệu lượt (gấp 10 lần cùng kỳ). Xuất nhập khẩu 7 tháng đạt gần 432 tỷ USD (tăng 14,8%), xuất siêu 764 triệu USD.

 

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Vốn FDI thực hiện 7 tháng đạt 11,57 tỷ USD tăng 10,2%, cao nhất từ 2018 đến nay; vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm 7,24 tỷ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ.

Về chương trình phục hồi và phát triển, đến nay, 14/17 văn bản đã được ban hành, cơ bản tạo khuôn khổ pháp lý và hướng dẫn để sớm đưa các chính sách vào thực tiễn; nhiều nội dung lần đầu tiên triển khai nhưng đã được nhanh chóng xây dựng, đánh giá tác động và ban hành theo đúng quy định. Việc giải ngân các chính sách thuộc Chương trình đạt kết quả tốt, thống kê sơ bộ đạt khoảng 48 nghìn tỷ/301 nghìn tỷ.

Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 7 là 15.500 doanh nghiệp, 7 tháng là 133,7 nghìn doanh nghiệp (gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rời khỏi thị trường). Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng là trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 37,2% so cùng kỳ.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được chú trọng. Chuỗi các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, thiết thực, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tổ chức an toàn, hiệu quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đã hỗ trợ 728.500 lượt người sử dụng lao động và 50 triệu lượt người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 với tổng kinh phí trên 82,1 nghìn tỷ đồng. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống dân cư tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ có thu nhập không đổi và tăng lên là 81,6%.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, xử lý kịp thời, phù hợp các vấn đề phát sinh. Thông tin truyền thông được tăng cường; kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, phản bác nhiều thông tin giả, xấu, độc hại...

Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài được chỉ đạo giải quyết (như phương án xử lý các ngân hàng; nhóm 12 dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn...; dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2; Hồ thủy lợi Bản Mồng).

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế uy tín đã đánh giá cao kết quả đạt được và triển vọng phát triển của Việt Nam. Theo báo cáo mới đây, chỉ số "Chất lượng sống" của Việt Nam đạt 78,49 điểm, xếp vị trí 62/165 các quốc gia trên bảng xếp hạng, tăng 39 bậc chỉ sau 1 năm. Việt Nam vừa được bầu là thành viên Ủy ban Liên Chính phủ - cơ chế điều hành, giám sát việc thực hiện Công ước 2003 - nhiệm kỳ 2022-2026 của UNESCO, với số phiếu cao.

 

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp - Ảnh: VGP/nhật Bắc

Quan tâm hơn nữa tới an ninh, an toàn, an dân, an sinh xã hội

Lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực và kết quả của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua. Đơn cử, Bộ Giao thông vận tải có những điểm sáng về giải ngân đầu tư công. Đây cũng là Bộ có số vốn đầu tư công lớn nhất; quyết liệt triển khai thu phí không dừng; thúc đẩy phát triển đường sắt…

Thủ tướng cũng lưu ý một số công việc cụ thể như đề nghị Bộ Công an nghiên cứu và có giải pháp về vấn đề liên quan tới mẫu hộ chiếu mới, tránh những tác động bất lợi trong bối cảnh mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát đã dũng cảm hy sinh trong vụ cháy gần đây tại Hà Nội, đồng thời nhắc nhở các địa phương quan tâm hơn nữa tới công tác bảo đảm trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân, trong đó có công tác phòng cháy, chữa cháy.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương thúc đẩy mạnh mẽ việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; công khai trên báo chí về những địa phương làm tốt và chưa làm tốt. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có các chỉ đạo, đôn đốc về nội dung này.

 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Vừa qua, theo đề nghị của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, các địa phương triển khai công việc này, đồng thời cơ cấu lại đội ngũ giáo viên một cách phù hợp, khoa học, hiệu quả, sát thực tế, tránh lãng phí, tiêu cực.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, công tác điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ được chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên. Việc điều hành tế vĩ mô vừa qua rất quan tâm lắng nghe ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp, người dân, sát tình hình, kịp thời, phù hợp, như vấn đề giá cả, nguồn cung xăng dầu, thịt lợn…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế đã cơ bản giải quyết được một bước; sắp tới, sẽ tính phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần, trân trọng, gìn giữ sách để dùng lâu dài.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết năm 2022 đã lập kỷ lục mới về các khoản hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; tới tháng 7, đã gia hạn các khoản thuế trị giá khoảng 43.000 tỷ, miễn giảm các khoản thuế, phí, lệ phí khoảng 46.000 tỷ, vượt qua số tiền gia hạn, miễn giảm trong các năm 2020 và năm 2021.

 

Thủ tướng cho rằng cần tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo của Đảng; đoàn kết thống nhất, giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính; hết sức bình tĩnh, giữ vững bản lĩnh, phát huy kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, đánh giá đúng nguyên nhân để có nguyên nhân, giải pháp phù hợp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tình hình kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tiếp tục được triển khai đồng bộ, quyết liệt, bài bản. Trong tháng 7, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 14 Nghị quyết; 07 văn bản quy phạm pháp luật (05 nghị định, 02 quyết định quy phạm pháp luật của Thủ tướng). Tính chung 7 tháng, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 06 Luật, 04 Nghị quyết; ban hành 93 Nghị quyết; 66 văn bản quy phạm (49 Nghị định, 17 quyết định quy phạm pháp luật của Thủ tướng).

Thống nhất với các đánh giá về những thành tựu, kết quả đạt được, Thủ tướng nêu nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, 41/51 bộ, cơ quan Trung ương và 18/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình cả nước.

Việc triển khai một số chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng văn bản hướng dẫn và giải ngân vốn một số chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là do giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; khó khăn về vốn, tín dụng...

Đời sống một bộ phận người dân khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thiệt hại do thiên tai tăng, tổng giá trị thiệt hại 5.624,5 tỷ đồng (gấp 7,3 lần cùng kỳ năm 2021).

Số ca mắc COVID-19 tăng do sự xuất hiện của biến chủng mới. Công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.

Trong số các nguyên nhân chủ quan và khách quan, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan là vẫn còn một số tập thể lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu chưa thực sự sâu sát, quyết liệt, chưa bám sát công việc, kiểm tra đôn đốc và đôi khi còn lơ là, chủ quan.

Nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng cần tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo của Đảng; đoàn kết thống nhất, giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính; hết sức bình tĩnh, giữ vững bản lĩnh, phát huy kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, đánh giá đúng nguyên nhân để có nguyên nhân, giải pháp phù hợp.

 

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không" - ẢNh: VGP/Nhật Bắc

Những trọng tâm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới

Về trọng tâm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không".

Theo đó, 4 ổn định gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và giá cả, thị trường các loại hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Phân tích cụ thể hơn, Thủ tướng nêu rõ, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn là mục tiêu ưu tiên, xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là nền tảng, là tiền đề của mọi thành công trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Ba nội dung tăng cường gồm: Tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đặc biệt là tăng cường tiêm vaccine; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính. Việc tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả rất có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ hiện nay.

Hai nội dung đẩy mạnh gồm: Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho nhân dân cùng với tăng cường phòng chống tăng cường tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công và công tác quy hoạch.

Một tiết giảm là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết.

Một kiên quyết không là không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột từ cực này sang cực kia mà luôn chủ động, khoa học, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng nêu rõ, trước hết, tập trung công tác hoàn thiện thể chế theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; triển khai, thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội.

Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

Tập trung thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài.

Chú trọng phát triển văn hoá xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hoà với phát triển kinh tế.

Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đẩy mạnh công tác đối ngoại, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên.

Tăng cường thông tin - truyền thông, tạo động lực, cảm hứng và niềm tin cho nhân dân, ngăn chặn, vô hiệu hóa các thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, sai sự thật, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; các cơ quan báo chí và truyền thông phải có kế hoạch truyền thông cụ thể, bài bản, chuyên nghiệp.

Thủ tướng nêu rõ, từ kinh nghiệm "xương máu", vaccine vẫn là vũ khí chiến lược, lá chắn hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch; cần tiếp tục đẩy nhanh tiêm vacccine phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng; theo sát diễn biến, sẵn sàng các phương án, kịch bản, nhân lực, trang thiết bị vật tư, y tế phục vụ khám chữa bệnh và cho công tác phòng, chống dịch trên phạm vi toàn quốc và ở từng địa bàn.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, trong tình hình mới với những diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, quy mô còn hạn chế, sức chống chịu có hạn, nhiệm vụ là rất nặng nề, đề nghị các cấp, các ngành phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, vai trò tập thể lãnh đạo và trách nhiệm người đứng đầu, bám sát tình hình thực tiễn, xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả, phát hiện kịp thời, xử lý các vấn đề phát sinh, điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Về các kiến nghị, Thủ tướng đề nghị các địa phương gửi trực tiếp Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ tập hợp, các cơ quan đưa ra lộ trình, phương án xử lý kịp thời, hiệu quả, tránh ách tắc.

Trong buổi chiều 3/8, Chính phủ tiếp tục nghe các báo cáo và thảo luận về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm tổng hợp kết quả 06 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công) và tình hình triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia (xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)